Thương lái vận chuyển hàng hóa Trung Quốc qua cửa khẩu Lào Cai hôm 9/5/2014. AFP
Báo chí Việt Nam từng một dạo sôi nổi với vấn đề thoát khỏi lệ thuộc
kinh tế Trung Quốc, đặc biệt trong cuộc khủng hoảng giàn khoan Hải Dương
981. Thế nhưng thực tế đang đi ngược lại mong muốn đó, thể hiện qua sự
kiện 8 tháng vừa qua nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc tăng gấp ba
lần xuất khẩu qua thị trường này.
Sản phẩm chiến lược phụ thuộc nguyên liệu TQ
Trong cuộc phỏng vấn vào tối 4/9/2014, từ Hà Nội chuyên gia Bùi Kiến Thành nhận định: “Báo chí nói rất nhiều nhưng thực sự có làm được gì đâu. Vấn đề
nhập siêu từ Trung Quốc, nhập rất nhiều nguyên liệu để sản xuất thí dụ
nguyên liệu về giày dép, may mặc… những cái gọi là sản phẩm chiến lược
của Việt Nam phần lớn nhập nguyên liệu từ Trung Quốc về, mình tăng xuất
khẩu chừng nào thì tăng nhập khẩu nguyên liệu chừng ấy, đó là nói về
công nghiệp.
Sản phẩm chiến lược của VN phần lớn
nhập nguyên liệu từ TQ về, mình tăng xuất khẩu chừng nào thì tăng nhập
khẩu nguyên liệu chừng ấy, đó là nói về công nghiệp.
-Ô. Bùi Kiến Thành
Ngoài ra về sản phẩm tiêu dùng, biên giới giữa Việt Nam và Trung
Quốc như là một biên giới mở, nó vào bao nhiêu qua tiểu ngạch con đường
không chính thức và từ những đường chính thức hàng hóa của Trung Quốc
vào Việt Nam có ai kiểm soát gì đâu. Nhất là những hàng hóa không chỉ rẻ
tiền mà còn độc hại nữa, lương thực, trái cây, chân gà hư thối, thịt hư
thịt thối… làm gì có chính sách chặn bớt hàng hóa từ Trung Quốc qua
Việt Nam, quan sát của tôi ở Việt Nam chưa hề có chính sách nào để giảm
thiểu vấn đề nhập siêu từ Trung Quốc vào từ nguyên liệu cũng như hàng
tiêu dùng.”
Các báo điện tử như Tuổi Trẻ, Thời báo Kinh tế Sài Gòn, Đất Việt, Dân
Trí những ngày cuối tháng 8 đầu tháng 9 có nhiều tin bài mang tính
trình bày sự kiện để dóng lên hồi chuông cảnh báo. Đất Việt và Dân Trí
có bài “Chính sách mua rẻ, bán rẻ: Nhập siêu tăng mạnh, lệ thuộc càng
nhiều” hoặc Tuổi trẻ Online với bài Nhập khẩu từ Trung Quốc chạm mốc 40
tỉ USD trọn năm 2014. Cán cân thương mại Việt-Trung mất cân bằng ngày
càng nghiêm trọng, nhập siêu trên 17 tỉ trong vòng 8 tháng, trung bình
mỗi tháng nhập siêu 2 tỷ 160 triệu USD.
Bạn đọc góp ý trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online đặt câu hỏi với
các cơ quan chức năng: hàng hóa Trung Quốc độc hại, kém chất lượng ai
cũng biết. Nhưng ai quản lý việc này, ai kiểm tra chất lượng? Trong khi
đó, xuất khẩu qua Trung Quốc thì gặp nhiều khó khăn mà còn bị Trung Quốc
ép muốn dở khóc dở cười. Ai giúp gánh bớt khó khăn cho dân.
Nhà giáo Đỗ Việt Khoa ở Hà Nội, trong tư cách một công dân, một người tiêu dùng góp ý:
Hai người Trung Quốc qua cửa khẩu Lào Cai hôm 9/5/2014. AFP PHOTO.
“Sau những vụ gây hấn của Trung Quốc và nhìn vào thực lực kinh tế
Việt Nam, tôi không kêu gọi tẩy chay hàng Trung Quốc. Bởi vì không thể
tẩy chay được, khi mà phụ thuộc nó quá nhiều mặt hàng mà Việt Nam không
sản xuất được, từ cái kim sợi chỉ cho đến đồ dùng rất thông thường như
bát đũa cũng phải dùng của Trung Quốc, máy móc đồ dùng như đinh ốc cũng
vậy rất khó tẩy chay hàng của Tàu.”
Theo nhà giáo Đỗ Việt Khoa, phải đặt vấn đề trách nhiệm của nhà nước
khi mấy chục năm thống nhất đất nước mà không phát triển sản xuất hàng
tiêu dùng có đủ sức cạnh tranh cả về chất lượng cũng như giá cả. Ông
nói: “Người công dân bình thường như chúng tôi có thể nói là bất bình
với chính quyền, trải qua mấy chục năm hòa bình phát triển đất nước
nhưng mà tiền thuế của nhân dân họ đã mải mê tham nhũng và đổ đi đâu mà
họ không phát triển được những ngành kinh tế chủ chốt cho đất nước.
Ngoài việc gia công làm thuê, phát triển nông sản thì ngành công nghiệp
của Việt Nam đến giờ là con số không. Công nghiệp chế tạo cơ bản là
không làm được gì cả. Vừa rồi có phê bình là ngay đến cái vỏ điện thoại
Samsung, con ốc vít chẳng hạn cũng không tìm được doanh nghiệp nào gia
công cho, điều ấy là thảm họa. Chúng tôi không phải là con vật chỉ cần
ăn no, chúng tôi là con người đòi hỏi đất nước phải khác, phải phát
triển nhanh hơn nữa. Chúng tôi có nhu cầu được chứng kiến đất nước vững
mạnh về mặt kinh tế, về công nghiệp và đặc biệt mong muốn xã hội dân chủ
văn minh.”
Trách nhiệm của doanh nghiệp và người tiêu dùng
Nếu như nhà nước chịu trách nhiệm về tình trạng lệ thuộc hàng hóa
Trung Quốc về mặt chính sách chiến lược, thì cộng đồng doanh nghiệp và
cả người tiêu dùng cũng góp phần ràng buộc với hàng hóa Trung Quốc.
Chuyên gia Bùi Kiến Thành cho rằng doanh nghiệp Việt Nam chạỵ theo thiết
bị máy móc và nguyên liệu giá rẻ của Trung Quốc trong khi chính sách
của nhà nước thì không rõ ràng. Theo lời ông Việt Nam đang biến thành
bãi rác của công nghệ Trung Quốc, doanh nghiệp Việt Nam và nhà nước cũng
nên ngồi lại suy nghĩ bàn tính như thế nào để bớt lệ thuộc hàng hóa của
Trung Quốc. Ông Bùi Kiến Thành tiếp lời:
Người VN dùng hàng VN nhưng chỉ nói
không thì không được. Phải làm sao trong nước có được hàng chất lương
tốt giá cả cạnh tranh được với TQ.
-Ô. Bùi Kiến Thành
“Chúng ta không bài ngoại nhưng phải suy nghĩ xem làm như thế nào
để Việt Nam có thể có những nguồn nguyên liệu khác, hay những nguồn hàng
khác. Việc này cũng chưa thấy thể hiện qua một chính sách nào quyết
liệt. Còn đối với dân chúng Việt Nam hàng Trung Quốc giá rẻ dù có độc
hại tràn lan từ thành thị tới thôn quê. Người Việt Nam dùng hàng Việt
Nam nhưng chỉ nói không thì không được. Phải làm sao trong nước có được
hàng chất lương tốt giá cả cạnh tranh được với Trung Quốc. Không tổ chức
được việc này mà chỉ tuyên truyền không. Trong khi người dân cầm một số
tiền đi ra chợ người ta đâu có nghĩ mua hàng đắt hơn vì đó là hàng Việt
Nam đâu. Nên có một phương án để làm rõ việc giao doanh nghiệp Việt Nam
có khả năng sản xuất những mặt hàng nào Việt Nam cần dùng, hiện nay
chưa làm được việc ấy.”
Báo chí Việt Nam trích các số liệu từ Bộ Công Thương cho biết, 8
tháng của năm 2014 Việt Nam xuất khẩu qua Trung Quốc hàng hóa trị giá
9,79 tỷ USD trong khi nhập khẩu ngược lại từ nước này tới 27,09 tỷ USD.
Khuynh hướng thương mại này có khả năng tiếp diễn đến hết năm 2014. Được
biết Việt Nam bán qua Trung Quốc gạo và trái cây, thủy sản, khoáng sản
thô với giá rẻ và nhập lại các sản phẩm chế biến và máy móc thiết bị,
nguyên liệu phụ liệu dệt may da giày.
TS Lê Đăng Doanh nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương
được báo Đất Việt và Dân Trí trích lời nói rằng, thực tế thương mại của
Việt Nam với Trung Quốc tiềm ẩn rủi ro. Việt Nam phụ thuộc vào thị
trường Trung Quốc, nếu Trung Quốc sử dụng vụ thế là người xuất cũng như
người nhập lớn thì kinh tế Việt Nam sẽ thiệt thòi.
Cũng trên hai tờ Đất Việt và Dân Trí GSTS Đặng Đình Đào, nguyên Viện
trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển Đại học Kinh tế Quốc dân,
đặt vấn đề về sự tỉnh táo và sự chuẩn bị để định hướng lại thị trường
xuất nhập khẩu và thương mại của Việt Nam. Điều quan trọng theo chuyên
gia này là không để hàng hóa Việt Nam bị lệ thuộc vào thị trường của Một
nước. GSTS Đặng Đình Đào nhấn mạnh rằng, quan hệ Việt Nam-Trung Quốc
trên biển Đông hiện vẫn đang căng thẳng, cách đối xử của Trung Quốc rất
ngang ngược.
Những băn khoăn của GSTS Đặng Đình Đào, TS Lê Đăng Doanh và giới trí
thức chuyên gia Việt Nam vẫn cứ là một một vấn đề chưa có lời giải đáp
rõ ràng từ người chỉ đạo toàn diện là Đảng Cộng sản Việt Nam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét