Thứ Ba, 30 tháng 9, 2014

Suy nghĩ nhân Đại hội Mặt trận Tổ quốc VN đang họp

Vũ Duy Phú, gửi RFA từ Hà Nội

baomoi.com-305.jpg2014-09-29

Toàn cảnh cuộc họp báo Đại hội Mặt trận Tổ quốc VN – Courtesy of baomoi.com
“Chủ nghĩa hội tụ” của Hồ Chí Minh đã tỏ ra là đúng đắn nhất.
Hồ Chí Minh đã đi tìm đường cứu nước, sau khi bôn ba tìm hiểu học tập thực tế mấy chục năm ở nhiều trung tâm văn hóa chính trị thế giới, cả TBCN lẫn XHCN, cùng với những trải nghiệm rất gian nan, những lựa chọn rất khó khăn, với nhận thức đã chín mùi dần dần,
cuối cùng Người đã đi đến nhận xét: “Đức Phật thích ca có lòng Từ bi, Chúa Jesu có lòng Bác ái, Mác có phép Biện chứng, Tôn Trung Sơn thì có Chủ nghĩa Tam dân”.  Hoàn toàn không phải ngẫu nhiên, mà từ trí tuệ vô cùng sáng suốt tổng hòa, Hồ Chí Minh đã nói, nếu các Vị ấy mà sống lại, họ sẽ là những người bạn tốt của nhau, và chính Hồ Chí Minh đã tự nhận làm người học trò và người bạn chân thành của tất cả các Quý Vị ấy. Từ đó, cuối cùng, từ 1944- 1945, Hồ Chí Minh đã dùng phép biện chứng của Mác để kết hợp tất cả những trí tuệ, lý tưởng cao cả và lòng nhân đạo của tất cả các Vị tiền bối đó để tạo ra một Con đường đi mới mẻ cho nhân dân Việt Nam, bắt đầu từ tháng 8 năm 1945.

Chính đó là bước khai trương Chủ nghĩa hội tụ về đạo đức và trí tuệ đầu tiên trên thế giới tại Việt Nam. Nếu Pháp (được sự hỗ trợ của Mỹ) không phạm một sai lầm chiến lược tầm thế kỷ quay lại xâm chiếm nước Việt Nam dân chủ cộng hòa từ năm 1946 thì có thể cuộc sống của VN ngày nay đã như Singapore hay Nam Hàn. Tôi đã giải thích rõ, tại sao người ta cứ lầm lẫn giữa cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của VN với cuộc cách mạng vô sản theo CN Mác, và cũng đã nói rõ CN Mác – Lê đã vào sâu VN bằng con đường nào và từ năm 1975, sau chiến tranh, đã cản trở con đường tiến lên văn minh hiện đại trong hòa bình của VN ra sao (**).
Vấn đề là hiện nay, chữa một cái nhà xây lầm về thiết kế bao giờ cũng khó hơn xây một cái nhà mới từ nền đất trống. Chúng ta không nên vội vàng, lầm lẫn trắng đen, không nên lại đi vào những con đường cực đoan sai lầm như của ông Mác trước đây và một số nước đã và đang trải qua.
Thời nay, lý luận quá nhiều, thông tin tư liệu đổ về như nước vỡ bờ, cả nước lại đang nức lòng theo dõi nội dung Đại hội Mặt trận Tổ quốc VN, do đó để người đọc đỡ nhàm chán, tôi xin giải trình rất ngắn gọn.
Thời phong kiến, không ít Vị vua rất nhân từ đạo đức, hết lòng chăm lo cho muôn dân, mặc dù họ là những người đứng đầu một thể chế chính trị còn lạc hậu. Ở Việt Nam ta điển hình nhất là vua Trần Nhân Tông. Chúng ta cũng không quên, nhiều Vị Tổng thống hay Thủ tướng đứng đầu những thể chế Tư bản chủ nghĩa, nhưng đã rất được nhân dân tin yêu, kính trọng, vì họ hết lòng chăm lo xây dựng và phát triển đất nước, đem lại an vui và hạnh phúc cho nhân dân.
Ví dụ ở Singapore, người dân, ai cũng nhớ tới Thủ tướng Lý Quang Diệu (ông rất chống những việc làm mà ông cho là sai của CN Cộng sản). Vậy có nhất thiết cứ phải cách mạng vô sản đổ máu, đấu tranh giai cấp “một mất, một còn” như đã từng xẩy ra ở Pháp, ở Nga, và như Cải cách ruộng đất ở VN trước đây? (1) Vấn đề số một là đạo đức làm người, thể chế chính trị khác nhau chỉ là điều kiện. Lúng túng, tranh luận mãi về “ý thức hệ” chỉ là ngụy biện, né tránh những sự thật.
Nên nhớ đinh ninh hộ, câu chuyện đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ đất nước của VN là một phạm trù chính trị nhân đạo hoàn toàn khác hẳn, không liên quan đến việc bàn về “cách cái mạng” nhiều khi rất ấu trĩ và thất đức khắp nơi.
Ông Các Mác mới quan tâm đến “sự bóc lột thậm tệ” của giai cấp tư sản và lý giải rất hay về “bóc lột giá trị thặng dư”. . . .Nhưng ông đã không tính kỹ đến, lý do tại sao lại xuất hiện những người công nhân và bần cố nông trước khi có nạn bóc lột quá đáng, trên cái ngưỡng mà người lao động có thể chịu đựng và khi họ vẫn còn vui vẻ chấp nhận làm thuê (như ở nước ta hiện nay)? Mặt khác, khi thế giới ngày càng nhiều người giầu có, thì muốn thực hiện nghiêm chỉnh học thuyết Mác, nghĩa là làm cách mạng “đạo đức” (giải phóng áp bức bóc lột) cho phần này của nhân loại, thì lại hành động dã man mất đạo đức (trắng trợn cướp đoạt, “cách” ngay cả cái mạng của con người) đối với phần kia của Loài người (1).
Chính những sai lầm lịch sử trong quá trình phát triển tự nhiên, mò mẫm đã đẩy Loài người đến hai cái thái cực: Hoặc là tự do dân chủ cạnh tranh tuyệt đối – tức Chủ nghĩa tư bản, hoặc là bình đẳng công bằng tuyệt đối – tức Chủ nghĩa cộng sản. Mâu thuẫn giữa hai dạng cực đoan lớn này của Nhân loại đã dẫn đến những cái sai lầm tổn thất tai hại trên thế giới, như đã thấy.
Tocqueville, một trí thức Châu Âu, sau khi nghiên cứu khá sâu sắc tại thực địa nước Mỹ gần một năm trời, đã kết luận rằng, nước Mỹ vừa là Thiên đường (của những người giầu), vừa là địa ngục (của những người nghèo), nhưng đúng hơn cả: Nước Mỹ là một bãi chiến trường. Đương nhiên những người thuộc trường phái Tự do bình đẳng cạnh tranh là sẽ giầu có, nắm được sức mạnh và lên cầm quyền.
Và do đó, tiếp theo, nước Mỹ đã có xu hướng biến cả thế giới cũng thành “một bãi chiến trường”, như thời trước nhiệm kỳ tổng thống của ông Obama mà chúng ta đã thấy. Trong khi đó, Lê nin ở nước Nga, thì lại theo chủ nghĩa đấu tranh giai cấp của Các Mác để có công bằng, bình đẳng tuyệt đối, “làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu”, bằng cách tiêu diệt giai cấp bóc lột, thực hiện công hữu hóa và kế hoạch hóa cả nước, nhà nước sẽ làm tất cả, lo xây dựng một Thiên đường cho toàn dân, trước hết cho những người nghèo.
Ngay từ khi Khơ rút xốp còn nắm quyền, ông đã tuyên bố, Liên Xô sắp hoàn thành Chủ nghia cộng sản, tức là sắp xây dựng xong một “Thiên đường” cho nhân dân Liên Xô và sau đó sẽ “giúp đỡ” các nước xây dựng “Thiên đường” như vậy trên toàn Trái Đất…
Kết cục của hai trường phái rất cực đoan này như thế nào? Rõ ràng, nhân dân Liên Xô và Đông Âu đã bị ăn “bánh vẽ”, nên các Đảng CS, cả đến 80 – 90% người dân LX và Đông Âu, là những dân tộc cũng khá thông minh sáng suốt trên thế giới, cuối cùng đều nhất trí từ bỏ CNXH kiểu Liên Xô cũ. Việc mấy chục nước đã tự nguyện, hòa bình quay trở lại chế độ tự do dân chủ nhân quyền đa nguyên thì không thể là một “sai lầm chiến thuật”, một sự “sơ hở”, “bồng bột” của mấy ông lãnh đạo (như Goor ba chốp, hay Enshin . . .).
Nhưng Mỹ thì, trái lại, vấn tồn tại, đã có lúc trở thành siêu cường độc nhất trên thế giới! Như vậy thực tế lịch sử đã phán xét và đưa ra kết luận hộ chúng ta: Nhân dân các nước (cho đến khi Liên Xô và Đông Âu tan rã, còn TQ và VN phải “đổi mới”, mở cửa hội nhập và rất mong muốn các nước thừa nhận là tại nước mình đã có “thị trường hoàn chỉnh” . . . ) thì đã biểu đồng tình, rằng toàn thế giới hiện nay còn đang ngả về khuynh hướng toàn cầu hóa TBCN.
Nhưng hiện nay, dù Obama có “Hy vọng táo bạo”, “Tìm lại giấc mơ Mỹ”, “xoay” đến mấy cái “trục”, với bao nỗi lo lắng, vất vả (năm ngoái, bà Michelle Obama, vợ tổng thống Mỹ trong thư viết cho tôi, như một người bạn, đã than rằng, chồng bà vì dân vì nước lo lắng đến bạc cả đầu), mà nước Mỹ vẫn “lâm nạn”, mà lần này còn có thể lâm nạn “nặng” hơn. Bởi chế độ chính trị của nước Mỹ đã tốt, vẫn dẫn đầu thế giới, nhưng những mặt trái của chế độ chính trị của nước Mỹ những năm qua cũng đã dẫn đến và tích lũy quá nhiều sai lầm, cực đoan, thậm chí có lúc dã man tàn bạo (đã tạo ra cho thế giới cả một bãi chiến trường), hậu quả là “Kẻ thù lớn nhất” do Hoa Kỳ tự tạo ra trước kia thì hiện nay vẫn còn đang trỗi dậy trả thù.
Suy cho cùng, những người có đầu óc, trí tuệ, năng động và dũng cảm hơn thường ủng hộ Tự do bình đẳng cạnh tranh; những người ít tháo vát, chân thật, an phận, thậm chí ngu si, nhút nhát . . .thường thích thú bình đẳng, công bằng tuyệt đối. Đó là lẽ tự nhiên. Bất kỳ ai, chỉ cần có đầu óc một chút, cũng hành động tùy theo sức của mình. Mọi món lợi không chính đáng đều phải trả nợ. Mọi sự cực đoan đều là sai lầm. Chính vì vậy, đúng như Phật Thích ca đã dậy: “Kể thù lớn nhất của mỗi đời người là chính mình”, mà tôi đã dùng để gán cho sai lầm của cả CNTB và cả CNXH nói ở trên.
Có nghĩa, sau khi phe XHCN tan rã, đường lối Tự do dân chủ nhân quyền dưới sự điều hòa phối hợp của Liên hiệp quốc trên Thế giới hiện nay cũng vẫn còn rất nhiều bế tắc. Chính đó là nguyên nhân thúc đẩy tôi nhắc lại một cách có hệ thống tư duy về một Chủ nghĩa hội tụ cho toàn cầu:  Tức là cái chủ nghĩa sẽ chọn lựa và tích hợp những cái hay, cái tốt, loại bỏ những cái dở, cái sai của cả hai Chủ nghĩa đấu tranh một mất, một còn Mác – Lê và Chủ nghĩa TB tự do dân chủ cạnh tranh sinh tồn không giới hạn hiện nay (đã được nêu trong “Khế ước toàn cầu” (*)).
Xin nhắc lại. Vấn đề là hiện nay,chữa một cái nhà xây nhầm lẫn về thiết kế bao giờ cũng khó hơn xây một cái nhà mới từ nền đất trống. Chúng ta rất không nên vội vàng, lầm lẫn trắng đen, không nên lại đi vào những con đường cực đoan sai lầm như của ông Mác trước đây và một số nước đã và đang trải qua.
Kiên trì cái cũ (CN Mác – Lê, mô hình XHCN kiểu LX cũ) là sai lầm. Nhưng chủ trương quá khích, cực đoan muốn dẹp bỏ toàn bộ đường lối và hệ thống chính trị xã hội đã có là lại tự mình tạo ra thêm kẻ thù trong chính mình (mà ai đó có muốn cũng chẳng được). Nói khác đi, lại tạo ra một bãi chiến trường “quân ta lại đánh quân mình”, giống như sai lầm cải cách ruộng đất, cải tạo công thương trước đây, hoặc giống như CN Mác – Lê đã được thực hiện trong xây dựng hòa bình ở Liên Xô.
Nên nhớ, VN đã không chỉ một lần đứng trước những cơ hội lịch sử bằng vàng mà bạn bè chân thành trên thế giới đã sẵn sàng ủng hộ để VN làm “việc lớn”. Đó là sau chiến thắng năm 1954, năm 1975, giai đoạn VN gia nhập WTO, chủ trì Hội nghị APEC và được bầu vào UV Hội đồng bản an LHQ cũng vậy. Như trên đã nói, sự nhầm lẫn liên tục của thế giới, dẫn đến sự nhầm lẫn liên tục của Việt Nam chúng ta đã làm chúng ta bỏ lỡ bao “Cơ hội ngàn năm”. Không phải ngẫu nhiên, một nước đã trải qua biết bao gian nan chồng chất, lúng túng ghê gớm kéo dài về đường lối lớn, còn sản xuất, đời sống thì khó khăn, xã hội thì suy thoái nghiêm trọng, và nhân dân thì chê trách mất lòng tin vào Đảng lãnh đạo . . .đến như vậy mà hầu như cả nước vẫn đoàn kết một lòng chung quanh đảng CSVN, Chính phủ VN và Mặt trận TQ VN, còn bạn bè chân thực trên thế giới vẫn một lòng ủng hộ (Do vì thấy VN không bị tan rã như Liên Xô, không bất ổn,  bị “lâm nạn”, bị đe dọa đảo chính hay nội chiến như khá nhiều nước hiện nay).
Từ trên tầm cao của Nhân loại, thế giới vẫn rất cảm tình nhìn VN như một điểm “kỳ lạ”, tuy chưa lý giải nổi đầy đủ (***), nhưng vẫn rất khâm phục như một dân tộc anh hùng quả cảm đầy khí phách, bất khuất trước bất kỳ kẻ thù nào, kể cả anh bạn láng giềng đại bá đã nhiều lần phản bội (****). Nhưng nói lại như thế không phải là để chủ quan, tự kiêu, mà là để toàn dân toàn đảng nhận thức rõ: VN chúng ta, từ 2014, lại đang đứng trước một “Thời cơ vàng” mới.
Thiết nghĩ, chúng ta, toàn Đảng CS VN và toàn Dân vừa mới long trọng kỷ niệm 40 năm thực hiện Di chúc của lãnh tụ Hồ Chí Minh rất kính yêu của mình. Chúng ta hãy mở đầu cho “Thời cơ vàng” này bằng cách nghiêm chỉnh thật lòng và công khai quay trở về tư tưởng đường lối Hồ Chí Minh là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đa nguyên, dân chủ tập trung, lấy Dân làm chủ thật sự, đã được xây dựng từ năm 1945 -1946;  công khai làm theo lời dậy, theo những nội dung phong phú trong bản Di chúc của Người, trong đó Hồ Chí Minh không nhắc một chữ nào đến CN Mác – Lê, đến đấu tranh giai cấp, đến Đảng lãnh đạo toàn diện mất dân chủ, đến CNXH công hữu và quốc doanh làm nòng cốt . . .(2).
Bác yêu cầu cán bộ phải là đầy tớ thật trung thành của Nhân dân. Vậy có một trong những việc mở đầu giai đoạn mới này tác động mạnh và rõ nhất là: Từ nay mọi việc đều phải công khai minh bạch trước dân (trừ an ninh quốc phòng công khai minh bạch theo quy chế riêng). Nhân dân cán bộ các nước tiên tiến họ cũng không phải không tham tiền tài chức vụ như ta. Sở dĩ các nước tư bản chủ nghĩa tiên tiến họ tiến nhanh hơn chúng ta, là bới vì họ dân chủ hơn chúng ta nhiều, trước hết là họ công khai, minh bạch, giải trình đầy đủ mọi việc- nhất là về tiền tài, chức vụ – cho dân biết mà kiểm tra, kiểm soát.
Hãy gác những sai lầm cũ lại, trừ cái gì vi phạm rõ ràng, trắng trợn, cố ý đụng thẳng ngay vào Hiến pháp và pháp luật cũ. Vì những sai lầm cũ, cái cũ còn rất phức tạp, nhiều nguyên nhân, trên tinh thần hầu hết mọi người, kể cả lãnh đạo, đều là nạn nhân của sai lầm cũ, nên không thể chờ đợi giải quyết thỏa đáng cái cũ rồi mới triển khai cái mới. Vì vậy cần công khai minh bạch cái mới mọi thứ ngay từ ngày mai, tháng sau!  Như vậy sẽ nhanh chóng giảm bớt ngay tham nhũng, tiêu cực, – cái nguyên nhân số một dẫn đến suy thoái đạo đức, u mê trí tuệ và mất đoàn kết xã hội, mất đoàn kết trong Đảng và giữa Đảng với Nhân dân, kể cả mất uy tín quốc tế, khó kết bạn được với những nước văn minh tiến bộ.
Tóm lại, nếu có đạo đức làm người, vì dân, vì nước thật lòng, thì chẳng khó gì lắm để quay về với chính thể ban đầu của VN trước đây, một mẫu hình thực chất là Chủ nghĩa hội tụ do lãnh tụ Hồ Chí Minh lựa chọn gây dựng lên.
Thực hiện ý kiến của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khuyến khích mọi người dân hãy “góp ý phản biện với Đảng và Nhà nước”, tôi xin kính gửi đề xuất này tới Đại hội Mặt trận Tổ quốc VN.
Hà Nội, ngày 25 tháng 9, năn 2014
Vũ duy Phú
(*) “Khế ước toàn cầu” trong trang Web  vids.org.vn;
(**) “Lại nói rõ những cái Gốc” cũng trên trang Web đã nêu.
(***) Thời và Vận của VN theo “Sấm Trạng Trình” thì họ chưa thể hiểu nổi.
(****) Trung quốc là một trường hợp đặc thù, họ theo chủ nghĩa bành chướng bá quyền Đại Hán, cần có nghiên cứu riêng. Hiện nay, theo tư duy của những người dân TQ yêu nước, thì nước này cần thành lập Liên bang. Nhưng theo tư duy của nhiều công dân hành tinh nhìn xa trông rộng dựa trên lợi ích toàn cục của thế giới, thì nước này cần được thế giới giúp đỡ để phân chia thành một cộng đồng các quốc gia độc lập yêu chuộng hòa bình và văn minh. Xin xem thêm “Dự án thế giới vì một cộng đồng Trung Hoa văn minh” trên trang vids.org.vn.
(1) Bản thân chữ “cách mạng” là đã nói lên làm cách mạng là không tránh được việc phải “cách” cái “mạng” của kẻ thù rồi. Chính vì ông Mác phát động người nghèo đứng lên làm cách mạng, là đã tiềm ẩn một khả năng nguy hiểm: Vì ngèo ít được học hành, nên suy nghĩ thường thiếu cơ sở trí tuệ, lại sẵn nỗi hận đời, sẵn lòng ghen tức căm thủ những kẻ giầu có sung xướng hơn mình . . .nên khi được “phát động”, “bồi dưỡng” lòng căm thù giai cấp là điên lên ngay, đánh nhầm là chuyễn dễ xẩy ra !
(2) Có người nói rằng, Cụ Hồ không nhắc đến CN Mác – Lê, và CNXH, nhưng Cụ đã nói trong di chúc là sẽ đi gặp các cụ Mác, cụ Lê, vậy đó là cái gì ? Theo tôi, Cụ Hồ coi mấy Vị ấy như những người quen, và còn bàn tiếp về những sai lầm của các cụ ấy thì sao?
*Nội dung bài viết không phản ảnh quan điểm của RFA.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét