Thứ Sáu, 11 tháng 7, 2014

Sinh viên và kiến thức về biển đảo – Phần 2

Chân Như, phóng viên RFA
Phần âm thanh Tải xuống âm thanh

000_Hkg9887013-305.jpg

Sinh viên và kiến thức về biển đảo – Phần 1

Chuyên gia Trịnh Khắc Mạnh (trái) thuộc Học viện Khoa học Xã hội Việt Nam (VASS) trao đổi với các phóng viên và các bạn trẻ về tài liệu Hán Nôm cổ về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa trên Biển Đông, ngày 03 tháng 6 năm 2014 tại Hà Nội.  -AFP PHOTO / HOANG DINH Nam

Sự kiện biển đông vẫn đang là đề tài nóng trên các mặt báo ở VN, nhưng cho đến nay chính quyền VN chưa có một động thái nào khác ngoài việc kiên trì giải quyết bằng con đường hòa bình nhằm giữ vững quan hệ hữu nghị giữa hai nước. Với tình hình biển Đông dậy sóng như vậy, các bạn trẻ VN, chính xác là giới sinh viên học sinh nắm vững được bao nhiêu kiến thức về biển, đảo của đất nước đó là đề tài mà chúng tôi đang gởi đến quý vị và các bạn tuần qua cùng với 3 bạn, Mặc Khải, một tác giả, Đoan Trang, một nhà báo, và Bảo Nguyễn, một nhà kinh doanh.

Tuần trước quý thính giả và các bạn đã nghe 3 bạn khách mời trong chương trình đã chia sẻ nhận xét của họ về tình hình giáo dục tại VN và cần làm gì để học sinh sinh viên hiểu hơn về tình hình biển đảo cũng như, đã nghe qua một số nhận định của sinh viên học sinh về Biển Đông. Tuần này chúng tôi mời quý vị tiếp tục đến với kỳ 2 và cũng là kỳ cuối cho đề tài này.

Hậu quả của giáo dục nhà nước

Trước khi đi vào phần chia sẻ của 3 bạn khách mời, Chân Như mời quý vị theo dõi một vài những chia sẻ của các sinh viên học sinh mà chúng tôi có dịp tiếp chuyện:
“Theo em thì thông qua lịch sử thứ nhất, thứ hai là thông qua thông tin về đại chúng thì chúng ta cũng nên nắm bắt và kêu gọi mọi người có một tinh thần quyết tâm chủ quyền của đất nước như là bảo vệ cho đất nước tránh những thế lực thù địch có ý định xấu rất là tốt”.
“Mình có nhận định là ở trên Biển Đông hiện nay rất là căng thẳng, nó đang ảnh hưởng đến cả đất liền”.
“Theo mình thì phía Trung Quốc đã vi phạm luật biển theo liên ước Liên Hiệp Quốc, vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của VN trên vùng đặc quyền kinh tế của nước ta, khi đưa giàn khoan vào vùng biển như hiện nay. Tuy nhiên thì mình nghĩ Việt Nam nên cần bình tĩnh tránh gây bất đồng và tranh chấp mới”.
“Theo cá nhân nhận định về tình hình Biển Đông hiện nay thì mình thấy nó rất căng thẳng, với giới trẻ chúng ta cần bảo vệ chủ quyền biển đảo”.
“Tôi nghĩ một khía cạnh nào đó thì khá là nghiêm trọng và đảng và chính quyền nên có cách xử lý như thế nào đấy để giúp dân tốt hơn và để xóa đi cái nỗi lo lắng của người dân. Còn đối với mỗi người chúng ta thì cần phải có cái tư tưởng nhất định, để có thể bảo vệ chủ quyền biển đảo của nước mình, đoàn kết đồng lòng với nhau, cùng đứng lên bảo vệ Biển Đông, và hãy chứng tỏ là Biển Đông thuộc về VN. Hơn thế nữa tôi cũng hy vọng rằng, dân của VN cũng có thể ngày một đoàn kết hơn để cùng bảo vệ xây dựng, góp phần tốt hơn cho đất nước”.
Giới trẻ nói riêng và người dân nói chung người ta không có thói quen sinh hoạt chánh trị. Cho nên là người ta chỉ biết nương theo cái gì mà báo chí chánh thống đưa ra.
-Mặc Khải
Chân Như: Phần chia sẻ vừa rồi thì các bạn đã nghe được những từ như: “bảo vệ tránh thế lực thù địch”, “cần bình tĩnh”, “khá nghiêm trọng, cần đảng có cách xử lý”, “cần phải có tư tưởng nhất định”, nghe ra nó như những lời thông tin, tuyên truyền trên hệ thống truyền thông nhà nước, mà nhà nuớc sử dụng để định hướng dư luận, chia sẻ của các bạn?
Đoan Trang: Em cũng cảm thấy như anh, những cái đó thời gian em là sinh viên, học sinh mà có ai hỏi em thì chắc em cũng sẽ trả lời như vậy. Em Nghĩ rằng nó là hậu quả của một cái chất giáo dục chung của nhà nước, tức là họ không khuyến khích có sự suy nghĩ khác, cho nên nếu các bạn có nghĩ như vậy thì em thấy nó cũng không có gì là lạ lắm.
Mặc Khải: Đối với Mặc Khải nghĩ rằng một cái đặc thù của xã hội hiện nay, đó là giới trẻ nói riêng và người dân nói chung người ta không có thói quen sinh hoạt chánh trị. Cho nên là người ta chỉ biết nương theo cái gì mà báo chí chánh thống đưa ra, và nghĩ rằng đó là cái mình được quyền nói và mình sẽ không bị coi là phản động. Điều thứ hai đó là giới trẻ Việt Nam họ quen sống trong hòa bình thanh trị, lần đầu tiên họ thấy có bạo loạn xảy ra, có tranh chấp, có va chạm trên Biển Đông họ cảm thấy bất ổn, mà chúng ta phải nhận ra một điều rằng kể từ khi có những chuyển biến trên Biển Đông, chúng ta vẫn chưa hề có một thông cáo chánh thức nào từ phía nhà nước. Cái diễn biễn hiện thời là tự thân các báo chí, truyền thông trích dẫn các phát biểu của các giới chức.
Mặc Khải cho rằng đây là những bài báo, những thông tin phi chánh thức. Mà vì vậy thì chúng ta cần phải có sự tỉnh táo khi tiếp nhận thông tin, một rừng thông tin, thông tin chính thống, thông tin phi chính thống và điều này lại làm cho một cái sự hoang mang trong xã hội. Với lại trong thực thế hiện nay, luật pháp quốc tế họ không công nhận việc tuyên bố lãnh thổ có được từ chiến tranh xâm lược, và vì vậy cách hay nhất Việt Nam có thể làm là đấu tranh phi vũ trang, chạy đua về pháp lý, giống như ngài thẩm phán của tòa án công ly quốc tế vừa có chuyến ghé thăm Đà Nẵng và phát biểu cho rằng, chạy đua pháp lý thì vẫn tốt hơn và có hiệu quả hơn là chạy đua vũ khí tại Biển Đông vào thời điểm này.

000_Hkg9862626-600.jpg
Việt Nam quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo qua các panô tuyên truyền trên đường phố Hà Nội hôm 27/5/2014

Đoan Trang: Mặc Khải có một ý em thấy rất là hay, bạn nói, dường như thanh thiếu niên Việt Nam cảm thấy hoang mang bất ổn bởi vì bây giờ thời đại thông tin mà sống giữa một rừng thông tin. Cái này em chia sẻ thêm tức là hồi năm 1986, khi đất nước rơi vào tình hình khủng hoảng, rất tồi tệ, giá cả nó lên, em nghĩ theo giờ chứ không phải theo ngày. Hồi đó em còn bé nhưng em chứng kiến được, em cảm thấy sợ hãi và em thấy ai cũng hoang mang. Dường như là càng không có thông tin thì người ta càng sợ, người ta có cảm giác người ta một mình phải tự chống chọi với khó khăn của cuộc sống, không biết bao giờ mới có ánh sáng, em cho rằng cái cảm giác sợ hãi vì không có thông tin nó còn khinh khủng hơn là cảm giác sợ hãi vì có thông tin.
Khi người ta biết tình trạng, tình hình, thì vẫn hơn là người ta không biết, thà rằng biết, nhìn rõ mọi sự để mình bình tĩnh tìm ra giải pháp nó còn hơn là phải tranh đấu trong cái màn đêm và không biết là xung quanh mình có bạn bè nào, đồng minh nào, kẻ thủ nào, một nhà báo thì em luôn cho rằng có thông tin thì tốt hơn là không có.
Mặc Khải: Quan điểm của Đoan Trang thì Mặc Khải hoàn toàn đồng ý cái điều về minh bạch thông tin là rất rất quan trọng, nhưng mà ban nãy có sự hiểu lầm, cái điều mà Mặc Khải đưa ra là các bạn hoang mang, bất ổn, lo lắng không phải vì tiếp cận quá nhiều thông tin mà là vì các bạn quen sống với hòa bình rồi, và chúng ta, cái giới truyền thông cần phải minh bạch thông tin, cần phải trấn an dư luận. Cái điều mà xã hội người ta không hoang mang, người ta vẫn bình tĩnh để tiếp tục vượt qua những cái khó khăn, những cái biến động của đất nước rất là quan trọng.

Cần trang bị kiến thức đúng đắn

Chân Như: Kiến thức hạn chế về lịch sử, địa lý của đất nước sẽ dẫn đến những suy nghĩ lệch lạc, phiến diện của rất nhiều bạn trẻ. Vậy thì hành động cấp thiết hiện nay để trang bị kiến thức đúng đắn cho các bạn trẻ về biển đảo trong lịch sử cũng như địa lý là gì?
Đoan Trang: Để trang bị kiến thức đúng đắn cho các bạn trẻ thì phần lớn những kiến thức chúng ta có được sẽ phải là tự chúng ta tìm hiểu, có thể khẳng định luôn là không một trường học nào ở Việt Nam, không một quyển sách nào ở Việt Nam có thể giúp được các bạn cả, các bạn phải tự học. Biện pháp đơn giản nhất là hãy vào internet, chấp nhận là vào cả những trang mà các bạn có thể mới nhìn thấy hết cả hồn tưởng là phản động, nói chung internet là cái kho vàng và rác lẫn lộn, cho nên các bạn phải thu nạp hết rồi sau đó sẽ chọn lọc dần.
Cái hình thức thứ hai mà em nghĩ nó cũng khá là hay đó là các bạn có thể thành lập những nhóm gọi là những cái họp hội, hay những nhóm học hành, cùng nhau học tập cùng nhau , cái này nó có một cái hay là các bạn có thể trao đổi tài liệu cùng nhau, nhưng có một cái các bạn cũng cần phải cẩn thận, tức là khi đã thành một nhóm rồi thì phải có phương pháp nghiên cứu để không dẫn đến tình trạng là sai cả chùm thì nó không ổn, em cho rằng việc học thành nhóm như thế nó cũng hiệu quả. Ngoài ra thì các bạn cũng có thể tham gia nhiều hơn vào những hội thảo mở, có các trí thức đôi khi vẫn mở những cái hội thảo như vậy để mời công chúng đến nghe, nó cũng là một cách để tăng cường tinh thần cộng đồng. Và một điểm nữa là các bạn cũng cần phải học ngoại ngữ cho tốt, để có vào mạng thì cũng phải cần đọc các trang mạng của nước ngoài nữa.
Không một trường học nào ở Việt Nam, không một quyển sách nào ở Việt Nam có thể giúp được các bạn cả, các bạn phải tự học. Biện pháp đơn giản nhất là hãy vào internet.
-Đoan Trang
Mặc Khải: Mặc Khải hoàn toàn đồng ý với ý kiến của Đoan Trang đó là, chúng ta không thể trông chờ vào chương trình giáo dục phổ thông được, bởi vì nó chỉ cho chúng ta nền tảng, quan trọng là mỗi người phải biết tự thân vận động, tự học tự nghiên cứu. Như ban đầu Mặc Khải đã nói thì giới trẻ hiện nay họ không có thói quen về sinh hoạt chánh trị, thực tế là nhà trường đại học, và nhà trường phổ thông cấp 3 họ vẫn có những buổi nói chuyện chuyên đề, nhưng mà hầu như các bạn vẫn chưa có ý thức được tầm quan trọng của nó, các bạn đi như một nghĩa vụ, các bạn đến mà các bạn chỉ làm việc riêng hầu như không biết được nội dung là gì. Thế thì, đã là cái nếp rồi chúng ta chỉ có một giải pháp duy nhất là chúng ta phải giáo dục một cách thụ động, có nghĩa là chúng ta tuyên truyền dần qua hệ thống thông tin truyền thông hay là các biểu ngữ trên đường phố chẳng hạn, lâu dần các bạn mỗi ngày gặp một chút thì các bạn tích lũy dần. Chứ bây giờ chúng ta kêu là các bạn ơi hãy đi dự hội thảo này đi dự cái buổi nói chuyện kia thì chắc chắn các bạn sẽ không đi. Đó là thói quen và cái nếp lười trong sinh hoạt chánh trị của giới trẻ Việt Nam, mà nó hiển nhiên không thể bằng một, hai lời kêu gọi suông mà thay đổi được.
Còn để nói về kiến thức để trang bị thì người ta nói những cái rất là cao siêu vĩ mô, nhưng theo Mặc Khải thì có 2 cái quan trọng nhất mà chúng ta cần nắm, cái thứ nhất là Công ước quốc tế về luật biển, nó nói gì? chắc chắn rằng khi hỏi thì không phải ai cũng biết và trả lời được câu hỏi này, thì khi biết được những điều này thì các bạn mới biết rằng à hành động của nước A, B nước C như vậy là có xâm phạm cái quyền gì của chúng ta hay không? Và các bạn sẽ không bị lèo lái bởi những thông tin mà các bạn gặp được quá nhiều trên cái thời đại internet hiện nay. Và cái thứ hai đó là, lịch sử về đấu tranh bảo vệ biển đảo. Nếu mà tuyên truyền từ thời cổ đại về hình thành biển đảo thì nó rất là đồ sộ và cồng kềnh, thế thì tốt nhất chúng ta hãy tuyên truyền về những cuộc hải chiến mà chúng ta bảo vệ biển đảo. Thì, thứ nhất là nó chứng minh được là chúng ta có ý thức về chủ quyền và nó còn kích thích được lòng tự hào dân tộc trong các bạn giới trẻ hiện nay.
Bảo Nguyễn: Đúng là những bạn trẻ ngày nay có rất nhiều những cái hạn chế về kiến thức, về chủ quyền biển đảo, đó là do những phản ánh về giáo dục thì khoảng thời gian gần đây thì mới có nhiều thông tin trên báo chí cho các bạn tiếp cận nhưng khoảng thời gian quá ngắn để hiểu được, cho nên trong môi trường học phổ thông hoặc qua đại học thì các bạn nên tìm hiểu thêm qua internet. Và khi gặp bạn bè quốc tế thì mình tuyên truyền những hình ảnh tốt đẹp của Việt Nam và khẳng định với với bạn bè quốc tế là đó là chủ quyền của Việt Nam và làm cho họ hiểu được Biển Đông là thuộc về Việt Nam và khi có vấn đề về tranh chấp thì họ hướng về Việt Nam và đứng về Việt Nam để bênh vực cho Việt Nam.
Chân Như: Và để kết thúc cuộc thảo luận hôm nay, CN mời các bạn hãy đặt mình vào vị trí của một người anh nói chuyện với em mình về vấn đề biển đảo của Việt Nam hôm nay.
Đoan Trang: Vấn đề chủ quyền của Việt Nam ở trên Biển Đông thực ra là vấn đề nó đòi hỏi người ta phải có kiến thức với rất nhiều lãnh vực từ lịch sử, cho đến địa lý, cho đến công pháp quốc tế, cho đến chính trị học, cho đến quan hệ quốc tế, ngoại giao. Thực sự nếu mà để đấu tranh với cả Trung Quốc trên mặt trận gọi là truyền thông, trên mặt trận học thuật, thì nó đòi hỏi người phải chuyên sâu nếu các bạn nào trong số các bạn mà mong muốn đi theo con đường đó thì bây giờ là thời điểm học luôn là vừa, còn nếu các bạn muốn học để hiểu một cái kiến thức căn bản thì cũng nên bắt đầu từ bây giờ. Ở đây ý em muốn nói rằng, khi quan tâm đến chủ quyền đất nước các bạn luôn phải nhớ rằng nó gắn với vấn đề trí thức, muốn đấu tranh với Trung Quốc chúng ta phải giỏi hơn Trung Quốc chúng ta phải biết được cách tranh luận, cách lập luật, cách truyền thông, cách vận động, làm sao cho cộng đồng quốc tế ủng hộ Việt Nam vân vân, nó đòi hỏi một lượng kiến thức lớn và sự chuyên tâm học hành . Em muốn mượn một câu viết của một nhà văn trẻ, nhà văn Phan Việt, đó là “cần có rất nhiều trí thức và lòng dũng cảm để có thể sống một cuộc sống đầy đủ trên thế giới này”.
Chúng ta hãy mở lòng ra và mở cái gọi là đầu chúng ta ra để đón nhận mọi luồng quan điểm và ý kiến, ở đây phải hiểu rằng các bạn có một cái lợi thế hơn rất nhiều so với các thế hệ trước là các bạn có internet. Tất nhiên là khi các bạn tiếp cận internet thì các bạn sẽ tiếp cận với một lượng thông tin nó nhiều chiều, đừng vội coi rằng đó là quan điểm phản động các bạn hãy đón nhận nó và tự sàn lọc nó, lâu dần các bạn sẽ thấy rằng là, là một người có trí thức trong thời đại ngày nay nó là một điều rất thú vị, và nó cũng là một điều tốt cho đất nước.
Mặc Khải: Đối với Mặc Khải thì chỉ có một cái thông điệp nó ngắn gọn thế này, đó là “yêu nước là một cái quyền bất khả xâm của mỗi người, nhưng cần yêu nước trong sáng suốt và trí tuệ”.
Bảo Nguyễn: Riêng đối với mình thì mình sẽ dành thời gian giải thích nhiều về luật biển và công bố quốc tế, đồng thời là gợi ý những thông tin chính trị ở tại Việt Nam hay quốc tế, gợi ý cho các bạn những trang báo, những nguồn tài liệu đa chiều mà đáng tin cậy để giúp các bạn tiếp cận nó một cách thoáng hơn.
Chân Như: Xin cảm ơn bạn Đoan Trang, bạn Mặc Khải và bạn Bảo Nguyễn đã đến với chướng trình Diễn Đàn Bạn Trẻ cùng Chân Như, hy vọng các bạn sẽ là khách mời quen thuộc của chương trình trong những đề tài thú vị khác.
Chân Như cũng hy vọng các bạn đang nghe chương trình cũng sẽ tham gia vào hội luận để hầu nêu lên chính kiến của mình, đó là quyền bày tỏ mà mỗi con người trên trái đất này đều phải có.
Các bạn có thể gởi email về cho chân như qua hoangc@rfa.org hay theo dõi chân như qua facebook tại facebook.com/Channhu.rfa mến chào và hẹn gặp lại quý vị và các bạn vào chương trình kỳ sau.

Sinh viên và kiến thức về biển đảo – Phần 1

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét