Lê Xuân Khoa(1)
(Trích)
…Chính phủ Trần Trọng Kim ra đời trong một hoàn cảnh rất tình cờ
của lịch sử, không do kết quả tranh đấu cho nền độc lập của Việt Nam
dưới sự lãnh đạo của một đảng phái hay một phong trào chính trị nào. Sau
gần một thế kỉ bị Pháp đô hộ, lần đầu tiên nước Việt Nam được độc lập
(dù mới chỉ một phần) mà không phải hi sinh xương máu.
Sau khi nước Pháp bị Đức chiếm đóng vào tháng 6
– 1940 và toàn quyền Decoux phải nhường cho Nhật quyền làm chủ về quân
sự ở Đông Dương vào tháng 9, thì uy tín và quyền thế của Pháp bị sụp đổ
mau chóng đối với các xứ thuộc địa ở Đông Dương. Các đảng phái chính trị
Việt Nam bỗng thấy có động lực mới và thời cơ hoạt động để đòi lại độc
lập cho đất nước. Trừ những lãnh tụ chính trị đã lưu vong ở Trung Hoa
hoặc đang hợp tác với chính phủ Quốc dân đảng của Tưởng Giới Thạch để
chống Nhật – kể cả Hồ Chí Minh – hầu hết các lãnh tụ chính trị và trí
thức ở trong nước đều muốn dựa vào thế lực của Nhật để loại trừ Pháp ra
khỏi Đông Dương. Tổ chức có triển vọng nhất lúc bấy giờ là Việt Nam phục
quốc đồng minh hội do Hoàng thân Cường Để thành lập ở Nhật (thường gọi
là nhóm Phục quốc) đã từng tổ chức lực lượng quân sự mang tên là Việt
Nam kiến quốc quân đi theo quân đội Thiên hoàng về đánh Pháp ở trận Lạng
Sơn ngày 23 – 9 – 1940. Một số lãnh tụ, trong đó có Ngô Đình Diệm, từ
lâu đã liên lạc với nhóm Phục quốc để mưu đồ chống Pháp, có nhiều hi
vọng sẽ được Nhật ủng hộ thành lập chính quyền trong trường hợp Pháp bị
lật đổ.
Tuy nhiên, vì còn bận chiến đấu với quân đội đồng minh, mục đích
trước mắt của Nhật là sử dụng Đông Dương vào mục tiêu quân sự nên Nhật
đã bằng lòng để cho Pháp tiếp tục cai trị về mặt hành chính. Năm 1944,
Nhật bắt đầu nghĩ đến việc loại bỏ Pháp để phòng ngừa việc Pháp có thể
làm hậu thuẫn cho liên quân Anh – Mỹ vì mặt trận đã được mở rộng sang
vùng Đông Nam á. Mặt khác, giải phóng cho các nước Đông Dương khỏi bị lệ
thuộc vào nước Pháp cũng sẽ giúp cho Nhật củng cố được ảnh hưởng và thế
lực của “khối Đại Đông á” mà Nhật muốn lãnh đạo để chống lại khối Tây
phương. Sau khi lật đổ chính quyền Pháp trên toàn cõi Đông Dương (9 – 3 –
1945), Nhật duy trì hoàng đế Bảo Đại và hứa hẹn sẽ để cho Việt Nam được
độc lập. Bảo Đại cũng không ngờ rằng Nhật lại để ông tiếp tục làm vua
thay vì đưa Hoàng thân Cường Để về nước cầm quyền. Ông đã hỏi Đại sứ
Marc Masayuki Yokohama về chuyện này và nói: “Tôi gắn bó với dân tộc tôi
chứ không phải ngai vàng”. Nhưng Đại sứ Nhật đã trả lời: “Những người
gieo mầm không phải là người gặt hái kết quả”. Điều đó cho thấy lý do
Nhật không ủng hộ Cường Để vì không tiện lập một chính phủ Việt Nam tuy
chống Pháp nhưng thân Nhật, trong khi Bảo Đại không phải là người của
Nhật và có thể được dân chúng tin tưởng nếu ông chống lại mưu toan của
Pháp trở lại Việt Nam. Người chuẩn bị cho Cường Để trở về thay thế Bảo
Đại và cho Ngô Đình Diệm làm Thủ tướng là Trung tá tình báo Hayashi
Hidezumi. Vào giữa năm 1944, tin đồn về chuyện này được lan truyền trong
giới chính trị khá lộ liễu đến nỗi, để tránh cho Ngô Đình Diệm khỏi bị
mật thám Pháp lùng bắt, Nhật phải cải trang cho ông Diệm thành một sĩ
quan Nhật và đưa ông từ Huế vào Sài Gòn ẩn náu trong một nhà thương quân
đội Nhật. Đến tháng Giêng 1945, hai tháng trước ngày đảo chính, Tổng tư
lệnh Nhật Tsuchihashi Yuichi quyết định không dùng lá bài Cường Để nữa.
Đến đây cũng cần nói đến trường hợp của Phạm Quỳnh, Ngự tiền Văn
phòng (tương đương với chức Thủ tướng) của Bảo Đại. Chính phủ Nhật giữ
Bảo Đại nhưng không muốn giữ Phạm Quỳnh vì ông là người bị coi là thân
Pháp. Thật ra, Phạm Quỳnh là một học giả yêu nước nhưng cũng là một nhà
chính trị ôn hoà, chủ trương rằng Việt Nam thời đó không thể chống nổi
Pháp nên cần phải học hỏi văn minh Tây phương qua văn hoá Pháp để dần
dần đòi lại quyền tự chủ. Trong một bản phúc trình cho nhà cầm quyền
Pháp ở Huế sau ngày Nhật đầu hàng đồng minh, Đại sứ Yokohama thuật lại
buổi yết kiến vua Bảo Đại để báo tin việc chính phủ Nhật đảo chính Pháp ở
Đông Dương và trao trả độc lập cho Việt Nam. Phạm Quỳnh hiện diện trong
buổi tiếp kiến này yêu cầu Nhật Bản thừa nhận nền độc lập của Việt Nam
một cách chính thức vì Pháp đã bị tước quyền bảo hộ. Ông nhấn mạnh rằng:
“Để chúng tôi có thể hợp tác hữu hiệu với Nhật Bản, chúng tôi cần phải
có được sự ủng hộ của toàn thể nhân dân, và để đạt được điều đó, uy tín
của chính phủ chúng tôi cần phải được tăng cường bằng một hành động long
trọng tuyên cáo độc lập”. Yokohama trả lời rằng việc tuyên cáo độc lập
để chứng tỏ chủ quyền là hành động nội bộ mà “Ngài có tự do tuyệt đối để
hành động theo sự phán xét của chính phủ ngài”. Tuy nhiên, Yokohama lại
cho biết là vì muốn sớm vãn hồi an ninh và trật tự và “bảo vệ xứ này
chống lại cuộc xâm lăng của quân địch trong tương lai,” Bộ Tổng tư lệnh
quân đội Nhật “mong muốn rằng hiện trạng chính trị và hành chính được
duy trì nhiều chừng nào hay chừng nấy”(1).
Những lý do trên cho thấy tại sao Nhật không mời Phạm Quỳnh cũng
như không mời Ngô Đình Diệm là những người có kinh nghiệm về chính quyền
mà lại mời Trần Trọng Kim, một trí thức không đảng phái, tuy nhiệt tâm
yêu nước nhưng không phải là một người làm cách mạng. (Xem thêm Chương
10 về lý do Ngô Đình Diệm không được mời, hay được mời nhưng không
nhận). Đối với Trần Trọng Kim, đây là một chuyện rất bất ngờ mà chỉ sau
khi gặp Bảo Đại lần thứ hai, sau mười ngày trì hoãn, ông mới nhận trách
nhiệm thành lập chính phủ. Bảo Đại thúc giục ông:
“Trước kia, người mình chưa độc lập. Nay có cơ hội, tuy chưa phải
độc lập hẳn nhưng mình cũng phải tỏ ra có đủ tư cách để độc lập. Nếu
không có chính phủ thì người Nhật bảo mình bất lực, tất họ lập cách cai
trị theo thể lệ nhà binh rất hại cho nước ta. Vậy ông nên vì nghĩa vụ cố
lập thành một chính phủ để lo việc nước.(1)“
Chính phủ Trần Trọng Kim thường không được nhắc nhở đến trong lịch
sử tranh đấu giành độc lập cho dân tộc, hoặc nếu có thì cũng chỉ được
coi như một chính phủ chuyển tiếp trong một thời gian ngắn ngủi không có
thành tích gì đáng kể. Việt Minh thì dứt khoát lên án chính phủ Kim là
“bù nhìn” do Nhật tạo ra và chỉ đem lại cho Việt Nam một nền “độc lập
bánh vẽ”. Nhiều nhà lãnh đạo chính trị và tác giả ngoại quốc cũng đồng ý
một cách thiếu thận trọng như thế. Đến nay, hơn nửa thế kỉ đã trôi qua,
giai đoạn lịch sử này cần được xem xét lại một cách khách quan về tính
chất chính đáng của chính phủ ấy.
Trần Trọng Kim thành lập chính phủ trong tình trạng độc lập nửa vời
vì chưa được trao trả trọn vẹn chủ quyền và lãnh thổ, nhưng như lời
nhận định nêu trên của Bảo Đại, đây là một cơ hội để cho Việt Nam có thể
chuẩn bị đầy đủ khả năng nhận lãnh hay đòi hỏi độc lập hoàn toàn. Nếu
không nắm lấy cơ hội này, Việt Nam không tránh khỏi tình trạng bị quân
phiệt Nhật thay thế Pháp cai trị một cách khắt khe trong những điều kiện
của chiến tranh chống quân đội đồng minh. Luật sư Trịnh Đình Thảo, sau
này là Chủ tịch của Liên minh Dân tộc, Dân chủ và Hoà bình (LMDTDCHB)
trong hệ thống Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam (MTDTGPMN) cho biết
Trần Trọng Kim “không tin ở sự thành thật của nhà cầm quyền người Nhật
và lo ngại bị lôi cuốn vào những biến cố có hại cho tương lai của xứ sở”
nhưng ông Thảo đã thuyết phục được ông Kim nhận lời yêu cầu của Bảo Đại
với lý do “phải gấp rút thành lập chính phủ Việt Nam độc lập để đặt các
lực lượng đồng minh, nhất là Pháp, trước một tình trạng pháp lý không
thể đảo ngược bằng lời tuyên cáo hủy bỏ những hiệp ước Bảo hộ năm 1862
và 1874, tuyên cáo nước Việt Nam độc lập và thống nhất”.(1)
Luật sư Thảo cũng cho biết một chuyện đáng lưu ý khác là Trần Trọng
Kim đã được một chính khách Thái Lan chia sẻ kinh nghiệm “bắt cá hai
tay” để có thể tồn tại của Thái Lan. Nhân vật này là Pridi Banomyong,
cựu Bộ trưởng Ngoại giao của chính phủ Thái Lan, vốn là bạn cùng lớp rất
thân của luật sư Dương Văn Giáo tại Đại học Luật Paris và khi làm Bộ
trưởng đã mời luật sư Giáo làm cố vấn chính trị. Khi đó chính phủ Thái
Lan do Thống chế Phibul Songram cầm đầu, bắt buộc phải thân Nhật lúc đó
đang có 50.000 quân trú đóng ở Thái Lan. Pridi Banomyong khi đó phải
sang Sài Gòn để hoạt động cho vai trò trung lập của Thái Lan. Trong thời
gian này ông được Dương Văn Giáo giới thiệu với Trịnh Đình Thảo. Pridi
cho hay trong khi Phibul Songram đi với Nhật thì một số chính trị gia
Thái ở Anh và Mỹ hợp tác với đồng minh để tránh cho Thái Lan bị liệt vào
phe thua trận khi chiến tranh chấm dứt. Những chính khách lưu vong này
thành lập một chính phủ trù bị để khi cần thiết, sẵn sàng thay thế chính
phủ Phibul Songram và được đồng minh thừa nhận. Lời khuyên của Pridi
Banomyong cho Trần Trọng Kim là “hãy nắm lấy độc lập mà không theo
Nhật”.(1)
Ngoài hoàn cảnh khó khăn về chính trị, đất nước lại đang gặp phải
tình trạng nguy ngập về kinh tế: nạn đói đang hoành hành, các thành phố
và trục lộ giao thông đường bộ, đường biển từ Nam ra Bắc bị phi cơ và
hạm đội đồng minh oanh tạc hay thả mìn. Bộ trưởng Xã hội của chính phủ
Kim, bác sĩ Vũ Ngọc Anh, bị thiệt mạng trong một vụ oanh tạc như thế.
Các cơ sở chính quyền còn ở trong tình trạng giao thời, quân đội chưa
thành lập, và guồng máy hành chính do Pháp để lại chỉ là những thuộc cấp
mà hầu hết là “những tham quan ô lại chỉ quen sự thi hành mệnh lệnh của
người Pháp, chứ không mấy người có đủ tư cách làm người công chức một
nước tự chủ”.(2)
Chính phủ Trần Trọng Kim ra đời trong những điều kiện khó khăn về
chính trị, an ninh và kinh tế như vậy. Trong phiên họp đầu tiên của Hội
đồng Nội các, bên cạnh công tác khẩn cấp cứu trợ nạn đói ở miền Bắc đã
làm ngót hai triệu người thiệt mạng, chính phủ Trần Trọng Kim đã ấn định
một chương trình sáu điểm:
1. Chuyển giao tất cả các cơ sở hành chính cho các viên chức Việt Nam.
2. Thâu hồi đất Nam Kỳ và các nhượng địa đã dành cho Pháp.
3. Ân xá toàn thể các phạm nhân chính trị.
4. Cho phép thành lập các đảng phái chính trị.
5. Miễn thuế cho công chức, thợ thuyền và dân nghèo.
6. Thiết lập các Uỷ ban tư vấn quốc gia để soạn thảo Hiến pháp và nghiên cứu cải tổ chính trị, hành chính và giáo dục.
Chỉ trong thời gian bốn tháng (từ 17 – 4 đến 16 – 8), chính phủ Kim
đã thực hiện được gần hết chương trình này. Kết quả có thể được tóm tắt
như sau:
Cứu đói: Bộ Tiếp tế do bác sĩ Nguyễn Hữu Thi cầm đầu nỗ lực
điều động việc vận tải thóc từ Nam ra Bắc. Lúc này, Pháp đã mất khả năng
ngăn cấm việc tiếp tế gạo và, nhờ sự can thiệp của chính phủ Kim, giới
quân phiệt Nhật cũng không còn thi hành chính sách độc đoán về sản xuất
nông phẩm. Tuy nhiên, công việc chuyên chở gạo vô cùng khó khăn vì những
hoạt động quân sự của Hoa Kỳ nhằm cắt đứt trục giao thông và chuyển vận
của Nhật. Không quân Mỹ oanh tạc thường xuyên đường xe lửa và đường bộ
trong khi hải quân phong toả đường biển bằng thuỷ lôi. Nhiều đoàn thuyền
buồm còn bị nạn hải tặc chặn cướp khiến cho gạo tiếp tế bị thiếu hụt
trầm trọng. Nếu không nhờ sự thành lập Tổng hội Cứu tế nạn đói để phối
hợp hoạt động với những hội chẩn tế và những đoàn thanh niên cứu đói
trên toàn quốc thì số người chết vì nạn đói còn cao hơn nữa.
Chủ quyền: Để biểu hiệu cho sự thống nhất ba miền lãnh thổ,
quốc hiệu “Việt Nam” chính thức thay thế cho quốc hiệu “An Nam” đang
được sử dụng. Mặc dù hứa hẹn cho Việt Nam độc lập, Nhật vẫn giữ lại ba
thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng là nhượng địa dành cho Pháp, và
toàn thể Nam Bộ là thuộc địa của Pháp. Ngày 3 – 7, chính phủ Kim thâu
hồi được ba thành phố nhượng địa, nhưng cuộc điều đình về vấn đề Nam Bộ
không có kết quả. Ngày 1 – 8, Thủ tướng Kim phải đích thân từ kinh đô
Huế ra Hà Nội gặp Tổng tư lệnh Tsuchihashi Yuitsu, không những yêu cầu
trả ngay phần còn lại của lãnh thổ mà còn đòi luôn các công sở thuộc về
phủ toàn quyền Pháp khi trước. Tất cả những đòi hỏi này đều được
Tsuchihashi chấp thuận, và hai bên ấn định ngày trao trả Nam Bộ là 8 – 8
và ngày trao trả các công sở là một tuần sau đó. Cũng trong dịp gặp
Tsuchihashi, Trần Trọng Kim đã được Nhật đồng ý chuyển giao lại các binh
sĩ Việt Nam, cung cấp 4.000 khẩu súng mới và đạn dược để tổ chức đội
quân bảo an.
Cải tổ: Vốn là một nhà giáo dục, Trần Trọng Kim rất chú
trọng đến việc cải tổ hệ thống giáo dục, bắt đầu bằng việc sử dụng tiếng
Việt làm ngôn ngữ giảng dạy. Hoàng Xuân Hãn, Bộ trưởng Giáo dục, không
những là một nhà khoa học mà còn là một học giả uyên bác, đã hoạch định
xây dựng một nền quốc học trên cơ sở dân tộc và tiến bộ, nhưng chưa kịp
thi hành trong một nhiệm kỳ quá ngắn ngủi. Hệ thống và chương trình
Trung học do ông soạn thảo(1) đã được các chính phủ quốc gia tiếp tục áp dụng với đôi chút sửa đổi trong nhiều năm về sau.
Về tư pháp, do đề nghị của Bộ trưởng Tư pháp Trịnh Đình Thảo, Thủ
tướng Kim ký nghị định ân xá ngày 2 – 5 với lệnh “Thả ngay tất cả các tù
nhân chính trị” và ngày 8 – 5 thành lập Uỷ ban soạn thảo Hiến pháp trên
căn bản thống nhất xứ sở, các quyền tự do chính trị, tôn giáo và nghiệp
đoàn(1). Ngoài ra, miễn hay giảm 13 hạng thuế được thi hành dưới thời Pháp và Nhật.
Chính trị: Với chủ trương “hợp nhất tất cả các phần tử quốc
dân để củng cố độc lập của quốc gia và gây mạnh cái tinh thần yêu nước
trong mọi giai tầng xã hội,”(2)
chính phủ Kim đã động viên được tinh thần yêu nước của toàn dân qua
việc tổ chức lần đầu tiên sau thời Pháp thuộc những buổi lễ vinh danh
các anh hùng dân tộc đã chiến thắng quân xâm lược và những nhà cách mạng
đã hi sinh cho Tổ quốc, thay đổi tên đường phố và phá hủy những tượng
đài biểu thị nền đô hộ của Pháp. Sôi nổi nhất là phong trào Thanh niên
Tiền tuyến do Bộ trưởng Phan Anh phát động và khuyến khích thanh niên
sinh viên tham gia các sinh hoạt chính trị, văn hoá, xã hội. Những đoàn
thể thanh niên này cũng như Tổng hội Sinh viên là những nơi Việt Minh
len lỏi vào và lôi cuốn được nhiều người yêu nước đi theo. Ngoài ra,
chính phủ Kim cũng thực hiện tinh thần hoà giải và đoàn kết dân tộc,
không phân biệt đảng phái, không chỉ bằng việc thả hết các chính trị
phạm và kêu gọi họ hợp tác, mà còn can thiệp với Nhật để các thanh niên
bị bắt về tội theo Việt Minh chống Nhật cũng được phóng thích.
Những kết quả trên đây cho thấy nội các Trần Trọng Kim, dù không
phải là những chính trị gia có thành tích và kinh nghiệm, song đều là
những nhà trí thức nhiệt tình với đất nước, hết lòng phục vụ cho quyền
lợi chung của dân tộc, không tham nhũng, không chia rẽ bè phái, không
tham quyền cố vị. Trước tình thế rối ren của Cách mạng Tháng Tám, Thủ
tướng Kim được quân đội Nhật cho biết họ “còn trách nhiệm giữ trật tự
cho đến khi quân đội đồng minh đến thay,”(1)
nhưng ông đã từ chối yêu cầu Nhật bảo vệ chính phủ và muốn duy trì trật
tự vì muốn tránh đổ máu và rối loạn. Trước đó, trong chuyến đi ra Hà
Nội để điều đình với Tổng tư lệnh Nhật Tsuchihashi Yuitsu để lấy lại Nam
Kỳ và các cơ sở chủ quyền còn lại, Trần Trọng Kim đã tìm hiểu kỹ lưỡng
về Mặt trận Việt Minh đang gây thanh thế ở miền Bắc. Ông nhận định rằng
“Đảng Việt Minh cộng sản có tổ chức rất chu mật và theo đúng phương pháp
khoa học. Trong khi ông Hồ Chí Minh ở bên Tàu để chờ đợi thời cơ, ở
trong nước đâu đâu cũng có cán bộ ngấm ngầm hành động và tuyên truyền
rất khôn khéo. Họ lợi dụng lòng ái quốc của dân chúng mà tuyên truyền
Việt Minh không phải là đảng cộng sản, chỉ là một mặt trận gồm tất cả
các đảng phái có chung mục tiêu giành lại độc lập cho nước nhà, vậy nên
từ Bắc chí Nam ở đâu cũng có người theo… Đảng viên cộng sản lại biết giữ
kỉ luật rất nghiêm và rất chịu khó làm việc. Xem như hội truyền bá quốc
ngữ khi mới lập thành ở Hà Nội là có ngay những người cộng sản vào hội
rồi, và những người nhận việc đi dạy học rất chăm, không quản công lao
gì cả. Một tổ chức có kỉ luật và chịu khó làm việc như thế, làm gì mà
không mạnh”(2). Chính vị Khâm sai miền Bắc Phan Kế Toại và một số Bộ trưởng trong chính phủ Kim cũng bắt đầu có thiện cảm với Việt Minh.
So sánh một lực lượng cách mạng đã hoạt động lâu năm có ảnh hưởng
trong quần chúng và đang có thời cơ với một chính phủ trí thức yêu nước
nhưng mới ra đời được bốn tháng, chưa có đủ quyền hành, chưa kịp có quân
đội, Trần Trọng Kim đã quyết định đúng khi ông không nhờ quân đội Nhật
can thiệp, một quân đội lúc đó đã mất hết tinh thần đang chờ bị tước khí
giới và giam giữ. Ông đã thực hiện phương châm “khả hành khả chỉ” trong
chính trị học Khổng giáo để biết “lúc nào nên làm, lúc nào nên thôi”.
Bởi vậy, sau khi giành được chính quyền, Mặt trận Việt Minh đã không
những không bắt bớ hay trả thù một người nào trong chính phủ Kim mà còn
lôi cuốn được một số Bộ trưởng gia nhập mặt trận kháng chiến chống Pháp,
mặc dù trước đó đã lên án chính phủ này là “bù nhìn” và “Việt gian”. Chính
phủ Kim mang tiếng là thân Nhật, nhưng thật ra chỉ là lợi dụng cơ hội
Nhật đảo chính Pháp để nắm lấy quyền cai trị nhằm dần dần phục hồi độc
lập hoàn toàn cho dân tộc. Đó là phương cách thực tế và khôn ngoan nhất
mà bất cứ một chính trị gia sáng suốt nào, kể cả Hồ Chí Minh, cũng sẽ
chọn lựa vào lúc đó. Khoảng tháng 6 – 1945, khi Thủ tướng Kim gặp
Tổng tư lệnh Tsuchihashi để yêu cầu Nhật dứt khoát trả lại ba tỉnh Hà
Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng và toàn bộ đất Nam Kỳ cho Việt Nam, ông đã nói:
“Quân đội Nhật đã đánh quân đội Pháp và công nhiên hứa hẹn trả quyền tự
chủ cho nước Việt Nam. Bởi vậy tôi không quản tuổi già và sự khó khăn
của hoàn cảnh mà đứng ra lập chính phủ. Tôi làm việc một lòng giúp nước
tôi, cũng như các ông lo việc giúp nước Nhật… Nếu các ông cho tôi là
người làm việc cho nước Nhật, việc ấy không phải là phận sự của tôi, tôi
sẵn lòng xin lui”(1). Chỉ tiếc rằng vài tháng sau, lúc gần đạt được mục tiêu thì Chính phủ Kim phải ra đi.
Nhiều người trách chính phủ Trần Trọng Kim là nhu nhược, không dám
đối phó với Việt Minh sau ngày 19 – 8 – 1945 mặc dù nhà cầm quyền Nhật
đã báo cho Thủ tướng Kim biết là “quân đội Nhật còn trách nhiệm giữ trật
tự cho đến khi quân Đồng minh đến thay”(2). Thật ra, quyết định của Bảo Đại và Trần Trọng Kim không nhờ Nhật can thiệp là đúng vì ba lý do chính:
1. Quân đội Nhật đã đầu hàng. Không có một lý do hay động lực nào
khiến họ thấy cần phải chiến đấu để bảo vệ một chính phủ địa phương đang
thất thế. Trách nhiệm “giữ trật tự” của quân đội Nhật sẽ chỉ có hiệu
lực lúc đầu và họ sẽ phải nhượng bộ hoặc xung đột với cao trào đòi độc
lập của những đoàn thể thanh niên, sinh viên và dân chúng do Việt Minh
tổ chức. Thời gian “giữ trật tự” để chờ quân đội đồng minh lại rất ngắn
(khoảng hai tuần lễ) và chính phủ Trần Trọng Kim sẽ không thể chối bỏ
được trách nhiệm về những cuộc đổ máu của dân Việt Nam do quân Nhật gây
ra.
2. Việt Minh đã thành công lớn trong chiến dịch tuyên truyền là
được sự ủng hộ của Hoa Kỳ. Những lời tuyên bố của Tổng thống Roosevelt
chỉ trích chế độ thực dân của Pháp, sự thành lập “bộ đội Việt – Mỹ” từ
chiến khu Tân Trào với sự hiện diện của các sĩ quan OSS, và tấm hình
tướng “Cọp Bay” Chennault ký tặng Hồ Chí Minh ở Côn Minh đã được Việt
Minh sử dụng và thuyết phục được đại đa số nhân dân ủng hộ. Luật sư
Trịnh Đình Thảo, Bộ trưởng Tư pháp trong chính phủ Kim, còn được tin là
“đại uý Landsdale, phụ tá của thiếu tá Archimedes Patti, trưởng đoàn OSS
ở vùng Đông Nam á… thay vì tiếp tế cho những nhóm quân của Pháp còn
đang chiến đấu (chống Nhật) trong rừng miền biên giới, lại thả dù vũ khí
và đạn dược xuống cho Việt Minh để trang bị cho một tiểu đoàn đầu tiên,
và phái Aaron Bank tới huấn luyện cho bộ đội của Hồ Chí Minh”.
3. Việt Minh đã chiếm được các cơ sở chính quyền, Hồ Chí Minh đã
thành lập Chính phủ lâm thời, Khâm sai Bắc Bộ là Phan Kế Toại đã từ
chức, đoàn Thanh niên Tiền tuyến và lính bảo an nhiều người đã đi theo
Việt Minh. Thư của Bảo Đại gửi cho Truman và De Gaulle kêu gọi ủng hộ
chính nghĩa quốc gia đều không được trả lời. Trong tình trạng thất thế
và cô đơn trước khí thế sôi sục của “cách mạng”, Bảo Đại cùng Hoàng gia
có thể bị lâm vào số phận của Louis XVI sau Cách mạng Pháp 1789 hay
Nicholas II hồi Cách mạng Nga 1917. Quyết định thoái vị của Bảo Đại là
một quyết định sáng suốt, thức thời, tránh được đổ máu vô ích của nhân
dân nếu ông nhờ Nhật dẹp Việt Minh.
Trong thời gian quá ngắn phục vụ đất nước, chính phủ Trần Trọng Kim
không mắc phải sai lầm nào đáng bị chỉ trích, trái lại, đã thực hiện
được nhiều thành tích đáng kể nhất là việc lấy lại được miền Nam và ba
nhượng địa quan trọng ở miền Bắc, hoàn thành được việc thống nhất đất
nước như đã nói trên. Tất cả những điều đó cho thấy Bảo Đại và chính phủ
Trần Trọng Kim không phải là “bù nhìn” của Nhật và nền độc lập của Việt
Nam, dù chưa hoàn toàn, vẫn là một thực tại chứ không phải “bánh vẽ”,
nhất là so với những điều kiện của một “quốc gia tự do” và viễn tưởng
thống nhất mơ hồ như trong Hiệp định sơ bộ 6 – 3 năm 1946 mà Chủ tịch Hồ
Chí Minh phải ký kết với Cao uỷ Bollaert.
Sai lầm chính trị, đúng ra là một nhược điểm, đáng nói đến là Trần
Trọng Kim đã không thực hiện được sách lược “bắt cá hai tay” của Thái
Lan mà Pridi Banomyong đã chia sẻ. Điều đó có nghĩa là trong khi chính
phủ Kim giữ thái độ trung lập chính trị đối với Nhật thì đáng lẽ đã phải
có những nhân vật chính trị khác đi với Anh, Mỹ để chống Nhật và để
thay thế chính phủ Kim khi chiến tranh chấm dứt. Nhưng khác với Thái
Lan, Việt Nam còn phải đối phó với Pháp, khi đó cũng là một thành phần
của Đồng minh, đang quyết tâm trở lại Đông Dương. Công việc vận động
Đồng minh lại rất khó khăn vì Anh là một đế quốc tất nhiên ủng hộ Pháp
chinh phục lại các thuộc địa cũ trong khi mối quan tâm chính của Hoa Kỳ
lúc đó là ngăn chặn ảnh hưởng của Liên Xô Âu châu. Dù sao, đó cũng chính
là lầm lỗi của các đảng phái quốc gia nói chung, không có một tầm nhìn
rộng rãi về chính trị thế giới sau Thế chiến thứ hai, không hợp tác được
với nhau để có một sách lược chung…
(Vì không liên lạc được với Giáo sư Lê Xuân Khoa nên chúng tôi
chưa được ý kiến của giáo sư về đoạn trích này. Xin chân thành cáo lỗi
và cảm tạ giáo sư (T.G).
(*) Trích Việt Nam 1945 -1995, NXB Tiên Rồng, Hoa Kỳ, 2004.
(1) Lê Xuân Khoa, quốc tịch Mỹ, gốc Việt, nguyên Phó viện trưởng Viện Đại học Sài Gòn, tiến sĩ triết học.
(1)
CAOM, HCI – 101. Marc Masayuki Yokohama viết bản phúc trình 112 trang
đánh máy cho nhà cầm quyền Pháp, nhan đề“Mémoires personnels écrits en
réponse au questionnaire des autorités franỗaises de Hué sur les
évènements survenus en Indochine en Mars 1945” (Hồi ký cá nhân viết ra
để trả lời bản câu hỏi của nhà chức trách Pháp ở Huế về những sự việc
xảy ra ởĐông Dương vào tháng 3 – 1945). Marc Yokohama có vợ Pháp tên là
Jeanne A. Vicart và một con trai tên Jean-Marie Masayumi Yokohama sinh
tại Paris năm 1926. Ngày 13 – 12 – 1946, vợ và con của Marc được chính
phủ Pháp cho phép hồi hương vì có công giúp đỡ kiều dân Pháp ở Hà Nội
sau vụđảo chính. Không thấy nói gì tới biện pháp đối với Marc Masayuki
Yokohama.
(1) Trần Trọng Kim, Một cơn gió bụi(Sài Gòn: Vĩnh Sơn, 1969), tr. 51.
(1)
Trịnh Đình Khải, Décolonisation du Vietnam: Un Avocat Tðmoigne (Công
cuộc giải thực dân của Việt Nam – Một luật sư, hồi ký) (Paris:
L’Harmattan, 1994), 62. Tác giả cuốn hồi ký bằng Pháp văn này là luật sư
Trịnh Đình Thảo, viết sau năm 1975 và trước khi ông mất năm 1986 nhưng
tới năm 1994 mới được xuất bản ở Pháp, do trưởng nam của ông là luật sư
Trịnh Đình Khải đứng tên tác giả.
(1)Sách đã dẫn, tr. 62 – 63.
(2) Trần Trọng Kim, Một cơn gió bụi, tr. 56.
(1) Hữu Ngọc và Nguyễn Đức Hiền (sưu tầm), La Sơn Yên Hồ Hoàng Xuân Hãn
(Hà Nội: NXB Giáo dục, 1998), tập I, tr. 775 – 850. Với sựđóng góp bài
vở của 59 người quen biết cố học giả họ Hoàng, các tác phẩm của Hoàng
Xuân Hãn về Khoa học và Giáo dục được in lại trong tập I này, các tác
phẩm về Lịch sửđược in trong tập II và về Văn học trong tập III.
(1)Đạo
luật đầu tiên cho phép tổ chức nghiệp đoàn là do chính phủ Trần Trọng
Kim soạn thảo và ban hành ngày 5 – 7 – 1945. Tổng Liên đoàn Lao động của
Việt Minh tới tháng 7 – 1946 mới được thành lập. (Alice W. Shureliff,
“Trade Union Movement in Vietnam” trong Monthly Labor Review, U.S. Departmen of Labor, Washington, D.C., January 1951, tr. 31).
(2) Trần Trọng Kim, Một cơn gió bụi, trong “Lời tuyên cáo của nội các Trần Trọng Kim”, phần Phụ lục, tr. 193.
(1)Sách đã dẫn, tr. 93.
(2)Sách đã dẫn, 73 – 74.
(1)Sách đã dẫn, tr. 78 – 79.
(2)Sách đã dẫn, tr. 93.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét