Ngô nhân Dụng – Nguoiviet
Một bức hình được truyền đi trên mạng trong tuần qua cho thấy cảnh một đống tiền lẻ, đồng đô la Canada, để lộn xộn trên mặt một hộp cao bằng kim loại, tại cửa ra vào trạm xe điện ngầm (metro). Người chuyển bức hình đi giải thích rằng máy bán vé tự động bị hư nên hành khách đã để tiền lên mặt vuông cái máy, thay vì “nhẩy rào” qua mà đi. Nhiều người lên tiếng khen ngợi dân Canada lương thiện; so sánh với tiếng tốt của dân Nhật Bản vẫn được truyền tụng từ lâu. Có người, ở một nước Châu Âu, viết rằng, “Nếu ở nước tôi thì mấy đồng tiền đó đã biến mất sau mấy giây đồng hồ!”Không ai kiểm chứng bức hình trên là thật hay một trò đùa nghịch. Nói như vậy không phải vì nghi ngờ tính lương thiện của dân Canada. Tôi đã sống ở Montréal, Canada hơn 20 năm dài (hơn thời gian từng sống ở Sài Gòn hay Hà Nội) nên đã gặp rất nhiều người thành thật, lương thiện, rất đáng kính trọng. Nhưng trong một thành phố lớn (cho nên lập đường metro) mấy triệu người, chắc một phần tư dân chúng là di dân mới một đời, ta không biết ai là “người Canada” thật sự. Di dân mới tới có khi vẫn “nhẩy rào” để được đi metro miễn phí! Tôi đã chứng kiến, ở một xứ được coi là lương hảo nhất thế giới, là Thụy Ðiển, cảnh người đi xe lửa bị lấy trộm, người thì bị móc túi. Bạn tôi ở Phần Lan kể trước đây 20 năm dân xứ này bỏ xe đạp trước cửa nhà, không cần khóa, mà không bao giờ mất. Nhưng mươi năm nay, sau khi các chế độ cộng sản sụp đổ ở Âu Châu thì người Phần Lan cũng bị mất trộm; vì rất nhiều di dân mới đổ vào. Du lịch ở các nước khác như Anh, Pháp, Ý, người ta cũng được khuyến cáo phải coi chừng kẻ cắp.
Dân Phần Lan, Thụy Ðiển, Canada vẫn thường đứng đầu trong bảng xếp hạng các nước có “cuộc sống hạnh phúc” trên thế giới. Những người hạnh phúc thường cũng sống thật thà, lương thiện; có thể tin như vậy. Nhưng dân các nước nghèo không nhất thiết phải sống kém lương thiện. Một thế kỷ trước đây, Huân tước Baden Powell, người sáng lập phong trào Hướng Ðạo thế giới, đã viết những lời nồng nhiệt ca ngợi đời sống hiền hòa, lương hảo của dân Miến Ðiện. Mà lúc đó Miến Ðiện còn nghèo hơn Việt Nam bây giờ!
Khi nào thì một nước sinh ra đầy trộm cắp? Khi có nhiều người dân nghèo và xã hội bất công, thì nạn trộm cắp sẽ phát sinh. Khi một nước có cả hai yếu tố, nghèo và bất công, thì do “thượng bất chính, hạ tất loạn” nên mới có “bần cùng sinh đạo tặc.” Giữa Nghèo và Bất Công thì nạn Bất Công là thủ phạm chính gây ra cảnh “trộm cắp như rươi;” nếu chỉ nghèo không thôi người ta vẫn muốn sống lương thiện. Khi mọi người đều tôn trọng luật pháp, ai làm giầu được đều do công sức của chính họ, thì cả xã hội vẫn có thể sống trong đạo lý. Giấy rách giữ lấy lề. Ðói cho sạch, rách cho thơm. Người Việt Nam vẫn dạy con cháu như thế, từ lúc cả nước cùng nghèo.
Quý vị độc giả có thể mới đọc bản tin về một cô gái lấy cắp của đại sứ một nước Trung Á, trong một siêu thị ở Hà Nội. Người Việt Nam xưa nay vốn thật thà, hay là vốn tính bất lương? Cũng vậy, hãng Hàng Không Việt Nam mới lập “sổ đen,” kê tên những người Trung Quốc đã từng lấy trộm trên máy bay. Nếu Hàng Không Việt Nam gửi cả danh sách này cho các công ty hàng không khác trong vùng thì có bêu riếu cả dân tộc Trung Hoa hay không? Cũng không khác gì các cửa hàng bên Nhật viết bảng cảnh cáo “không được lấy trộm,” viết bằng tiếng Việt, cho khách hàng dễ hiểu!
Tôi không tin rằng dân hai nước Việt Nam và Trung Quốc đều có tính trộm cắp. Thói ăn cắp, ăn trộm phát triển trong các nước này, vì hoàn cảnh sống trong cảnh vừa nghèo lại vừa bất công. Suốt từ thế kỷ 19, 20 dân Việt Nam đã sống trong chế độ thuộc địa bóc lột và bất công. Nước Trung Hoa sống dưới chế độ ngoại thuộc Mãn Thanh từ thế kỷ 17, rồi bị các cường quốc Tây phương lấn ép. Rồi cả hai dân tộc, Trung Hoa và Việt Nam đều sống dưới chế độ cộng sản hơn nửa thế kỷ vừa qua. Chế độ cộng sản tàn phá luân lý, đạo đức của hai dân tộc mạnh hơn các chế độ ngoại thuộc, thực dân. Vua quan nhà Mãn Thanh và thực dân Pháp gây ra cảnh bất công, nhưng họ không tìm cách xóa bỏ các nền nếp đạo lý của dân bản xứ. Trái lại, các chế độ cộng sản đều lật đổ, xóa sạch các quy tắc luân lý cổ truyền, đề ra mục tiêu “xây dựng những con người mới,” mà không biết phải xây dựng như thế nào.
Khi Hồ Chí Minh viết về việc xây dựng một nền đạo đức mới, thì các đảng viên cộng sản được dạy rằng đạo đức cách mạng quan trọng nhất là “luôn luôn tuân phục đảng.” Ðiều này ông ta cũng chỉ họ được từ Mao Trạch Ðông và Lưu Thiếu Kỳ. Hậu quả là người ta không cần theo một quy tắc luân lý nào khác, nếu chỉ hành động theo lệnh “Ðảng.” Mà Ðảng chính là các lãnh tụ; không còn ai khác nữa.
Các chế độ độc tài chuyên chế đều kèm theo một guồng máy tuyên truyền dối trá. Khi người dân một nước phải nghe nói dối ngày này sang ngày khác, phải lấy giả làm thật, đen nói ra trắng, nếu không biết dối trá, không biết cúi đầu sợ sệt thì không sống được, khi đó xã hội sẽ phải suy đồi, không còn chút luân thường đạo lý nào nữa. Các đảng Cộng sản Trung Hoa và Việt Nam đã phá hủy nền đạo lý cổ truyền của hai dân tộc. Hơn nữa, họ xóa bỏ tập quán sống theo pháp luật, vì đặt chính trị lên trên luật pháp. Do đó, tới khi họ mở cửa cho kinh tế thị trường xuất hiện, thì những tệ hại lớn nhất của thời “tư bản hoang dã” bộc phát rất nhanh.
Từ khi các đảng cộng sản quay chiều theo kinh tế tư bản, nói chung dân Việt Nam và Trung Hoa không thể coi là nghèo được nữa. Nhưng vì chế độ vẫn độc tài chuyên chế, cho nên xã hội càng bất công hơn các nước tư bản vào thế kỷ 19. Tiền của được tích lũy vào tay các lãnh tụ, các đảng viên, cho đàn em và phe cánh. Khi những người nghèo khổ sống bên cạnh những kẻ làm giầu vừa bất hợp pháp vừa không bất lương, thì người ta không còn tin ở đạo lý nữa, dễ làm bậy. Khi lòng tham nổi lên, kẻ trộm cắp và tự biện hộ với lương tâm mình rằng chung quanh họ bao nhiêu đứa nó trộm cắp nhiều gấp hàng ngàn lần mình, nếu mình có tội cũng là tội nhỏ!
Những người Trung Hoa đi máy bay chắc không thể coi là nghèo. Cô gái ăn cắp trong siêu thị chắc cũng có công việc làm đủ sống. Tại sao họ lại ăn cắp? Vì họ đã chứng kiến cảnh những kẻ khác đã trộm cắp hàng triệu, hàng tỷ đô la, giầu gấp trăm, gấp ngàn họ, vẫn sống nhởn nhơ!
Ðạo lý suy đồi không phải chỉ là một vấn đề xã hội, văn hóa. Khi nhìn về lâu về dài, thì cảnh cả luật pháp lẫn đạo lý suy đồi sẽ khiến cho kinh tế một nước không thể tiến lên được. Nền kinh tế tư bản dựa trên luật pháp, mà nhờ luật lệ nghiêm minh nên mọi người bị bắt buộc phải sống lương thiện hơn. Tại các quốc gia bình thường, dù là ở những nước nổi tiếng lương thiện như Phần Lan, Thụy Ðiển, Canada, vẫn có kẻ trộm. Nhưng khi làm ăn, làm ăn lớn, thì người ta có thể tin nhau, vì có luật pháp. Nếu luật pháp không đủ rộng để ràng buộc tất cả, thì còn có đạo lý. Kinh tế thị trường phát triển nhờ các nền tảng đó.
Những người Trung Hoa ăn cắp trên máy bay không làm hại cho kinh tế Trung Quốc bằng quan chức điều khiển các doanh nghiệp nhà nước, hoặc tư doanh. Bởi vì khi họ gian dối, người ta sẽ sợ không còn muốn làm ăn với nước Trung Hoa nữa.
Công ty hàng ăn McDonald hôm qua vừa quyết định ngưng không mua thịt từ một xí nghiệp Trung Quốc nữa. Các công ty Burger King và Yum Brands, chủ nhân các cửa hàng KFC cũng làm theo. Công ty Trung Quốc là Phúc Hỷ, ở Thượng Hải đã cung cấp thịt cũ, quá hạn cho các cửa hàng ăn này. Từ nay, McDonald sẽ mua thịt từ Thái Lan.
Tháng trước, mấy ngân hàng ngoại quốc, trong đó có Citigroup và Standard Chartered đã lâm nạn vì một vụ gian trá khác của mấy xí nghiệp Trung Quốc. Một công ty Trung Quốc vay, Ðức Thành Khoáng Nghiệp vay tiền của nhiều ngân hàng và đem một số kim loại làm thế chấp. Nhưng người ta khám phá ra là số kim loại này, chứa trong nhà kho tại hai cảng Thanh Ðảo và Bồng Lai, đã được đem thế chấp cho nhiêu món nợ khác nhau!
Những vụ gian dối của các công ty Phúc Hỷ và Ðức Thành sẽ làm hại cả các công ty Trung Quốc khác, điều này hiển nhiên. Từ chuyện ăn cắp trên máy bay đến chuyện đánh lừa trong thương trường quốc tế, tất cả đều là hậu quả của một chế độ gian dối, tham nhũng, bất công. Không thoát khỏi chế độ đó thì tương lai sẽ mù mịt!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét