Hà Văn Thùy Gửi cho BBCVietnamese.com từ Sài Gòn
Năm 1623, khi chúa Nguyễn
mượn đất Prei Nokor của vua Khmer để đặt trạm thu thuế, thì nơi đây dân
cư đã đông đúc. Họ là người Việt từ Quảng Nam vào, người Việt từ Hải
Nam, Triều Châu tới.
Thấy các thuyền buôn ngoại quốc, phần nhiều là của người Hà Lan, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha… tới trạm trình giấy tờ, nộp thuế bằng sản vật chở theo tàu thuyền, người Việt gọi là Tây cúng – nơi người Tây đến tiến cống hay tiến cúng.
Dần dà, gọi riết trở thành địa danh Tây Cống.
Trong cộng đồng Việt, thời đó (và cả bây giờ ở một số nơi), phát âm t và x, s lẫn lộn: thái – xái; xôi, sôi – thôi… nên Tây Cống cũng được gọi là Xây Cống rồi người Triều Châu gọi trại thành Xài Gòn. Sau chuyển âm thành Sài Gòn.
Khi ghi chép trong văn bản chữ Nho, người ta ký âm thành từ Hán Việt 西 貢 – Tây Cống. Nhưng trong những văn bản chữ Nôm, lại dùng chữ柴棍 – Sài Gòn. Hai chữ Nôm này về tự dạng giống như hai chữ Hán.
Vì vậy, khi đọc theo âm Nôm là Sài Gòn còn đọc theo âm Hán Việt thành Sài Côn.
Sài Gòn như liền khúc ruột
Điều này càng hữu lý nếu biết rằng, tại Hong Kong cũng có một địa danh tên là Sài Gòn. Giải thích như sau: Hong Kong (Hương Cảng) trước kia là giang sơn của người Việt.Thời nhà Thanh, người Việt ở đây vẫn nói tiếng Việt.
Khi nhà Thanh lập trạm thu thuế, người Việt gọi nơi người Tây đến nộp thuế là chỗ Tây cúng, Tây cống. Dần dà Tây Cống thành địa danh và cũng được gọi theo giọng Triều Châu là Sài Gòn. Sau đó vào trong văn bản theo âm Bắc Kinh thành Sai Kung…
Nay, trong những đêm Hong Kong thức vì dân chủ, lại thấy nơi ấy trở nên gần gũi như liền một khúc ruột.
Khảo cổ học tìm được ở Hong Kong di cốt người Australoid, là người từ vùng nay là ẢnhViệt Nam đi lên khoảng 40.000 năm trước, sống bằng săn hái và đánh cá.
Như Việt Nam, đất này cũng là một bộ phận của nhà nước cổ đại Xích Quỷ mà dân là con cháu của Thần Nông, Kinh Dương Vương.
Vào thời Chiến Quốc, đây thuộc nước Việt, nước Sở. Sau đó, cùng với Việt Nam, nằm trong nước Nam Việt của Triệu Vũ đế.
Cùng Quảng Đông, Hong Kong từng tham gia khởi nghĩa của Hai Bà trưng. Cho đến nay, người Hong Kong vẫn nói tiếng Việt Đông, vốn là tiếng Việt cổ vùng Thanh Nghệ theo chân người di cư lên từ xa xưa.
Cho đến khi ông Mao cướp chính quyền thì một bộ phận người Hong Kong vẫn mặc áo gài nút bên trái, ăn trầu và xăm mình. Không ít người Hong Kong, Quảng Đông vẫn nhận mình là người Việt (Yue). Chính xác là người Trung Quốc gốc Việt.
Qua thăng trầm của lịch sử, tài sản quý giá nhất mà người Hong Kong còn lại là nền dân chủ.
Nay, con quái vật tham lam, độc ác vô nhân tính há to cái miệng háu đói quyết nuốt tươi nền dân chủ giành được bằng máu và nước mắt.
Do vậy, ta hiểu vì sao, tuổi trẻ, cùng toàn dân Hong Kong quyết đứng lên giành lại quyền dân chủ.
Từ khốn khổ đau thương dưới chế độ độc tài, người Việt Nam cầu mong cho đồng bào Hong Kong bảo vệ thành công nền dân chủ, điều mà cả dân tộc Việt còn mơ ước.
Bài viết thể hiện quan điểm và các diễn giải lịch sử riêng của tác giả, hiện sống tại Sài Gòn, Việt Nam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét