Song Chi. – RFA
Từ tháng 3.1975 đến khi rời VN vào cuối tháng 4.2009, tôi sống ở Sài Gòn. 34 năm. Chưa kể những khoảng thời gian đứt quãng trước 30.4.1975. Vì vậy, dù gốc Huế và sinh ở miền Trung, không có gì lạ khi tôi gắn bó với Sài Gòn.Từ khi xa Sài Gòn, tôi đã có dịp lang thang qua nhiều thành phố của nhiều quốc gia. Và cứ mỗi lần ngắm nhìn những thành phố xinh đẹp, hài hòa từ quy hoạch tổng thể cho tới từng chi tiết, những thành phố có đời sống tinh thần phong phú, thú vị nhưng rất đỗi bình yên…tôi lại chạnh nhớ về Sài Gòn.
Bâng khuâng. Ngậm ngùi. Vì “Hòn ngọc Viễn Đông” một thời đã “ngọc nát, vàng phai” rất nhiều sau gần 40 năm đất nước thống nhất, do những cái đầu, tư duy lãnh đạo, quản lý thiển cận, và cũng có thể, do họ thiếu vắng một tình yêu sâu sắc đối với Sài Gòn. Đó là chưa kể một thiểu số dân chúng cũng chưa thật sự ý thức giữ gìn cái đẹp, cái hồn của thành phố.
Sài Gòn thừa và thiếu
Sài Gòn bây giờ, dù vẫn là thành phố ăn nên làm ra nhất nước, dù vẫn thu hút dân nhập cư từ khắp vùng miền nhất vì có nhiều cơ hội học hành, làm ăn, sinh sống, cũng như sự cởi mở, phóng khoáng trong tính cách của người Sài Gòn khiến dân nhập cư ai cũng có thể trụ lại, hội nhập và thành công nếu chịu khó…Nhưng mặt khác, Sài Gòn cũng bị tàn phá bởi những căn bệnh chung của các thành phố lớn, nhỏ ở VN. Đó là từ quy hoạch tổng thể cho đến kiến trúc, cảnh quan hết sức lộn xộn chắp vá.
So với hồi trước 30 tháng Tư năm 1975, số lượng dân cư Sài Gòn hiện nay đã tăng gấp 3 lần (khoảng hơn 3 triệu so với 9-10 triệu) nhưng cơ sở hạ tầng, đường xá, giao thông công cộng…đều chưa theo kịp với đà tăng dân số.
Môi trường sống bị ô nhiễm khá nặng, mức độ bụi bặm lẫn tiếng ổn trên đường phố đều cao vượt mức cho phép. Tỷ lệ cây xanh, tỷ lệ công viên quá thấp. Đường xá thì quanh năm cứ hết đào lên lại lấp xuống, vá chỗ này vá chỗ kia, tạo ra những ổ gà, hố tử thần… gây tai nạn. Còn khi trời mưa lớn thì rất nhiều khu vực trong thành phố biến thành… sông, khiến người dân đi lại rất vất vả.
Là thành phố lớn thứ nhì VN sau khi Hà Nội được mở rộng, nhưng đông dân nhất và về một số khía cạnh nào đó, ví dụ như nếp sống đô thị của người dân, văn hóa mua bán, phục vụ khách hàng… Sài Gòn còn được đánh giá là văn minh hơn thủ đô Hà Nội. Mặc dù vậy, Sài Gòn vẫn chưa đủ tiêu chuẩn để gọi là một đô thị đúng nghĩa.
Một đô thị đúng nghĩa khi được quy hoạch một cách khoa học, thành từng khu vực riêng biệt: khu hành chính, thương mại, công nghiệp, giải trí, dân cư…Chứ không thể từ quận trung tâm đến những quận ở xa, từ đường lớn, đường nhỏ cho đến từng con hẻm, ngõ cụt, nhà nào cũng mở cửa làm ăn, buôn bán; khu dân cư ở lẫn với khu văn phòng, trường học, nhà máy, quán nhậu…một cách lộn xộn bát nháo.
Một đô thị đúng nghĩa phải có các phương tiện giao thông công cộng hiện đại: xe bus, xe điện, xe điện ngầm, xe lửa…, những làn đường trên cao dưới thấp dành cho các loại xe khác nhau. Và khi các phương tiện giao thông công cộng chưa có hoặc chưa phát triển, thì đừng mơ đến chuyện giảm được nạn kẹt xe và tỷ lệ tai nạn giao thông quá cao như ở VN lâu nay. Đó là chưa nói đến số lượng xăng tiêu thụ cho hàng triệu xe gắn máy mỗi ngày tính ra là bao nhiêu tiền, lượng khí thải từ xăng xe mỗi ngày mà người dân thành phố phải hít vào khi đi ngoài đường.
Nếu kể ra cho hết những cái hạn chế của các thành phố lớn ở VN nói chung và Sài Gòn nói riêng thì rất nhiều. Nếu nói về việc Sài Gòn bị xấu đi, cái hồn của thành phố bị nhạt phai, thì cũng đã nhiều người phân tích. Điều quan trọng hơn, những cá nhân, cơ quan lãnh đạo Sài Gòn bao nhiêu năm qua đã không thực sự quyết tâm làm cho cái thành phố này trở nên đẹp hơn, văn minh hơn và đáng sống hơn.
Với người dân tại chỗ, một thành phố đáng sống không chỉ vì có nhiều cơ hội học hành, làm ăn, mưu sinh, mà bên cạnh đó, phải có một môi trường sống tốt-ít ô nhiễm, phương tiện đi lại tiện lợi, an toàn, nhiều cây xanh, nhiều công viên…
Công viên và các quảng trường là những không gian công cộng nơi người ta có thể ngồi nghỉ, thư giãn, là những khoảng thở cho con người bớt ngộp bởi sự đông đúc chật chội luôn hạn chế tầm nhìn, vây hãm đầu óc, không cho tâm trí được nghỉ ngơi. Quảng trường còn là nơi có những sinh hoạt cộng đồng, biểu diễn văn nghệ đường phố…và du khách khi viếng thăm một thành phố nào đó thường rất thích ghé qua các quảng trường vì bị lôi cuốn bởi những sinh hoạt này.
Còn ở Sài Gòn, đã gần 40 năm sau ngày đất nước thống nhất nhưng một quảng trường rộng, đẹp vẫn chưa có, công viên đã ít mà còn mọc lên đủ thứ hàng quán, chỗ gửi xe, hoặc vào chiều tối, ban đêm, là nơi “chiếm đóng” của những người lang thang, nghiện ma túy, gái bán hoa…khiến người dân ngần ngại ghé qua.
Sống trong một môi trường lúc nào cũng đông đặc người và xe cộ, lúc nào cũng bị vây bủa bởi bụi bặm, khói xăng, ô nhiễm, kẹt xe, tiếng ồn từ sáng đến tối, cộng thêm cái nóng hầm hập của xứ nhiệt đới…rõ ràng không chỉ gây tác hại cho con người về sức khỏe mà cả tinh thần. Không có gì lạ khi con người hay bực bội, và dễ dàng trút nỗi cáu bực đó vào người khác, thậm chí lao vào đánh giết nhau chỉ vì một sự va chạm hay hiềm khích vụn vặt…
Với du khách nước ngoài, phải nói rằng từ ngành du lịch cho tới dịch vụ các loại, người Việt thường chỉ tính chuyện móc túi ngay trước mắt mà không nghĩ đến chuyện giữ khách lâu dài, khiến tỷ lệ du khách quay lại VN lần thứ hai, thứ ba…là rất ít. Mà ngay cả nghệ thuật moi tiền khách, chúng ta cũng kém.
Ví dụ như khách đến Sài Gòn. Ngoài việc đi ăn, uống cafe, vào quán bar hay đi mua sắm hàng giá rẻ, quà lưu niệm, họ biết đi đâu, xem gì ở Sài Gòn?
Nếu là các tour du lịch do các công ty nhà nước hoặc tư nhân tổ chức, thể nào cũng có những địa điểm “có tính chất tuyên truyền chính trị” như đi xem Bảo tàng tội ác chiến tranh VN (trước kia còn gọi là Bảo tàng tội ác Mỹ-ngụy nữa kia), Bảo tàng Hồ Chí Minh và bến Nhà Rồng nơi bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (!), xa hơn nữa thì đi xem địa đạo Củ Chi thời…chống Mỹ!
Khi còn ở Sài Gòn, thỉnh thoảng tôi lại rơi vào thế khó này khi một người bạn, người quen ở nước ngoài đến Sài Gòn lần đầu tiên và muốn nhờ tôi dẫn đi xem “những cái gì chỉ có ở Sài Gòn”. Biết dẫn họ đi đâu đây?
Về mặt này thì Hà Nội, Huế hay Hội An còn có những nét riêng để du khách khám phá.
Quán café, nhà hàng đẹp ở Sài Gòn rất nhiều, nhưng ở thành phố nào mà chả có quán café, quán bar, nhà hàng… Còn các địa điểm văn hóa như bảo tàng, gallery, nhà hát vốn là thế mạnh, là niềm tự hào của một thành phố thì lại thiếu và toàn là những bảo tàng cách mạng!
Rất cần thêm những bảo tàng thú vị, hấp dẫn, ví dụ bảo tàng về các dân tộc thiểu số ở VN, thêm bảo tàng về văn hóa nghệ thuật, sân khấu, điện ảnh VN…để giới thiệu với du khách đã đành, mà đối với người dân, nhất là học sinh, sinh viên, có thể học được rất nhiều từ những bảo tàng bổ ích, có giá trị. Nếu nhà nước không làm nổi thì để tư nhân góp sức làm.
Một trong những địa chỉ văn hóa tư nhân mà tôi còn nhớ, khá thú vị, là “Điểm của một thời” nằm trên đường Lê Thánh Tôn của nhà thiết kế áo dài Sĩ Hoàng, thường tổ chức các chương trình âm nhạc dân tộc Việt Nam kết hợp với trình diễn áo dài từ xưa đến nay, ngoài ra khách còn được thưởng thức trà, chè, bánh mứt VN…Khách nước ngoài rất thích, không biết bây giờ còn không.
Khi du lịch đến các thành phố khác nhau của các nước, một ý thích của tôi là tìm đến những ngôi nhà, những quán café, địa điểm thường lui tới của các văn nghệ sĩ hay chính khách, triết gia…nổi tiếng trong lịch sử. Nhưng ở Sài Gòn thì điều này lại chưa có được.
Còn nhớ khi học giả, nhà sưu tập đồ cổ Vương Hồng Sển mất, ông đã hiến tặng cho nhà nước ngôi nhà cổ (Vân đường phủ) và toàn bộ sưu tập đồ cổ giá trị của mình với hy vọng thành lập một bảo tàng mang tên ông. Thế nhưng, vì những lý do nào đó, có thể vì sự hẹp hòi, thiển cận, không muốn có những bảo tàng mang tên cá nhân nào ngoại trừ bảo tàng Hồ Chí Minh (!), những người lãnh đạo trung ương và thành phố đã không chấp nhận. Những cổ vật sau đó được đưa về Bảo tàng Lịch sử Thành phố, còn ngôi nhà xưa rất đẹp thì không được chăm sóc, bị xuống cấp, hư hỏng nặng theo thời gian.
Rồi còn bao nhiêu nhân vật khác từng sinh sống, thành danh ở thành phố này, gia đình, người thân sẵn sàng biến những ngôi nhà khi họ còn sống thành địa điểm tham quan cho du khách và người dân nếu nhà nước cho phép, nhưng riêng với VN thì lại còn vướng mắc bởi bao vấn đề “tế nhị” khác, mà tất cả là do sự hẹp hòi mà thôi. Ví dụ như ngôi nhà của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, nhạc sĩ Phạm Duy…có thể sẽ có nhiều người trong và ngoài nước muốn ghé nhưng đã chắc gì những nhạc sĩ cách mạng khác lại thu hút người đến khi mà nhạc của họ bây giờ còn chẳng mấy ai nghe?
Với du khách là thế, còn với người dân, Sài Gòn cũng như tất cả những thành phố lớn, nhỏ khác ở VN thường rất thừa thãi quán café, quán nhậu, nhà hàng…(chả trách dù nghèo nhưng tỷ lệ tiêu thụ bia, thuốc lá ở nước ta rất cao), song lại thiếu những công trình văn hóa công cộng để nâng cao dân trí, ví dụ thiếu thư viện tốt. Ở Sài Gòn, từ phường, quận cho tới cấp thành phố đều có thư viện, nhưng các thư viện phường, quận thường quá chán, sách đã ít, sách hay lại càng ít.
Tại các thư viện không cho mượn băng đĩa nhạc, phim…miễn phí, càng không thể tìm thấy những băng đĩa nhạc giao hưởng, ca kịch opera, múa ballet hay nhạc quốc tế đủ các thể loại từ các quốc gia khác nhau…để người dân, nhất là giới trẻ có thể mượn về xem và “chống dốt”. Cái gì cũng phải đi mua tiền đâu mà mua, hỏi sao giới trẻ thường rất thiếu hụt kiến thức về opera, ballet, nhạc cổ điển, phim cổ điển…
Sài Gòn hồn xưa phai nhạt
Là một thành phố trẻ chỉ mới hơn 300 năm tuổi, Sài Gòn không có nhiều di tích, di sản văn hóa, ngay cả so với Hà Nội hay Huế. Nhưng điều đáng tiếc là đã ít mà lại không được giữ gìn, mà còn bị phá bỏ.
Theo thởi gian những vết tích của Sài Gòn xưa cứ mai một dần hoặc hoàn toàn biến mất. Đôi khi, người ta cứ nghĩ là chuyện nhỏ.
Từ những viên gạch cũ mộc mạc lát xung quanh Nhà thờ Đức Bà cũng bị đào lên thay bằng loại gạch mới bóng loáng. Một quán café Givral, nơi từng là địa điểm của bao ký giả trong và ngoài nước thời chiến tranh VN đến thu thập thông tin, ngồi viết bài, trong đó có nhân vật tình báo Phạm Xuân Ẩn; nơi từng được nhắc đến trong cuốn sách và bộ phim “Người Mỹ trầm lặng”…Lẽ ra thay vì xây mới, cùng với việc phá bỏ toàn bộ hành lang Eden cũ, nên giữ lại, biến thành một địa chỉ văn hóa du lịch khi treo thêm những bức ảnh của bộ phim này, của Sài Gòn xưa, chẳng hạn.
Một ví dụ nhỏ, như ở ở Paris, quán Café des 2 Moulins sau khi được quay trong bộ phim tình cảm Amélie, 2001 càng trở nên nổi tiếng hơn, du khách ghé đến là thấy ngay hàng loạt hình ảnh của bộ phim treo trong quán.
Mới đây, nhiều người dân Sài Gòn cảm thấy tiếc nuối khi toàn bộ hàng cây cổ thụ ở công viên Lam Sơn phía trước Nhà hát thành phố, có tuổi đời hàng chục năm, đã bị đốn hạ để xây nhà ga ngầm đầu tiên của tuyến metro số 1 (Bến Thành-Suối Tiên). Vòng xoay cây liễu cùng đài phun nước ở giao lộ Nguyễn Huệ với Lê Lợi cũng bị di dời. Rồi cụm tượng đài ở vòng xoay Quách Thị Trang trước chợ Bến Thành.
Và cả thương xá Tax. Theo báo chí, trung tâm thương mại lâu đời nhất tại VN, hơn 130 năm tuổi này, sẽ được phá đi, xây dựng thành cao ốc 40 tầng.
Cùng với chợ Bến Thành, Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện thành phố…, những cái tên như Eden, thương xá Tax, quán café Givral, La Pagode, Brodard, những hình ảnh như đài phun nước ở giao lộ Nguyễn Huệ-Lê Lợi…đã trở thành quen thuộc, gắn liền trong ký ức của người dân Sài Gòn bao nhiêu năm…nay đã biến mất.
Nhà thờ Đức Bà, Nhà hát thành phố (trước đây là Hạ Nghị Viện của chính quyền VNCH), và sắp tới sẽ là chợ Bến Thành, thì đều đang và sẽ bị đè bẹp xuống, trở nên bé nhỏ thảm thương vì những công trình mới xây cao hơn nhiều lần.
Tất cả đều được lấy lý do vì nhu cầu phát triển, thành phố cần phải hiện đại hóa, người dân cần phải hy sinh! Biết là thế, nhưng thật ra, đập bỏ luôn là phương án nhanh nhất, dễ nhất!
Giá trị của một thành phố không chỉ ở những công trình kiến trúc mới. Linh hồn của một thành phố nhiều khi nằm trong từng viên gạch cũ, từng hàng cây cổ thụ, một quán café xưa…Ở đó những dấu ấn lịch sử, những dấu vết thời gian đi qua còn in lại. Và người ta gắn bó với một thành phố lắm khi chỉ từ những thứ nhỏ nhặt như thế.
Sài Gòn ơi hồn ở đâu bây giờ?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét