VNTB
Người dịch: Vũ Quốc NgữPhần 1: Quyền con người trước phiên tòa
Chương 4: Quyền được tiếp cận với thế giới bên ngoài
Người bị giam giữ có quyền thông báo cho người thứ ba rằng họ đã bị bắt hoặc bị giam giữ và nơi họ bị giam giữ. Người bị giam giữ có quyền liên lạc ngay với gia đình, luật sư, bác sĩ, quan chức tư pháp và, nếu là người nước ngoài, người bị giam giữ được quyền liên lạc với nhân viên lãnh sự hoặc một tổ chức quốc tế có thẩm quyền.
4.1 Quyền giao tiếp và nhận thăm viếng
4.2 Quyền thông báo cho người thứ ba về việc bị bắt hoặc bị giam giữ
4.3 Biệt giam
4.4 Quyền liên lạc với gia đình
4.5 Quyền tiếp cận với bác sĩ và chăm sóc sức khỏe khi bị cảnh sát giam giữ
4.6 Quyền của công dân nước ngoài khi bị giam giữ
4.1 Quyền liên lạc và nhận thăm viếng
Các quyền của người bị tạm giam để liên lạc với thế giới bên ngoài và được thăm viếng là biện pháp bảo vệ cơ bản chống lại vi phạm nhân quyền, bao gồm tra tấn hoặc ngược đãi khác và bị thủ tiêu. Những quyền này ảnh hưởng đến khả năng của người bị cáo buộc trong việc biện hộ, và được yêu cầu để bảo vệ quyền sống cá nhân và gia đình và quyền sức khỏe.
Người bị giam giữ và bị bỏ tù có quyền liên lạc với thế giới bên ngoài, và sự hạn chế các quyền này chỉ được thực hiện trong một số điều kiện hợp pháp nhất định.
Ủy ban Nhân quyền tuyên bố rằng các quyền của người bị cảnh sát tạm giữ và bị giam giữ trước khi xét xử có quyền liên lạc với gia đình, bác sỹ và luật sư cần phải được quy định trong luật.
Ủy ban chống tra tấn tù nhân kêu gọi người bị giam giữ được tiếp cận với luật sư, bác sỹ và gia đình kể từ khi bị giam giữ, bao gồm bị giam giữ bởi cảnh sát.
(Xem Chương 3- về tiếp cận với luật sư , Chương 5- Quyền được đưa kịp thời trước thẩm phán, và Chương 6- Quyền thách thức tính hợp pháp của việc giam giữ).
Công ước về thủ tiêu, Điều 17
“2. … Mỗi quốc gia thành viên có trách nhiệm, trong pháp luật của nó:
Đảm bảo rằng bất kỳ người nào bị tước mất tự do phải được quyền để liên lạc và viếng thăm bởi gia đình của mình, luật sư hoặc bất kỳ người nào khác theo lựa chọn của người bị giam giữ, chỉ tuân theo các điều kiện do luật định, hoặc, nếu người là người nước ngoài, thì liên lạc với các cơ quan lãnh sự của mình, phù hợp với luật pháp quốc tế áp dụng:”
4.2 Quyền thông báo cho người thứ ba về việc bắt giữ hoặc giam giữ
Bất cứ ai bị bắt, bị giam giữ hay bị bỏ tù đều có quyền thông báo, hoặc có các cơ quan thông báo cho một người nào đó ở bên ngoài rằng họ đã bị bắt giam và họ đang bị giữ ở đâu. (Xem Chương 10 về điều kiện giam giữ).
Họ cũng có quyền thông báo cho một người thứ ba nếu họ bị chuyển nơi giam giữ. (Xem Chương 27 phần 6 mục 2- Thông báo cho cha mẹ trong trường hợp trẻ em bị giam giữ).
Quyền được thông báo cho một bên thứ ba về việc bị giam giữ phải được đảm bảo, về nguyên tắc ngay từ khi giam giữ. Người thứ ba cần được thông báo ngay lập tức, hoặc ít nhất là ngay khi có thể. Trong trường hợp đặc biệt phục vụ công tác điều tra, việc thông báo có thể trì hoãn. Tuy nhiên, bất kỳ trường hợp ngoại lệ phải được quy định rõ ràng trong pháp luật, hoàn toàn cần thiết để đảm bảo hiệu quả của cuộc điều tra và hạn chế việc thông báo chậm trễ.
Bất kỳ sự chậm trễ như vậy không được vượt quá quy định thời gian. Bất kỳ sự chậm trễ nên được kèm theo biện pháp bảo vệ, bao gồm biên bản ghi những lý do cho sự chậm trễ và sự chấp thuận của một quan chức cảnh sát cấp cao không có liên quan với vụ án, hoặc một công tố viên hoặc thẩm phán.
Ủy ban Nhân quyền cho rằng việc che giấu có mục đích về tình trạng của người bị bắt trong một thời gian dài là đặt người đó ngoài sự bảo vệ của pháp luật. Trong những vụ mất tích (trong đó nhà nước phủ nhận việc giam giữ hoặc che giấu tình trạng một cá nhân), ủy ban kết luận rằng những vụ việc đó vi phạm quyền con người, bao gồm cả quyền được thừa nhận là con người trước luật pháp.
Tòa án châu Âu đã tuyên bố rằng việc không thừa nhận giam giữ là “sự phủ định hoàn toàn” và “vi phạm nghiêm trọng nhất” về quyền tự do. Tòa cũng kết luận rằng việc nhà nước không thực thi luật bảo đảm quyền được thông báo cho thân nhân và người khác về việc bị giam giữ bởi cảnh sát là sự vi phạm quyền cá nhân và cuộc sống gia đình.
Hồ sơ ghi chép về giam giữ là một biện pháp nữa để chống lại sự lạm dụng người bị tước mất quyền tự do. Hồ sơ này nên được cung cấp cho những người có lợi ích chính đáng, bao gồm cả gia đình, luật sư và thẩm phán. (Xem Chương 10 phần 2 mục 1- hồ sơ giam giữ).
Nguyên tắc 16
“Ngay sau khi bị bắt và sau mỗi lần chuyển từ một nơi giam giữ hoặc phạt tù đến một nơi khác, người bị bắt giữ hoặc bị bỏ tù có quyền được thông báo hoặc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền thông báo cho gia đình hoặc người lựa chọn bởi người bị giam giữ về việc bị bắt giam, bỏ tù hoặc việc di chuyển giam giữ hoặc nơi giam giữ.
4.3 Biệt giam
Giam giữ không được tiếp cận với thế giới bên ngoài – biệt giam – tạo điều kiện tra tấn
hoặc ngược đãi khác và thủ tiêu. Tùy theo hoạt cảnh, nó có thể được xếp vào dạng tra tấn hoặc đối xử tàn ác, vô nhân đạo hoặc đối xử hạ cấp.
Liên Mỹ Tòa án cho rằng cô lập kéo dài và biệt giam là sự đối xử tàn bạo và vô nhân đạo. Tòa án phán quyết rằng việc biệt giam hai cá nhân, một người trong bốn ngày và người kia trong năm ngày, là sự vi phạm quyền được đối xử như một con người của hai người đó.
Ủy ban chống tra tấn bày tỏ lo ngại về một đạo luật của Campuchia cho phép biệt giam trong 48 giờ trước khi một người được đưa ra trước một thẩm phán. (Xem Chương 5- Quyền được đưa một cách kịp thời đến trước một thẩm phán)
Một số tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế và một số tổ chức và cơ chế nhân quyền cho rằng nên cấm hoàn toàn hình thức biệt giam.
Trong khi không yêu cầu cấm hoàn toàn việc giam giữ biệt lập, các tổ chức quốc tế khác chỉ cho phép hạn chế và chậm trễ trong việc cho người bị giam giữ liên hệ với thế giới bên ngoài trong những trường hợp đặc biệt và trong một thời gian ngắn. (Xem , ví dụ, Chương 4 phần 2 và Chương 4 phần 4).
Khi thời gian biệt giam kéo dài, thì nguy cơ vi phạm nhân quyền cũng tăng theo. Việc kéo dài thời gian biệt giam không phù hợp với quyền của tất cả các tù nhân được đối xử với sự tôn trọng phẩm giá con người và nghĩa vụ cấm tra tấn hoặc các hình thức đối xử dã man khác.
Biệt giam cũng có thể vi phạm quyền của các thành viên trong gia đình.
Ủy ban châu Phi kết luận rằng giam giữ một cá nhân mà không cho phép bất kỳ
liên hệ với gia đình của họ, và từ chối thông báo cho gia đình về nơi giam giữ, là hành xử vô nhân đạo đối với cả người bị giam giữ và các thành viên trong gia đình của người này.
Tòa án liên Mỹ cho rằng một tháng biệt giam một người phụ nữ bị buộc tội liên quan đến khủng bố, và tiếp theo chế độ thăm viếng hạn chế, vi phạm không chỉ quyền lợi của người phụ nữ này, mà còn của những người trong gia đình cô ta, bao gồm cả những đứa con.
Các nguyên tắc về công bằng trong xét xử Châu Phi cho rằng bất kỳ lời thú nhận hoặc lời khai được thực hiện trong thời gian biệt giam nên được coi là kết quả của sự ép buộc, và do đó không được coi là chứng cứ buộc tội. (Xem Chương 17- Loại trừ các bằng chứng thu được từ các hành vi vi phạm tiêu chuẩn quốc tế).
4.4 Quyền tiếp cận gia đình
Người bị giam giữ, bao gồm trong đồn cảnh sát hay trong trại tạm giam trong khi chờ phiên tòa, có quyền được cung cấp cơ sở vật chất thích hợp để tiếp xúc và nhận thăm viếng của gia đình và bạn bè.
Việc hạn chế và việc giám sát quá trình tiếp xúc, thăm viếng được phép chỉ khi cần thiết vì lợi ích của công lý hay an ninh.
Quyền được thăm viếng áp dụng cho tất cả người bị giam giữ, không phụ thuộc vào hành vi phạm tội mà họ mà họ bị nghi ngờ hay cáo buộc.
Từ chối không cho thăm viếng có thể được coi là hành vi vô nhân đạo. Hơn nữa, Tòa án Châu Âu, Ủy ban Châu Phi và Ủy ban Liên Mỹ nhấn mạnh rằng các điều kiện và thủ tục liên quan đến viếng thăm không được xâm phạm các quyền khác , kể cả quyền cá nhân và cuộc sống gia đình.
Tòa án châu Âu đã tuyên bố rằng pháp luật hoặc quy định không đầy đủ chính xác cho phép hạn chế bất hợp lý về viếng thăm của gia đình vi phạm quyền sống cá nhân và gia đình. Hạn chế phải phù hợp với pháp luật. Việc hạn chế phải cần thiết và tương xứng với an ninh quốc gia, an toàn công cộng, phòng chống tội phạm hoặc rối loạn, bảo vệ sức khỏe hoặc đạo đức, bảo vệ các quyền và tự do của người khác, hoặc kinh tế phúc lợi của đất nước.
Tòa án châu Âu cho rằng chỉ cho phép hai lần viếng thăm ngắn một tháng trong một căn phòng, trong đó các tù nhân đã bị tách khỏi vợ và con của mình bằng một vách ngăn bằng kính, là sự vi phạm quyền sống cá nhân và gia đình. Trong phán quyết của mình, Tòa án đã ra các lựa chọn thay thế , bao gồm cả viếng thăm có giám sát.
Tòa án liên Mỹ đã cho rằng hạn chế nghiêm ngặt về viếng thăm của gia đình dẫn đến việc vi phạm các quyền của các thành viên của gia đình. Tòa cũng nhấn mạnh về nghĩa vụ của chính quyền trong việc đảm bảo sự viếng thăm người mẹ bị giam giữ bởi các con của người này.
Quy tắc Bangkok hướng dẫn chính quyền khuyến khích và tạo điều kiện cho người phụ nữ đang bị giam giữ được tiếp xúc với gia đình, bao gồm cả con cái, để bù lại những thiệt hại của người phụ nữ bị giam giữ xa gia đình. Tuy nhiên, số lượng nhỏ các cơ sở giam giữ phụ nữ ở hầu hết các quốc gia dấy lên lo ngại rằng việc tiếp xúc giữa người phụ nữ bị giam giữ và thân nhân sẽ bị hạn chế bởi khoảng cách và chi phí đi lại. (Xem Chương 10 phần 6- Phụ nữ trong lao tù).
Trách nhiệm của các cơ sở giam giữ là đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất cho việc thăm viếng của thân nhân người bị giam giữ.
Quy tắc Bangkok yêu cầu các quốc gia đảm bảo các cuộc viếng thăm có trẻ em được diễn ra trong một môi trường tích cực và cho phép người mẹ tiếp xúc trực tiếp với con nhỏ. Quy tắc này cũng yêu cầu nhân viên trại giam đối xử một cách tôn trọng đối với trẻ em.
4.5 Quyền được tiếp cận bác sỹ và chăm sóc y tế khi bị cảnh sát giam giữ
Người bị tước đoạt tự do có quyền được kiểm tra sức khỏe bởi bác sỹ càng sớm càng tốt và khi cần thiết để được nhận sự chăm sóc về y tế miễn phí.
Nhiệm vụ của cơ quan chức năng là tôn trọng quyền được chăm sóc sức khỏe và quyền được tôn trọng.
Ủy ban Nhân quyền đã tuyên bố rằng việc bảo vệ tù nhân yêu cầu người bị giam giữ được nhận sự chăm sóc thường xuyên của bác sỹ. Đại hội đồng Liên Hợp quốc và Hội đồng Nhân quyền cũng đã nhiều lần nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chăm sóc y tế kịp thời và thường xuyên trong việc ngăn ngừa tra tấn và ngược đãi.
Người bị giam giữ bởi cảnh sát phải được thông báo về quyền tiếp cận bác sỹ của họ. Yêu cầu gặp bác sỹ của người bị giam giữ không nên bị từ chối bởi sỹ quan cảnh sát.
Ủy ban chống tra tấn và Tiểu ban Phòng chống tra tấn đã nhấn mạnh các bác sĩ tiến hành kiểm tra sức khỏe cho những người bị giam giữ bởi cảnh sát phải độc lập với các cơ quan công an hoặc phải là bác sĩ mà người bị giam giữ lựa chọn. Phụ nữ bị giam giữ có quyền được khám sức khỏe bởi nữ bác sỹ trừ trường hợp đòi hỏi phải có sự can thiệp khẩn cấp của y tế. Bắt buộc phải có mặt của một nữ nhân viên trong trường hợp nam bác sỹ hay nhân viên y tế khám cho người nữ tù nhân mà không có sự đồng ý của người tù nhân này.
Điều tra viên đặc biệt về tra tấn nói các bác sỹ không nên khám sức khỏe cho người bị giam giữ để kiểm tra xem người này có đủ sức khỏe cho việc thẩm vấn hay không.
Để đảm bảo sự bí mật, việc khám sức khỏe không nên được tiến hành trong tầm nhìn, nghe của sỹ quan công an. Trong những trường hợp đặc biệt, nếu bác sỹ yêu cầu, có thể bố trí lực lượng an ninh trong tầm nhìn nhưng ở khoảng cách đủ xa để không nghe thấy sự trao đổi giữa bác sỹ và người bị giam giữ. Những việc bố trí an ninh đứng gần nên được bác sỹ ghi chép đầy đủ trong biên bản khám sức khỏe.
Các quan chức thực thi pháp luật có trách nhiệm bảo đảm rằng sức khỏe của người bị giam giữ được bảo vệ và người bị giam giữ có quyền tiếp cận sự hỗ trợ và chăm sóc y tế khi họ bị thương hay bị ốm đau bất cứ khi nào cần thiết.
Tòa án Châu Âu quy định rằng một quốc gia vi phạm quyền sống của một người bị chấn thương ở đầu trước khi bị bắt và bị chết trong thời gian 24 giờ bị giam giữ mà không có sự khám zét y tế. Nhà chức trách cho rằng anh này bị say rượu.
Người bị giam giữ có quyền tiếp cận với hồ sơ y tế và quyền được đánh giá sức khỏe bởi một bác sỹ khác.
Mọi cá nhân bị tra tấn và ngược đãi nên được kiểm tra sức khỏe bởi một bác sỹ độc lập, theo một trình tự được quy định bởi Nghị định thư Istanbul. (Xem Chương 10 phần 4- Quyền về sức khỏe và phần 11- Quyền được đền bù do bị tra tấn hoặc ngược đãi).
4.6 Quyền của người nước ngoài khi bị giam giữ
Người nước ngoài khi bị giam giữ trước khi xét xử được cung cấp cơ sở vật chất để liên lạc và nhận thăm viếng của các đại diện từ chính phủ của quốc gia mà người bị giam giữ là công dân. Nếu là người tị nạn hay đang được bảo trợ bởi một tổ chức quốc tế, thì người bị giam giữ có quyền liên lạc và nhận thăm viếng của đại diện của tổ chức đó hoặc quốc gia mà họ được bảo trợ. Quyền này cũng được ghi trong các hiệp định được thiết lập nhằm điều tra và truy tố tội phạm dưới luật pháp quốc tế.
Đại diện lãnh sự quán có thể trợ giúp người bị giam giữ về các biện pháp tự vệ như cung cấp hoặc giám sát sự đại diện luật pháp, cung cấp các bằng chứng từ quốc gia mà người bị bắt là công dân, và giám sát điều kiện giam giữ.
Người có hai quốc tịch, một quốc tịch là nơi đang bị giam giữ, cũng có quyền nhận sự thăm viếng, giám sát, và trợ giúp pháp lý từ đại diện của quốc gia được coi là nước ngoài.
Người bị giam giữ là công dân của hai quốc gia không phải là quốc gia mà đang bị giam giữ, được quyền liên lạc, nhận thăm viếng và trợ giúp pháp lý từ đại diện của hai quốc gia, hoặc từ một quốc gia mà người này lựa chọn.
Tòa án Liên Mỹ và Ủy ban Liên Châu Phi kết luận rằng việc không tôn trọng quyền của một người nước ngoài để nhận sự trợ giúp của đại diện ngoại giao là sự vi phạm nghiêm trọng quyền được xét xử công bằng. Trong những trường hợp bị án tử hình, đó là sự vi phạm về quyền sống. (Xem Chương 25 phần 8 về giam giữ người nước ngoài).
Hết Chương 4
Đón đọc Chương 5: Quyền được đưa đến trước thẩm phán ngay khi có thể
nguồn:http://www.amnesty.org/fr/library/asset/POL30/002/2014/en/7aa5c5d1-921b-422e-8ca4-944db1024150/pol300022014en.pdf
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét