Phạm Thị Hoài – Procontra
Theo báo cáo mới nhất của WHO, lượng tiêu thụ đồ uống có cồn ở Việt Nam thời điểm 2008- 2010 với 6,6 lít (độ cồn tuyệt đối) thuộc nhóm trung bình trên thế giới, thậm chí thấp hơn một chút so với mức trung bình trong khu vực (6,8 lít), kém xa Nga (15,1 lít) và hầu hết các nước châu Âu (10,0 – 12,4 lít). Tửu thần không nhất thiết kìm hãm sự phát triển của một quốc gia. Các nước uống ít nhất tập trung ở Ả-rập và châu Phi (dưới 5,0 lít), trong khi châu Âu vẫn tiếp tục truyền thống dẫn đầu thế giới. Hai nước thịnh vượng bậc nhất trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương uống khỏe gấp đôi Việt Nam, Hàn quốc: 12,3 lít; Úc: 12,2 lít.Tửu lượng của một quốc gia cũng không nhất thiết tương quan với số tai nạn giao thông. Ả-rập Saudi gần như trong trắng với 0.2 lít, song có tỉ lệ thương vong trên đường không thua gì Việt Nam. Năm 2012, 70 triệu người Đức từ 15 tuổi với trung bình 11,8 lít gây gần 7.000 vụ thương vong, trong đó 3.600 người chết. Con số tương đương của Việt Nam là 67 triệu người, trung bình uống ít hơn gần một nửa, gây 40.000 vụ thương vong, trong đó gần 10.000 người chết; đó là chưa tính đến yếu tố tốc độ và số lượng xe cơ giới lưu thông tại Đức chắc chắn cao hơn và nhiều hơn tại Việt Nam. Gần 40 % tai nạn giao thông tại Việt Nam là do chất cồn, tỉ lệ đó tại Đức là 17%, tại Ả-rập Saudi là 0%.
Có lẽ vì thế mà một “chuyên gia trong ngành” còn trấn an rằng Việt Nam mới chỉ ở mức tương đương với các nước đạo Hồi. Đèn còn xanh lắm. Song xem xét kĩ hơn thì các con số cho thấy một bức tranh khác. Số người (từ 15 tuổi) cả đời không rượu bia tại Việt Nam là gần 50%, trong khi ở Đức vỏn vẹn 5,5 %, khiến lượng tiêu thụ thực tế chia đều cho mỗi người thực sự uống ở Việt Nam cao hơn hẳn, trung bình là 17,2 lít so với 14,7 lít tại Đức, tính gộp cả hai giới. Tính riêng nam giới thì đàn ông Đức uống trung bình 20,4 lít, con số ấy ở đàn ông Việt Nam là 27,4 lít, không ít hơn ở đàn ông Nga nhiều lắm (32,0 lít), đó là chưa tính yếu tố cơ thể ảnh hưởng đến tửu lượng: trọng lượng của đàn ông Việt thường chỉ bằng 2/3 đàn ông phương Tây. 97% lượng đồ uống có cồn ở Việt Nam là bia. Nếu tính theo công thức 1 lít = 0,789 kg (độ cồn tuyệt đối) thì đàn ông Việt Nam thực sự uống 1702 lon bia 333 nồng độ 4,8, tức đều đặn mỗi ngày gần 5 lon. Nếu chiều hướng này tiếp tục tăng, trong vòng chậm nhất 5 năm tới họ sẽ nốc một lượng cồn vào người như đàn ông Nga hiện tại, để hưởng tuổi thọ trung bình là 64, trong đó 25% chết trước 55 tuổi, vì rượu. Ở Việt Nam, tửu thần là anh em ruột thịt của tử thần.
Nếu được quyền quyết định, tôi sẽ cấm, không phải chỉ cấm bán rượu bia sau 22 giờ tối như Bộ Y tế đang đề xuất mà cấm tiệt, 24/24 giờ, trừ đúng 3 ngày Tết phân phối theo khẩu phần người lớn, ít nhất trong vòng hai mươi năm. Tôi thà mang tiếng là một nhà độc tài – điều chẳng mới mẻ gì ở Việt Nam -, một nhà quản lí cổ hủ, bất lực – cũng không có gì mới mẻ -, còn hơn nhìn một tiền đồ dân tộc mỗi ngày một lảo đảo bởi gần 70 % đàn ông Việt Nam ngày ngày chuếnh choáng.
Hai mươi năm nữa, chỉ hình dung đã thấy ngây ngất: đàn ông Việt Nam sẽ định nghĩa mình qua những chất kích thích khác. Họ sẽ trở nên thông minh, khỏe mạnh, lương thiện, can đảm, lịch lãm, đỏm dáng, sẽ metrosexual thay vì hùng hục lùng sục phong độ giống đực bên đĩa mực và vại bia; sẽ thơm tho thay vì sặc mùi cồn chua; sẽ có bụng sáu múi thay vì sáu lon; sẽ chứng minh đẳng cấp qua tài thuyết trình trước đám đông thay vì lảm nhảm luận anh hùng bên bàn nhậu; sẽ tôn trọng đồ ăn thức uống thay vì tọng vào ọe ra; sẽ trân trọng một tình bạn chân thành thay vì lấy mấy lần “dzô” đo lòng chiến hữu; sẽ quý trọng đồng tiền mồ hôi nước mắt thay vì dốc túi mình và túi nhà nước cho bệnh xơ gan; sẽ biết tiếc thời gian thay vì quên ngày tháng trên vỉa hè; sẽ thực sự tự đọc một cuốn sách thay vì hóng hớt từ bạn rượu; sẽ yêu phụ nữ thay vì hoặc bất lực hoặc hiếp dâm; sẽ không cầm dao đâm người thân vì bị chê kém tửu lượng; sẽ không leo lên xe để giết thiên hạ và giết mình; sẽ xắn tay lên mà làm việc… Chỉ chừng ấy, đơn giản chỉ chừng ấy đã đủ để tiền đồ dân tộc và đất nước họ còn tỉnh táo đứng trên hai chân thay vì say bét nhè ngã xuống ở đâu không cần biết.
© 2014 pro&contra
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét