VNTB
Hòa Cầm* Tác giả gửi bài trực tiếp cho VNTB
Người Hongkong đang đòi dân chủ |
Đảng cử Việt Nam không hề vất vả
Nói về ngoại lai thì chính thể hiện nay – Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa (XHCN) Việt Nam là một thể chế ngoại lai được du nhập vào Việt Nam thập niên 20 (thế kỷ 20). Cho nên, không đặt nặng vấn đề ngoại lai hay không ngoại lai, mà giá trị của “ngoại lai” nó tác động như thế nào đối với tiến trình phát triển của dân tộc.
Trước hết, cái gọi là sự khủng hoảng nền dân chủ phương Tây với khái niệm “sự chán chường chính trị” thực chất là vấn đề bày tỏ những xúc cảm chính trị của các cử tri đối với những giai đoạn khủng hoảng về thực thi lời hứa của các đại biểu. Vấn đề là, sau sự chán chường chính trị đó, các cử tri có thể sử dụng lá phiếu và quyền lực lá phiếu để buộc các đại biểu, đảng phái thực thi các lời hứa bầu cử/ lời hứa chính trị của mình, điều này có nghĩa cử tri quyết định các hành vi và số phận chính trị của đại biểu hay đảng phái. Điều này càng tạo nên tính làm chủ (thực chất) của người dân (cử tri) đối với các đại biểu các đảng phái.
Chính nó (cảm xúc chính trị) đưa đến các số cử tri bỏ phiếu trồi sụp theo từng năm, như từ 49,02% có thể năm sau lên 72% hay năm sau nữa tụt xuống còn 55% hoặc có khi thấp hơn. Nhưng như đã nói, yếu tố cảm xúc chính trị không làm giảm đi tính dân chủ mà ngược lại nó gia tăng tính dân chủ thông qua quyền lực phiếu bầu. Do đó, phần trăm số phiếu mang tính chu kỳ nhằm biểu lộ cho trạng thái đó… Làm gia tăng sức ép về việc thực hiện các nhiệm vụ đại biểu chứ không phải là làm gia tăng sự cách biệt xã hội, đơn giản mỗi lá phiếu có quyền lực như nhau. Và vì thế, vấn đề nhận thức “có” hay “không” việc gây ảnh hưởng quyết định chính trị phụ thuộc vào trách nhiệm lá phiếu lẫn sự “có” hay “không” lãnh cảm chính trị của người dân.
Trong khi đó, tại Việt Nam, với thể chế XHCN thì lá phiếu cử tri chỉ mang tính biểu trưng thông qua lối “đảng cử, dân bầu”, điều này dẫn đến phần trăm số phiếu luôn đạt mức 98-99-100%. Nhưng con số đó nó không biểu hiện cho ý thức quyền lực của cử tri, mà nó chỉ biểu hiện cho sự thành công về thâu tóm quyền lực của một đảng phái – Đảng Cộng sản. Chính vì vậy, các đại biểu tại Việt Nam không vất vả như đại biểu các nước có nền tảng dân chủ phương Tây, không tốn thời gian vận động cử tri, không đau đầu đề ra các chính sách của mình, không phải vất vả quyết tâm thực hiện các lời hứa của mình trong các vấn đề liên quan đến đời sống nhân dân. Tất cả, dẫn đến việc lá phiếu không đảm nhiệm đúng vai trò của mình là chuyển tải nguyện vọng và mong muốn của cử tri. Do đó, ở Việt Nam không tồn tại chứng bệnh “chán chường chính trị” mà là chứng “lãnh cảm chính trị” khi người dân đã không quyết định được số phận phiếu bầu của mình.
Hệ thống chính trị đã mất tính chính trị
Vậy nên, một chính phủ không có nhân dân nếu thực sự xuất hiện và tồn tại thì nó hiện hữu rõ ràng nhất ở các nước với hệ thống XHCN chứ không phải ở đâu khác. Nơi mà “Hệ thống chính trị của chúng ta đã mất tính chính trị. Ðiểm hứa trọng tâm của nền dân chủ đại diện đã bị phá vỡ. Chúng ta không còn những phe đối kháng. Ði bầu cử không còn ý nghĩa là thay đổi đường lối. Chúng ta thực sự không có một sự lựa chọn nào”.
Cái hệ thống chính trị không nhân dân đó, với lá phiếu cử tri mang tính tượng trưng đã tạo nên một nền dân chủ cực kỳ nguy hiểm và mông muội, đó là dân chủ hình thức, dân chủ định hướng. Nền dân chủ này bản chất là sự độc tài và chuyên quyền, đảm bảo các quyền lợi cơ bản và tốt nhất cho một nhóm người có liên quan đến sự duy trì tồn tại của nó. Trong khi đó, nền tảng quan trọng nhất của một xã hội là tính nghiêm minh của pháp luật, một nền giáo dục nhân bản, một hệ thống tam quyền phân lập thì dân chủ hình thức lại không có.
Có thể nhận ra điều này ngay ở tại Việt Nam, khi mà Hiến Pháp dù trong khoản 3, điều 2 Hiến pháp Việt Nam năm 2013 quy định: “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, tư pháp, hành pháp”. Nhưng ông Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng lại tìm cách xóa bỏ: Nhà nước ta không tam quyền phân lập.
Lý do không cần tam quyền phân lập là gì? Đó là vì “Tam quyền phân lập không phù hợp với thể chế chính trị ở nước ta”. Nhưng vì sao không phù hợp, một Bùi Văn Học đã chỉ thẳng ra trên báo CAND là: “Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị – xã hội với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ chính trị, xã hội, pháp lý của mình đều hướng tới phục vụ nhân dân, thực hiện “tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân”.
“Tất cả quyền lực thuộc về nhân dân” (!?)
“Tất cả quyền lực thuộc về nhân dân” để nói không với tam quyền phân lập thực chất chỉ là sự đi ngược lại với dân chủ. Khi mà bản thân xu hướng quyền lực nhà nước luôn tự mở rộng, nếu không có phương thức kiềm chế lại thì dẫn ngay đến nạn lạm quyền/ chuyên quyền độc đoán. Do vậy, một nền tảng dân chủ cơ bản buộc phải phân tán cái xu hướng đó ra bằng cách bằng cách phân quyền theo hướng tam quyền phân lập. Và nếu vì lý do này hay lý do khác, trì hoãn việc phân quyền này thì theo Montesquieu, kể cả một người hay một tổ chức, thì nguy cơ chuyên chế vẫn còn.
Nói ngắn gọn, tam quyền phân lập không sinh ra để làm bộ máy nhà nước vận hành tốt hơn mà để hạn chế thâu tóm quyền lực.
Thế nên, trong nền dân chủ hình thức và định hướng như hiện nay, việc ông Tổng bí thư Đảng Nguyễn Phú Trọng, báo Nhân Dân, hay tác giả Hồ Việt Thắng bác bỏ tam quyền phân lập cũng có cái lý do của nó.
Do vậy, dù “Xây dựng CNXH còn lâu dài lắm. Đến hết thế kỷ này không biết đã có CNXH hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa” thì giới lãnh đạo và những kẻ thiết thân đến lợi quyền của nhóm lãnh đạo cũng cố sống, cố chết bám vào con đường không có thực, một thể chế hoang tưởng hoàn toàn và một nền dân chủ với “quyền lực thuộc về nhân dân” phi dân chủ. Nói thẳng ra, XHCN và nền “dân chủ định hướng” chỉ là bình phong, nhằm bảo vệ cho cái quyền lợi nhóm đó, một quyền lợi cực lớn, cực thiết thân của độc tài chứ không phải là cho đại đa số người dân như cách mà các văn kiện Đảng, báo chí định hướng nêu ra… Vậy nên, nền “dân chủ” với “quyết tâm chính trị” đã cho mình cái quyền đứng lên trên pháp luật hoặc đưa pháp luật phục vụ cho lợi ích “lãnh đạo nhà nước” trên cơ sở san bằng mọi tiếng nói, mọi lợi quyền của nhân dân từ tự do ngôn luận, cho đến tư hữu đất đai. Một nền dân chủ đã làm nảy sinh lobby bằng tiền trong mọi giao dịch và là gốc rễ của tệ tham nhũng.
Chống lại sự phát triển của dân tộc
Không nói đâu xa, vụ việc chợ Tân Bình, khi các quan chức của UBND quận và BQL chợ đã đưa ra một quyết định trên trời mà không thèm đếm xỉa đến quyền lợi tiểu thương chính là hiện sinh của quyền lực độc tài, quyền lợi nhóm. Nơi mà người dân đã mất đi tiếng nói của mình, bị tước đoạt thô bạo quyền được biết của mình trong vấn đề sinh hoạt kinh tế từ những quyết định kiểu: Biết xây chợ mới, vẫn ký quyết định sang sạp cũ.
Do đó, nếu dân chủ phương Tây không phải là mô hình phổ quát cần học tập, “cổ xúy” mà tác giả Hồ Ngọc Thắng nhận định, thì dân chủ định hướng XHCN càng không phải là thứ dân chủ mà Việt Nam sẽ đi theo. Nền dân chủ đã khiến nền kinh tế bê bét, một nền chính trị với quân xanh, quân đỏ, một nền văn hóa đầy tạp nham, quái gở, thì thử hỏi nền dân chủ nào đang ngăn cản và chống lại sự phát triển của dân tộc?
Trong khi đó, nếu nhận thấy nó dân chủ Phương Tây đang cản trở cho sự phát triển của dân tộc thì tác giả có lời giải thích như thế nào trước sự phát triển và đảm bảo các quyền con người ở Singapore, Hàn Quốc, Đức, Nhật, Hoa Kỳ, Anh Quốc… Hay đó chỉ là thứ “phồn vinh giả tạo”, nền “dân chủ ngoại lai đang suy sụp” tồn tại mãi chưa thấy chấm dứt?
Đáng lý ra ta nên học tập để đưa đất nước thoát khỏi cái vũng lầy kinh tế, văn hóa, chính trị, thì nay lại tìm cách bài bác. Khác gì “ếch ngồi đáy giếng”?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét