Thứ Sáu, 26 tháng 9, 2014

Người thân của cố TBT Lê Duẩn: Dựa hơi?

Basam

GS Nguyễn Văn Tuấn
25-09-2014

Thử đọc vài cái tít mới đây trên báo chí từ lề đảng đến lề dân: “Con trai cố TBT Lê Duẩn: Tôi mong dân tộc này sẽ chọn được con đường sáng suốt nhất để bước đi“, “Người vợ Miền Nam của cố Tổng bí thư Lê Duẩn”, và mới đây nhất là “Thư kiến nghị vợ hai của cố tổng bí thư Lê Duẩn” rất nổi tiếng.
Thấy gì qua những cái tít đó? Tất cả những cái tít đó đều gắn liền với một nhân vật nổi tiếng quyền uy một thời (Lê Duẩn). Nhưng người nổi tiếng không phải là đối tượng chủ động của bản tin, mà là vợ ông ta hay con trai ông ta. Hiện tượng này người dân gọi là “dựa hơi”. Có thể đương sự không dựa hơi, nhưng rất có thể là báo chí muốn đặt cái tít như thế để thu hút độc giả.


Tôi phải tự hỏi tại sao lại dựa hơi như thế. Nếu là ý kiến hay thì dù người phát biểu là ai vẫn có thể có người quan tâm và chú ý; nếu ý kiến dở cho dù từ người nổi tiếng thì người ta sẽ bỏ qua. Dựa hơi, do đó, có thể phản ảnh một phần sự thiếu tự tin. Vì thiếu tự tin nên phải dựa vào một nhân vật nổi tiếng để làm tăng trọng lượng phát biểu của mình.
Trong trường hợp liên quan đến ông LD, tôi vẫn chưa hết thắc mắc tại sao người ta lại dùng “Vợ hai của cố tổng bí thư Lê Duẩn” trong cái tít? Trong văn hoá VN, “vợ hai” thường bị người đời dèm pha, chứ chẳng có gì đáng tự hào để khoe ra. Ấy vậy mà người ta dùng cái tít đó trong tựa đề bài viết!
Báo chí VN còn có một loại dựa hơi khác: dựa hơi bằng cấp và danh xưng. Mở tờ báo ra, bậc tivi hay đài phát thanh, chúng ta hay bắt gặp những nhân vật với những danh xưng như TS (tiến sĩ), GS (giáo sư), PGS (Phó giáo sư) trước tên họ. Có người không có những danh xưng đó thì được cho chữ CN (cử nhân) trước tên họ. Khi tôi hỏi các bạn trong giới báo chí tại sao cần mấy thứ danh xưng đó, họ nói để như thế mới dễ bán báo và làm tăng trọng lượng bài viết. Tôi không đồng ý với quan điểm đó, bởi vì trọng lượng bài viết phụ thuộc vào thông tin trong bài chứ không phải bằng cấp và danh xưng của tác giả. Chúng ta chẳng thấy những ý kiến “trời ơi” từ những GS/TS mà dân gian vẫn hay gọi là “tiến sĩ giấy” là gì. Một khi dùng đến danh xưng trước tên của họ tức là họ đã thể hiện (a) sự thiếu tự tin, hay (b) sự hám danh, hay cả hai.
Nhưng có khi dựa hơi là do yếu tố tâm lí. Nếu cái tít cuốn “Đèn cù” của tác giả Trần Đĩnh khô khốc, thì chắc khó thu hút người đọc, vì ít người nghe đến tên của tác giả trên văn đàn. Nhưng khi phần phụ đề “Tự truyện của người từng viết tiểu sử Hồ Chí Minh” thì lập tức có hàng triệu người, kể cả tôi, tìm đọc. Cái phụ đề đó lợi hại vì người đọc nghĩ ngay đến những câu chuyện thâm cung bí sử trong cuốn sách. Mà, quả thật, tác giả không phụ lòng người khi chứng tỏ khả năng kể chuyện làm hấp dẫn biết bao nhiêu độc giả.
Dựa hơi suy cho cùng là một phương tiện PR. Ca sĩ mới phải dựa hơi ca sĩ thành danh để lăng xê tác phẩm của mình. Tương tự, người chưa nổi tiếng cần dựa hơi người nổi tiếng để có thể gây sự chú ý của công chúng. Sách mới ra lò phải dựa hơi một điểm nhấn nào đó để hấp dẫn người đọc. Tôi thấy trong văn nghệ, người ta có lí do chính đáng để dựa hơi, mà thực chất là tương trợ lẫn nhau. Nhưng trong quan điểm về chính trị – xã hội, tôi không thấy lí do chính đáng để dựa hơi vào các nhân vật quá cố và nổi tiếng. Con dựa hơi sự nổi danh của cha, hay vợ dựa hơi tên tuổi của chồng không thể nào làm tăng sự hợp lí của quan điểm, mà còn gây phản tác dụng vì người ta sẽ nhìn vào và nhún vai nói: yếu đuối.
Nguồn: FB Nguyen Tuan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét