Thứ Sáu, 26 tháng 9, 2014

Công khai tài sản quan chức cho toàn dân là vi hiến?


Ý kiến ý cò về dzụ này tí :
Dân biết-Dân bàn -Dân làm – Dân kiểm tra – Là như thế đấy.
Nhớ lúc được cán bộ cọng sản dạy về GIAI CẤP và BÓC LỘT  :“Trong khi nhân dân ta còn khó khăn thiếu thốn mà anh giàu có là anh bóc lột mà có”
- Thưa anh “ nếu của cải do nội, ngoại tôi để lại thì sao” – “Vậy là nội ngoại anh bóc lột mà có, không quanh co gì cả” – Đấy, thì nói kiểu “vi hiến” thì có phản lại LẬP TRƯỜNG- TƯ TƯỞNG GIAI CẤP ( VÔ SẢN CỦA CỌNG SẢN) hay không??? (Lúc đó còn bảo là tư tưởng phản động luôn)- Có nên giải nghĩa lại chữ  VÔ SẢN  hay không ,cùng hành vi “chuyên chính vô sản“.
http://plo.vn/chinh-tri/cong-khai-tai-san-quan-chuc-cho-toan-dan-la-vi-hien-498459.html
(PL)- Ngay cả khi người kê khai khi giải trình bảo rằng tài sản đó có do “em cho, bố mẹ cho”, cơ quan chức năng thấy không hợp lý có quyền tiến hành xác minh ngay.
Ngày 25-9, tại hội nghị tập huấn pháp luật về phòng, chống tham nhũng năm 2014 trên địa bàn TP.HCM, liên quan đến vấn đề có nên công khai bản kê khai tài sản cho toàn dân biết hay không, ông Phí Ngọc Tuyển, Phó cục trưởng Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ), cho rằng: “Nếu đem công khai cho toàn dân biết thì không lường trước được, hậu quả không nhỏ, như thế sẽ vi hiến chắc chắn. Chúng ta chưa được phép công khai rộng rãi”. Hội nghị này do Hội đồng Phổ biến giáo dục pháp luật TP.HCM phối hợp với Thanh tra TP tổ chức.
Không thể công khai cho khắp bàn dân thiên hạ


Theo ông Tuyển, bản kê khai tài sản hiện nay được công khai với toàn thể cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người đó thường xuyên làm việc. Bản kê khai của người ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND ngoài việc công khai tại nơi thường xuyên làm việc còn phải công khai tại hội nghị cử tri. Tuy nhiên, với chuyện công khai cho toàn dân biết, ông Tuyển cho rằng chúng ta không thể công khai bản kê khai tài sản cho khắp bàn dân thiên hạ biết được.

Có nghi ngờ tham nhũng là có quyền xác minh tài sản của cán bộ. Ảnh minh họa: HTD
Trao đổi với báo chí bên lề hội nghị, ông Phí Ngọc Tuyển phân tích Hiến pháp luôn bảo vệ quyền tài sản của công dân, cán bộ, công chức cũng là công dân, nếu đem công khai bản kê khai của họ thì vi phạm Hiến pháp. Ông Tuyển cũng cho biết các nước cũng có công khai bản kê khai tài sản cho toàn dân nhưng người ta chỉ công khai tờ phụ mà thôi. Còn nếu công khai toàn bộ bản kê khai, trong đó có thông tin chi tiết về tài sản thì không thể. “Như Indonesia, người ta công khai trên mạng nhưng không phải ai cũng xem được, anh muốn xem bản kê khai thì phải được cấp tài khoản, đồng thời trải qua cuộc phỏng vấn vì sao anh cần bản kê khai đó chứ không phải lên mạng là thấy đâu” – ông Tuyển thông tin.
Về vấn đề giải trình nguồn gốc tài sản, bấy lâu nay khi “bỗng dưng” bị lộ ra khối tài sản khủng, các quan chức, cán bộ hay biện minh tài sản đó không phải sở hữu của họ, là sở hữu của vợ con, người thân… rất khó xử lý. Trước tình hình này, ông Tuyển cho hay nếu tài sản đó hình thành trước 1-2-2013 (thời điểm Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Phòng, chống tham nhũng có hiệu lực) thì không ai có quyền hỏi nguồn gốc số tài sản đó ở đâu mà có. Tuy nhiên, sau ngày đó nếu có số tài sản tăng thêm sẽ bị truy tới cùng.
“Đối với các dinh thự của cán bộ mà báo chí phản ánh, cơ quan nào quản lý cán bộ ấy sẽ yêu cầu cán bộ đó trả lời về nguồn gốc dinh thự ở đâu mà có” – ông Tuyển nói.
Có nghi ngờ tham nhũng là có quyền xác minh
Tại hội nghị, ông Phí Ngọc Tuyển đặt vấn đề làm sao để biết được người kê khai tài sản có trung thực hay không. Tính trung thực cũng là một yêu cầu quan trọng mà người kê khai tài sản phải thực hiện. “Năm ngoái ở tỉnh Hậu Giang, chúng tôi có xác minh một trường hợp, người này còn khai cả chuyện đám cưới của con, bởi vì không thể giấu được đâu. Trong xã hội này có khoảng 10% có khả năng “làm số” (kiểm toán, kế toán) chứ nhiều đồng chí cứ ảo tưởng là sẽ lấp lửng được. Có người còn nói là tôi có cái ô tô, trước khi kê khai tôi bán đi, kê khai xong tôi mua lại, thế là tôi không phải ghi vào bản kê khai. Anh không trốn được đâu, anh bán ô tô thì anh còn có số tiền đó, chạy đi đâu được” – ông Tuyển nói.
Trên tinh thần đó, ông yêu cầu phải kê khai cụ thể, không thể chung chung. “Nếu nói anh có miếng đất tại quận Gò Vấp thì ai mà đi xác minh được, anh phải ghi rõ ràng, không có tọa độ thì phải có địa chỉ cụ thể ở số mấy, đường gì để cơ quan chức năng xác minh tài sản đó. Hay có đồng chí kê khai có cả cửa hàng để kinh doanh, buôn bán thì ít nhất cũng phải kê ra là anh đã bỏ bao nhiêu tiền để kinh doanh, giấy tờ nào có thể xác minh được. Như thế cơ quan chức năng có thể “soi” được tài sản đó” – ông Tuyển lý giải.
Cũng theo ông Tuyển, trước đây khi người có thẩm quyền yêu cầu hoặc khi cán bộ bị tố cáo có hành vi tham nhũng thì mới xác minh tài sản nhưng nay chỉ cần có kê khai, giải trình là đã có thể yêu cầu xác minh. Ngay cả khi người kê khai giải trình bảo rằng tài sản đó có do “em cho, bố mẹ cho”, cơ quan chức năng thấy không hợp lý cũng sẽ có quyền tiến hành xác minh ngay. “Chỉ cần có nghi ngờ tham nhũng là có quyền xác minh” – ông Tuyển nhấn mạnh.
TÁ LÂM
TP.HCM kiên quyết xử lý người có hành vi tham nhũngPhát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Tất Thành Cang khẳng định nếu chúng ta không làm tốt công tác phòng, chống tham nhũng sẽ ảnh hưởng xấu đến tình hình phát triển kinh tế-xã hội, an ninh, quốc phòng… và làm xói mòn niềm tin của người dân. Vì vậy, ông Cang đề nghị lãnh đạo của 24 quận, huyện phải làm tốt việc kê khai tài sản trong nội bộ cơ quan mình, tránh hình thức. Nếu phát hiện người có hành vi tham nhũng, TP sẽ xử lý kiên quyết, bất kể người đó là ai.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét