Boxitvn
Bill Hayton, National Interest, ngày 5/8/2014
Trần Ngọc Cư dịch
“Bất cứ điều gì mà Bắc Kinh hi vọng đạt được trong
việc triển khai giàn khoan Hải Dương 981 đều không thành công – dù đó
là dầu lửa, lợi thế lãnh thổ, hay thắng lợi chiến lược dài hạn.”
Dù bằng bất cứ thước đo nào mà ta lựa chọn, cuộc
phiêu lưu giàn khoan gần đây của Trung Quốc là một thất bại thê thảm.
Bắc Kinh đã không đem về thêm một giọt dầu nào cho giới tiêu thụ Trung
Quốc, không lấy thêm được một tấc lãnh hải nào, mà chỉ dâng hiến cho Mỹ
một lợi thế chiến lược trong khu vực. Sự đoàn kết của khối ASEAN vẫn
được duy trì vững vàng và địa vị của các thế lực “thân Bắc Kinh” tại các
nước có tranh chấp tại Biển Đông, đặc biệt tại Việt Nam, đã bị suy yếu
nghiêm trọng. Trung Quốc đã phơi bày sự kém cỏi của mình trong việc thực
hiện chính sách đối ngoại. Vì sao mọi việc đã diễn ra trái khuấy như
vậy?
Chúng ta không biết được giới lãnh đạo Trung Quốc hi
vọng sẽ đạt được điều gì khi họ phê chuẩn việc hạ đặt giàn khoan lớn
nhất của Trung Quốc và triển khai một đội hạm thuyền hộ vệ vào vùng nước
cũng được Việt Nam tuyên bố chủ quyền. Không có dấu hiệu gì cho thấy
chiến dịch này chỉ là một nỗ lực tìm kiếm dầu khí. Có nhiều địa điểm
thuận lợi hơn để Trung quốc đầu tư thăm dò. Ngày 19 tháng Ba, Tổng công
ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) công bố đã phát hiện một khu vực
dầu khí có kích cỡ trung bình tại một vùng nước không tranh chấp gần
Đảo Hải Nam. Việc khai thác khu vực này đã bị đình hoãn trong trong thời
gian cuộc phiêu lưu Hoàng Sa đang diễn ra ở một vùng nước xa xôi về
phía nam.
Hai vùng đáy biển được giàn khoan khủng Hải Dương 981
thăm dò không có viễn ảnh tốt về trữ lượng dầu khí. Một báo cáo năm
2013 do Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ đưa ra cho thấy rằng
tiềm năng dầu khí của khu vực Hoàng Sa được coi là thấp. Một dấu hiệu
có ý nghĩa là Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc [CNOOC], một
công ty có kinh nghiệm nhất của Trung Quốc về khai thác dầu khí ngoài
khơi, đã không tham dự vào cuộc viễn chinh này. Mặc dù một chi nhánh của
Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc là Công ty Hữu hạn Cung cấp
Dịch vụ Khai thác Dầu khí Trung Quốc (COSL) điều hành giàn khoan Hải
Dương 981, nhưng toàn bộ hoạt động tìm kiếm này lại do Tập đoàn Dầu khí
Quốc gia Trung Quốc (CNPC) điều khiển – đây là một công ty rất thiếu
kinh nghiệm thăm dò tại Biển Đông.
Giàn khoan Hải Dương 981 đã chấm dứt nhiệm vụ một
tháng trước hạn kỳ, khi đối diện với trận siêu bão Rammasun đang lù lù
ập đến. Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc tuyên bố rằng giàn khoan
này đã tìm thấy dầu khí tại Hoàng Sa, nhưng lại rất mập mờ về chi tiết
và số lượng. Gần như chắc chắn rằng các trữ lượng dầu ở đây sẽ không bao
giờ được khai thác để bán ra, vì lý do kỹ thuật lẫn lý do chính trị.
Hoạt động tìm kiếm này không thực sự liên quan đến dầu khí.
Ta có thể an tâm loại bỏ một động cơ chính ở đây. Mọi
người đều biết rằng sứ mệnh của giàn khoan không phải là một âm mưu
sách động tình tự yêu nước của người dân Trung Quốc vì, như nhà nghiên
cứu Úc Andrew Chubb cho thấy, tin tức liên quan đến các đụng độ giữa hạm
đội bảo vệ giàn khoan Trung Quốc và Cảnh sát biển Việt Nam được bưng
bít trên truyền thông Trung Quốc cả một tuần sau đó.
Tuy nhiên, rất có thể Trung Quốc đã theo đuổi một mục
đích chính trị khác. Một chiến dịch với tầm cỡ này chắc hẳn phải được
lên kế hoạch trước và được thông qua ở cấp cao nhất của giới lãnh đạo.
Nhà cầm quyền Trung Quốc thông báo rằng giàn khoan đã đến vị trí thăm dò
vào ngày 3 tháng Năm, đúng một tuần trước khi hội nghị thượng đỉnh của
Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) diễn ra tại Myanmar. Có lẽ Bắc
Kinh đã nuôi hi vọng lặp lại thắng lợi mà họ đã gặt hái tại cuộc họp Bộ
trưởng Ngoại giao của các nước ASEAN tại Phnom Penh tháng Bảy 2012. Vào
dịp đó, khối ASEAN đã chia rẽ: Campuchia phủ quyết bản tuyên bố chung,
đẩy Philippines và Việt Nam vào thế cô lập trong cuộc tranh chấp biển
đảo với Trung Quốc.
Nếu Trung Quốc nuôi hi vọng đạt được một điều tương
tự liên quan đến cuộc tranh chấp Hoàng Sa, thì kết quả đã hoàn toàn
ngược lại. Các nước ASEAN đã xích lại gần nhau trong việc bày tỏ tình
đoàn kết rất rõ nét và đã ra một tuyên bố chung, mà trên thực tế là yêu
cầu Bắc Kinh rút lui. Đây là lần đầu tiên tổ chức này đã bày tỏ lập
trường về quần đảo Hoàng Sa – vốn nằm trong một tranh chấp song phương
thuần túy giữa Trung Quốc và Việt Nam (khác hẳn với các tranh chấp tại
quần đảo Trường Sa liên quan tới năm nước thành viên ASEAN kể cả
Indonesia). Andrew Chubb lý luận rằng sự bày tỏ tình đoàn kết thầm lặng
này có tác động mạnh mẽ tại Bắc Kinh hơn hơn cả các tuyên bố ồn ào từ
Washington.
Một số nhà bình luận cho rằng màn kịch giàn khoan là
một ví dụ điển hình về thủ thuật “thái mỏng đòn chả (salami slicing)” –
một tiến trình liên tục chiếm cứ Biển Đông bằng từng bước nhỏ, không thu
hút quá nhiều chú ý của thế giới. Nhưng nếu đó là mục tiêu, thì kịch
bản này đã thất bại vì, với việc rút lui giàn khoan, vùng lãnh hải này
lại trở về tình trạng không có ai chiếm đóng. “Lát chả” đã tái hợp với
đòn chả. Bộ Chính trị ĐCSTQ có thể đã cho rằng chỉ cần một tuyên bố quả
quyết về quyền kiểm soát lãnh hải [maritime control] là có thể củng cố
tuyên bố chủ quyền lãnh thổ đối với các hòn đảo, nhưng phản ứng cứng rắn
của Việt Nam cũng là một bằng chứng hùng hồn không kém nhằm bác bỏ yêu
sách chủ quyền này của Trung Quốc.
Hugh White, một nhà nghiên cứu Úc, đã tranh luận rằng
mục đích của Trung Quốc trong việc gây ra các cuộc đối đầu như thế là
cố tình phân tán mỏng và làm suy yếu các khâu nối kết an ninh ràng buộc
Hoa Kỳ với Đông Nam Á. “Bằng cách đối đầu với các nước bạn của Mỹ bằng
vũ lực”, ông nói, “Trung Quốc đặt Mỹ trước lựa chọn hoặc là phải bỏ rơi
bạn bè của mình hoặc là đánh nhau với Trung Quốc. Bắc Kinh đang đánh
cược rằng, đứng trước lựa chọn này, Mỹ sẽ xuống nước và bỏ mặc đồng minh
và bạn bè của mình không có chỗ nương tựa. Việc này sẽ làm suy yếu các
liên minh quân sự và đối tác của Mỹ, xói mòn quyền lực của Mỹ tại châu
Á, và tăng cường quyền lực của Trung Quốc.”
Nhưng Việt Nam không phải là một đồng minh của Hoa
Kỳ, vì thế màn kịch giàn khoan cho thấy rõ ràng hơn các vấn đề của việc
một mình đơn độc đương đầu Trung Quốc. Tuy nhiên, khi gây ra cuộc đối
đầu này, Bắc Kinh đã gặt hái một hậu quả ngược với dự kiến của White:
đẩy Hà Nội tới gần Washington hơn. Như cuốn sách gần đây của David
Elliott giải thích (mời đọc bài điểm sách của tôi ở ĐÂY),
định hướng chính sách đối ngoại của Việt Nam nói chung là thân Trung
Quốc kể từ khi nước này chấm dứt việc thân Liên Xô. Trong hai thập kỷ
vừa qua, chỉ khi nào những tiếng nói “thân Trung Quốc” bị suy yếu do các
thất bại chính sách và do thái độ thù nghịch của Trung Quốc – thì những
thành phần muốn tự do hóa thể chế mới có thể tái định hướng chính sách
đối ngoại của Việt Nam.
Nhà nghiên cứu Zachary Abuza đã cung cấp chúng ta một bản tường trình sâu sắc
cho thấy cán cân lực lượng bên trong hàng ngũ lãnh đạo cao cấp của Đảng
Cộng sản Việt Nam đã thay đổi do hậu quả của cuộc đối đầu tại giàn
khoan. “Một hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam vào
tháng Sáu 2014 đã nhất trí lên án Trung Quốc về hành động hung hăng và
xâm phạm lãnh thổ Việt Nam,” Abuza cho biết. Cuối tháng Bảy, Ủy viên Bộ
Chính trị Phạm Quang Nghị thực hiện một chuyến công du Hoa Kỳ theo lời
mời của Bộ Ngoại giao Mỹ, gây chú ý cho nhiều người.
Nói tóm lại, bất cứ điều gì mà Trung Quốc hi vọng đạt
được bằng cách triển khai giàn khoan Hải Dương 981 đều không thành tựu –
dù đó là dầu lửa, lợi thế lãnh thổ, hay thắng lợi chiến lược dài hạn.
Liệu ta có thể giải thích thế nào về thất bại này trong chính sách đối
ngoại Trung Quốc? Tôi nghĩ rằng màn kịch giàn khoan cho thấy chính sách
biển Hoa Nam [Biển Đông] của Trung Quốc chỉ là một phản ánh của các ưu
tiên trong nước hơn là một chính sách đối ngoại được cân nhắc cẩn thận.
Nói tóm lại, Biển Đông đã trở thành một cái máng heo khổng lồ [a giant
pork barrel] cho một số tỉnh của Trung Quốc, các cơ quan nhà nước và các
công ty quốc doanh.
Cách đây hai thập kỷ, John Garver đã tranh luận rằng
việc hải quân Trung Quốc đẩy mạnh sự hiện diện của mình vào Biển Đông
tiêu biểu cho “tác động qua lại của các lợi ích quốc gia và các lợi ích của bộ máy quan liêu”.
Những lợi ích này vẫn còn đang tương tác. Hải quân Trung Quốc đang trở
nên lớn mạnh cùng với những ngân sách ngày một phình ra. Uy tín, sự
thăng quan tiến chức và các phần thưởng tiền bạc cũng do sự tương tác
này mà ra. Thực tế này cũng được áp dụng cho Lực lượng Tuần duyên Trung
Quốc mới được thành lập – một năm sau khi một số cơ quan thẩm quyền về
biển đảo được nhập chung thành một khối. Lực lượng Tuần duyên cần phải
tập trung vào một cái gì khác hơn các tranh chấp nội bộ diễn ra trong
quá trình hoàn tất sự hợp nhất nói trên. Cả Lực lượng Tuần duyên lẫn Hải
quân Trung Quốc đang theo đuổi các sứ mệnh nhằm chứng tỏ sự hữu dụng và
biện minh cho ngân sách của mình.
Và [trên Biển Đông] những gì phù hợp với quân đội
cũng phù hợp với các tỉnh phía Nam. Hải Nam là tỉnh nhỏ nhất của Trung
Quốc và tương đối nghèo, với một nền kinh tế chủ yếu dựa vào nông
nghiệp. Trong những năm gần đây, tỉnh này đã đầu tư nhiều nỗ lực to lớn
vào việc phát triển các công nghiệp thủy sản và trở thành chuyên gia
trong việc gặt hái các trợ cấp nhà nước để trang bị cho các tàu đánh cá
mới. Một bản tường trình xuất sắc do hãng tin Reuters thực hiện ngay tại
hiện trường vào tháng trước đã cho chúng ta biết đến hàng trăm, có lẽ
hàng ngàn tàu đánh cả, đã nhận được trợ cấp từ 300 USD đến 500 USD mỗi
ngày để đánh bắt cá trong các vùng biển có tranh chấp. Khi một thuyền
trưởng tàu cá Trung Quốc nhận xét rằng “nhà cầm quyền hậu thuẫn việc
đánh bắt cá trong biển Hoa Nam [Biển Đông] để bảo vệ chủ quyền của Trung
Quốc”, nếu ta nói rằng nhà cầm quyền đã lợi dụng đòi hỏi chủ quyền của
Trung Quốc để biện minh cho việc hậu thuẫn nghề cá, thì cũng chính xác
không kém. Reuters khám phá ra rằng tám tàu kéo lưới được hạ thủy từ
cảng Dongfang trên đảo Hải Nam mỗi chiếc sẽ được hưởng 322.500 USD tiền
trợ cấp “đóng mới”.
Các công ty dầu khí cũng có thể chơi lá bài chủ quyền
để hậu thuẫn cho các dự án bán thương mại [semi-commercial ventures]
của mình tại Biển Đông. Vào tháng Năm 2012, khi Tổng công ty Dầu khí Hải
dương Trung Quốc hạ thủy giàn khoan nước sâu do Nhà nước tài trợ, một
giàn khoan từng nằm ở vị trí trung tâm của cuộc đối đầu tại Hoàng Sa,
tức giàn khoan Hải Dương 981, vị Chủ tịch của tập đoàn này đã có lối mô
tả nổi tiếng khi ông gọi nó là “lãnh thổ quốc gia di động và là một vũ
khí chiến lược.”
Do đó, người ta lấy làm lạ là Tổng công ty Dầu khí
Hải dương Trung Quốc [CNOOC] đã không chỉ huy cuộc viễn chinh tại Hoàng
Sa. Vì sao có sự kiện này? Chúng tôi không trực tiếp biết được các âm
mưu trong tập đoàn nhưng một vài lý giải đã gợi ý về điều này. Có thể
Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc [CNPC] đã tự nguyện chấp nhận những
rủi ro mà Tổng Công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc không dám làm – cả
rủi ro kỹ thuật lẫn rủi ro chính trị. Đây là lần đầu tiên mà giàn khoan
Hải Dương 981 được sử dụng trong vùng nước sâu và trong lãnh hải có
tranh chấp. Có thể Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc đã nhanh chân
hơn Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc bằng cách đi cắm dùi để
giành chủ quyền tại một vùng chưa được thăm dò. Hoặc có thể ban quản lý
cao cấp của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc đang tìm cách thoát ra
khỏi những vấn đề chính trị nghiêm trọng. Những cáo buộc tham nhũng ngày
một chồng chất lên công ty này, đang trở thành một tai tiếng chính trị
quốc gia. Ban quản lý của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia có thể đã coi cái sứ
mệnh cắm lá cờ tổ quốc lên vùng lãnh hải có tranh chấp như một cách để
cầu cạnh ân huệ từ Bộ Chính trị và mong cứu lấy sinh mạng chính trị của
mình.
Nói thế không có nghĩa là để phủ nhận sự kiện là các
lực lượng Trung Quốc tham dự vào cuộc đối đầu tại giàn khoan Hải Dương
981 đã hết lòng tin tưởng vào chính nghĩa của đòi hỏi chủ quyền mà nước
họ đã tuyên bố trên Biển Đông. Huyền thoại về “chủ quyền không thể tranh
cãi của Trung Quốc” đã được gieo vào đầu óc của nhiều thế hệ con em
Trung Quốc. Trong một bài viết khác, tôi đã tranh luận rằng sự tin tưởng
này đặt cơ sở trên những giải thích lệch lạc về lịch sử Đông Nam Á do
các học giả Trung Hoa Dân Quốc gây ra vào đầu thế kỷ 20, nhưng tôi tin
chắc rằng các lãnh đạo hiện nay của Trung Quốc cũng thật lòng tin tưởng
vào tính chính xác của huyền thoại nói trên.
Tuy nhiên, đối với các nhóm lợi ích đặc biệt bên
trong bộ máy quan liêu của Đảng và Nhà nước Trung Quốc, Biển Đông đã trở
thành một bịch quà chính trị khổng lồ. Thỉnh thoảng, các nhóm lợi ích
chỉ việc đánh vào vấn đề Biển Đông là có thể khởi động thêm một dòng
chảy trợ cấp được ban phát từ trên. Chính sách của Trung Quốc đối với
Biển Đông hiếm khi là kết quả của các lý luận chín chắn được cân nhắc và
đúc kết thành một mối, mà thường là hậu quả khó lường của một sự tích
tụ các cuộc vận động hành lang. Khi các nhóm lợi ích này cấu kết với
nhau, họ sẽ tạo thành sức mạnh vô song: họ có thể khuynh đảo chính sách
của Đảng Cộng sản theo chiều hướng có lợi cho minh. Dù vì tinh thần dân
tộc chủ nghĩa, vì an ninh quốc gia, vì lợi nhuận hoặc vì công ăn việc
làm, có một điều mà tất cả các nhóm lợi ích có thể đồng ý với nhau là,
Trung Quốc cần phải tiếp cận các tài nguyên của Biển Đông.
Vô số nhà bình luận đã bị các nỗ lực tuyên truyền của
Trung Quốc lừa bịp. Huyền thoại về khả năng bách chiến bách thắng rất
khó lường của Bắc Kinh có gốc rễ từ những trang xã luận của rất nhiều tờ
báo. Do đó, thậm chí cả khi Trung Quốc phạm phải một sai lầm, nhiều
người vẫn cho rằng đó chỉ là một cách ngụy trang cho một âm mưu tinh vi
và thâm độc hơn. Đã đến lúc cần phải xua tan cái huyền thoại đó đi và
nhìn tận mặt các sai lầm của Bắc Kinh. Hiện nay, từ “bừa bãi” [cockup]
giúp ta hiểu dễ dàng các động thái của Trung Quốc trong Biển Đông hơn là
hai chữ “âm mưu”.
Bill Hayton là tác giả cuốn The South China Sea: the struggle for power in Asia [Biển Đông: cuộc tranh giành quyền lực tại châu Á] sắp được Yale University Press xuất bản.
B. H.
Dịch giả gửi BVN.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét