Chủ Nhật, 31 tháng 8, 2014

Chuyến đi khôi phục 16 chữ vàng và 4 tốt

Gia Minh, biên tập viên RFA, Bangkok

Ông Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Đặc phái viên của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (trái) hội kiến với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình
Ông Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Đặc phái viên của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (trái) hội kiến với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, ngày 17 tháng 8, 2014 ở Bắc Kinh  -Courtesy NEWS.CN (Xinhua/Ding Lin)
Ba điểm thống nhất được công khai sau chuyến làm việc tại Bắc Kinh của ông Lê Hồng Anh, Ủy viên Thường trực Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam, khiến dư luận quan ngại. Lý do là Hà Nội không thay đổi gì trong quan hệ với Bắc Kinh sau sự cố giàn khoan Hải Dương 981 mà Trung Quốc hạ đặt trái phép trong vùng biển Việt Nam.
Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, nguyên đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc, là một trong số những người có quan ngại như vừa nêu.
Gia Minh có cuộc nói chuyện với ông và trước hết ông đưa ra nhận định về những điều có thể được trao đổi tại Bắc Kinh trong chuyến đi của ông Lê Hồng Anh mà không được báo chí loan tin.


Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh: Tôi chưa biết là có ký kết gì không nhưng theo những thông báo chung thì hai bên đồng ý khôi phục quan hệ Việt- Trung.
Nhưng tôi cho rằng thông báo công khai là một chuyện thôi, mà tôi thấy ông Lê Hồng Anh sang Trung Quốc lần này trong khi Trung Quốc vẫn duy trì quan điểm ở Biển Đông. Mặc dù vừa qua (họ) mới rút giàn khoan đi, nhưng vẫn tuyên bố lập trường của Trung Quốc ở Biển Đông không thay đổi. Như thế nghĩa là Trung Quốc vẫn cứ cứng rắn. Thế nhưng ông Lê Hồng Anh lại sang thăm trong thế Việt Nam yếu; (mà trong thế Việt Nam yếu), rất khó thảo luận bình đẳng mà bên có thế mạnh thế nào họ cũng tìm cách áp đặt. Theo tôi, họ có thể nêu ra vấn đề gác tranh chấp, cùng khai thác. Trong thông báo công khai cũng có ý đó rồi. Thứ hai nữa, họ muốn nói thôi không nói đến chuyện trước đây nữa, về tranh chấp trước đây để khỏi thương tổn đến quan hệ hữu nghị giữa hai nước. Thứ ba là họ muốn nói vẫn tiếp tục thực hiện cái ’16 chữ với 4 tốt’. Và có thể họ nêu vấn đề không nên kiện Trung Quốc. Và cũng có thể họ nêu vấn đề đừng quá quan hệ mật thiết với Mỹ.
Họ muốn nói vẫn tiếp tục thực hiện cái ’16 chữ với 4 tốt’. Và có thể họ nêu vấn đề không nên kiện Trung Quốc. Và cũng có thể họ nêu vấn đề đừng quá quan hệ mật thiết với Mỹ
Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh
Tôi cho rằng trong hội đàm họ có thể nêu những vấn đề như thế.
Gia Minh: Như ông nói Việt Nam ở thế yếu và với ba điểm ( thống nhất như thế thì sẽ có những nguy hiểm gì cho Việt Nam trong thời gian sắp tới?
Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh: Tất nhiên, từ trước đến giờ họ luôn âm mưu thôn tính Việt Nam. Ít nhất cũng trói buộc Việt Nam vào sự lệ thuộc của họ như kiểu thuộc địa kiểu mới. Họ vẫn thực hiện thế thôi. Tức là lúc nào Việt Nam cũng đứng trước những nguy hiểm từ Trung Quốc.
Gia Minh: Biết như vậy, nhưng theo ông vì sao những vị lãnh đạo Việt Nam, nhất là những vị trong đảng vẫn luôn kiên trì đường lối cũ như thế?
Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh: Điều này tôi không có thẫm quyền để nói gì.
Đó là lãnh đạo của chúng tôi mà tôi không đồng ý; tôi không đồng ý quá thân thiện với Trung Quốc, chỉ thân thiện với Trung Quốc. Nhưng đó là quyền của lãnh đạo, tôi biết làm sao được!
Họ nắm quyền và họ cứ làm thế. Mà không phải một mình tôi, nhiều người cũng phản đối; nhưng họ nắm quyền họ cứ thực hiện theo con đường của họ thôi.
Gia Minh: Như thiếu tướng vừa nói nếu theo đường lối như lâu nay thì Việt Nam luôn đứng trước mối nguy hiểm của Trung Quốc, vậy qua những động thái vừa rồi trong quan hệ với Trung Quốc, việc xây dựng niềm tin với những nước khác, đặc biệt với Hoa Kỳ, thì có thể khiến cho người ta tin tưởng để có thể có những hợp tác có lợi cho Việt Nam không?
Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh: Theo tôi vẫn hợp tác mật thiết hơn nữa với Hoa Kỳ. Đó là lợi ích của cả Việt Nam và của cả Hoa Kỳ.
Gia Minh: Như vậy vẫn có bị cản trở trong vấn đề này?
Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh: Tôi đã nói rồi, tổng bí thư của chúng tôi thân Trung Quốc, cho nên vẫn là cản trở khó có thể có quan hệ mật thiết hơn nữa với Hoa Kỳ.
Đến một lúc mà đẩy nhân dân đến chân tường, tôi nghĩ có khi phải ‘tức nước, vỡ bờ’ thôi
Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh
Gia Minh: Như thiếu tướng nói không chỉ bản thân ông mà nhiều vị khác không đồng ý và hiện nay hình như dư luận dân chúng họ cũng thấy được vấn đề?
Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh: Có thể một bộ phận nhân dân theo dõi tình hình, người ta cũng đồng tình như thế. (Nhưng) đại đa số nông dân ở nông thôn, ở nơi xa xôi họ không có điều kiện cập nhật những tin tức theo ‘lề mạng’, họ chỉ đọc báo của ‘lề phải’ và xem tivi thì không bao giờ thấy được sự thật.
Gia Minh: Sự xuất hiện của nhiều nhóm dân sự hiện nay, theo thiếu tướng tác động để giúp cho những người khác nhận thấy vấn đề đang theo chiều hướng ra sao?
Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh: Chiều hướng đó tiếp tục đẩy mạnh, tuy nhiên lãnh đạo cũng tìm mọi cách để cản trở. Nhưng xu hướng tiến bộ người ta vẫn tiếp tục đẩy mạnh hoạt động của người ta.
Gia Minh: Nhiều người cho rằng với xu hướng tất yếu như thế, việc cản trở như thế sớm hay muộn gì cũng không thể thành công?
Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh: Đến một lúc mà đẩy nhân dân đến chân tường, tôi nghĩ có khi phải ‘tức nước, vỡ bờ’ thôi.
Gia Minh: Hiện nay, mọi người có hướng đến đại hội đảng lần thứ 12 năm 2016 diễn ra trong tình hình có những vụ việc như vụ giàn khoan, đảng đang đứng trước những thách thức. Nhưng rồi qua chuyến đi của ông Lê Hồng Anh thì mọi người thấy những thách thức đó vẫn chưa thể được hóa giải?
Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh: Tôi cũng nghĩ như thế.
Gia Minh: Vậy điều trông chở vào đại hội đảng lần thứ 12 này là gì?
Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh: (Cười) Hiện nay có bao nhiêu góp ý kiến, kể cả tôi góp ý kiến, nhưng tôi tin người ta không nghe đâu. Họ vẫn đi theo con đường mòn của họ thôi.
Gia Minh: Và như thiếu tướng vừa nói, làm như thế là dồn nhân dân vào đường cùng?
Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh: Nhưng vấn đề cần có thời gian.
Gia Minh: Cần có thời gian để có những điều kiện chín muồi hơn?
Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh: Đúng rồi, phải thời gian lâu chứ không phải là trước mắt đâu!
Gia Minh: Chân thành cám ơn thiếu tướng đã giành cho cuộc nói chuyện vừa rồi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét