Thứ Bảy, 9 tháng 8, 2014

TPP cho VN: Thời gian không phải vô hạn

Tiến sĩ Phạm Chí Dũng


VN không còn nhiều thời gian để đàm phán TPP trước khi Mỹ bước vào cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ của Quốc hội
Thời gian để “kết thúc lộ trình đàm phán TPP” không thể là mãi mãi đối với giới lãnh đạo Hà Nội quen nhìn ngắn hạn.
Cuộc hội kiến mới đây với Thượng nghị sĩ Bob Corker, thành viên cao cấp trong Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Hoa Kỳ, càng làm sáng tỏ quy luật hữu hạn chính trị ấy.

“Mời ngoài, chặn trong”



“Việt Nam kêu gọi Quốc hội Hoa Kỳ thúc đẩy các mối quan hệ kinh tế, đầu tư, thương mại song phương, tạo điều kiện để Việt Nam gia nhập Hiệp định Tự do Thương mại Xuyên Thái Bình Dương, và ủng hộ giải pháp ôn hòa cho vấn đề Biển Đông” – như đề nghị của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang được đưa ra hôm 5/8 tại Hà Nội nhân buổi tiếp Thượng nghị sĩ Bob Corker đến thăm Việt Nam.
Vào tháng 7/2013 khi lần đầu tiên đặt chân vào tòa Bạch Ốc, ông Sang cũng đưa ra những lời có vẻ thật tha thiết và nhuốm đầy tinh thần “bốn tốt” như trên. “Khẩu hiệu” này lại được giới ngoại giao Việt Nam tận dụng và khai thác tối đa như một mệnh đề không thể thiếu cứ mỗi khi gặp người Mỹ hay các chính khách của Liên minh châu Âu.
Cũng suốt từ đầu năm 2014 đến nay, “Việt Nam quyết tâm hoàn thành đàm phán về TPP” và mong “Hoa Kỳ tạo điều kiện để Việt Nam có lộ trình phù hợp” là những tiêu ngữ được nhắc đi nhắc lại theo một lối rập khuôn không chuyển dời về bản chất.
TPP lại là dấu nhấn quan yếu nhất mà Bộ chính trị Hà Nội mong nguyện đạt được
Nhưng chỉ mới vào ngày 29/7, một bức thư do dân biểu Cộng hòa Frank Wolf khởi xướng với chữ ký của 32 dân biểu khác gửi cho Tổng thống Barack Obama đã quyết liệt chưa từng thấy: Quốc hội Mỹ sẽ khó cho Việt Nam vào TPP nếu Hà Nội không có những thay đổi đáng kể về mặt nhân quyền, cải tổ luật lệ đáp ứng các tiêu chuẩn lao động quốc tế, và tỏ rõ cam kết về pháp quyền.
Bất chấp hai sự kiện mà Quốc hội Hoa Kỳ vừa biểu đạt thân ý là thông qua Thỏa thuận hạt nhân dân sự với Việt Nam và có thể còn giải tỏa cả lệnh cấm vận về mua vũ khí sát thương cho quốc gia cựu thù, TPP lại là dấu nhấn quan yếu nhất mà Bộ chính trị Hà Nội mong nguyện đạt được.
Tuy nhiên điều chua chát dành cho người Mỹ và có thể với cả chính quyền Việt Nam là cho đến giờ này, tiến độ thực hiện “những cải thiện có thể chứng minh được về nhân quyền” của giới lãnh đạo Hà thành vẫn chưa có gì minh chứng rõ rệt, cho dù người đứng đầu nền hành pháp Việt Nam là ông Nguyễn Tấn Dũng cũng vừa cam kết “trao đổi thẳng thắn về các vấn đề nhân quyền” với Thượng nghị sĩ Bob Corker, tương tự những cam kết trước đây của chính nhân vật này với chính giới phương Tây.
Thậm chí và cuối tháng 7/2014, chuyến làm việc 11 ngày của ông Heiner Bielefeldt – Báo cáo viên đầu tiên về chính trị và tự do tôn giáo của Liên hiệp quốc đến Việt Nam theo lời mời của chính phủ nước này, khởi phát từ cam kết của Hà Nội trước Hội đồng nhân quyền Liên hiệp quốc, đã gần như bị phá hủy bởi chiến thuật “mời ngoài, chặn trong” của Việt Nam.
Tất nhiên không quá vô cớ mà vị báo cáo viên này phải mô tả về những “vi phạm trầm trọng” đối với tự do tôn giáo ở Việt Nam, khi nhiều nhân chứng mà ông muốn gặp và cũng cần gặp ông đã bị hàng rào an ninh ngăn chặn không cho ra khỏi nhà, còn bản thân ông cũng bị “bám đuôi” một cách khá lộ liễu bởi những nhân viên không hiểu có am tường về nghiệp vụ “trinh sát ngoại tuyến” hay không.
Một lần nữa từ thời điểm “tái lập bang giao Việt – Mỹ” vào tháng 7/2013, câu hỏi tồn đọng trong não trạng khó nghĩ và càng khó xử là làm thế nào để Nhà nước Việt Nam được vào TPP, nếu họ không thực tâm cải thiện nhân quyền?
Một trong những biểu hiện ít cải thiện và dễ thấy nhất là những sáo từ “sẵn sàng” hay “quyết tâm” mà giới lãnh đạo cao cấp Việt Nam bật ra trước các vị khách Hoa Kỳ vẫn không bớt trừu tượng ít ra từ năm 2007, khi Việt Nam được tham gia vào WTO, cho đến nay.

Chỉ còn một quý!


Thượng Nghị sỹ John McCain ủng hộ gỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam
Ngầm ý sâu xa nhất trong chuyến thăm Hà Nội lần này của Thượng nghị sĩ Bob Corker có lẽ không nằm trong các cuộc gặp chính thức, mà lại lồng trong một nội dung khi ông trả lời báo giới Việt Nam, trong đó thông tin rằng đến tháng 11/2014 này, nước Mỹ sẽ bước vào cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ của Quốc hội Mỹ.
Rất có thể điều này ngụ ý rằng Nhà nước Việt Nam, nếu muốn “nhanh chóng kết thúc đàm phán TPP”, sẽ chỉ còn một thời gian rất ngắn nữa, trước khi các nghị sĩ Mỹ không còn toàn tâm toàn ý đến TPP cho Việt Nam.
Một thông tin khác do Thượng nghị sĩ Bob Corker nêu ra cũng rất có thể khiến Hà Nội thêm một lần thất vọng, là “quyết tâm” của Hoa Kỳ kết thúc TPP trong 12-18 tháng tới. Dự định này là khác nhiều so với ý định kết thúc TPP của Tổng thống Obama vào cuối năm 2014, và khác rất xa dự kiến trước đó vào cuối năm 2013. Nếu lộ trình thời gian này chính là chủ ý của Quốc hội Hoa Kỳ, có thể nói con đường đến với hoa hồng của Việt Nam sẽ không thể đồng nghĩa với đất nước Cờ Hoa.
Tất nhiên, thời gian vẫn còn dù chẳng nhiều nhặn gì. Hy vọng cho TPP vẫn còn le lói sau chuyến thăm Mỹ bất ngờ không tuyên bố trước của đại biểu quốc hội kiêm ủy viên bộ chính trị Phạm Quang Nghị – người được xem là một trong số những nhân vật bảo thủ nhất.
Từ nói đến làm lại là một khoảng cách khá lớn thường do Hà Nội tự vạch ra
Thế nhưng từ nói đến làm lại là một khoảng cách khá lớn thường do Hà Nội tự vạch ra.
Thậm chí tình thế còn trở nên ngáng trở hơn đối với Việt Nam khi bối cảnh chính trị – xã hội hiện thời không còn dáng dấp thuận lợi như thời điểm cuối năm 2013. Hiện thực đơn giản là từ đầu năm 2014, cùng với đà suy giảm thấp hơn về uy tín của Tổng thống Barak Obama, ông đã không còn chiếm thế thượng phong để có thể đưa ra những quyết định mà bị đảng Cộng hòa đối thủ và ngay một số nghị sĩ Dân chủ cầm quyền xem là “nương nhẹ Việt Nam”.
Riêng với TPP cho Việt Nam, quy chế gần như “đặc cách” này vẫn phải nhận được sự tán đồng của cả lưỡng viện trong Quốc hội Hoa Kỳ. Nếu không được đa số ủng hộ ở Hạ viện hoặc chỉ cần 1 thành viên trong Thượng viện chặn lại thì Việt Nam cũng không vào được TPP. Ngay thời điểm này, lại có đến 260 nghị sĩ Mỹ giương cao lá cờ “Không nhân quyền, không TPP!”.
Thời gian đang trôi đi rất nhanh. Nếu trong một quý tới mà Nhà nước Việt Nam vẫn không thực hiện những “cải thiện có thể chứng minh được về nhân quyền”, và hơn nữa những cải thiện này cần được mở ra một cách gấp rút và đột biến, liên quan ít nhất đến các chủ đề mở rộng xã hội dân sự, tôn trọng quyền lập hội và công đoàn độc lập, thả tù nhân lương tâm…, sẽ chẳng còn mấy ánh sáng sau đó để TPP cứu vãn nền kinh tế Việt Nam – vốn đang ngập ngụa suy thoái và rất có thể sẽ dẫn tới một cơn khủng hoảng kinh hoàng trong không bao lâu nữa.
Bài viết phản ánh quan điểm riêng và văn phong của tác giả, một nhà phân tích kinh tế – xã hội Việt Nam đang sinh sống ở Sài Gòn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét