Thứ Sáu, 26 tháng 9, 2014

Bộ KHĐT thiếu tiền: Mối nguy nợ công gần báo động đỏ

http://baodatviet.vn/kinh-te/tai-chinh/bo-khdt-thieu-tien-moi-nguy-no-cong-gan-bao-dong-do-3059923/
(Tài chính) – Chi ngân sách phải có tính toán, cân đối thu – chi hợp lý. Tiền thu về ngân sách chỉ có như vậy làm sao có thể chi hơn được.
Ông Đinh Văn Nhã – Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội nêu quan điểm.

PV:- Trong công văn mới đây gửi Chính phủ, Bộ KHĐT cho rằng Bộ Tài chính dự toán thu chi ngân sách năm 2015 chưa chính xác dẫn tới dự toán chi cho ĐTPT thấp (chiếm 16%).Theo đó, Bộ này kiến nghị Bộ Tài chính cân đối lại các khoản thu chi ngân sách; đảm bảo vốn cho ĐTPT là 20,8%. Ông có bình luận gì trước kiến nghị này của Bộ KHĐT?

Ông Đinh Văn Nhã: – Việc vênh nhau về số liệu giữa hai bộ năm nào cũng xảy ra. Giữa một bên là tay hòm chìa khóa, làm nhiệm vụ thu – chi cân đối nguồn ngân sách cho quốc gia với một bên thực hiện nhiệm vụ xây dựng kế hoạch, đầu tư và phát triển thì việc vênh nhau này là dễ hiểu.
Bộ KHĐT thì căn cứ vào số liệu đề xuất của các ban ngành, địa phương, điều này cũng không sai. Tuy nhiên, con số đó đã được thẩm định chưa, tôi tin nó chưa được thẩm định một cách chắc chắn để khẳng định nhu cầu đó có đúng hay không.
Chi nhiều nhưng đầu tư không hiệu quả
Chi nhiều nhưng đầu tư không hiệu quả
Tuy nhiên, tôi phải nhấn mạnh, Bộ KHĐT cũng phải tăng cường những giải pháp, hình thức huy động đầu tư của toàn xã hội, chứ không thể phụ thuộc mãi vào đầu tư của ngân sách. Ngân sách chỉ đầu tư một phần trong khả năng cân đối được nguồn thu – chi NSNN.
Nhưng, lâu nay  tỉ lệ thu hút đầu tư thấp, tăng trưởng chủ yếu phụ thuộc vào đầu tư của nhà nước dẫn tới chi ngân sách cao. Chi ngân sách cao sẽ tạo ra một áp lực là thu – chi ngân sách không thể cân đối được.
Trong bối cảnh đó để đảm bảo chi buộc Chính phủ phải nâng bội chi, tức là vay dân, vay xã hội, vay nước ngoài… dẫn tới nợ ngân sách, nợ công cao lên. Trong khi nợ công hiện nay của Việt Nam đang không còn ở mức thấp, Việt Nam đang đứng trước áp lực trả nợ hàng năm rất lớn, thậm chí hiện nay chúng ta đang lâm cảnh đi vay để trả nợ, điều này đi ngược với Luật đầu tư ngân sách. Tức là người  ta đi vay về để đầu tư thì chúng ta đang đi vay về để trả nợ.
Về phía Bộ Tài chính là người nắm chìa khóa nguồn tài chính quốc gia, là đơn vị được giao nhiệm vụ cân đối liên ngành giữa chi thường xuyên và chi phát triển, họ phải tuân thủ nguyên tắc có thu mới có chi. Thu không tăng mà chi theo kế hoạch là điều rất nguy hiểm.
Trong bối cảnh thu ngân sách giảm (tháng 8/2014 giảm 32%), quy mô chi tiêu ngân sách lại tăng nhanh, tổng chi ngân sách nhà nước năm 2013 tăng khoảng 9 lần so với năm 2000, việc bộ Tài chính đưa ra con số dự tính thu chi thấp hơn là phải căn cứ vào ý kiến của cơ quan giao nhiệm vụ chủ trì xây dựng dự toán và tính toán để cân đối nguồn lực.
Cân đối nguồn lực phải căn cứ vào khả năng thu của ngân sách; tình hình phát triển kinh tế; tình hình chi cho quốc phòng, an ninh; chi trả nợ. Trong điều kiện nợ công cao, chi an sinh lớn, chi củng cố quốc phòng nhiều… và nhiều vấn đề khiến nhu cầu chi đòi hỏi cao hơn, việc cân đối nguồn chi cho đầu tư phát triển buộc Bộ Tài chính phải có tính toán, cân nhắc.
Nhất là gần đây chúng ta đang thực hiện chính sách miễn giảm thuế cho một số khu vực kinh tế, nghĩa là nguồn thu từ thuế so với mặt bằng chính sách hiện nay đang giảm nên khả năng thu là rất khó, mặc dù có tăng trưởng. Do đó, cân đối chi ngân sách không phải năm nào cao hơn năm nào mà phải là đầu tư cho lĩnh vực nào trong cơ cấu nguồn chi để tìm thấy hiệu quả.
Tôi cho rằng, trong bối cảnh kinh tế hiện nay, lẽ ra phải tăng chi cho những lĩnh vực sản xuất để tạo ra nhiều của cải vật chất như vậy mới tạo nguồn thu trong thời điểm ngắn hạn thì chúng ta lại đang đòi hỏi đầu tư quá nhiều vào cơ sở, hạ tầng.
Chi cho đầu tư quá nhiều nhưng ngay lập tức lại không tạo ra được của cải vật chất để cân đối nguồn thu. Đó là lý do vì sao, chi đầu tư tăng mà thu ngân sách vẫn giảm. Do đó, trong việc cân đối thu – chi ngân sách phải cần tới bài toán có lời giải rất khoa học và hợp lý. Không hề đơn giản chút nào.
PV:- Bộ KHĐT yêu cầu mức chi ĐTPT phải đảm bảo nguyên tắc số chi ĐTPT cao hơn bội chi NSNN nếu không sẽ ảnh hưởng đến tổng vốn đầu tư toàn xã hội và tạo áp lực trong việc đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế. Trong trường hợp này, Bộ Tài chính phải tính toán, cân đối nguồn thu chi ngân sách như thế nào, có những điều chỉnh gì để đạt được mục tiêu tăng trưởng mà vẫn tiết kiệm đầu tư phát triển, thưa ông?
Ông Đinh Văn Nhã: – Rất khó có được một chính sách hoàn hảo, vì vậy phải cân đối nguồn chi giữa đầu tư cho con người với đầu tư phát triển. Hiện nay, các cơ quan hành chính sự nghiệp tồn tại đều theo quy định của pháp luật, thực hiện nhiệm vụ theo quy định của pháp luật. Trong một vài năm gần đây việc cân đối chi thường xuyên cũng đều là năm sau thấp hơn năm trước.
Nhưng, áp lực với chi thường xuyên hiện là rất lớn trong khi đó lĩnh vực này không thể xã hội hóa được vì đó là nhiệm vụ của nhà nước.
Theo tôi, chi cho đầu tư phát triển cần phải đẩy mạnh xã hội hóa mạnh hơn nữa, đầu tư hiệu quả hơn nữa bằng nhiều hình thức phù hợp. Cái cần làm là phải tính làm sao để đầu tư cho có hiệu quả hơn. Ví dụ có 40.000 tỷ phải làm sao để tạo ra được 40.000 tỷ nữa.
Bên cạnh đó, công tác quản lý phân phối thu nhập các khu vực doanh nghiệp phải có hướng dẫn, định hướng tốt hơn, phải gắn với năng suất, hiệu quả mới có vốn tích lũy để doanh nghiệp quay lại mở rộng đầu tư, sản xuất.
Trong trường hợp này, Bộ Tài chính không thể muốn chi bao nhiêu là chi, nhất là trong giai đoạn mấy năm nay Chính phủ đang kêu gọi thực hiện chính sách “thắt lưng buộc bụng”. Với định mức chi đã rất thấp mà vẫn phải thực hiện kế hoạch tiết kiệm chi tiêu tới 20%/năm để thực hiện được các nhiệm vụ tối thiểu nhất.
Do đó, Bộ Tài chính phải có tính toán, cân đối thu – chi hợp lý. Tiền thu về ngân sách chỉ có như vậy làm sao có thể chi hơn được.
PV:- Tình trạng, vay nợ về để đáo nợ sẽ khiến vấn đề nợ công ngày càng nặng nề và khó giải quyết. Các chuyên gia đã chỉ ra, các DNNN đã nhận được nhiều sự ưu đãi nhưng hiệu quả đạt được không đáng kể, lại có nhiều rủi ro nhất.
Theo Báo cáo của Chính phủ tại kỳ họp Quốc hội về tình hình tài chính và sản xuất kinh doanh của các DNNN năm 2011, hiện có 48 TĐ, TCT có tỷ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu lớn hơn 3 lần (41 công ty mẹ, tỷ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu lớn hơn 3 lần). Báo cáo hợp nhất của các TĐ, TCT có tổng số nợ phải thu năm 2012 là 275.975 tỷ đồng.
Nghĩa là đầu tư công còn tràn lan lãng phí, đầu tư nhưng không tạo ra giá trị gia tăng (dư nợ nước ngoài do Chính phủ bảo lãnh cho khu vực DNNN vào năm 2010 khoảng 4,6 tỷ USD, tương đương với 14,3% tổng dư nợ nước ngoài của Việt Nam).… Với tình trạng đó, nếu không cân đối được nguồn thu chi NSNN thì nợ công của Việt Nam sẽ thế nào, thưa ông? Hệ lụy nhìn thấy được là gì thưa ông?
Ông Đinh Văn Nhã: – Người ta đang nói tới là cái đầu tư cũ và cái nợ đi vay của DNNN, đó là lỗi của cơ chế.
Vấn đề ở đây là hiện nay một số lượng rất nhiều DNNN đang CPH, trong đó phần lớn nhà nước vẫn nắm giữ cổ phần chi phối. Thế nhưng nhiều doanh nghiệp khi chia lợi nhuận cổ tức rất cao gấp 2-3 lần lãi suất, song không có tích lũy, đầu tư vào sản xuất.
Tôi vừa thực hiện chuyến kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất của nhiều DN cao su đã được cổ phần hóa, trong đó nhà nước vẫn nắm giữ cổ phần chi phối. Những đơn vị này niêm yết trên thị trường chứng khoán hàng năm trả tới 30-35% lợi nhuận, nhưng không đầu tư lại vào công nghệ, thiết bị sản xuất, không hướng tới mục tiêu làm đa dạng mặt hàng. Trong khi đó, khó khăn lại yêu cầu nhà nước phải hỗ trợ đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị. Đó là điều bất hợp lý mà nhà nước phải có định hướng.
Như vậy, trách nhiệm của nhà nước phải định hướng việc chia cổ tức, phải được tích lũy và sử dụng vào tái đầu tư, sản xuất để giúp họ làm ăn có hiệu quả cao hơn.
Về tình trạng chi cho đầu tư các công trình xã hội, điện đường, trường trạm… đây là khoản chi hàng năm rất lớn. Tuy nhiên, tình trạng thất thoát, lãng phí của tiền của dân cũng cũng đã được nói đến rất nhiều, nhưng nó lại không tạo ra ngay được sản phẩm hàng hóa để cân đối nguồn lực. Tức là đã có sự mất cân đối trong thu chi.
 Thu một đồng mà tiêu hết một đồng, không đặt vấn đề tiết kiệm nhưng đầu tư lại không tạo ra của cải sẽ dẫn tới tình trạng dư nợ cao nhưng không cân đối được thu chi. Điều này rất nguy hiểm, nhất là trong bối cảnh hiện nay nợ công của Việt Nam đã ở gần mức báo động đỏ.
PV:- Xin cảm ơn ông!
Vũ Lan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét