Basam
GS Nguyễn Văn Tuấn
19-08-2014
Có người cho rằng không có giáo X kia thì ai biết đến đại học Y. Nói cách khác, họ cho rằng sự danh tiếng [nếu có] của đại học Y là nhờ vào danh tiếng [nếu có] của giáo sư X. Tất nhiên, chúng ta chỉ nói đại học ở VN (vì đại học nổi tiếng ở nước ngoài thì là một câu chuyện khác). Tôi nghĩ quan điểm “nhờ X thì Y mới nổi tiếng” là một sai lầm, nếu không muốn nói là ảo tưởng.
Chúng ta phải hiểu “nổi tiếng” ở đây là có tiếng tốt, chứ không phải tiếng xấu. Tiếng tốt rất khó định lượng cho chính xác. Trường thì có tiếng về ngành kinh tế, nhưng kém với khoa học; trường thì vang danh về y khoa; lại có trường nổi tiếng trong nhiều lĩnh vực. Có trường sinh viên ra tìm việc làm dễ và nhanh, có trường tốt về cơ sở vật chất, lại có trường giỏi về nghiên cứu khoa học. Làm sao cân đo đong đếm các khía cạnh đó là một vấn đề nan giải. Người ta thường dựa vào các bảng xếp hạng đại học trên thế giới để đánh giá cái gọi là “nổi tiếng”. Có tên trong các bảng xếp hạng “Top 500” có thể xem là nổi tiếng. Chắc chắn không chính xác 100%, nhưng đại khái các bảng xếp hạng cũng phản ảnh khá đúng với cảm nhận của công chúng. Ví dụ như nói Mahidol University, ai cũng biết là ở Thái Lan và nổi tiếng; nói đến Stanford, ai cũng biết trường này ở Mĩ và nổi tiếng. Bảng xếp hạng do đó có thể xem là một dấu ấn gián tiếp (surrogate marker) của nổi tiếng.
Không có đại học nào của VN là có tiếng trên trường quốc tế. Thật vậy, cho đến nay chẳng có bất cứ một đại học nào của VN nằm trong bảng xếp hạng danh tiếng của QS, THE, AWRU. Điều này dễ hiểu, bởi vì các đại học VN còn rất lu mờ trong nghiên cứu khoa học. Chẳng ai biết và cũng chẳng ai quan tâm đến đại học VN vì họ chẳng có đóng góp gì đáng chú ý cho khoa học và cho cộng đồng quốc tế. Ngay cả các đại học lớn trong vùng cũng chẳng xem các đại học VN ra gì, vì khoảng cách về nghiên cứu giữa họ và các đại học hàng đầu ở VN quá xa và càng xa theo thời gian.
VN cũng chưa có một giáo sư hay một nhà khoa học nào đứng vào hàng các nhà khoa học “eminent” (lừng danh) trên thế giới. Dĩ nhiên, VN có vài nhà khoa học có tiếng trên thế giới trong chuyên ngành của họ, nhưng ngay cả trong chuyên ngành, cái “có tiếng” đó cũng chỉ là hạng trung bình hay trên trung bình một chút. Theo tôi biết, VN chưa có một nhà khoa học được mời diễn thuyết trong phiên họp khoáng đại của các hội nghị số 1 trong chuyên ngành. Điều này có lẽ không khó hiểu, vì VN cũng chỉ mới hội nhập quốc tế trong thời gian gần đây, và nghiên cứu khoa học cũng chỉ mới được quan tâm khi có người chỉ ra sự tụt hậu của VN trên trường quốc tế.
Sự nổi tiếng của đại học VN, do đó, không phụ thuộc vào giáo sư ở VN. Nói đúng ra, như nói trên không có một đại học VN nào nổi tiếng trên thế giới, và giáo sư cũng chưa nổi tiếng trên thế giới, thì tích số của hai yếu tố phải là số không.
Ở nước ngoài, có một số giáo sư Việt kiều nổi tiếng thật sự trong chuyên ngành của họ, nổi tiếng theo tiêu chí mà tôi mới đề cập ở trên. Nhưng tôi nói “một số”, chứ không nhiều như báo chí VN hay ảo tưởng. Bên cạnh một số giáo sư nổi tiếng đó, còn có nhiều giáo sư khác tuy không nổi tiếng nhưng họ có khả năng PR rất tốt trên báo chí VN và tự dưng họ trở thành nổi tiếng. Họ cũng là giáo sư ở nước ngoài, có thể từ các trường đại học danh tiếng nhưng phần lớn là xuất phát từ các trường làng nhàng. Họ có ý nguyện giúp VN, và khi về VN so với đồng nghiệp trong nước họ thấy mình cao hẳn lên. Từ đó họ ảo tưởng rằng mình là số 1 trên thế giới! Số này không nhiều, nhưng báo chí tung ca nhiều quá nên công chúng tưởng là nhiều.
Các trường đại học VN rất muốn nâng cao “thương hiệu” của họ trên trường quốc tế, và cũng là cách góp phần đưa tên tuổi VN trong trường khoa học. Do đó, họ rất cần nghiên cứu khoa học, lĩnh vực mà họ yếu nhất. Từ đó, họ cần sự giúp đỡ và hợp tác của các giáo sư nước ngoài, kể cả giáo sư Việt kiều. Một số ít giáo sư Việt kiều có tâm về hẳn VN để làm việc, và họ thường âm thầm. Nhưng số nhiều giáo sư Việt kiều thì chỉ như “đi mây về gió”, lâu lâu nói chuyện trong seminar, ghé thăm như “cưỡi ngựa xem hoa” chứ chẳng giúp gì nhiều. Do đó, có trường theo mô hình “nhóm nghiên cứu” (research group) để giúp các giáo sư Việt kiều có lab và có cơ sở để hợp tác lâu dài cho dù là ở nước ngoài.
Thế giáo sư Việt kiều có làm cho đại học VN nổi tiếng? Tôi nghĩ câu trả lời là KHÔNG. Một cây làm chẳng nên non. Cho dù một trường đại học có thể thu hút giáo sư Việt kiều nổi tiếng lừng danh hay nổi tiếng, thì sự hiện diện của giáo sư đó vẫn không thể giúp các đại học VN nổi tiếng được. Trường có tiếng về một lĩnh vực vẫn chưa thể nói là nổi tiếng được. Nổi tiếng đòi hỏi sự đồng bộ của nhiều lĩnh vực.
Nói đến nổi tiếng theo cái nhìn của công chúng trong nước chắc người ta nghĩ đến ĐHQGHN và ĐHQGHCM. Nhưng nếu hỏi họ 2 đại học đó nổi tiếng về cái gì, thì có thể phần lớn chẳng ai trả lời được. Không trả lời được là vì cả hai trường chẳng có công trình khoa học gì để gọi là “nổi bậc”. Có thể nói tất cả các đại học VN đều như thế, trường nào cũng như trường nào về tiếng tăm trong khoa học, chưa có trường nào có công trình gọi là “flagship” để công chúng nhận ra dễ dàng.
Do đó, tôi nghĩ sự có mặt của các giáo sư Việt kiều, cho dù là giáo sư danh tiếng, ở các đại học VN sẽ khó làm cho đại học nổi tiếng. Suy nghĩ kiểu “không có giáo sư X chắc chẳng ai biết đến trường Y” theo tôi là cực kì trẻ con đến bất ngờ. Tôi nghĩ các giáo sư Việt kiều chân chính không ai ảo tưởng rằng sự có mặt của họ sẽ làm đại học nổi tiếng; họ chỉ nghĩ góp một tay vào việc xây dựng thương hiệu cho đại học qua nghiên cứu khoa học và giảng dạy.
Nguồn: FB Nguyen Tuan
19-08-2014
Có người cho rằng không có giáo X kia thì ai biết đến đại học Y. Nói cách khác, họ cho rằng sự danh tiếng [nếu có] của đại học Y là nhờ vào danh tiếng [nếu có] của giáo sư X. Tất nhiên, chúng ta chỉ nói đại học ở VN (vì đại học nổi tiếng ở nước ngoài thì là một câu chuyện khác). Tôi nghĩ quan điểm “nhờ X thì Y mới nổi tiếng” là một sai lầm, nếu không muốn nói là ảo tưởng.
Chúng ta phải hiểu “nổi tiếng” ở đây là có tiếng tốt, chứ không phải tiếng xấu. Tiếng tốt rất khó định lượng cho chính xác. Trường thì có tiếng về ngành kinh tế, nhưng kém với khoa học; trường thì vang danh về y khoa; lại có trường nổi tiếng trong nhiều lĩnh vực. Có trường sinh viên ra tìm việc làm dễ và nhanh, có trường tốt về cơ sở vật chất, lại có trường giỏi về nghiên cứu khoa học. Làm sao cân đo đong đếm các khía cạnh đó là một vấn đề nan giải. Người ta thường dựa vào các bảng xếp hạng đại học trên thế giới để đánh giá cái gọi là “nổi tiếng”. Có tên trong các bảng xếp hạng “Top 500” có thể xem là nổi tiếng. Chắc chắn không chính xác 100%, nhưng đại khái các bảng xếp hạng cũng phản ảnh khá đúng với cảm nhận của công chúng. Ví dụ như nói Mahidol University, ai cũng biết là ở Thái Lan và nổi tiếng; nói đến Stanford, ai cũng biết trường này ở Mĩ và nổi tiếng. Bảng xếp hạng do đó có thể xem là một dấu ấn gián tiếp (surrogate marker) của nổi tiếng.
Không có đại học nào của VN là có tiếng trên trường quốc tế. Thật vậy, cho đến nay chẳng có bất cứ một đại học nào của VN nằm trong bảng xếp hạng danh tiếng của QS, THE, AWRU. Điều này dễ hiểu, bởi vì các đại học VN còn rất lu mờ trong nghiên cứu khoa học. Chẳng ai biết và cũng chẳng ai quan tâm đến đại học VN vì họ chẳng có đóng góp gì đáng chú ý cho khoa học và cho cộng đồng quốc tế. Ngay cả các đại học lớn trong vùng cũng chẳng xem các đại học VN ra gì, vì khoảng cách về nghiên cứu giữa họ và các đại học hàng đầu ở VN quá xa và càng xa theo thời gian.
VN cũng chưa có một giáo sư hay một nhà khoa học nào đứng vào hàng các nhà khoa học “eminent” (lừng danh) trên thế giới. Dĩ nhiên, VN có vài nhà khoa học có tiếng trên thế giới trong chuyên ngành của họ, nhưng ngay cả trong chuyên ngành, cái “có tiếng” đó cũng chỉ là hạng trung bình hay trên trung bình một chút. Theo tôi biết, VN chưa có một nhà khoa học được mời diễn thuyết trong phiên họp khoáng đại của các hội nghị số 1 trong chuyên ngành. Điều này có lẽ không khó hiểu, vì VN cũng chỉ mới hội nhập quốc tế trong thời gian gần đây, và nghiên cứu khoa học cũng chỉ mới được quan tâm khi có người chỉ ra sự tụt hậu của VN trên trường quốc tế.
Sự nổi tiếng của đại học VN, do đó, không phụ thuộc vào giáo sư ở VN. Nói đúng ra, như nói trên không có một đại học VN nào nổi tiếng trên thế giới, và giáo sư cũng chưa nổi tiếng trên thế giới, thì tích số của hai yếu tố phải là số không.
Ở nước ngoài, có một số giáo sư Việt kiều nổi tiếng thật sự trong chuyên ngành của họ, nổi tiếng theo tiêu chí mà tôi mới đề cập ở trên. Nhưng tôi nói “một số”, chứ không nhiều như báo chí VN hay ảo tưởng. Bên cạnh một số giáo sư nổi tiếng đó, còn có nhiều giáo sư khác tuy không nổi tiếng nhưng họ có khả năng PR rất tốt trên báo chí VN và tự dưng họ trở thành nổi tiếng. Họ cũng là giáo sư ở nước ngoài, có thể từ các trường đại học danh tiếng nhưng phần lớn là xuất phát từ các trường làng nhàng. Họ có ý nguyện giúp VN, và khi về VN so với đồng nghiệp trong nước họ thấy mình cao hẳn lên. Từ đó họ ảo tưởng rằng mình là số 1 trên thế giới! Số này không nhiều, nhưng báo chí tung ca nhiều quá nên công chúng tưởng là nhiều.
Các trường đại học VN rất muốn nâng cao “thương hiệu” của họ trên trường quốc tế, và cũng là cách góp phần đưa tên tuổi VN trong trường khoa học. Do đó, họ rất cần nghiên cứu khoa học, lĩnh vực mà họ yếu nhất. Từ đó, họ cần sự giúp đỡ và hợp tác của các giáo sư nước ngoài, kể cả giáo sư Việt kiều. Một số ít giáo sư Việt kiều có tâm về hẳn VN để làm việc, và họ thường âm thầm. Nhưng số nhiều giáo sư Việt kiều thì chỉ như “đi mây về gió”, lâu lâu nói chuyện trong seminar, ghé thăm như “cưỡi ngựa xem hoa” chứ chẳng giúp gì nhiều. Do đó, có trường theo mô hình “nhóm nghiên cứu” (research group) để giúp các giáo sư Việt kiều có lab và có cơ sở để hợp tác lâu dài cho dù là ở nước ngoài.
Thế giáo sư Việt kiều có làm cho đại học VN nổi tiếng? Tôi nghĩ câu trả lời là KHÔNG. Một cây làm chẳng nên non. Cho dù một trường đại học có thể thu hút giáo sư Việt kiều nổi tiếng lừng danh hay nổi tiếng, thì sự hiện diện của giáo sư đó vẫn không thể giúp các đại học VN nổi tiếng được. Trường có tiếng về một lĩnh vực vẫn chưa thể nói là nổi tiếng được. Nổi tiếng đòi hỏi sự đồng bộ của nhiều lĩnh vực.
Nói đến nổi tiếng theo cái nhìn của công chúng trong nước chắc người ta nghĩ đến ĐHQGHN và ĐHQGHCM. Nhưng nếu hỏi họ 2 đại học đó nổi tiếng về cái gì, thì có thể phần lớn chẳng ai trả lời được. Không trả lời được là vì cả hai trường chẳng có công trình khoa học gì để gọi là “nổi bậc”. Có thể nói tất cả các đại học VN đều như thế, trường nào cũng như trường nào về tiếng tăm trong khoa học, chưa có trường nào có công trình gọi là “flagship” để công chúng nhận ra dễ dàng.
Do đó, tôi nghĩ sự có mặt của các giáo sư Việt kiều, cho dù là giáo sư danh tiếng, ở các đại học VN sẽ khó làm cho đại học nổi tiếng. Suy nghĩ kiểu “không có giáo sư X chắc chẳng ai biết đến trường Y” theo tôi là cực kì trẻ con đến bất ngờ. Tôi nghĩ các giáo sư Việt kiều chân chính không ai ảo tưởng rằng sự có mặt của họ sẽ làm đại học nổi tiếng; họ chỉ nghĩ góp một tay vào việc xây dựng thương hiệu cho đại học qua nghiên cứu khoa học và giảng dạy.
Nguồn: FB Nguyen Tuan
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét