BBC
Có tin một số nhà hoạt động dân chủ ở
TP HCM bị ngăn chặn không cho tiếp xúc với đặc phái viên LHQ về
tự do tôn giáo.
Ông Heiner Bielefeldt, báo cáo viên đặc biệt về tự do tôn giáo
của LHQ, vừa dẫn đầu một đoàn làm việc vào TP HCM hôm 25/7 để
tìm hiểu tình hình sinh hoạt tôn giáo ở thành phố này.Tuy nhiên, nhà báo Phạm Chí Dũng, Chủ tịch Hội Nhà báo độc lập Việt Nam, nói công an TP HCM và một số địa phương khác đã “ngăn chặn không cho ra khỏi nhà đối với những người đấu tranh dân chủ vào ngày 25/7/2014 và cả một số ngày sau đó” để họ không thể tiếp xúc với đoàn ngoại quốc.
Ông Dũng cho BBC hay những người bị ngăn cản có bản thân ông, các nhà hoạt động khác như bác sỹ Nguyễn Đan Quế, bà Dương Thị Tân (vợ ông Nguyễn Văn Hải tức blogger Điếu Cày), cựu tù nhân chính trị Phạm Bá Hải, và hai mục sư Tin Lành là Nguyễn Hoàng Hoa và Nguyễn Mạnh Hùng.
Những người này đều nằm trong số các chức sắc tôn giáo và nhân chứng mà ông Bielefeldt có kế hoạch gặp gỡ nhằm kiểm chứng việc “Việt Nam chấp nhận các khuyến nghị của Hội đồng Nhân quyền LHQ”.
Theo ông Phạm Chí Dũng, những người này “bị công an địa phương ngăn chặn ngay tại nhà riêng” và khi họ “muốn rời khỏi nhà đều bị nhân viên an ninh và cảnh sát xô đẩy bằng hành vi thô bạo và hoàn toàn bất hợp pháp”.
Về phần mình, chính phủ Việt Nam không đưa thông tin về các cuộc gặp dự định này. Tuy nhiên, trong quá khứ đã có nhiều cáo buộc về việc nhà chức trách ngăn cản các nhân vật hoạt động dân chủ tiếp xúc với chính giới nước ngoài.
Vi phạm cam kết
Chuyến thăm của đặc phái viên LHQ về tự do tôn giáo là một trong các cam kết của Việt Nam trước Hội đồng Nhân quyết LHQ khi tham gia hội đồng này.Tuy nhiên, ông Dũng tố cáo rằng “bằng chứng ngăn chặn công dân mới nhất vừa nêu đã cho thấy đối với giới lãnh đạo cao cấp Việt Nam, nói và làm vẫn là hai hành vi khác nhau về bản chất, không chỉ bản chất chính trị mà cả về tư cách chính khách”.
Việc này đặc biệt xảy ra ngay trước thềm cuộc đối thoại nhân quyền Việt Nam-Australia sẽ diễn ra vào cuối tháng.
Ông Heiner Bielefeldt đang có chuyến thăm 11 ngày tới Việt Nam bắt đầu từ 21/7.
Trong phát biểu trước chuyến đi, ông nói đây là “cơ hội để tôi trao đổi với Chính phủ, hiểu rõ hơn cách họ bảo vệ và thúc đẩy tự do tôn giáo hoặc tín ngưỡng và chia sẻ kiến thức của tôi về những vấn đề liên quan tới quyền tự do tôn giáo hay tín ngưỡng.”
Ông cũng có nhiệm vụ xác định những cản trở hiện hữu hoặc đang tới với việc thực hiện quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam và đưa ra những khuyến cáo cụ thể để vượt qua.
Báo cáo về chuyến đi của ông từ chuyến đi sẽ được trình lên Hội đồng Nhân quyền trong năm tới.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét