Trọng Nghĩa – RFI
Ngoại trưởng Philippines tại LHQ. Ngày 29/09/2014.
Tại khóa họp thường niên của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc- New
York, sau Việt Nam, đến lượt Philippines lên tiếng chỉ trích Trung Quốc
nói một đằng làm một nẻo trong hồ sơ tranh chấp chủ quyền Biển Đông. Phát biểu ngày 29/09/2014, Ngoại trưởng Philippines vạch trần các mâu thuẫn trong lời nói và hành động của Trung Quốc tại Biển Đông.
Theo Ngoại trưởng Philippines, Trung Quốc liên tiếp vi phạm luật quốc tế với những « yêu sách chủ quyền mang tính chất bành trướng », nhưng lại đòi nước khác áp dụng luật lệ quốc tế một cách « công minh và đúng đắn ».
Dù tránh nêu đích danh Trung Quốc bằng tên, chỉ nói chung chung « một quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc (a State Party) », Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario đã liệt kê chi tiết các hoạt động của Bắc Kinh ở Biển Đông, bị ông cho rằng đã đe dọa hòa bình, ổn định trong vùng, và vi phạm luật pháp quốc tế.
Ông del Rosario xác định : « Thay vì giải quyết một cách hòa bình các tranh chấp trên biển trong khuôn khổ [luật pháp quốc tế], Quốc gia đó – tức là Trung Quốc – đã nhúng tay vào một loạt các hoạt động nguy hiểm, liều lĩnh và mang tính cưỡng ép nhằm cố gắng đơn phương áp đặt một sự thay đổi hiện trạng Biển Đông ».
Ngoại trưởng Philippines đã dành 1/3 bài phát biểu dài gần 6 trang để nêu bật các hành động coi thường luật pháp quốc tế của Trung Quốc tại Biển Đông, từ vụ cưỡng chiếm bãi cạn Scarborough năm 2012, chỉ cách đảo lớn Luzon của Philippines 124 hải lý, cho đến việc đơn phương áp đặt lệnh cấm đánh cá tại nhiều khu vực ở Biển Đông, xâm phạm quyền chủ quyền chính đáng đối với vùng đặc quyền kinh tế của của Philippines và một số quốc gia ven biển khác.
Đơn phương thay đổi hiện trạng Biển Đông để củng cố ‘cái gọi là đường chín đoạn’
Người lãnh đạo ngành ngoại giao Philippines không quên nói đến các hoạt động ồ ạt cải tạo địa hình mà Bắc Kinh cho tiến hành trong vòng hai năm qua tại khu vực bãi đá Gạc Ma (Johnson Reef), Đá Ken Nan và Tư Nghĩa (McKennan and Hughes Reef), Đá Châu Viên (Cuarteron Reef) và Đá Ga Ven (Gaven Reef) thuộc quần đảo Trường Sa. Đây là những nơi đã bị Trung Quốc dùng võ lực lấy từ tay Việt Nam vào năm 1988.
Ngoại trưởng Philippines không ngần ngại tố cáo : « Các hành động đơn phương đó, cùng nhiều hành vi khác, nằm trong một kế sách nhằm áp đặt một sự thay đổi hiện trạng trên biển, để củng cố cho cái gọi là đường chín đoạn, một đòi hỏi chủ quyền không thể chối cãi rộng khắp trên gần như toàn bộ Biển Đông, vi phạm cả bản Tuyên bố ASEAN-Trung Quốc năm 2002 về cách ứng xử của các bên tại Biển Đông lẫn Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển UNCLOS.
Thái độ coi thường luật pháp quốc tế của Trung Quốc đã được Ngoại trưởng del Rosario nhấn mạnh khi ông nêu bật sự kiện Bắc Kinh từ chối tham gia vụ kiện đường lưỡi bò Trung Quốc trước tòa án trọng tài Liên Hiệp Quốc :
« Chúng tôi đã mời một Quốc gia Thành viên giải quyết tranh chấp trên biển một cách hòa bình trên cơ sở Công ước UNCLOS… Tuy nhiên, thành viên đó đã từ chối lời mời, và tiếp tục đơn phương lao vào các hành động đòi hỏi chủ quyền mang tính chất bành trướng, vi phạm quyền chính đáng được ghi trong UNCLOS như quyền được hưởng vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Philippines và nhiều láng giềng ven biển khác ».
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét