Việt Hà, phóng viên RFA
Có người gọi Hoa Kỳ là kẻ bên ngoài và bảo chúng tôi là không nên can thiệp vào các vấn đề khu vực. Nhưng họ quên mất một thực tế là nhiều thập kỷ qua Hoa Kỳ đã là một cường quốc khu vực Thái Bình Dương. Sự ổn định thống nhất của khu vực này là quyền lợi của chúng tôi. Những gì diễn ra ở đây cũng ảnh hưởng đến Mỹ. Họ lờ đi nhu cầu ngày một tăng từ các đồng minh và đối tác của Mỹ trong khu vực đối với sự hiện diện và can thiệp của Mỹ tại khu vực Thái Bình Dương. Mỹ muốn tham gia một cách sâu hơn vào khu vực này trong tương lai.
Hoa Kỳ không thể áp đặt giải pháp với vấn đề này. Những nước có liên quan cần phải tìm ra cách tốt nhất để giải quyết vấn đề một cách hòa bình và theo đường lối ngoại giao.Theo ông Michael Fuchs, việc Mỹ can dự vào tranh chấp biển Đông, khiến các nước tuân thủ luật quốc tế cũng đồng nghĩa với việc bảo vệ quyền lợi của Mỹ tại khu vực này. Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ cũng nói đến những việc mà Mỹ đã thực hiện trong suốt thời gian qua để góp phần làm giảm căng thẳng tại khu vực này bao gồm đối thoại và hợp tác với Trung Quốc, ASEAN, giúp đỡ các nước như Philippines, Việt Nam xây dựng khả năng bảo vệ biển, củng cố vị thế của Mỹ trong khu vực, thúc đẩy các bên tiến tới đạt được bộ quy tắc về ứng xử của các bên trên biển Đông (COC).
- Ông Michael Fuchs
Biện pháp giải quyết tranh chấp được ông Michael Fuchs đưa ra bao gồm việc ngưng ngay lập tức các hành động đang tiến hành và không thực hiện thêm bất cứ hành động nào khác để giữ nguyên hiện trạng. Theo ông đây là biện pháp cần thiết đầu tiên để giảm căng thẳng trước khi tiến tới những bước tiếp theo.
Vị đại diện chính phủ Mỹ, Michael Fuchs, cũng khẳng định Mỹ chỉ đóng vai trò là người đưa lời khuyên và không thể là người áp đặt các giải pháp:
Hoa Kỳ không thể áp đặt giải pháp với vấn đề này. Những nước có liên quan cần phải tìm ra cách tốt nhất để giải quyết vấn đề một cách hòa bình và theo đường lối ngoại giao. Nhưng trách nhiệm của chúng tôi và một số nước khác là thúc đẩy một môi trường phù hợp, những đối thoại có lợi dẫn đến giải pháp hòa bình cho vấn đề này.
Trung Quốc nói Mỹ là người gây bất ổn
Trong phần thảo luận về vai trò của Mỹ ở biển Đông, chuyên gia Bonnie Glaser thuộc Trung Tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế cho rằng thời gian qua Hoa Kỳ đã cho các nước thấy sự quan tâm của mình với những căng thẳng trong khu vực bằng những hành động cụ thể mà điển hình là tại bãi Second Thomas Shoal (hay còn gọi là bãi Cỏ Mây) do Philippines kiểm soát và tại khu vực đặt giàn khoan dầu HD 981 gần quần đảo Hoàng Sa. Chuyên gia Bonnie Glaser nói:
Một điểm cần phải chú ý là sự sẵn sàng đang tăng lên từ phía Mỹ trong việc triển khai vũ khí của mình khi căng thẳng lên cao ở khu vực Thái Bình Dương. Chúng ta thấy trường hợp điển hình ở bãi Cỏ Mây nơi máy bay do thám của Hải quân Mỹ được triển khai đến. Gần đây nhất là vụ giàn khoan dầu của Trung Quốc gần quần đảo Hoàng Sa, Mỹ đã cho máy bay do thám P3 bay qua đây. Cho nên theo tôi đây là tín hiệu cho thấy Mỹ muốn giải pháp hòa bình và cố gắng ngăn chặn các hành động xâm lấn.
Theo bà Bonnie Glaser, vai trò quan trọng của Mỹ tại đây chính là giúp định hình việc thay đổi chính sách của Trung Quốc, qua đó làm giảm căng thẳng trong khu vực.
Một điểm cần phải chú ý là sự sẵn sàng đang tăng lên từ phía Mỹ trong việc triển khai vũ khí của mình khi căng thẳng lên cao ở khu vực Thái Bình Dương.Học giả Trung Quốc, Tiến sĩ Chu Shulong thuộc trường đại học Thanh Hoa, Bắc Kinh tóm lược những ý kiến của người Trung Quốc cho rằng thực sự những căng thẳng đang diễn ra tại biển Đông là do những hành động từ Hoa Kỳ, không phải từ Trung Quốc:
- Chuyên gia Bonnie Glaser
Hoa Kỳ đã khiến căng thẳng lên cao tại biển Đông trong những năm gần đây….đặc biệt căng thẳng tại biển Đông đã lên cao trong 4 năm qua sau khi Hoa Kỳ chuyển trục chiến lược… Trung quốc cho rằng Hoa Kỳ đang tìm cách gây rắc rối ở biển Đông bằng việc chuyển trục chiến lược.
Theo ông Chu Shulong, Hoa Kỳ đã không công bằng khi đối xử với các nước trong khu vực, cụ thể là Hoa Kỳ đã bệnh vực Philippines và Việt Nam trong việc quốc hội Việt Nam thông qua luật biển vào năm 2012. Ông Chu Shulong cũng nói Mỹ là nước gây nhiều cuộc chiến tranh gần đây, mà điển hình là cuộc chiến Iraq còn Trung Quốc không phải là nước gây ra những cuộc chiến trên thế giới.
Trung Quốc đang có ý đồ gì tại Hoàng Sa và Trường Sa
Đáng chú ý trong ngày hội thảo cuối là bài phát biểu của cựu Phó đô đốc hải quân Nhật, Yoji Koda. Phó đô đốc Koda trình bày bài thuyết trình của mình kèm bản đồ về khu vực quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và bãi Scarborough Shoal. Theo ông, hành động xây đường băng trên đảo Gạc Ma của Trung Quốc thời gian gần đây và việc lấy bãi Scarborough Shoal từ Philippines vào năm 2012 nằm trong một chiến lược quân sự lâu dài của Trung Quốc.
Theo Phó đô đốc Yoji Koda, bãi Scarborough shoal ở một vị trí và diện tích thích hợp cho toàn bộ tàu chiến của Trung Quốc. Với việc kết hợp bãi này với sân bay và căn cứ quân sự trên đảo Phú Lâm và sân bay đang xây dựng trên đảo Gạc Ma, Trung Quốc có thể tiến tới kiểm soát toàn bộ biển Đông về mặt quân sự, kinh tế và chiến lược.
Phó đô đốc Yoji Koda nhận định Hoa Kỳ và Nhật bản đã chậm trong việc nhận ra ý đồ này của Trung Quốc nên đã không có hành động kịp thời từ năm 2012 để ngăn chặn hành động lấy bãi Scarborough Shoal của Trung Quốc.
Khía cạnh pháp lý trong vụ kiện của Philippines
Luật sư Paul Reichler, người tư vấn pháp lý trong vụ kiện của Philippines cũng có một bài phát biểu được chú ý trong ngày hội thảo cuối. Luật sư Reichler lần lượt đưa ra các điểm phản bác lại những lập luận của Trung Quốc về vụ kiện này. Theo luật sư, lập luận của Trung Quốc cho rằng tòa trọng tài quốc tế không có quyền xét xử vụ kiện là không đúng vì Philippines không kiện Trung Quốc liên quan đến việc phân chia ranh giới trên biển mà chỉ liên quan đến việc giải thích những yếu tố đi kèm liên quan đến các đảo và bãi đá nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippine.
Mặc dù những đảo, bãi đá này nằm trong vùng lưỡi bò mà Trung Quốc vẽ ra nhưng không nằm trong vùng chồng lấn của hai nước ở phía bắc của Philippines. Vì vậy luật sư Paul Reichler tin tưởng hoàn toàn về quyền phán quyết của tòa liên quan đến vụ kiện, bất luận Trung Quốc có tham gia hay không. Theo dự kiến, phán quyết sẽ được đưa ra vào khoảng thời gian từ ngày 7 đến 18 tháng 7 năm 2015.
Sự tin tưởng và những lợi thế của Philippines trong vụ kiện cũng được nói đến trong mối tương quan với một vụ kiện tương tự khác giữa Bangladesh và Ấn Độ trong tranh chấp trên vịnh Bengal. Tòa Quốc tế hôm thứ ba đã ra phán quyết có lợi cho Bangladesh, và Ấn độ sau đó cũng đã lên tiếng hoan nghênh, chấp nhận phán quyết của tòa. Vụ kiện này được cho là một ví dụ tương tự và gần nhất với vụ kiện của Philippines với Trung Quốc, và là minh chứng cho việc giải quyết một tranh chấp lâu dài trên biển giữa hai nước láng giềng một cách hòa bình.
Hội thảo lần thứ 4 về biển Đông khép lại vào buổi trưa ngày 11 tháng 7 với phần thảo luận về các biện pháp xây dựng lòng tin. Các học giả một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của ASEAN trong việc góp phần xây dựng lòng tin giữa các bên trong tranh chấp biển Đông.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét