Basam
Foreign AffairTác giả: David Brown
Người dịch: Huỳnh Phan
09-09-2014
Chiến lược quốc tế của Việt Nam đang chuyển dịch một cách kịch tính. Trong nhiều năm qua, Việt Nam hy vọng rằng họ có thể đối phó được động lực nắm quyền bá chủ khu vực của Trung Quốc bằng cách thể hiện nhượng bộ Bắc Kinh đúng mức. Vì mục đích đó, các quan chức tại Hà Nội đã cố gắng nuôi dưỡng nhiều mối quan hệ với các đối tác Trung Quốc, đồng thời theo đuổi quan hệ hữu nghị với tất cả các nước, đặc biệt là các nước láng giềng ASEAN, nhưng không liên minh với nước nào cả.
Tuy nhiên, chiến lược đó đã đảo ngược trong những tháng gần đây. Đầu tháng Năm, Trung Quốc đã triển khai một giàn khoan dầu trị giá 1 tỷ USD cùng với hơn 100 tàu tới địa điểm chỉ cách bờ biển miền Trung Việt Nam 130 hải lý, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam (EEZ). Hà Nội phản ứng với 30 lần tiếp xúc ngoại giao với Bắc Kinh nhưng đều bị Trung Quốc bác bỏ, thậm chí từ chối tiếp Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng. Khi Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì đến Hà Nội vào ngày 18, không phải là để ngỏ lời xin lỗi, mà là để trách mắng Việt Nam vì các hành vi của mình – tức là, vì có các phản kháng đối với giàn khoan dầu và vì các cuộc biểu tình chống Trung Quốc vượt ngoài tầm kiểm soát. Các phương tiện truyền thông Trung Quốc miêu tả ông Dương mang đến Việt Nam một cơ hội “tự kiềm chế bản thân trước khi quá muộn”.
Việc TQ triển khai giàn khoan nước sâu không phải là một bất ngờ. Ít nhất là từ năm 2009, Bắc Kinh đã nhắm tới việc đạt được quyền bá chủ ở biển Đông trên thực tế, và khu vực dầu khí ngoài khơi của Việt Nam đã trở thành một mục tiêu chính. Bắc Kinh đã đe doạ hai công ty đa quốc gia khai thác dầu BP và ConocoPhillips, đều có đầu tư lớn vào Trung Quốc, từ bỏ những khu chuyển nhượng khai thác trong vùng biển Việt Nam vào năm 2009 và 2012. Trong năm 2011, các tàu Trung Quốc quấy rối hai tàu khảo sát thuộc công ty dầu khí PetroVietnam. Trong năm 2012, Tập đoàn Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC) mời các công ty nước ngoài đấu thầu quyền thăm dò 9 lô dầu khí nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt nam.
Vào cuối tháng 7, cả Việt Nam tràn ngập các tin đồn rằng Bộ Chính trị đã bỏ phiếu 9-5 ủng hộ “việc đứng lên chống lại Trung Quốc.” Cũng có tin nói rằng một phiên họp bất thường của Ban Chấp hành Trung ương Đảng sẽ tiến hành xem xét và xác nhận chủ trương mới của Bộ Chính trị. Những tin đồn có thể chỉ đơn thuần là phản ánh sự mơ tưởng của công chúng mong muốn chống lại Trung Quốc. Bắc Kinh và Hà Nội trên hình thức vẫn là bạn; Lê Hồng Anh, người từng đứng đầu công an và thuộc phe quyết thân Trung Quốc, đã được chào đón đúng nghi thức ở Bắc Kinh vào giữa tháng 8 và chắc chắn bị cảnh báo không được có những động thái không thân thiện. Dù vậy, có nhiều cơ may Việt Nam sẽ sớm chấp nhận tiến hai bước thay đổi trò chơi.
Thứ nhất, có khả năng Việt Nam sẽ thách thức Trung Quốc ở tòa án quốc tế, nhằm có được một phán quyết tuyên bố khẳng định “chủ quyền lịch sử” của Bắc Kinh trên gần như toàn bộ biển Đông là bất hợp pháp và chiến thuật của họ là không được phép. Hà Nội ban đầu đã từng xem xét thực hiện một động thái như vậy năm ngoái, khi Philippines mời Việt Nam cùng tham gia với họ vụ kiện Trung Quốc tại Tòa án Luật Biển của Liên Hợp Quốc. Lúc đó Hà Nội quyết định không tham gia. Nhưng vào ngày 14 tháng 5, hai tuần sau khi Bắc Kinh đặt giàn khoan ngoài khơi, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói với hãng tin điện tử rằng Chính phủ của ông đang nhắm tới hành động pháp lý. Vào cuối tháng 7, Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức một cuộc họp các chuyên gia có nổi tiếng, theo yêu cầu của Chính phủ để khuyến nghị các chiến lược pháp lý.
Thứ hai, có khả năng Việt Nam sẽ hun đúc một mối quan hệ ngoại giao và quân sự thân mật hơn với Hoa Kỳ – không phải là một liên minh chính thức mà là một quan hệ đối tác dựa trên lợi ích chung trong việc ngăn chặn bá quyền Trung Quốc ở biển Đông. Phạm Bình Minh, trong tư cách bộ trưởng ngoại giao và là một trong bốn phó thủ tướng của Việt Nam, giữ vai trò trung tâm trong vấn đề nầy. Vài ngày sau khi Trung Quốc triển khai giàn khoan dầu, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry mời ông Minh đến thăm Washington: chuyến đi sẽ diễn ra vào cuối tháng 9.
Trước chuyến đi của ông Minh, Evan Medieros, viên chức điều hành các vấn đề châu Á thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ, đã có một chuyến đi thầm lặng tới Hà Nội vào cuối tháng 7. Theo sau Medieros là thượng nghị sĩ Mỹ John McCain và Sheldon Whitehouse, và hai tuần sau đó là Tướng Martin Dempsey, Chủ tịch Bộ Tham mưu Liên quân Hoa Kỳ, có chuyến thăm bốn ngày được truyền thông Việt Nam tường thuật tận tình. Cả ông McCain lẫn Dempsey đều đưa ra nhiều gợi ý rằng Washington sẵn lòng nới lỏng lệnh cấm chuyển giao vũ khí gây sát thương cho quân đội Việt Nam. Cả hai ông đều đề cập đến sự cần thiết phải tăng cường “nhận thức về lĩnh vực hàng hải” của Việt Nam
Một số nhà quan sát cho rằng, bằng việc tự tách mình ra khỏi Bắc Kinh về mặt chính trị, Việt Nam có thể kích động một cuộc chiến tranh kinh tế với Trung Quốc mà VN không thể có đủ sức chống trả. Nhưng nỗi sợ hãi này là thổi phồng. Việt Nam xuất khẩu than, dầu, gỗ và các sản phẩm nông nghiệp sang Trung Quốc và nhập khẩu máy móc thiết bị và hàng tiêu dùng giá rẻ; phần này của mối quan hệ thương mại song phương không chỉ là tương đối cân bằng mà cả hai nước cũng có thể dễ dàng tìm thấy các thị trường khác cho những thứ đó. Nếu có vấn đề thì nó nằm ở các phụ tùng điên tử, dệt may, dây kéo, nút, và các phu liệu giày dép từ Trung Quốc được đưa đến Việt Nam để lắp ráp và tái xuất: mặc dù những món nhập khẩu này tạo ra một thâm hụt rất lớn cho Hà Nội, nhiều hơn phần bù đắp bởi doanh số bán hàng may mặc thành phẩm và các thiết bị kỹ thuật số của Việt Nam sang châu Âu, Nhật Bản, Hoa Kỳ và các nơi khác trên thế giới. Có thể mất một hoặc hai năm để thiết lập lại các chuỗi giá trị này, nếu Trung Quốc giận dữ đến mức cắt đứt chúng.
Nhưng ở đây một lần nữa, nước Mỹ dường như cấp cho một hình thức bảo vệ tiềm năng. Đó là hiệp định thương mại đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), cuộc đàm phán mà Việt Nam đã tham gia từ năm 2009. Việt Nam là nước kém phát triển nhất trong số 12 đối tác đàm phán TPP và rất có thể xuất khẩu của nước này sẽ nhảy vọt lên một phần ba nếu hiệp ước có hiệu lực. Các quy định dự kiến trong hiệp định sẽ giành đặc quyền cho hàng may mặc được làm ra hoàn toàn tại các nước thành viên TPP. Do đó, các công ty của Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan và Việt Nam đang xây dựng năng lực cho đầu vào nguồn cho hàng may mặc và giày dép làm tại Việt Nam.
Hà Nội muốn Mỹ đồng ý dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí gây sát thương, một bước mà Washington có ra điều kiện trên việc Hà Nội cải thiện cách đối xử với những người bất đồng chính kiến. Đối với cả hai chính phủ, đó là một vấn đề nguyên tắc. Có một khoảng cách lớn giữa việc Hoa Kỳ kiên quyết đòi hỏi chế độ Việt Nam phải tôn trọng các quyền chính trị cơ bản và việc các nhà lãnh đạo Cộng sản Việt Nam tin rằng nương nhẹ việc kích động cho dân chủ đặt ra một mối đe dọa hiện hữu với hệ thống của họ.
Về vấn đề các quyền tự do chính trị này , Hà Nội hoặc Washington hay cả hai phải thỏa hiệp nếu họ muốn tiến lên phía trước, nhưng cả hai nước đều không có nhiều chỗ để linh động. Nhiều thành viên Quốc hội Mỹ sẽ cảnh giác việc ôm lấy Hà Nội, ngay cả khi họ thừa nhận rằng ngăn chặn trước việc TQ thành bá quyền khu vực là mối quan tâm của cả hai nước. Về phần mình, tầm nhìn của Bộ Chính trị về trật tự chính trị đã giới hạn khả năng thỏa hiệp về quyền con người. Tuy nhiên, nếu Hà Nội không thể cam kết để mở ra không gian cho việc tham gia chính trị, hay Washington không thể có một cái nhìn dài hơn, các mối quan hệ chiến lược thảo luận từ lâu sẽ vẫn nằm ngoài tầm với.
Đó là một quyết định khó khăn đối với chính quyền Obama. Ở biển Đông, Bắc Kinh không còn “trỗi dậy một cách hòa bình” nữa – mà họ đã trở thành kẻ bắt nạt láng giềng. Việt Nam, dù nền chính trị cũng khó ưa, lại là nước duy nhất ở Đông Nam Á vừa có khả năng và, nếu khuyến khích đúng cách, vừa sẵn sàng chống lại tham vọng Trung Quốc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét