Phiatruoc
Nguyễn Hoài VânTrong dự báo cho rằng Tư Bản Chủ Nghĩa sẽ lùi bước trước “Kinh Tế Cộng Đồng Hợp Tác” với “trị giá sản xuất bên lề” gần zero (xem), được đưa ra trong một quyển sách vừa xuất bản, chúng ta có thể nhận ra một số khuynh hướng tổng quát đã là hiện thực:
1) Sự kết nối rộng rãi qua Internet :
Internet kết nối 2,9 tỷ người trên địa cầu vào năm 2014, tăng thêm 600 ngàn so với năm 2013, theo một báo cáo của cơ quan TIU (Telecom Internatinal Union) thuộc Liên Hiệp Quốc. Người ta ước tính vào năm 2017, phân nửa con người trên mặt đất sẽ kết nối với nhau qua mạng. Điều này đã ảnh hưởng nhiều trên những trao đổi hàng hóa và dịch vụ, khởi đầu bằng những hàng hóa dễ được chuyển qua mạng, từ sách, phim, nhạc, trò chơi, tin tức, sang đếncác hệ thống tư vấn trong nhiều lãnh vực như y khoa, kỹ thuật, tâm lý, đời sống, cho đến các trường học qua mạng. Khuynh hướng này chắc chắn sẽ còn phát triển mạnh mẽ với con số sáng kiến gộp chung lại của ba tỷ con người được nối kết với nhau.
2) Internet mở ra một cách cửa phủ định những giá trị cổ điển của hàng hóa trong Tư Bản Chủ Nghĩa (tôi đã được dịp bàn qua điều này trong nhiều bài viết) :
Có ba khía cạnh :
Thứ nhất, hàng hóa không còn được quan niệm theo mô hình “được mất” nữa. Thông thường khi bạn cho hay bán một món hàng, thì bạn không còn sở hữu món hàng ấy nữa, nó thuộc về người khác. Qua mạng bạn có thể cho hàng triệu người một quyển sách, tập phim, “đĩa” nhạc, hay một thảo trình, mà vẫn không mất những thứ này. Với sự chấp thuận của bạn, sự sở hữu một món hàng trở thành “tập thể”.
Khía cạnh thứ hai phủ định những giá trị cổ điển của hàng hóa, là sự miễn phí. Với khuynh hướng kết nối rộng rãi, một số mặt hàng sẽ rơi vào phạm vi kinh tế “Cộng Đồng Hợp Tác”, và trở nên miễn phí hay gần như miễn phí. Điều này đã trở thành hiện thực. Phần lớn chúng ta đều lên mạng nghe nhạc, đọc báo, xem phim, trau dồi kiến thức, chơi nhiều trò chơi lý thú, được tư vấn hữu hiệu trong nhiều lãnh vực, cũng như sử dụng rộng rãi các thảo trình điện toán, v.v… một cách miễn phí, hay với phí tổn rất thấp.
Khía cạnh thứ ba là một hệ luận của khuynh hướng miễn phí. Đó là sự chia sẻ hàng hóa hay dịch vụ không chuyển được qua mạng. Tâm lý “Cộng Đồng Hợp Tác”, vì những lý do sẽ được bàn đến ở cuối bài, trong điều kiện kết nối rộng rãi, làm cho người ta càng ngày càng sẵn sàng chia nhau sử dụng những lợi ích của một số mặt hàng. Điển hình là xe hơi. 21% người Thụy Điển, 21% người Pháp, 20% người Đức, 13 đến 15% người Bắc Mỹ Châu và Úc Châu, đều đã sử dụng dịch vụ chia xe. Người ta nhận thấy là điều quan trọng không phải là SỞ HỮU một chiếc xe, mà là khả năng di chuyển của mình.
3) Tiểu tín dụng :
Một khía cạnh ít được nhắc đến của việc con người được kết nối rộng rãi với nhau qua Internet, là sự phân phối vốn liếng, đầu tư. Qua mạng người ta có thể tổ chức được điều này một cách hữu hiệu, và nó đã là hiện thực với các cơ cấu tiểu tín dụng, càng ngày càng làm việc nhiều hơn qua mạng, như Planet Finance của Jacques Attali. Các cấu trúc “phát triển cộng đồng” cổ điển (đã từng được xây dựng ở miền Nam Việt Nam trước 1975), sử dụng nhân sự quản trị, điều hành và tư vấn được gửi đến từ trung ương đến các địa phương xa xôi, rất tốn kém, làm giảm đi phần nào hiệu quả của các dự án. Với sự kết nối giữa trung ương và địa phương qua mạng, vấn đề này được giải quyết một cách đơn giản và ít tốn kém. Trong tương lai, tiểu tín dụng cũng có thể được hình thành một cách bộc phát, từ những người có vốn và những người cần vốn kết nối với nhau qua mạng. Khi ấy cơ quan “tiểu tín dụng” sẽ chỉ đóng vai trò trung gian, đảm bảo dịch vụ tài chính, pháp lý, tư vấn kỹ thuật v.v…
4) Khuynh hướng giảm bớt “trị giá sản xuất bên lề”
cũng là một khuynh hướng đã trở thành hiện thực. Trong mô hình sản xuất thông thường nó là hệ luận của các tiến bộ trong lãnh vực “tự động hóa” các phương tiện sản xuất. Điều này lệ thuộc nhiều vào các thảo trình điện toán. Internet cho phép phổ biến các thảo trình này một cách rộng rãi, với phí tổn thấp. Một khi các máy móc cần thiết đã có sẵn, thì sự phổ biến các thảo trình “tự động hóa” sản xuất sẽ khiến cho “trị giá bên lề” giảm xuống một cách mạnh mẽ.
Rifkin nói nhiều đến máy in ba chiều. Thật ra nó chỉ là một khía cạnh của khuynh hướng tự động hóa không ngừng phát triển từ khi người ta biết đến việc sản xuất hàng loạt. Tuy nhiên, cần ghi nhận những trở ngại của mọi khuynh hướng tự động hóa. Đó là :
- Vấn đề nhân dụng. Nó phải hòa nhịp với khả năng tạo ra những công ăn việc làm mới, để kềm hãm một khuynh hướng khác của Tư Bản Chủ Nghĩa, là gia tăng thất nghiệp.
- Vấn đề nguyên liệu, tài nguyên thiên nhiên. Rifkin tập trung vào nguyên liệu để làm chạy máy móc, cho rằng thời của dầu và hỏa than đá đã cáo chung, cần chuyển sang những nguyên liệu khác. Thật ra, còn một loại nguyên liệu, cần thiết để được biến chế thành hàng hóa, mà bất cứ phương cách sản xuất nào cũng phải cần đến, như nhôm (bauxite !), đồng, kẽm, gỗ, đá, v.v… Các phương tiện sản xuất mới, kể cả máy in 3D, cũng sẽ bị hạn chế bởi sự khan hiếm loại nguyên liệu này.
Chúng ta chưa chắc được là máy in ba chiều sẽ tiến bộ đến đâu, phổ biến thế nào, làm được những gì ? Tuy nhiên, số liệu hiện có cho biết thị trường này nặng hơn 3 tỷ USD với tỷ lệ tăng trưởng khoảng 30% mỗi năm. Nó làm giảm giá thành khoảng 97% và thời gian sản xuất khoảng 83%. Một công ty Trung Quốc đã làm ra được 10 căn nhà, chỉ trong 24 giờ, với kỹ thuật in ba chiều. Trị giá mỗi căn nhà không đến 5000 USD. Hãng Kor Ecologic cũng cho biết đã dùng máy in 3D làm ra được một loại xe “bảo vệ môi sinh” tên là Urbée …
5) Vài hàng về sự trao đổi trong các cộng đồng người :
Kinh tế học có một “niềm tin” là tiến trình trao đổi trong các xã hội loài người khởi đi từ sự đổi chác, sang trao đổi qua trung gian quý kim rồi tiền bạc, nền tảng của tích lũy tư bản. Điều này bị phủ định bởi Nhân Chủng Học. Khi quan sát các cộng đồng người bán khai, người ta chưa bao giờ tìm thấy được một cộng đồng nào áp dụng mô hình đổi chác ! Tất cả các cộng đồng được nghiên cứu đều áp dụng mô hình “cộng đồng hợp tác”, đương nhiên là trong một phạm vi hạn chế : một nhóm người đánh được một số cá, đem về nấu nướng ăn chung với mọi người khác, hay khi cần dựng lên một căn nhà, thì mọi người đều góp công, v.v… Trong trường hợp một bộ lạc bán khai Nam Mỹ, mô hình này chỉ chấm dứt khi bộ lạc ấy bị đô hộ bởi người Tây Phương. Khi đó, mọi thành viên của bộ lạc đều trở thành nô lệ, cùng nhau đi lấy mủ cao xu, và sự sở hữu duy nhất của mỗi người là … cái áo mặc trên người !
Nhân chủng học cũng nhận xét là những cộng đồng thiếu sự hợp tác, dần dần sẽ bị tiêu diệt bởi điều kiện khắt khe của thiên nhiên. Yếu tố “cộng đồng hợp tác” đã được di truyền đến chúng ta từ những cộng đồng tồn tại được nhờ vào nó.
Ở thời đại chúng ta, khi con người được nối kết rộng rãi qua Internet, thì việc những khuynh hướng nhân bản cố hữu ấy được khuyếch đại, chẳng qua cũng chỉ là tự nhiên mà thôi !
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét