Basam
Ifeng.comMỹ là “thế lực thù địch” trong bản tuyên bố chung Trung – Việt
Tiết Lý Thái – bình luận gia chuyên mục trang Phượng Hoàng võng19-10-2011
Ý cốt lõi: “Thế lực thù địch” mà hai nước Việt Nam, Trung Quốc cùng phải đối mặt, không phải chỉ các nước tuyên bố có chủ quyền ở Nam Hải (tức Biển Đông – ND) khác trong khối ASEAN, cũng không phải chỉ Nhật Bản và Ấn Độ, cả hai còn chưa đủ nặng ký, chưa thể được gọi là “thế lực thù địch” mà hai nước Việt Nam, Trung Quốc cùng phải đối mặt. Nói trắng ra, “thế lực thù địch” chính là nước Mỹ.
Trung Quốc và Việt Nam vừa ký kết bản “Hiệp định các nguyên tắc cơ bản chỉ đạo việc giải quyết các vấn đề trên biển Trung – Việt” (dưới đây gọi tắt là “Hiệp định”) vào ngày 11 tháng này (tức tháng 10) tại Bắc Kinh. Hai bên cam kết từ nay sẽ mở rộng các cuộc đàm phán về vấn đề trên biển, nhằm tìm ra các biện pháp giải quyết mà hai bên đều có thể chấp nhận được. Nếu như cả hai bên đều có thiện chí, thì đối với Trung Quốc, Hiệp định này có thể kiềm chế được xu thế Việt Nam nhanh chóng ngã sang phía Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ, sẽ giúp ích cho việc làm dịu cục diện căng thẳng, gươm đã tuốt khỏi vỏ ở khu vực Nam Hải, đồng thời cũng có ý nghĩa làm mẫu cho các nước tuyên bố có chủ quyền ở Nam Hải khác trong khối ASEAN.
Tiếp đó, Trung Quốc và Việt Nam lại ra Tuyên bố chung vào ngày 15 [tháng 10], hai bên nhấn mạnh sẽ giải quyết tranh chấp thông qua thương lượng và đàm phán thiện chí, khi sự tranh chấp trên biển còn chưa được giải quyết lần cuối, hai bên sẽ cùng nhau duy trì hòa bình ổn định ở Nam Hải, không để cho bất cứ thế lực thù địch nào phá hoại mối quan hệ giữa hai đảng, hai nước. Hai bên sẽ mở đường dây nóng giữa lãnh đạo Trung Quốc và Việt Nam. Hai bên sẽ tiếp tục tổ chức đối thoại chiến lược cấp thứ trưởng Bộ Quốc phòng, thúc đẩy việc thiết lập đường điện thoại trực tuyến giữa Bộ Quốc phòng hai nước, tăng cường huấn luyện nhân viên và các cuộc giao lưu sĩ quan trẻ, triển khai đúng lúc, kịp thời thí điểm tuần tra liên hợp biên giới đất liền, tiếp tục tổ chức tuần tra liên hợp hải quân hai nước ở vịnh Bắc Bộ, tăng cường sự thăm hỏi lẫn nhau giữa các quân hạm hai quân đội.
Tuyên bố chung nhấn mạnh “không để cho bất cứ thế lực thù địch nào phá hoại mối quan hệ giữa hai đảng, hai nước”. Một khi hai nước đã cho rằng phải thực sự ứng phó với các hoạt động phá hoại của thế lực thù địch, thì có thể thấy sẽ không cho phép hai nước đánh giá thấp mối nguy cơ về thế lực thù địch. Thế lực thù địch được nói tới ở đây lại là những lời bóng gió, rốt cuộc không nói rõ thế lực thù địch là gì, nên không khỏi khiến cho người ta cảm thấy bối rối, khó hiểu.
Hai nước đã nhằm vào cục diện Nam Hải để ra bản Tuyên bố chung này, nên thế lực thù địch được nhắc tới trong nội dung, theo logic thông thường, dĩ nhiên là chỉ các nước tuyên bố có chủ quyền ở Nam Hải khác, ngoài Việt Nam trong Khối ASEAN cùng các cường quốc như Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ… có mưu đồ dính líu vào tranh chấp chủ quyền ở Nam Hải. Phân tích một chút sẽ thấy rất nhiều điều kỳ quặc.
Trong các cuộc Hội nghị thượng đỉnh khối ASEAN vào những năm gần đây, Việt Nam chính là kẻ khởi xướng kích động các nước tuyên bố có chủ quyền ở Nam Hải, gây khó dễ với Trung Quốc. Còn các nước Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ … vốn do Việt Nam lôi kéo dính líu vào cuộc tranh chấp chủ quyền ở Nam Hải, thì đã kiếm cớ để tạo áp lực với Trung Quốc. Ngày 12 tháng 6, Bộ Ngoại giao Việt Nam tuyên bố hoan nghênh sự “hiệp trợ giải quyết” tranh chấp chủ quyền ở Nam Hải của cộng đồng quốc tế trong đó có Mỹ, mũi nhọn được trực chỉ vào Trung Quốc.
Hai nước Nhật Bản và Ấn Độ cũng là “lực lượng vay mượn” do Việt Nam mời tới để ứng phó với Trung Quốc ở Nam Hải. Trước ngày công bố bản Tuyên bố chung Trung – Việt, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nhật Bản tuyên bố, trong thời gian Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh viếng thăm Nhật Bản từ ngày 23 đến ngày 28 [tháng 10], hai bên sẽ thảo luận việc cần hợp tác ra sao để ứng phó với “sự mở rộng biển Nam Trung Hoa (tức Biển Đông – ND) của Trung Quốc”. Ngoài ra, trong chuyến thăm Ấn Độ mới đây của Chủ tịch nước Việt Nam, Trương Tấn Sang, hai bên đã ký kết hiệp định lâu dài về việc hợp tác thăm dò dầu khí ở Nam Hải, rõ ràng là đã tạo ra sự thách thức về lợi ích đối với đất nước Trung Quốc. Cùng với Nhật Bản, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam Nguyễn Chí Vịnh đã gặp mặt các quan chức quốc phòng cao cấp của Ấn Độ. Ấn Độ cam kết từ nay sẽ tích cực tham gia vào các diễn đàn an ninh khu vực như Diễn đàn Khu vực ASEAN và Hội nghị các Bộ trưởng mở rộng Khối ASEAN…, đồng thời tiếp tục ủng hộ và giúp đỡ Việt Nam về các phương diện huấn luyện, đào tạo nguồn nhân lực quốc phòng và trao đổi thông tin. Mấy năm gần đây, mối quan hệ Việt Nam, Ấn Độ đã xuất hiện xu thế “ngày càng xích lại gần nhau”.
Khỏi cần nói cũng hiểu, chuyện ăn ý giữa các nước Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ với Việt Nam là xuất phát từ nhu cầu chế ngự Trung Quốc về mặt chiến lược của nước mình, thế nhưng rốt cuộc, Việt Nam lại trực tiếp tạo tác dụng “vời quỷ về nhà”. Theo đó, các nước tuyên bố có chủ quyền ở Nam Hải khác cùng Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ đều không thể trở thành “thế lực thù địch” của Việt Nam ở khu vực Nam Hải. Vậy thì, “thế lực thù địch” được nói tới trong bản Tuyên bố chung Trung – Việt lại chỉ thần thánh ở phương trời nào vậy? Tầng duyên do này quả là giàu dư vị.
Theo phân tích của người viết, “thế lực thù địch” muốn nói tới ở đây mà cả hai nước Việt Nam, Trung Quốc cùng phải đối mặt vừa không phải là chỉ các nước tuyên bố có chủ quyền ở Nam Hải khác trong Khối ASEAN, cũng không phải là chỉ Nhật Bản và Ấn Độ, vì cả hai còn chưa đủ nặng ký, chưa thể gọi được là “thế lực thù địch” mà hai nước Việt Nam, Trung Quốc cùng phải đối mặt. Nói trắng ra, “thế lực thù địch” chính là nước Mỹ.
Đối với Trung Quốc, bài nói chuyện về chủ quyền Nam Sa (tức Trường Sa – ND), Tây Sa (tức Hoàng Sa – ND) tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton vào tháng 7 năm ngoái đã cho thấy sự lớn giọng can thiệp vào tranh chấp ở Nam Hải của Mỹ. Bắc Kinh cho rằng, hành động tiếp bước của Mỹ là vật cản lớn nhất trong việc giải quyết vấn đề Nam Hải của Trung Quốc.
Có thể độc giả sẽ hỏi: Mỹ vừa thả cho Việt nam cái neo ở giai đoạn trước, thì làm sao Hà Nội lại sẽ coi Mỹ là “thế lực thù địch” được? Cần phải biết rằng, năm 1975 sau khi Việt Nam thống nhất, mâu thuẫn dân tộc, tôn giáo trong nước vô cùng nổi rõ, đôi khi đọc thấy cả ở trên mặt báo. Mấy năm nay, Việt Nam mở rộng cải cách hợp tác với bên ngoài, bộ mặt sinh hoạt chính trị, xã hội có những biến đổi lớn, giữa chính phủ và người dân đã nảy sinh tranh cãi về vấn đề đất nước tới đây sẽ đi theo hướng nào. Con số Việt kiều sống ở Mỹ ngày càng tăng lên, phần lớn là tháo chạy tới Mỹ sau khi Việt cộng chiếm miền Nam. Gần đây, Việt kiều ở Mỹ đua nhau về nước làm ăn, thăm người nhà và tìm vợ, kiếm chồng, đã có ảnh hưởng ngày càng lớn đến dân chúng Việt Nam. Nói một cách cụ thể, quả thực Việt Nam ở trong nước có tồn tại hai phái, nói một cách giản lược là hai phái lớn “thân Mỹ” và “chống Mỹ”, mà cũng có thể là không hẳn.
Mỹ tạo ra nỗi đau lớn trong cuộc chiến Việt Nam, cho đến tận giờ vẫn còn tồn tại hố ngăn cách về mặt tình cảm với Việt Nam. Toàn bộ số vũ khí tinh nhuệ tối tân của Việt Nam là tới từ Nga, Mỹ chưa có gì chứng tỏ là đã trang bị vũ khí, giữa Washington và Việt Nam vẫn chỉ là những biểu hiện cụ thể của sự khiên cưỡng. Huống hồ Việt Nam lại là nước CHXHCN Việt Nam một Đảng cầm quyền, chẳng ăn nhập gì với nền dân chủ, tự do mà thế giới phương Tây ra sức tuyên truyền. Việt Nam cũng là mục tiêu của “cách mạng màu”, Hà Nội đã có tính đến chuyện này.
Còn chuyện trong bản Tuyên bố chung Trung – Việt không chỉ rõ ai là “thế lực thù địch” chung của hai nước, thì đó vừa là thể hiện tính linh hoạt của hai bên, lại vừa có thể tránh được áp lực trực diện từ Mỹ. Đó có thể hiểu là khoảng chừa của hai nước, khi cần thiết mỗi nước sẽ có cách bày tỏ của riêng mình.
Quốc Trung dịch từ Phượng Hoàng võng
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2011
Bản tiếng Việt © Quốc Trung
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét