Thứ Hai, 28 tháng 7, 2014

NÔ LỆ THỨC TỈNH

Vnthuquan

Bản án chế độ thực dân Pháp

Nguyễn Ái Quốc
I- Ở ĐÔNG DƯƠNG
Tháng 11 năm 1922, 600 thợ nhuộm ở Chợ Lớn (Nam Kỳ) vì bị bớt lương nên đã quyết định bãi công.
Cuộc phản công của bọn chủ liền diễn ra ở khắp nơi, và khắp nơi giai cấp công nhân cũng bắt đầu giác ngộ về lực lượng và giá trị của mình.
Nếu những công nhân bản xứ khốn khổ kia, thường là rất ngoan ngoãn, dễ sai, dễ bảo, không được giáo dục và tổ chức, đã đi đến chỗ phải tập hợp nhau lại – do bản năng tự vệ, nếu có thể nói như thế- và đấu tranh chống những đòi hỏi tàn bạo của chủ, thì đó là vì tình cảnh của họ quá ư khốn khổ, khốn khổ đến mức mà ở châu Âu người ta không tưởng tượng được. Đây là lần đầu tiên, một phong trào như thế nhóm lên ở thuộc địa. Chúng ta hãy ghi lấy dấu hiệu đó của thời đại và chúng ta đừng quên rằng bổn phận của chúng ta – những người lao động ở chính quốc – không phải chỉ tỏ tình đoàn kết với những anh em cùng giai cấp ở đấy bằng lời nói, mà còn phải giác ngộ họ, giáo dục họ về ý thức tổ chức và về phương pháp tổ chức.

II- Ở ĐAHÔMÂY
Lo sợ về giai cấp công nhân ở chính quốc đã thức tỉnh, chủ nghĩa tư bản Pháp tìm cách di chuyển nền thống trị của nó qua các thuộc địa. Tại đó, nó vơ vét nguyên liệu cho các nhà máy và sử dụng những lực lượng phản động và lạc hậu(1) để chống lại cách mạng. Báo chí tư sản ở Pari và các tỉnh thường xuyên dành hàng trang cho mục thuộc địa. Các tướng tá và nghị sĩ tổ chức những cuộc diễn thuyết về thuộc địa. Những cây bút quan liêu và những người nói khoác ấy không tìm đâu ra đủ lời lẽ để ca ngợi công ơn khai hoá “của họ” và lòng trung thành của người bản xứ.
Đôi khi các ngài ấy trơ tráo đến mức đem lòng… nhân từ của họ đối lập với sự cướp bóc của thực dân Anh; họ cho chính sách của người Anh là “phương pháp tàn nhẫn” hoặc “thái độ thô bạo” và quả quyết rằng cách làm của người Pháp là đầy công bằng và từ thiện!
Chỉ cần nhìn qua các thuộc địa Pháp một chút cũng đủ thấy công cuộc khai hoá đó là “đẹp đẽ và nhân từ” biết chừng nào?
Ở Đahômây, người ta tăng thêm thuế vốn đã quá nặng đối với người bản xứ. Người ta bắt thanh niên phải bỏ nhà cửa, ruộng nương để đi làm “những người bảo vệ văn minh”. Người ta cấm người bản xứ mua sắm và sử dụng vũ khí để chống thú dữ thường phá hoại sạch trơn hàng loạt làng xóm. Giáo dục, vệ sinh đều thiếu. Trái lại, người ta không từ một thủ đoạn nào để bắt người Đahômây “được bảo hộ” phải chiụ cái chế độ “dân bản xứ” đáng phỉ nhổ, một chế độ đã hạ con người xuống hàng con vật và làm ô nhục cho cái thế giới gọi là văn minh. Dân bản xứ không cam chịu nhục được mãi, phải vùng lên. Thế là đàn áp đẫm máu. Người ta dùng những biện pháp cứng rắn. Người ta điều quân đội, súng liên thanh, súng cối và tàu chiến đến, người ta ra lệnh giới nghiêm. Người ta bắt bớ và bỏ tù hàng loạt. Đấy! Công cuộc khai hoá nhân từ là như thế đấy!
III- Ở XYRI
Dân Xyri lấy làm hài lòng, rất hài lòng về chính sách cai trị của tướng Gurô, các nhà đương cục đều nói như thế. Nhưng các sự việc sau đây đã chứng minh trái ngược lại:
Tháng 3 năm 1922, ông Muyxtapha Kêman đến Métxin. Để đón tiếp ông, người Hồi giáo Xyri dựng một khải hoàn môn có cắm cờ đen mang các khẩu hiệu: “Thổ và Arập là anh em!”, “Xin chớ quên những người anh em Xyri”, “Hãy giải phóng cho chúng tôi”, v.v..
Việc ông Muyxtapha Kêman đến thăm Ađana đã gây nên những cuộc biểu tình sôi nổi. Trong hai ngày liền, những người trong phong trào phục quốc ở Ăngchiôsơ và Alếchxăngđrét đã giương cờ đen kéo qua các phố và hô lớn những khẩu hiệu chống chế độ uỷ trị Pháp.
Đáp lời kêu gọi của phái đoàn phục quốc Xyri, nghe đâu ông Muyxtapha Kêman đã nói: “Một trung tâm văn minh đã tồn tại(2) từ bao thế kỷ như Xyri không thể nằm trong tay người ngoại quốc được”.
Chủ nghĩa thực dân Pháp không hề thay đổi cái châm ngôn “chia để trị” của nó. Chính vì thế mà nước An Nam, một nước có chung một dân tộc, chung một dòng máu, chung một phong tục, chung một lịch sử, chung một truyền thống, chung một tiếng nói, đã bị chia năm sẻ bảy. Lợi dụng một cách xảo trá sự chia cắt ấy, người ta hy vọng làm nguội được tình đoàn kết, nghĩa đồng bào trong lòng người An Nam và tạo ra những mối xung khắc giữa anh em ruột thịt với nhau. Sau khi đẩy họ chống lại nhau, người ta lại ghép một cách giả tạo các thành phần ấy lại, lập nên một “Liên bang” gọi là Liên bang Đông Dương.
Trong các thuộc địa mới, người ta cũng lại thấy cái sách lược ấy. Sau khi chia cắt đất nước Xyri thành “một số quốc gia”, cao uỷ Pháp ở Bâyrút lại lập một “Liên bang” Xyri, gồm các “nước” Alép, Đamát, và Alauit(3). Một lá quốc kỳ đã được bày đặt ra nhằm mục đích đó. Cũng như đối với lá cờ An Nam, người ta không quên vá vào lá cờ liên bang đó một miếng “cờ bảo hộ”, ở góc trên gần cán. Ngày 11 tháng 12 năm 1922 là ngày lễ “long trọng”, lân đầu tiên lá cờ ấy được kéo lên nóc phủ liên bang ở Alép.
Trong dịp ấy, nhiều nhà cầm quyền đã đọc diễn từ. Ông Xubi Baraca Bây, chủ tịch liên bang, đã nói nào là “nước bảo hộ rộng lượng”, nào là “người hướng đạo chân thành”, nào là “những vị tướng lĩnh chiến thắng”, và hàng tràng những điều khác nữa. Ông Bôbe đơ Ke, quyền cao uỷ, cũng đọc đítcua rất dài. Ngoài những điều khác ra, vị quan cao cấp ấy đã nhắc lại rằng, “nước Xyri độc lập không phải là dân tộc đầu tiên được nước Pháp săn sóc từ trong nôi”, v.v.. Nhưng, tất cả những lời lẽ huênh hoang rỗng tuếch ấy chẳng đánh lừa được ai. Phái đoàn Xyri – Palextin lãnh nhiệm vụ đấu tranh cho độc lập và thống nhất – chân chính – của nước Xyri ở Hội nghị Lôdannơ đã gửi một bức thư phản kháng. Bức thư này đã được đăng trên tờ La Tribune d’Orient, và chúng tôi rất sung sướng được sao lại dưới đây:
Thưa ngài,
“Giữa lúc người ta đương cố hàn gắn những lỗ hổng mà Hiệp ước Xevơrơ đã khoét ra trong vấn đề Cận Đông và giữa lúc dân tộc Arập đang phải chịu đựng, so với mức hy sinh tự nguyện của mình, những điều tai hại trực tiếp nhất do hiệp ước đó gây ra, thì ở hội nghị của các ngài, hội nghị tổ chức ra với mục đích thiết lập một nền hoà bình vững chắc và lâu dài, tiếng nói của các đại biểu dân tộc Arập ở các khu vực khác nhau vẫn chưa được lắng nghe.
“Thế mà chính lúc này lại là lúc các nhà cầm quyền Pháp chọn để khánh thành một cách long trọng công cuộc thực dân hoá mà họ đã tiến hành từ bốn năm nay bằng cách gắn cái tượng trưng cho chế độ nô lệ vĩnh viễn là những miếng cờ tam tài lên lá cờ mà người ta vừa mới gán cho cái gọi là “Liên bang Xyri”. Thế là một lần nữa, người ta lại phủ nhận những lời tuyên bố của Đồng minh, những điều mà nước Anh đã nhân danh Đồng minh cam kết với các dân tộc Arập, và ngay cả những lời của các chính khách Pháp hứa bảo đảm nền độc lập cho xứ Xyri bất hạnh. Nước Xyri hiển nhiên có đủ tư cách để được độc lập nhanh chóng, hoàn toàn, và xứng đáng với nền độc lập ấy không kém bất cứ một nước nào khác ở phương Đông hay ở phương Tây. Thế mà Xyri lại không được phép có một quốc kỳ riêng của mình. Người ta đã buộc Xyri phải đính vào quốc kỳ của mình cái mảnh tam tài làm dấu hiệu cho chế độ uỷ trị, là một sự thôn tính trá hình.
“Thưa ông chủ tịch, từ trước tới nay chúng tôi luôn luôn phản đối chế độ uỷ trị, không bao giờ chúng tôi công nhận chế độ ấy cả, ngày nay chúng tôi lại cực lực phản đối việc gắn cái dấu hiệu tượng trưng của chế độ ấy vào lá cờ của chúng tôi.
“Hầu hết các cường quốc, kể cả những nước lớn mạnh không kém gì nước Pháp, đều không bao giờ dùng phương pháp làm nhục ấy đối với những thuộc địa lạc hậu nhất của họ.
“Hiến chương Hội quốc liên quy định rõ tính chất tạm thời của chế độ uỷ trị (điều 22, đoạn 4). Vậy thì nhà chức trách Pháp dựa trên cơ sở nào để gán ghép màu cờ của họ cho một nước mà họ đòi dìu dắt đến độc lập, một nền độc lập đã được Hiến chương Hội quốc liên công nhận?
“Thưa ngài, chúng tôi trân trọng yêu cầu ngài xét lời phản kháng của chúng tôi về vấn đề ấy, và một lần nữa, chúng tôi nhắc lại nguyện vọng tha thiết nhất của chúng tôi là những yêu sách chính đáng của chúng tôi sẽ được bênh vực tại hội nghị.
“Kính mong, v.v..
“Thay mặt trưởng đoàn đại biểu
Xyri – Palextin
Tổng thư ký
EMIA SEKIP ACXLAN
Ngoài ra, những người ở Hama, phần nhiều là công chức, luật sư, giáo sư, nhà báo, nhà buôn, đã gửi cho thủ tướng Pháp một bức thư mà sau đây là những đoạn chính:
“Thưa ngài Thủ tướng, chúng tôi được hân hạnh trình bày với ngài các yêu sách của chúng tôi, đồng thời chúng tôi phản đối sự phản ứng của cái hội đồng đó, sự phản ứng mà chúng tôi cho là đã đi ngược lại lợi ích của chúng tôi và lợi ích của cả nước Xyri nói chung.
“1. Cái hội đồng liên bang ấy không phải là do quốc dân bầu ra. Vì thế, các uỷ viên của hội đồng đó hoàn toàn không có tư cách là đại biểu của quốc dân, cũng không thể phản ánh ý chí của quốc dân.
“2. Hội đồng ấy không có quyền hành gì cả; nó bị bắt buộc chỉ được thảo luận những vấn đề nào mà người ta muốn đưa ra trước nó, nên ngay cả những vấn đề sống còn của đất nước, nó cũng không thể đề cập đến được. Sau hết, các nghị quyết của hội đồng lại hoàn toàn phụ thuộc vào quyền hành của cao uỷ, cao uỷ có thể tuỳ tiện thi hành hay bác bỏ.
“3. Chính ngay cơ sở của hội đồng ấy cũng không vững, bởi vì mỗi bang chỉ có một đại biểu, mặc dầu dân số các bang không bằng nhau. Lại còn điều kỳ quặc phi lý này nữa là hội đồng không theo nguyên tắc đa số, có một ý kiến bất đồng là cuộc biểu quyết coi như không có giá trị và vấn đề phải đưa lên cao uỷ quyết định.
“4. Người ta giới thiệu hội đồng này như là một bước tiến trên con đường đi đến thống nhất, thật ra nó là sự phủ nhận thống nhất, phủ nhận ngay đến cả tư cách của đất nước nữa, vì đã là một hội đồng chỉ định ra thì nó hoàn toàn không phản ánh được ý chí của quốc dân; thậm chí nó còn có thể đi ngược lại ý chí đó, trong khi trước con mắt của toàn thế giới, nó lại có thể được coi như là cơ quan đề đạt nguyện vọng của nhân dân Xyri, và do đó sẽ cung cấp cho người ta những lý do để khước từ những yêu sách chính đáng của quốc dân chúng tôi.
….
“Còn về nguyện vọng của chúng tôi, thì có thể nêu lên như sau:
“a) Công nhận nền độc lập thật sự và sự thống nhất của Xyri.
“b) Sau khi làm xong cuộc điều tra dân số đang tiến hành thì sẽ tổ chức phổ thông đầu phiếu để bầu ra quốc hội. Quốc hội sẽ ban hành hiến pháp và quyết định chính thể. Quốc hội có thể được triệu tập vào cuối năm 1922, tức là lúc hội đồng liên bang sẽ được triệu tập.
“c) Thành lập một chính phủ chịu trách nhiệm trước quốc hội, và quốc hội, trong những quyền hạn của nó, phải có toàn quyền lập pháp.
“Đó mới là những nguyện vọng thật sự của nhân dân Hama, mà cũng là nguyện vọng của tuyệt đại đa số nhân dân Xyri”.
°
° °
Từ khi tập sách nhỏ này viết xong, thì nhiều biến cố nghiêm trọng đã xảy ra ở nhiều thuộc địa. Đó là quả bom ở Quảng Châu do một người An Nam ném, là những quả bom ở Ăngtiơ, những vụ bãi công đẫm máu ở Guyađơlúp, những cuộc biểu tình không kém đổ máu ở Đamát, những vụ bãi công ở Bidéctơ(4), ở Hammănglíp(5) và tình hình sôi sục ở Tuynidi.
IV- CÁCH MẠNG NGA VỚI CÁC DÂN TỘC THUỘC ĐỊA
Chủ nghĩa tư bản là một con đỉa có một cái vòi bám vào giai cấp vô sản ở chính quốc và một cái vòi khác bám vào giai cấp vô sản ở thuộc địa. Nếu muốn giết con vật ấy, người ta phải đồng thời cắt cả hai vòi. Nếu người ta chỉ cắt một vòi thôi, thì cái vòi còn lại kia vẫn tiếp tục hút máu của giai cấp vô sản, con vật vẫn tiếp tục sống và cái vòi bị cắt đứt lại sẽ mọc ra.
Cách mạng Nga hiểu rất rõ điều đó. Cho nên nó không dừng lại ở việc đọc những bài diễn văn lý tưởng đẹp đẽ và thông qua những kiến nghị nhân đạo để ủng hộ các dân tộc bị áp bức, mà cách mạng Nga dạy cho họ đấu tranh. Cách mạng Nga giúp đỡ họ về tinh thần và vật chất như Lênin đã viết trong luận cương của Người về vấn đề thuộc địa. Cách mạng Nga đã triệu tập họ đến Đại hội Bacu: hai mươi mốt dân tộc phương Đông đã phái đại biểu tới dự. Những đại biểu của các đảng công nhân phương Tây cũng tham gia Đại hội. Đó là lần đầu tiên trong lịch sử, giai cấp vô sản ở các nước xâm lược và giai cấp vô sản ở các nước bị xâm lược đã nắm tay nhau trong tình anh em và cùng nhau tìm cách đấu tranh cho có hiệu quả chống chủ nghĩa tư bản là kẻ thù chung của họ.
Sau cuộc Đại hội lịch sử ấy, mặc dù đang phải đương đầu với những khó khăn dồn dập trong nước và ngoài nước, nước Nga cách mạng vẫn không hề một phút do dự trong việc giúp đỡ các dân tộc ấy, những dân tộc mà nó đã thức tỉnh bằng tấm gương cách mạng anh dũng và thắng lợi của nó. Việc làm đầu tiên của nó là thành lập Trường đại học phương Đông.
Hiện nay, Trường đại học phương Đông có l.025 sinh viên mà 151 là nữ sinh. Trong số sinh viên đó, có 895 người là đảng viên cộng sản. Thành phần xã hội của sinh viên như sau: 547 nông dân, 265 công nhân, 210 trí thức. Ngoài ra còn có 75 học sinh thiếu niên từ l0 đến 16 tuổi.
Có 150 giáo sư phụ trách giảng dạy về khoa học xã hội, về toán học, về chủ nghĩa duy vật lịch sử, về lịch sử phong trào công nhân, về khoa học tự nhiên, về lịch sử các cuộc cách mạng, về khoa kinh tế – chính trị, v.v., v.v.. Trong lớp học, thanh niên của sáu mươi hai dân tộc sát cánh nhau như anh em ruột thịt.
Trường có 10 ngôi nhà lớn dành cho sinh viên. Lại có một rạp chiếu bóng, thứ năm và chủ nhật chiếu cho sinh viên xem không lấy tiền, các ngày khác thì cho một người thầu thuê. Có hai thư viện với 47.000 quyển sách giúp cho các nhà cách mạng trẻ tuổi bồi dưỡng tư tưởng và đi sâu vào việc nghiên cứu. Mỗi dân tộc hoặc “nhóm” lại có một tủ sách riêng gồm sách báo bằng tiếng mẹ đẻ của mình. Phòng đọc sách được sinh viên trang trí rất có mỹ thuật, và có đầy đủ các báo hằng ngày và tạp chí.
Sinh viên tự mình cũng ra một tờ báo có “một bản duy nhất” dán vào một cái bảng to đặt trước cửa phòng đọc sách. Những người đau ốm được điều trị trong bệnh viện của nhà trường. Một trại điều dưỡng ở Crimê được dành riêng cho những sinh viên mới ốm dậy. Chính phủ Xôviết tặng nhà trường hai trại nghỉ gồm có chín ngôi nhà. Mỗi trại có một nhà chăn nuôi để nghiên cứu việc chăn nuôi. Đồng chí bí thư nông nghiệp của trường không giấu nổi niềm tự hào khi nói với tôi: “Chúng tôi đã có 30 con bò cái và 50 con lợn”. Trại còn có 100 hécta đất để cho sinh viên trồng trọt. Trong các kỳ nghỉ, sau giờ làm việc và tập luyện, sinh viên đi giúp đỡ nông dân.
Nhân đây cũng nói thêm rằng, một trong hai trại nghỉ ấy trước kia là tài sản của một đại công tước Nga(6). Thật là ngộ nghĩnh khi trông thấy lá cờ đỏ kiêu hãnh phấp phới trên đỉnh ngọn tháp được trang điểm bằng chiếc mũ miện đại công tước và thấy những người nông dân trẻ tuổi Triều Tiên hay Ácmêni chuyện trò và vui đùa không chút kiêng nể trong phòng lễ của “hoàng tử điện hạ”.
Sinh viên ăn, mặc, ở đều không mất tiền. Mỗi tháng, mỗi người còn được lĩnh năm rúp vàng để tiêu vặt.
Để sinh viên có những kiến thức cơ bản về khoa nuôi trẻ, nhà trường nhận đỡ đầu một nhà nuôi trẻ và một nhà gửi trẻ kiểu mẫu gồm 60 em nhỏ xinh xắn.
Mỗi năm Trường đại học phương Đông chi tiêu đến 516.000 rúp vàng.
Các đại biểu của 62 dân tộc trong Trường đại học lập thành một “công xã”. Chủ tịch và các cán sự của công xã đều do đầu phiếu phổ thông bầu ra, ba tháng một lần. Một đại biểu sinh viên tham gia việc quản lý kinh tế và hành chính. Tất cả các sinh viên đều lần lượt thay phiên nhau làm bếp, làm công tác thư viện, câu lạc bộ, v.v.. Tất cả những vụ tranh chấp và “phạm pháp” đều do một toà án được bầu ra xét xử trước mặt toàn thể các đồng chí. Mỗi tuần, công xã họp một lần để thảo luận tình hình chính trị và kinh tế thế giới. Thỉnh thoảng lại tổ chức những cuộc mít tinh và những buổi tối giải trí, trong đó có những nghệ sĩ tài tử đột xuất làm cho anh em được thưởng thức nghệ thuật và văn học muôn màu muôn vẻ của những đất nước xa xôi.
Một điểm đặc biệt làm nổi bật sự “dã man” của những người bônsêvích là không những họ coi những người dân thuộc địa “thấp kém” ấy như anh em, mà còn mời họ tham gia đời sống chính trị của nước Nga nữa. Những sinh viên khi ở quê hương mình chỉ là những “dân thuộc địa”, “dân bị bảo hộ”, nghĩa là những người không có quyền gì khác ngoài quyền nộp thuế, những người không được góp ý kiến vào công việc của nước mình, không được phép bàn bạc chính trị, thì nay được tham gia tổng tuyển cử của nhân dân để bầu những đại biểu của mình vào các Xôviết. Mong rằng những anh em của tôi ở các thuộc địa đang hoài công tốn của cầu cạnh xin xỏ thay đổi quốc tịch mãi mà không được, hãy thử so sánh nền dân chủ tư sản với nền dân chủ vô sản (7)xem!
Tất cả những sinh viên ấy đều đã từng chịu đau khổ và trông thấy cảnh đau khổ. Tất cả đều đã sống dưới “nền văn minh cao đẳng” và dưới sự áp bức bóc lột của chủ nghĩa tư bản nước ngoài. Cho nên, tất cả đều phấn khởi và thiết tha học hỏi. Họ rất hăng hái và nghiêm túc. Họ hoàn toàn không có vẻ công tử ăn chơi nhàn nhã(8) như những thanh niên phương Đông du học ở Pari, Ôxpho, hoặc Béclin. Người ta có thể nói không ngoa rằng Trường đại học phương Đông ấp ủ dưới mái của mình tương lai của các dân tộc thuộc địa.
Miền Cận Đông và Viễn Đông, kể từ Xyri đến Triều Tiên – chỉ tính những nước thuộc địa và nửa thuộc địa thôi – có một diện tích rộng hơn 15 triệu kilômét vuông, với số dân hơn l.200 triệu người. Tất cả những nước rộng lớn ấy hiện đang ở dưới ách của chủ nghĩa đế quốc tư bản. Và mặc dầu dân số của họ đáng lẽ phải làm cho họ có sức mạnh, các dân tộc bị áp bức đó vẫn chưa bao giờ ra sức tìm tòi thật đến nơi đến chốn con đường tự giải phóng, cho nên họ chưa hiểu được giá trị của sự đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế. Họ chưa có những mối liên hệ giữa các lục địa như các dân tộc châu Âu và châu Mỹ. Họ có sẵn trong bản thân một sức mạnh vô cùng to lớn mà họ chưa biết! Việc thành lập Trường đại học phương Đông đánh dấu một kỷ nguyên mới; trong khi tập hợp những người trẻ trung, hoạt bát, thông minh của các nước thuộc địa lại, nhà trường đang tiến hành một sự nghiệp vĩ đại là:
a) Giáo dục cho các chiến sĩ tương lai ấy nắm được nguyên lý đấu tranh giai cấp là nguyên lý mà một mặt, những cuộc đấu tranh chủng tộc, mặt khác, những tập tục gia trưởng đã làm cho mơ hồ, lẫn lộn trong đầu óc họ.
b) Làm cho đội tiên phong của lao động thuộc địa tiếp xúc mật thiết với giai cấp vô sản phương Tây để dọn đường cho một sự hợp tác thật sự sau này; chỉ có sự hợp tác này mới bảo đảm cho giai cấp công nhân quốc tế giành được thắng lợi cuối cùng.
c) Làm cho các dân tộc thuộc địa, từ trước đến nay vẫn cách biệt nhau, hiểu biết nhau hơn và đoàn kết lại để đặt cơ sở cho một Liên minh phương Đông tương lai, khối liên minh này sẽ là một trong nhưng cái cánh của cách mạng vô sản.
d) Nêu lên cho giai cấp vô sản ở những nước mà giai cấp tư sản có thuộc địa, một tấm gương về những điều họ có thể làm và phải làm cho những người anh em của họ đang bị nô dịch.
V. HỠI ANH EM VÔ SẢN VÀ NÔNG DÂN CÁC THUỘC ĐỊA!Cuộc chém giết đẫm máu thế giới đã mở mắt cho hàng triệu vô sản và nông dân các thuộc địa thấy rõ hoàn cảnh sinh sống không sao chịu nổi của mình. Một loạt những cuộc bùng nổ cách mạng mãnh liệt, nhưng chưa được tổ chức, đã đánh dấu sự kết thúc của cuộc chiến tranh thế giới. Lực lượng tự phát không gì ngăn nổi và khát khao chiến đấu cho một tương lai tốt đẹp hơn ấy, là do giai cấp tư sản dân tộc bản xứ tổ chức và lãnh đạo. Lớn mạnh lên trong thời kỳ chiến tranh, giai cấp tư sản dân tộc đó không muốn nằm mãi trong nanh vuốt của chủ nghĩa đế quốc và để cho chúng nắm phần to lớn nhất trong việc bóc lột “công nhân và nông dân của mình” nữa. Khẩu hiệu đấu tranh giải phóng dân tộc của giai cấp tư sản trẻ tuổi ở thuộc địa đề ra, được quần chúng lao động ở Ấn Độ, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, v.v. hoan nghênh nhiệt liệt và ủng hộ mạnh mẽ.
Quốc tế Cộng sản đấu tranh không ngừng chống bọn cá mập tư sản ở tất cả các nước trên thế giới. Có thể nào nó lại giả vờ quay lưng lại với phong trào giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa và nửa thuộc địa được không ?
Không! Quốc tế Cộng sản đã công khai tuyên bố ủng hộ và giúp đỡ cuộc đấu tranh ấy, và trung thành với mục tiêu của mình, Quốc tế Cộng sản vẫn tiếp tục ủng hộ cuộc đấu tranh ấy.
(Trích Tuyên ngôn của
Ban Chấp hành Quốc tế thứ ba)
VI- MỘT BẢN HIỆU TRIỆU CỦA QUỐC TẾ NÔNG DÂN
GỬI NÔNG DÂN LAO ĐỘNG CÁC THUỘC ĐỊAQuốc tế Nông dân mới đây họp Đại hội lần đầu tiên ở Mátxcơva đã ra lời kêu gọi dưới đây để tỏ rõ sự quan tâm của mình đối với nông dân lao động các thuộc địa:
Hỡi anh chị em nông dân lao động các thuộc địa!
Hỡi anh chị em nông dân thuộc địa, anh chị em là những người nô lệ hiện đại: hàng triệu anh chị em ở ngoài đồng ruộng, trên thảo nguyên và trong núi rừng của hai lục địa, đang rên xiết dưới hai tầng áp bức của chủ nghĩa tư bản nước ngoài và bọn chủ bản xứ.
Họp lần đầu tiên ở Mátxcơva để thành lập một tổ chức đấu tranh mà cho đến nay nông dân chưa có, Đại hội Quốc tế Nông dân kêu gọi ý thức giai cấp của anh chị em và yêu cầu anh chị em hãy gia nhập hàng ngũ tổ chức đó.
Anh chị em còn khốn khổ hơn các bạn nông dân ở chính quốc, vì ngày công quá dài, vì đói khổ, vì ngày mai bấp bênh.
Anh chị em thường bị cưỡng bách lao động như khổ sai, bị bắt đi khuân vác đến chết người và đi lao dịch không thời hạn.
Anh chị em bị đè bẹp dưới thuế khoá.
Chủ nghĩa tư bản bóc lột dìm anh chị em trong cảnh tối tăm ngu dốt, áp bức anh chị em về mặt tư tưởng và tiêu diệt nòi giống của anh chị em bằng rượu và thuốc phiện.
Chế độ bản xứ bỉ ổi do bọn đế quốc tư bản đặt ra, tước mất của anh chị em mọi quyền tự do cá nhân, mọi quyền lợi chính trị và xã hội, do đó, đã hạ anh chị em xuống thân phận trâu ngựa.
Đẩy anh chị em vào cảnh cùng khổ và phá sản như vậy chưa đủ, chủ nghĩa tư bản còn bắt anh chị em lìa bỏ gia đình, đồng ruộng, đưa anh chị em ra làm bia đỡ đạn, ném anh chị em vào những cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn đánh lại nhân dân bản xứ khác hoặc chống lại nông dân, công nhân ở chính quốc.
Hỡi anh chị em cùng khổ ở các thuộc địa!
Hãy đoàn kết lại!
Hãy tổ chức lại!
Hãy phối hợp hành động của anh chị em với hành động của chúng tôi, chúng ta cùng nhau đấu tranh cho công cuộc giải phóng chung!
Công cuộc giải phóng nhân dân thuộc địa thành công muôn năm!
Quốc tế lao động muôn năm!
Quốc tế Nông dân muôn năm!
VII- TỔ CHỨC CÔNG ĐOÀN Ở THUỘC ĐỊA
Trích biên bản phiên họp ngày 27 tháng 6 năm 1923, kỳ họp thứ ba của Ban Chấp hành Trung ương Quốc tế Công hội đỏ.
Đấu tranh công đoàn ở thuộc địa
Chủ nghĩa đế quốc hiện đại đặt nền móng trên sự bóc lột hàng triệu người lao động ở các nước thuộc địa và nửa thuộc địa. Bởi thế, nó chỉ tan rã hoàn toàn và vĩnh viễn khi nào chúng ta phá bỏ được nền móng đó của lâu đài đế quốc chủ nghĩa. Theo quan điểm đó, việc tổ chức công đoàn ở các nước thuộc địa có một tầm quan trọng đặc biệt. Thế mà đoàn viên của Quốc tế Công hội đỏ hầu như chưa hề làm được gì ở Ai Cập, ở Tuynidi và ở tất cả các nước đương nằm dưới gót sắt của chủ nghĩa đế quốc Pháp. Mối liên hệ hiện có giữa các nhóm công nhân ở các thuộc địa Pháp và các công đoàn Pháp chỉ là do ngẫu nhiên. Không có một hoạt động có hệ thống nào cả, mà rõ ràng là nếu chưa tranh thủ được quần chúng ở thuộc địa thì chúng ta không đủ sức phá huỷ bộ máy đế quốc chủ nghĩa. Việc cần thiết hiện nay là phải phát động một cuộc tuyên truyền rộng lớn để thành lập các tổ chức công đoàn ở các nước thuộc địa và phát triển các công đoàn hiện có dưới hình thức phôi thai. Ngoài ra, chúng ta cần phải tỏ rõ tình hữu ái giai cấp thực sự giữa những người lao động thuộc mọi dân tộc, mọi chủng tộc để khắc phục sự nghi kỵ của những người lao động thuộc địa đối với những đại diện của những chủng tộc thống trị. Mối liên hệ hữu cơ giữa công đoàn thuộc địa và công đoàn chính quốc chỉ có thể là kết quả của một quá trình công tác rất lâu dài trong các thuộc địa.
Không được quên những người lao động thuộc địa, phải giúp đỡ các tổ chức của họ, đấu tranh bền bỉ chống những chính phủ của chính quốc đang áp bức các thuộc địa, đó là một trong những nhiệm vụ cấp thiết nhất của tất cả các công đoàn cách mạng, nhất là ở các nước có giai cấp tư sản đi nô dịch và bóc lột các nước thuộc địa và nửa thuộc địa.
°
° °
TUYÊN NGÔN CỦA “HỘI LIÊN HIỆP THUỘC ĐỊA”,
TỔ CHỨC CỦA NHỮNG NGƯỜI DÂN BẢN XỨ
Ở TẤT CẢ CÁC THUỘC ĐỊA
“Hỡi anh em ở các thuộc địa! Năm 1914, vì phải đương đầu với một tai hoạ ghê gớm, những người cầm quyền nhà nước đã quay về phía anh em và yêu cầu anh em đồng tình góp phần hy sinh của mình để cứu vãn một tổ quốc mà người ta nói là của anh em, nhưng thật ra cho đến khi đó, anh em chỉ biết có cái đầu óc thống trị của nó mà thôi.
“Để làm cho anh em không ngần ngại, họ không quên làm loé lên trước mắt anh em những quyền lợi mà sự hợp tác với họ sẽ đưa lại cho anh em. Nhưng qua cơn bão táp rồi, thì đâu lại hoàn đó, anh em vẫn phải sống trong chế độ bản xứ, với những toà án đặc biệt, thiếu hẳn các quyền lợi gắn liền với phẩm giá con người như quyền tự do lập hội, tự do hội họp, tự do báo chí, tự do đi lại ngay cả trên đất nước của anh em. Đó là về mặt chính trị.
“Về mặt kinh tế, anh em vẫn phải chịu nạn sưu dịch nặng nề mà nhân dân oán ghét, vẫn phải đóng thuế muối, vẫn bị đầu độc và cưỡng bách tiêu thụ rượu và thuốc phiện như ở Đông Dương, vẫn bị đi gác đêm để canh giữ tài sản cho bọn cá mập thực dân, như ở Angiêri.
“Lao động như nhau, nhưng công sức của anh em lại bị trả tiền ít hơn các bạn người Âu của anh em.
“Cuối cùng, người ta hứa hẹn với anh em đủ mọi thứ trên trời dưới biển, nhưng giờ đây anh em thấy toàn là những lời lừa dối cả.
“Anh em phải làm thế nào để được giải phóng?
“Vận dụng công thức của Các Mác(9), chúng tôi xin nói với anh em rằng, công cuộc giải phóng anh em chỉ có thể thực hiện được bằng sự nỗ lực của bản thân anh em.
“Hội Liên hiệp thuộc địa thành lập chính là để giúp đỡ anh em trong công cuộc ấy.
“Với sự giúp đỡ của các đồng chí ở chính quốc đồng tình với sự nghiệp của chúng ta, Hội tập hợp tất cả những người quê ở thuộc địa hiện sống trên đất Pháp.
“Biện pháp hoạt động: Để thực hiện sự nghiệp chính nghĩa ấy, Hội quyết định đưa vấn đề ra trước dư luận bằng báo chí và ngôn luận (tổ chức nói chuyện, mít tinh, thông qua các bạn dân biểu mà đặt vấn đề ra trên diễn đàn các nghị viện) và bằng tất cả mọi biện pháp mà chúng ta có thể làm.
“Hỡi các bạn bị áp bức ở chính quốc! Giai cấp tư sản trong nước các bạn đã lừa dối các bạn, dùng các bạn làm công cụ đi xâm lược đất nước chúng tôi. Ngày nay, vẫn dùng cái chính sách quỷ quyệt ấy giai cấp tư sản nước các bạn lại định dùng chúng tôi để đàn áp mọi cố gắng tự giải phóng của các bạn.
“Đứng trước chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa đế quốc, quyền lợi của chúng ta là thống nhất, các bạn hãy nhớ lời kêu gọi của Các Mác:
“Vô sản tất cả các nước, đoàn kết lại!”.
“Hội Liên hiệp thuộc địa”
Chú thích
1) Bản tiếng Pháp xuất bản năm 1946: “… et du matériel humain pour sa contre révolution” (sử dụng nhân lực để chống lại cách mạng).
2) Bản tiếng Pháp năm 1946: “Un foyer qui date…” (một trung tâm đã tồn tại).
3) Alep, Damas, Alaouites. Alep là một thành phố của Xyri; Damas là thủ đô của Xyri; Alaouites là lãnh thổ của Xyri bị thực dân Pháp cắt ra thành một khu vực tự trị từ năm 1924 đến năm 1930.
4) Bizerte. Quân cảng của n­ước Tuynidi.
5) Hammanlif. Một thành phố của n­ước Angiêri.
6) T­ước của thái tử thời Nga hòang
7) Bản tiếng Pháp xuất bản n¨m 1946: “… la démocratie bourgeoise et la démocratie ouvrière!” (nền dân chủ t­ư sản và nền dân chủ của công nhân).
8) Nguyên bản: Ils n’ont pas du tout l’air boulevardier et quartier latiniste. Có nghĩa là: họ không có vẻ hạng ng­ồi rong chơi trên các đại lộ hoặc ở khu phố latinh.
9) Nguyên bản: Formule de Karl Marx. Công thức này Mác nêu trong Điều lệ của Hội Liên hiệp lao động quốc tế: “Sự giải phóng của giai cấp công nhân phải là sự nghiệp của bản thân giai cấp công nhân”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét