Thứ Tư, 10 tháng 9, 2014

Góc nhìn sinh viên về phân hóa giàu nghèo ở Việt Nam hiện nay

Danluan

Phóng viên Dân Luận thực hiện
Dân Luận – Phân hóa giàu nghèo (PHGN) là một hiện tượng xã hội phản ánh quá trình phân chia xã hội thành các nhóm xã hội có điều kiện kinh tế và chất lượng sống khác biệt nhau; là sự phân tầng xã hội chủ yếu về mặt kinh tế, thể hiện sự chênh lệch giữa các nhóm này về tài sản, thu nhập, mức sống. Và tại Việt Nam trong những năm gần đây, sự PHGN đang tăng nhanh và thể hiện rõ rệt trong đời sống của người dân mà bất kỳ ai cũng có thể cảm thấy được.
phanhoa.jpg 

Phóng viên Dân Luận có dịp ngồi trao đổi trò chuyện cùng một số bạn sinh viên của trường Đại Học Kiến trúc tại TP. HCM. Và sự PHGN trong xã hội Việt Nam hiện tại được các bạn cảm nhận chia sẻ qua góc nhìn riêng của mình – một góc nhìn của thế hệ sinh viên trẻ.
Người bạn trẻ mà chúng tôi muốn thực hiện cuộc nói chuyện là Nguyễn Đoàn Thành, Sinh viên năm 3 của trường ĐH Kiến Trúc TP.HCM.


PV Dân Luận: Chào bạn, dưới góc nhìn của một sinh viên, một thế hệ trẻ. Bạn có thể cho chúng tôi biết bạn suy nghĩ như thế nào về hiện trạng phân hóa giàu nghèo trong xã hội Việt Nam hiện tại?
Nguyễn Đoàn Thành: Phân hóa giàu nghèo là chuyện rất bình thường, ở mỗi xã hội sẽ có sự phân hóa giàu nghèo khác nhau. Nhiều người nói, ở Mỹ cũng giống như Việt Nam, 1% dân số nắm giữ 90% tổng tài sản của xã hội nhưng 99% dân số còn lại chỉ nắm giữ 10% tổng số tài sản còn lại của xã hội. Nhưng, sự khác biết ở đây là 99% dân số của Mỹ sẽ nhỏ hơn Việt Nam và 10% tổng số tài sản của Mỹ sẽ lớn hơn Việt Nam. Cho nên, ở Việt Nam sự phân hóa giàu nghèo tạo nên 1 sự khác biệt rõ rệt, những người nghèo, người già, người thất nghiệp hoàn toàn không có 1 trợ cấp xã hội nào. Điển hình mà ai cũng thấy rõ là hằng ngày báo chí, truyền hình đăng những tin về những người nghèo không có tiền chữa bệnh cho con, hay những mảnh đời phải bán thân để đi học, trong khi đó nhiều bạn trẻ tiêu tốn vài triệu bạc chỉ trong một đêm tại những quá bar, club hay những cuộc chơi thâu đêm.
Nhưng ở một góc độ nào đó tôi cực kì căm ghét sự phân hóa xã hội này, những nhà lãnh đạo chỉ biết bòn rút tài sản của dân mà “đắp” đầy túi, mặc cho dân đang khổ sở, mặc cho con số nợ công ngày càng tăng, mặc cho mỗi người dân hằng ngày phải gánh lấy những đồng tiều thuế qua từng món hàng mà họ mua, mặc cho hàng ngàn, hàng trăm phận người “trôi nổi” theo số phận.
PV Dân Luận: Hiện tượng phân hóa giàu nghèo có rõ rệt hay không trong giới sinh viên của bạn?
Nguyễn Đoàn Thành: Trong giới sinh viên hiện tượng phân hóa giàu nghèo cũng thể hiện rất rõ rệt, có thể thấy rõ ràng nhất là ở việc chơi theo nhóm. Những sinh viên có gia cảnh khá giả sẽ chơi chung với gia cảnh khá giả, đi chơi trong bar, club, đi ăn KFC, uống café quán này quán nọ. Còn những sinh viên có gia cảnh khó khăn hơn thì thường đi chung với nhau ăn hủ tiếu gõ, uống café lề đường. Đó là chưa kể đến chuyện phân biệt đối xử giữa những sinh viên giàu và nghèo, chưa kể đến việc học tập giữa sinh viên giàu và nghèo. Thông thường những sinh viên có tiền sẽ mướn những sinh viên khó khăn hơn đi thi hộ, đi điểm danh hộ, và đôi khi là học hộ. Mà có một số trường còn thành lập ra cả một hội sinh viên chuyên đi điểm danh hộ và có tiền thù lao hẳn hoi.
PV Dân Luận: Sự phân hóa giàu nghèo trong giới sinh viên có ảnh hưởng đến tương lai của một sinh viên khi ra trường?
Nguyễn Đoàn Thành: Sự phân hóa giàu nghèo trong giới sinh viên theo em sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sau này khi sinh viên ra trường. Những sinh viên có gia cảnh khá giả có xu hướng hưởng thụ nhiều hơn, từ đó sinh ra sự chủ quan, lười nhác trong học tập mà hậu quả là một lớp sinh viên thiếu kiến thức, khập khiễn về các kĩ năng trong công việc và kĩ năng sống, có xu hướng làm “tầm gửi” sống bám vào cái nhãn mác “con ông cháu cha” hoặc chỉ đợi ra trường và lo tiền vào một công ty nào đó. Ngược lại, sinh viên có hoàn cảnh thiếu thốn sẽ phải bỏ nhiều thời gian vào các công việc bán thơi gian, công việc dạy kèm, dạy thêm, từ đó phần nào cũng không quan tâm đúng mức vào việc học của họ. Tất cả những điều đó tạo thành môt lớp thế hệ trình độ, kĩ năng về nghiệp vụ khá yếu, và khi ra trường, đi xin việc làm sẽ bị đánh giá rất nhiều. Ví dụ: Những sinh viên có tiền, có quen biết sẽ dễ xin việc hơn, những sinh viên không có tiền, không quen biết sẽ khó xin việc dù trình độ và nghiệp vụ có ở mức tốt. Tất nhiên không đề cập đến những sinh viên có điều kiện học tập và có mức độ quan tâm việc học cao, trình độ và chuyên môn của họ tốt sẽ được rất nhiều công ty săn đón. Do đó, là môt sinh viên em nghĩ sự phân hóa giàu nghèo trong sinh viên phần nào cũng ảnh hưởng rất lớn sau khi ra trường đi làm.
PV Dân Luận: Theo bạn thì sự phân hóa giàu nghèo này nhìn chung là do đâu? Và điều nào là quan trọng để giảm nghèo?
Nguyễn Đoàn Thành: Theo em nghĩ sự phân hóa giàu nghèo này có 3 lí do:
Thứ nhất, do ý thức của sinh viên và người dân về đồng tiền, giá trị đồng tiền, giá trị cuộc sống v.v… Từ đó họ có những thái độ, những cách hành xử chưa đúng.
Thứ hai, do nền giáo dục chưa thực sự hướng học sinh, sinh viên theo một hướng tích cực về nhân cách mà chỉ chăm lo cho mặc kiến thức của học sinh, sinh viên, từ đó đào tao ra một lớp người khập khiễn về kiến thức mà lại thoái hóa về đạo đức.
Thứ ba, do công tác quản lí, quan chức, chỉ lo bòn rút của dân, tham ô, hối lộ, rút ruột công trình v.v… mà chẳng chăm lo cho đời sống nhân dân, đời sống an sinh xã hội của người dân ngày càng đi xuống. Và những người giàu có dạng này không chia sẽ an sinh cho người nghèo để giảm bớt sự phân hóa mà trái lại họ càng làm kinh tế thêm suy giảm.
Cái quan trọng và cái sâu xa vẫn là ý thức con người, vẫn là phải cải thiện miếng ăn, manh áo, và ý thức người dân thì dần dần lớp người đi sau sẽ thay thế dần lớp người đi trước và Việt Nam sẽ có bước chuyển mình từ từ để thoát nghèo. Và người dân phải biết cách hợp sức cùng nhau tố cáo, tiêu diệt những quan chức tham ô, những tập đoàn trục lợi và những thành phần sâu mọt làm nghèo đất nước, làm cho người dân phải gánh nợ công. Vì những thành phần đó đã phá tiêu tan tiền thuế của người dân tích góp lại, lẽ ra tiền đó phải được trích ra để lo cho người dân nghèo, tạo công ăn việc làm cho họ có thu nhập ổn định giúp giảm thiểu phân hóa giàu nghèo trong xã hội.
PV Dân Luận: Bạn có thể kể ra những thành phần nào phá hoại tiền thuế của người dân, làm cho kinh tế suy kiệt và làm người dân phải gánh nợ công?
Nguyễn Đoàn Thành: Theo em được biết thì có những vụ tham nhũng nổi cộm như: PMU18, VINASHIN, VINALINES được nhắc đến rất nhiều trên báo chí. Và còn nhiều vụ chìm nỗi nữa em không nhắc đến trong cuộc trò chuyện này. Anh chị cứ tra google thì nó sẽ ra nhiều lắm (Cười)
PV Dân Luận: Cám ơn bạn, rất vui và cảm ơn bạn đã dành cho chúng tôi cuộc trao đổi hôm nay. Chúc bạn thật nhiều sức khỏe và có kết quả cao trong học tập.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét