Baron Trịnh
1. Tháng bảy là tháng cô hồn. Cần-lao An-nam vẫn luôn tâm niệm vậy.
Không biết có phải ma xui quỷ khiến trong tháng cô hồn, mà nhiều vụ
giết/chết người đã xảy ra với tính chất chung là rất nghiêm trọng và
man rợ, mặc dù nguyên nhân thì khác nhau.
Chỉ mấy ngày đầu tuần, rất nhiều vụ giết người và những cái chết
bất thường được báo chí đăng tải. Ngay gần trụ sở của Bộ công an (đường
Hoàng Quốc Việt, Hà Nội), một người đàn ông ngồi trong ôtô bị đâm thủng
tim và chết. Ở Thanh Hà (Hải Dương), một ác tử nhẫn tâm giết 4 người
trong gia đình và đã tự tử trong… trại giam. Một thanh niên ở Đình Bảng
(Bắc Ninh) bị chết ở tư thế cổ nằm ngửa, nghe nói trước đó có nhặt được 2
bao tải tiền. Một cặp vợ chồng chủ cửa hàng ắc-quy chết bất thường
trong nhà ở Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc). Một người đàn ông chết trong tư thế
quỳ gối ở Yên Viên (Hà Nội). Xác một phụ nữ đang phân hủy trong phòng
trọ ở Cà Mau chưa rõ nguyên nhân. Nạn nhân thứ 3 trong vụ cuồng sát
người nhà vợ ở Tiền Giang cũng đã chết trong bệnh viện. Một xe ôm ở bệnh
viện Chợ Rẫy (Tp.HCM) bị cắt cổ chết ở một bãi đất trống. Ở Đà Nẵng một
nam thanh niên nhảy cầu Thuận Phước tự tử. 3 học sinh tiểu học bị chết
đuối ở biển Quỳnh Lưu (Nghệ An). Ở Tuyên Quang, một người vi phạm giao
thông tử vong (chưa rõ bị CSGT đánh hay tự ngã?).
Đó mới là những vụ việc mà người viết tập hợp nhanh trên báo mạng
trong mấy ngày đầu tuần. Và chưa tính đến các vụ chết người do tai nạn
giao thông. Theo thống kê của UBATGTQG, chỉ riêng 3 ngày đầu tuần
(4/8-6/8) đã có tới 83 người chết, 124 người bị thương do TNGT.
Có lẽ bất cứ ai đọc những dòng thông tin này cũng cảm thấy rùng
mình và bất an. Bởi lẽ, những cái chết đến với cần-lao rất muôn hình vạn
trạng, ở bất cứ đâu và bất cứ thời gian nào. Từ TNGT đến những va chạm
xích mích trên đường, từ mâu thuẫn trong tiền bạc, tình ái đến cùng quẫn
mà tự tử.
Trong 23 ngày giao tranh ở dải Gaza (8/7-30/7), theo số liệu công
bố của Văn phòng điều phối các vấn đề nhân đạo của LHQ (OCHA) có 1.118
người chết, trong đó có 827 thường dân (trung bình 48 người chết mỗi
ngày). An-nam không có chiến tranh, nhưng ngày nào cũng hiến cho tử thần
gần 30 người.
Mới thấy, mạng người ở An-nam rất mong manh và rẻ mạt.
2. Cơ quan cảnh sát điều tra đã khởi tố vụ án mua bán trẻ em ở chùa
Bồ Đề (Gia Lâm, Hà Nội), 2 đối tượng liên quan là đã bị bắt phục vụ cho
công tác điều tra. Trụ trì chùa Bồ Đề cũng bị mời làm việc với cơ quan
chức năng.
Trên thế giới, việc các tổ chức nhân đạo nhận nuôi trẻ mồ côi, cơ
nhỡ, khiếm khuyết là việc rất bình thường. Những đứa trẻ này được những
cặp vợ chồng vô sinh hay hiếm muộn nhận về làm con nuôi là chuyện rất
bình thường. Việc những người nhận được con nuôi cho/biếu/tài trợ,…
trung tâm bảo trợ trẻ em một số tiền lớn cũng là chuyện rất bình thường.
Và điều bình thường nhất, là họ làm việc này công khai, đúng pháp luật,
cả về con người lẫn tài chính.
Ở An-nam, những việc bình thường đó đôi khi lại trở nên không bình
thường. Chẳng hạn như họ ra-rả rằng, vì sự từ bi của Phật nên mới nhận
nuôi trẻ mồ côi (mặc dù chả ai bắt họ làm điều đó, hoặc họ có thể đăng
ký thành một cơ sở thiện nguyện theo pháp luật). Hay tiền từ thiện được
dùng thế nào lại là việc của người nhận (cụ thể là nhà chùa) mà không có
sự minh bạch, công khai đến những người đóng góp/tài trợ.
Việc 9 trẻ em bị mất tích bí ẩn sẽ được cơ quan điều tra làm rõ
trong vụ nghi vấn buôn bán trẻ em này. Nhưng có điều, nếu đúng là có
buôn bán trẻ em thì 2 đối tượng bị bắt chẳng phải là thần thánh mà che
mắt được thiên hạ để làm những việc đó. Những người trong chùa, đặc biệt
là những người đứng đầu phải biết rất rõ.
Thế nên việc báo chí đưa thông tin về những tài sản nổi chìm của
trụ trì chùa Bồ Đề chẳng phải là việc ngẫu nhiên. Đã qui y cửa Phật, sao
đồ tế nhuyễn của riêng tây nhiều vậy?
Phật Như Lai chỉ là người trần mắt thịt. Ông đưa ra giáo lý phật
pháp để hướng con người đến điều thiện, tạo cho họ một niềm tin vào cuộc
sống. Ông xây dựng được một tôn giáo với số lượng tín đồ đông đảo, và
ông được tôn thờ là Phật, chứ ông chẳng phải thần thánh hay con trời
cháu thượng đế gì cả. Thế nên những người tu hành theo đạo Phật thì tu
đến các thiện, cái đức, hiểu được đến tận cùng triết lý của sự vật hiện
tượng để tín đồ của họ tôn vinh và tôn sùng nơi trần thế. Chứ họ chả
thành thần thành thánh như thầy trò Đường tam tạng ở xứ Tàu trong truyện
Tây du ký được.
Nếu mà có thần có thánh, thì đám ác nhân ác đức, sống phè phỡn trên
xương máu của dân nghèo chả ung dung tự tại được từ cổ chí kim. Hay mấy
ông thầy chùa tu hành đắc đạo đứng đầu giáo phái mà cứ bi-bô chống đối
chính quyền thì ăn kẹo đồng là cái chắc, tỷ dụ như hồi nhà Thanh bên
Tàu-khựa đàn áp chùa Thiếu lâm.
Thế nên, việc mấy ông bà thầy chùa đầu trọc mà có sổ đỏ nhà đất,
tiền gửi ngân hàng, đi xe đẹp, ăn đồ ngon thì rặt một đám buôn thần bán
thánh mà thôi. Khốn nỗi, cần-lao An-nam lại cực kỳ cuồng tín và sẵn sàng
húp mỳ tôm để dành tiền cúng cho chùa. Có kẻ dâng lên tận mồm mà đám
thầy chùa không hưởng, mới là lạ.
Tháng bảy là tháng cô hồn. Người ta đua nhau làm điều thiện để tích
đức. Từ lễ Vu Lan để nhớ ơn bậc sinh thành đến cúng các hồn ma vất
vưởng. Và dân có cúng lễ thì nhà chùa có thụ lộc. Sư sãi thật chả có
mấy, nhưng sư sãi quốc doanh lại quá nhiều, mùa béo bở thế, phải buôn
thần bán thánh để kiếm ăn chứ. Cái văn hóa quần ngư tranh thực của
An-nam không chạy ra khỏi tâm tưởng của đám giả tu này được.
Khổ cho chùa Bồ Đề, vào đúng mùa kiếm bộn.
3. Sau gần 1 năm tìm kiếm trong vô vọng, báo chí An-nam lại ồn ào
đưa tin đã tìm thấy xác của nạn nhân trong vụ thẩm mỹ viện Cát Tường.
Thông tin được báo chí đăng tải từ xác nhận của công an Hà Nội thông qua
kết quả giám định ADN. Tuy nhiên, báo chí vẫn đặt ra nhiều nghi vấn
quanh vụ việc này, và ngay cả gia đình nạn nhân cũng đề nghị có thêm một
đơn vị thứ 2 giám định lại ADN cho chắc chắn.
Nếu kết quả giám định của Viện khoa học hình sự Bộ công an là đúng,
thì mới thấy đám “ngoại cảm rởm” ở An-nam nhiều đến thế nào. Nhớ lại
hàng chục “nhà ngoại cảm” lên đồng gọi hồn khi vụ án mới được phát hiện,
rồi lời khẳng định như đinh đóng cột của “ma nữ” thị Hòa trên blog của
anh cu Đông La rằng không thể tìm được xác nạn nhân.
Người viết vẫn tin vào vấn đề tâm linh, vẫn tin vào khả năng ngoại
cảm của con người. Điều này khoa học đã chứng minh những hiện tượng đó
là có trong đời sống con người. Tuy nhiên, hiểu tận cùng về tâm linh lẫn
đánh giá những người có năng lực ngoại cảm là một vấn đề không hề đơn
giản.
Ấy thế mà mấy trung tâm “ma học” được chính quyền bảo trợ ồ ạt cấp
giấy chứng nhận chứng nheo cho đám buôn thần bán thánh này. Lợi nhuận từ
việc này quá lớn đến mức những tấm gương như tên Thủy không làm những
kẻ giả thần giả quỷ này chùn bước, y như là buôn bán ma túy vậy.
Giả sử có ma quỷ thần thánh thật, sao họ không vật chết những kẻ
thất nhân thất đức, lừa đảo trục lợi của người dân trên sự mê tín dị
đoan của họ, thậm chí trên cả xương máu của các liệt sĩ như tên Thủy?
Sao cứ để đám buôn thần bán thánh này vẫn nhởn nhơ sống, nhởn nhơ lừa
đảo người lương thiện? Hay thánh thần ma quỷ ăn hối lộ của đám buôn thần
bán thánh thất nhân thất đức này?
Xác nạn nhân tìm thấy trong tháng cô hồn. Người dân ở khu vực tìm
thấy xác nói, ngoài nạn nhân còn có hàng chục xác chết khác đã được tìm
thấy trên sông. Họ là ai? Sao chết nhiều thế? Chết do tai nạn, bất cẩn
hay bị kẻ xấu hãm hại? Và khi chết họ thành ma, sao không nhờ thần thánh
cõi âm trừng trị những kẻ đã hại họ đang sống nhởn nhơ nơi trần thế?
Chả lẽ ma chỉ biết dọa người lương thiện mê tín và yếu tim?
4. Thông tin ông chủ Lâm của tập đoàn Đức Khải đầu tư 1.500 tỷ đồng
để mua 100 tàu đánh cá để bám ngư trường được báo chí xứ An-nam ồn ã
tung hô nhiệt liệt. Dĩ nhiên, trong tình cảnh Tàu-khựa đang hạ đặt giàn
khoan 981 vào vùng biển của An-nam thì hành động này của ông Lâm được
coi là anh hùng, và ông ta được báo chí tung hô là người “có tinh thần
yêu nước sâu sắc”.
Đang hô hào ác liệt như vậy, tự dựng báo chí im ắng hẳn, khi ông
Lâm tuyên bố là ông mua tàu để kiếm tiền, chứ chả yêu nước yêu neo gì
sất. Một đặc trưng của báo chí An-nam là “tự nguyện” khóc mướn để kiếm
mấy đồng tiền lẻ, thể hiện rất rõ qua vụ này.
Dư luận lại sốc khi ông Lâm tuyên bố chỉ có 30% số tiền, còn lại
70% phải vay. Và ý tưởng đầu tư tàu đi đánh cá được ông nghĩ ra mới gần…
2 tháng. Ai cũng nghi ngờ ông Lâm nhắm vào gói tín dụng 10.000 tỷ đồng
hỗ trợ cho ngư dân đóng tàu vươn khơi bám biển với lãi suất ưu đãi
3%/năm.
Nhưng không, ông Lâm còn cao thủ hơn thế. Ông làm đơn lên tận Thủ
tướng “xin” vay hẳn 90% số tiền của dự án này (1.350 tỷ) để nhập tàu cũ,
ụ nổi cũ. Không những thế, ông “còn đòi” vay với lãi suất 1%/năm.
Càng sốc hơn nữa, khi thông tin tàu cũ, ụ nổi cũ của ông Lâm nhập
về đã có tuổi thọ lên đến… 30 năm. Trong khi đó, theo nghị định của
Chính phủ quy định về nhập tàu cá cũ thì tuổi thọ không quá 8 năm. “Bóng
ma” tàu cũ của Vinashine và ụ nổi của Vinalines lại một lần nữa ẩn hiện
trong dự án này của ông Lâm.
Điều dư luận không thể giải thích nỗi là tại sao những việc bất
thường như thế, sai với quy định như thế vẫn được một “đại gia” tiến
hành trên danh nghĩa “kinh doanh”? Chả lẽ mức rủi ro đến gần 100% như
thế mà họ vẫn nhắm mắt thực hiện (vì thông tin là ông Lâm đã đặt hàng
mua tàu rồi)? Thêm nữa, những việc sai quy định về quản lý nhà nước sao
vẫn được đệ trình lên Thủ tướng?
Thế mới thấy, ở An-nam chả có việc gì là không thể. Nên câu “nói
dzậy nhưng không phải dzậy” luôn đúng trong mọi trường hợp. Bởi vì, biết
đâu đấy ông Lâm sẽ được Thủ tướng phê duyệt cho vay hơn nghìn tỷ này.
Thế nên, chả cứ tháng cô hồn, An-nam nhìn đâu mà chả thấy âm binh âm tướng.
5. An-nam là một dân tộc tiểu nhược và cuồng tín. Những kẻ ngồi ở
thượng tầng luôn dựa vào thần thánh để cai trị cần-lao thối tai khai
bẹn, truyền bá vào đầu óc cần-lao sự mê tín dị đoan và đặc tính lười
nhác, mong chờ vào sự may mắn hoang tưởng. Chả phải bây giờ mới thế, mà
có hẳn từ thời cụ Hùng man di mọi rợ, tỷ dụ như vụ thần thánh phương nào
bày cho anh cu Lang Liêu làm bánh chưng bánh dày chẳng hạn.
Trẻ em khi nhỏ thì bị nhồi nhét những câu chuyện cổ tích quái dị và
thiếu nhân tính, tỷ dụ như Tấm Cám hay Sọ Dừa. Lớn lên chút thì học
những bài học lịch sử hoang đường như ngựa sắt Thánh Gióng, nỏ thần An
Dương Vương hay gươm Thuận Thiên của Lê Lợi.
Gần 20 năm nay, sự mê tín dị đoan của cần-lao An-nam được phát
triển một cách rầm rộ, như là để bù lại cho một thời gian phá đền phá
chùa bài trừ mê tín dị đoan của chính quyền. Bất cứ ở đâu cũng thấy có
đền có chùa với khói hương nghi ngút. Các loại đền chùa lớn nhỏ được mọc
lên như nấm sau mưa. Đến mức cứ khánh thành cái chùa hay đúc được quả
chuông thì các lãnh đạo cao cấp từ trung ương đến địa phương lại có mặt
và sì sụp khấn vái. Vua quan còn cuồng tín thế, trách gì dân đen.
Tâm linh, tín ngưỡng của một dân tộc cần phải được bảo tồn và gìn
giữ. Nhưng là để người dân tiếp cận dưới góc độ văn hóa và tín ngưỡng
dân gian chứ không phải là nuôi ảo tưởng và mong chờ vào sự ban ơn của
thần thánh ảo.
Nhật Bản, Hàn Quốc cũng có đền có chùa. Các nguyên thủ các nước này
vào những dịp lễ tết vẫn đến thăm đền thăm chùa như một nét văn hóa dân
tộc. Nhưng chắc chắn là họ không cầu mong thần thánh xứ họ giúp cho dân
cường nước thịnh được.
Ấy thế mà hầu hết cần-lao xứ An-nam tiểu nhược và man di mọi rợ này
lại lấy thần thánh là lẽ sống, từ thượng tầng trung ương tinh hoa đến
hạ tầng cần-lao thối tai khai bẹn. Cuồng tín và ngu dốt đến mức không
phân biệt được thế nào là tôn giáo, thế nào là tâm linh, đánh đồng đám
thầy chùa đầu trọc với thần thánh ma quỷ. Cứ làm việc xấu, điều ác xong
là lên chùa đút lót tiền cho đám đầu trọc để cầu xin thần thánh tha thứ.
Nước không nghèo, dân không hèn mới là lạ.
© 2014 Baron TrịnhNguồn hình ảnh: Sưu tầm trên internet.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét