VNTB
Minh Tâm
(VNTB) – Chắc chắn không ai chịu đền bù thiệt hại cho các chủ xe
vận tải container. Hồi chuông báo động ở đây là các cấp, ngành đừng duy ý
chí khi đặt bút ký những quyết định liên quan mật thiết đến nồi cơm của
đông đảo mọi người. Hãy lắng nghe những phản biện đa chiều, mang tính
chuyên môn thuyết phục.Và cũng xin đừng nhân danh ngân sách để đè cổ doanh nghiệp mà vắt chày ra nước.
Xe Container chờ giao hàng tại cửa khẩu Mộc bài. Ảnh: Minh Tâm. |
Từ sáng sớm 16-8, đoàn xe container chở hàng hóa (quá cảnh để tạm nhập, tái xuất) đậu từ khu vực Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài (huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh) đến đường Xuyên Á (dài trên 1 km) và tại các bãi xe lên đến hàng trăm chiếc.
Đại diện nhiều doanh nghiệp (DN) vận tải cho biết nguyên nhân khiến dòng xe container ùn ứ là do UBND tỉnh Tây Ninh bắt đầu thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng đối với phương tiện ra, vào cửa khẩu quá cao, đến 2,5 triệu đồng/lượt, khiến các công ty không muốn xe qua cửa khẩu vì phải chịu lỗ.
Tại buổi gặp gỡ báo chí để thông tin về những vấn đề trên, ngày 19-08, phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh, ông Huỳnh Văn Quang cho biết việc thu phí cửa khẩu là thực hiện theo Quyết định 72/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư hướng dẫn số 02/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính.
Trong quá trình xây dựng đề án thu phí, tỉnh Tây Ninh đã tổ chức lấy ý kiến của các DN kinh doanh vận tải để tham khảo mức giá, từ đó mới đề ra mức phí phù hợp. Mức phí được quy định thu tại 2 cửa khẩu quốc tế Mộc Bài và Xa Mát vẫn còn rất thấp, chỉ bằng 50-70% so với các tỉnh phía Bắc (Lạng Sơn, Quảng Ninh).
Tài xế nằm chờ. Ảnh: Minh Tâm. |
Cũng theo nhiều DN, việc tỉnh Tây Ninh quy định phí sử dụng các công trình, kết cấu hạ tầng là điều chưa rõ ràng. Nếu gọi là phí hạ tầng thì cũng không hợp lý, vì hàng tháng, hàng năm các phương tiện vận tải đều phải đóng phí bảo trì đường bộ theo quy định chung là xe tải nhẹ 270 ngàn đồng, container 710 ngàn đồng/tháng.
Hiện trạm thu phí gần cửa khẩu Mộc Bài đã được dỡ bỏ theo yêu cầu của Bộ GTVT thì việc HĐND tỉnh Tây Ninh cho rằng sử dụng hạ tầng là những công trình nào? Các DN cũng yêu cầu tỉnh công khai danh sách công trình kết cấu hạ tầng. Mặt khác, HĐND tỉnh ra Nghị quyết có hiệu lực sau 10 ngày ký liệu có quá vội vàng không, khi mà tỉnh vẫn chưa sẵn sàng bến bãi cho việc khai thác hoạt động của cửa khẩu?
“Cướp cạn”
Theo các DN, hiện nay, chi phí vận chuyển một container từ TP.HCM đi Campuchia, không lời được đến 2,5 triệu đồng mà giờ đóng phí đến 2,5 triệu đồng/container thì DN lấy đâu ra tiền để đóng?.
Mức thu phí này được ví như đập chén cơm của người lao động. Ông Nguyễn Thái Hoàng, giám đốc Công ty TNHH Vận tải Thương mại Thái Nguyên Lâm, cho biết với mức phí 2,5 triệu đồng/lượt xe container quá cảnh, phía đối tác Campuchia đã không đồng ý. Hiện tại, với những container đã hợp đồng, công ty phải bấm bụng bỏ tiền ra để chở hàng giao cho khách.
“Công ty tôi vận chuyển hàng hóa quá cảnh container hơn tám năm với gần 30 nhân viên, tài xế, hằng tháng có gần 200 container quá cảnh được vận chuyển qua cửa khẩu. Việc đối tác không tiếp tục vận chuyển sẽ ảnh hưởng đến thu nhập và việc làm của nhân viên”. Ông Hoàng nói.
DN cho rằng quyết định thu phí quản lý sử dụng cơ sở hạ tầng cửa khẩu, tức là khu vực cửa khẩu thì từ quốc lộ 22 vào đến cửa khẩu Mộc Bài khoảng 10km mà mức phí 2,5 triệu đồng/lượt xe, tính ra cao hơn cả mức phí giao thông trên đường cao tốc chỉ 8.000 đồng/km/lượt xe container 40 feet.
Trong thu phí cũng có mức chênh lệch quá xa đối với cùng tải trọng: chở hàng hóa tạm nhập tái xuất, hàng hóa chuyển khẩu, hàng hóa của nước ngoài gửi kho ngoại quan có tải trọng từ 18 tấn trở lên hoặc container 40 feet, chịu mức thu 2,5 triệu đồng/lượt. Còn vận tải hàng hóa xuất, nhập khẩu cùng tải trọng, chỉ phải đóng phí là 500.000 đồng/lượt.
Việc quản lý, sử dụng nguồn thu như sau: tỷ lệ phần trăm để lại đơn vị thu nhằm trang trải chi phí thực hiện tại các cửa khẩu tối đa là 10% số thu được; phần còn lại nộp ngân sách nhà nước và điều tiết 100% cho ngân sách tỉnh để duy tu, sửa chữa, đầu tư mới công trình tại cửa khẩu và địa phương.
Có phải do được để lại 100% số phí thu được mà tỉnh Tây Ninh sẳn sàng đè cổ DN để vắt chày ra nước? Liệu đây có phải là một thủ thuật mà dân tình luôn lên án là “cướp cạn”?
Minh Tâm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét