Chính phủ Hoàng gia Campuchia đã tố Việt Nam vi phạm Hiệp ước Bổ sung
năm 2005 về hoạch định biên giới giữa Campuchia và Việt Nam. Lần đầu tiên chính phủ lên tiếng
Có thể nói rằng lần đầu tiên chính phủ của Thủ tướng Hun Sen lên tiếng
phản ứng Ủy ban Biên giới Việt Nam vi phạm chủ quyền quốc gia bằng các
hoạt động sửa và làm đường dài khoảng 17km tại khu vực Đắc Đam thuộc địa
phận huyện O Raing, tỉnh Mondulkiri của Campuchia giáp huyện Tuy Đức,
tỉnh Đắk Nông, Việt Nam.
Ông Var Kimhong, Bộ trưởng cao cấp, Cơ quan quyền lực phụ trách vấn
đề biên giới, Chủ tịch Ủy ban liên hợp phân giới cắm mốc biên giới đất
liền Campuchia – Việt Nam cho RFA biết rằng chính phủ nước Cộng hòa xã
hội chủ nghĩa Việt Nam đã vi phạm thỏa thuận Hiệp ước Bổ sung năm 2005.
Theo ông, Hiệp ước Bổ sung khẳng định chính phủ hai nước sẽ tiếp tục
thảo luận, điều chỉnh đường biên giới trên sông suối biên giới ở khu vực
Bu Prăng thuộc địa phận Tuy Đức không để vấn đề này cản trở tiến trình
phân giới cắm mốc. Nhưng lúc Ủy ban biên giới hỗn hợp Campuchia – Việt
Nam chưa đạt được sự thống nhất, phía Việt Nam đã ngang nhiên làm đường
tại khu vực nói trên.
Ông Var Kimhong nói rằng phía Việt Nam làm đường tại khu vực ‘chưa có
sự thống nhất’ không được sự đồng thuận từ phía Campuchia. Ông nói
chính phủ xứ chùa Tháp coi đó là hành động xâm phạm chủ quyền và vi phạm
Hiệp ước Bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia giữa Campuchia
và Việt Nam được ký vào năm 1985.
Ông Var Kimhong cho biết thêm: “Sau khi nhận được thông tin trên,
chúng tôi đã khiếu nại hàng chục lần thông qua Bộ Ngoại giao và Đại sứ
quán Việt Nam tại Phnom Penh. Chính bản thân tôi đã từng làm việc với
người đồng cấp Việt Nam, và Thủ tướng Hun Sen cũng từng nêu vấn đề này.
Chúng ta chưa có sự thống nhất tại khu vực suối Đắc Đam – Đắc Huốt. Do
đó, Campuchia và Việt Nam phải giữ nguyên khu vực trên nhưng đến nay
Việt Nam vẫn tiếp tục làm đường.”
Tỉnh Đắk Nông, Việt Nam gồm 4 huyện là Tuy Đức, Đắk Song, Đắk Mil và
Cư Jút có đường biên giới dài khoảng 130km giáp với tỉnh Mondulkiri của
Campuchia. Hiện, hai nước đang có tranh chấp tại khu vực Đắc Đam – Đắc
Huốt (Bu Prăng) do hai quốc gia đã căn cứ vào tài liệu và bản đồ khác
nhau.
Phía Việt Nam khẳng định biên giới trên đất liền Việt Nam – Campuchia
chạy theo hướng Tây tới suối Đắc Đam thuộc địa phận huyện Tuy Đức nhưng
phía Campuchia cho rằng suối Đắc Đam thuộc địa phận huyện O Raing của
Campuchia.
Còn Campuchia lại khẳng định biên giới trên đất liền của họ kéo dài
tới suối Đắc Huốt thuộc địa phận O Raing nhưng bị Việt Nam từ chối. Vì
Việt Nam cho rằng đó là địa phận thuộc huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông.
Xung đột thầm lặng giữa Ủy ban Biên giới Campuchia – Việt Nam dường
như khó giải quyết đến nỗi Ủy ban Biên giới Campuchia tiết lộ tin này
đến báo chí địa phương và lên án mạnh mẽ Việt Nam cố tình chiếm đất ở
khu vực biên giới giáp tỉnh Đắk Nông; không tôn trọng thỏa thuận ký kết
trong Hiệp ước Bổ sung năm 2005 và thỏa thuận năm 1997. Nhân sĩ trí thức xuống đường
Cùng lúc chính phủ lên tiếng, khoảng 600 nhân sĩ trí thức, sư sãi
Khmer Krom, các tổ chức nhân quyền và Hội đồng giám sát biên giới đã
xuống đường biểu tình ngày 23/10 tại thủ đô Phnom Penh nhằm kêu gọi 19
nước tham gia ký kết Hiệp định hòa bình Campuchia (Hiệp định Paris) can
thiệp và gây sức ép lên Việt Nam.
Nhân sĩ trí thức, nhà sư Campuchia biểu tình
đòi Việt Nam tôn trọng thỏa thuận Hiệp ước bổ sung nhân kỷ niệm Hiệp ước
hòa bình Paris ngày 23/10/2014. Photo by Quoc Viet
Nhà sư Lay Lath, Tổng thư ký Hiệp hội Sư sãi Khmer Kampuchia Krom,
một trong những người dẫn đầu đoàn biểu tình chia sẻ với chúng tôi: “Chúng
tôi biểu tình nhằm kêu gọi Việt nam tôn trọng Hiệp ước Bổ sung, công
nhận các hoạt động cắm mốc biên giới Việt Nam – Campuchia. Tôn trọng
lãnh thổ giữa Việt Nam và Campuchia; không xâm phạm giữa hai nước. Việc phía Việt Nam làm đường nhựa mới đây, chúng tôi cảm thấy lo
ngại vì Việt Nam đã không tôn trọng Hiệp ước mà Việt Nam đã ký kết với
Campuchia do Thủ tướng Việt Nam đã ký kết với Thủ tướng Hun Sen. Chúng
tôi là dân Campuchia yêu cầu Việt Nam tôn trọng những Hiệp ước mà Hun
Sen và Việt Nam đã ký kết.”
Ông Trần Duy Hải, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Việt Nam từ chối trả
lời chúng tôi liên quan vụ việc này dù trước đó nhân viên của ông yêu
cầu chúng tôi gửi câu hỏi theo email.
Trong khi đó, ông Nguyễn Bốn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cho
biết phía Việt Nam chỉ làm đường đổ cấp phối trên lãnh thổ Việt Nam. Ông
Bốn cho biết: “Mình chưa làm gì, tức là mình chỉ làm đúng Hiệp định
biên giới hai bên thôi. Khu vực 52km vẫn tranh chấp mình chưa cắm mốc ở
đó. Còn cái cầu Đắc Đam bây giờ nó hư rồi. Vì cầu đó liên quan tới biên
giới hai nước nên chúng tôi muốn làm để nhân dân hai bên đi lại. Mình
giao cho Sở nội vụ xin ý kiến của tỉnh Mondulkiri của Campuchia. Nếu họ
đồng ý thì mình sẽ sửa cầu Đắc Đam cho nhân dân đi lại. Còn Campuchia nói suối Đắc Đam của ai là chuyện của chính phủ hai
nước. Suối Đắc Đam, trước đó có 52km, bây giờ là 49km. Giữa mình và
Campuchia chưa thống nhất cắm mốc ở đó. Còn sửa đường thì mình sửa lâu
rồi. Bây giờ mình chỉ cần xin họ thống nhất để mình làm cầu Đắc Đam để
nhân dân hai bên đi lại. Nếu họ đồng ý thì mình làm. Mà đất đó là đất
của Việt Nam mình thôi. Đất ông bà Việt Nam mình thời xưa để lại. Dân
mình ở đó lâu đời rồi.”
Theo nội dung của Hiệp ước giữa Campuchia và Việt Nam bổ sung Hiệp
ước hoạch định biên giới quốc gia năm 1985, do Thủ tướng Hun Sen và Thủ
tướng Phan Văn Khải ký ngày 10/10/2005 tại Hà Nội, đối với khu vực Bu
Prăng, phía Việt Nam khẳng đinh là của Việt Nam nhưng nhằm không để vấn
đề này cản trở tiến trình phân giới cắm mốc, Việt Nam đã đồng ý ghi vào
Hiệp ước bổ sung là ‘hai bên tiếp tục thảo luận’ vấn đề này.
Đồng thời hai bên thống nhất điều chỉnh đường biên giới trên sông
suối biên giới theo nguyên tắc luật pháp và thực tiễn quốc tế, áp dụng
nguyên tắc trung tuyến dòng chảy.
Việc cáo buộc Việt Nam lấn cột mốc vào lãnh thổ Campuchia không gì lạ
so với các đảng đối lập và nhà quan sát xứ này tuy nhiên lần này không
phải là nhà quan sát biên giới hay phe đối lập cáo buộc
Nhà nghiên cứu quan sát chính trị Campuchia lâu năm, tiến sĩ Lao
Monghay cho rằng chính phủ Campuchia cần tìm sự can thiệp từ bên ngoài,
chẳng hạn các nước tham gia ký kết Hiệp định hòa bình Campuchia (Hiệp
định Paris), các nước ASEAN hoặc tòa án công lý quốc tế vì trước đó Việt
Nam cũng từng nghiên cứu để tiến hành các thủ tục pháp lý khởi kiện
Trung Quốc ra Tòa quốc tế.
Tiến sĩ Lao Monghay: “Quốc hội Campuchia đã thừa nhận Việt Nam
đang làm đường vào sâu trong lãnh thổ Campuchia do đó chính phủ cần lấy
Hiệp định Paris làm cơ sở. Chính phủ nên thông báo vấn đề này đến các
quốc gia ký kết Hiệp định Paris vì đây là Hiệp định hòa bình, đảm bảo
chủ quyền. Ngoài ra, Bộ Ngoại giao cần gửi thư khiếu nại về hành động này tới
Bộ Ngoại giao Việt Nam, hoặc kiện ra Tòa trọng tài quốc tế. Nếu chúng
ta không làm như vậy thì Việt Nam tiếp tục không quan tâm đến kết quả
đàm phán song phương và không tôn trọng thỏa thuận giữa hai nước.”
Tuy nhiên, ông Var Kimhong, Bộ trưởng cao cấp, Cơ quan quyền lực phụ
trách vấn đề biên giới Campuchia cho biết chính phủ xứ chùa Tháp không
kiện ra cơ quan quốc tế nào vì Việt Nam vẫn tiếp tục thảo luận.
Ông Var Kimhong nhấn mạnh vấn đề ở chỗ các cuộc thảo luận vừa qua sau
khi Campuchia tìm thấy Việt Nam cắm cột mốc biên giới vào trong lãnh
thổ Campuchia, phía Campuchia yêu cầu chấm dứt nhưng Việt Nam vẫn tiếp
tục công tác cắm mốc.
Được biết, Việt Nam và Campuchia có đường biên giới chung trên đất
liền dài 1270km. Đến nay hai quốc gia Việt Nam và Campuchia hoàn tất
khoảng 80% công việc cắm mốc. Việt Nam sẽ đẩy mạnh tiến độ cắm mốc biên
giới với Campuchia và dự kiến sẽ hoàn tất công việc này vào năm 2015.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét