Chủ Nhật, 5 tháng 10, 2014

Dư âm phát biểu Phạm Bình Minh: Tăng gấp đôi cái gì?

Viết Lê Quân  -VNTB


“Cả hai nước cần tăng gấp đôi nỗ lực của mình để làm sâu hơn quan hệ hai nước” – lối nói cường điệu và khoa trương quen thuộc của Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh trong bài phát biểu tại Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu quốc tế ở Washington DC, lồng trong chuyến thăm Hoa Kỳ và họp bàn với Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry.


“Tăng gấp đôi” cũng là loại sáo ngữ được giới quan chức Việt ưa dùng để biểu thị thành tích, phỏng theo giai thoại “GDP có chân”. Với cấp trên của ông Phạm Bình Minh, đó luôn là “nâng lên một tầm cao mới”.
“Đó là lý do vì sao hơn một năm trước, Chủ tịch Trương Tấn Sang và Tổng thống Obama tuyên bố quan hệ hai nước là đối tác toàn diện… cả hai nước đều tự hào vì những tiến bộ mỗi nước đạt được và những thách thức mà hai nước đã vượt qua” – bài phát biểu của ông Minh tiếp tục “niềm tự hào” theo cái cách mà đoàn Việt Nam báo cáo về “thành tích nhân quyền” tại Hội đồng nhân quyền Liên hiệp quốc ở Geneva, Thụy Sỹ vào tháng 2/1014.
Thế nhưng điều quá giả dối đối với Nhà nước Việt Nam là trong hơn một năm qua đã chưa có gì được gọi là “tiến bộ”, trong khi “thách thức” vẫn còn nguyên dạng.
Tăng gấp đôi cái gì?
Ẩn số mà giới quan sát quốc tế và trong nước đương nhiên phải tự hỏi hiểu là kết quả cuộc gặp John Kerry và Phạm Bình Minh không thấy nêu ra tiến trình đàm phán cụ thể để “hoàn tất TPP”.
Đó chính là một vấn đề tế nhị về phía Hoa Kỳ và bi kịch đối với Việt Nam. Vào đúng lúc này, “thời điểm vàng” đã trôi qua, trong khi trước đây Tổng thống và chính phủ Mỹ có khá nhiều quyền hành để quyết định về TPP cho Việt Nam. Thế nhưng phần lớn cơ hội đã bị phía Việt Nam bỏ lỡ. Trong hơn một năm qua từ cuộc viếng thăm Nhà Trắng của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, những cam kết về dân chủ và nhân quyền vẫn bị Hà Nội thực hiện một cách cố tình trì hoãn và quá sức chậm chạp, do vậy không thể khiến cho Quốc hội Mỹ hài lòng.
Hãy xem Việt Nam có bao nhiêu cơ hội? Ít nhất, họ đã đón tiếp John Kerry ở Hà Nội vào tháng 12/2013, rồi đón nữ thứ trưởng ngoại giao Mỹ Wendy Sherman vào tháng 3/2014. Sau đó, cơ hội lớn không kém là Ủy viên bộ chính trị Phạm Quang Nghị sang Mỹ để “trút bầu tâm sự”, để sau đó cả Thượng nghị sĩ cộng hòa John McCain lẫn Chủ tịch Hội đồng liên quân Mỹ Martin Dempsey đều lập tức có mặt tại Hà Nội để tâm sự nhiều hơn. Chưa kể, Việt Nam còn có đến hai dịp để bày tỏ thiện tâm ở Geneva, Thụy Sỹ vào tháng Hai và tháng Sáu năm 2014. Nhưng bi kịch cho Nhà nước Việt Nam chính là ở chỗ họ luôn muốn nhận quá nhiều nhưng lại chẳng cho đi bao nhiêu.
Cùng thời gian với cuộc đàm phán cấp cao về TPP tại Hà Nội vào đầu tháng 9/2014, đã không có bất kỳ tù nhân chính trị nào được Nhà nước Việt Nam đặc xá vào dịp quốc khánh 2/9. Sau đó đến cuối tháng 10/2014, dường như chịu một sự thúc ép ngày càng căng từ quốc tế lẫn trong nội bộ, Bộ Công an mới chịu thả 6 tù nhân lương tâm, nhưng toàn những người “sắp chết” và gần như đã mất “sức lao động dân chủ”, có nghĩa là hầu như không còn “nguy hiểm” gì đối với sự tồn tại của chính quyền. Mà thả như vậy thì chỉ mới là nhỏ giọt và chẳng thể đủ thành tâm trước sự đòi hỏi rốt ráo của cộng đồng quốc tế, do đó vẫn làm cho Quốc hội Hoa Kỳ trở nên quá khó nghĩ trước khi đưa ra một quyết định về Việt Nam có được tham gia vào TPP hay không.
Trong khi đó, càng về sau này, quyền lực càng chuyển dần sang lưỡng viện Hoa Kỳ, trong đó có cơ chế thông qua quyền đàm phán nhanh TPP (fast track). Có nghĩa là vào lúc này, ngay cả Tổng thống Obama cũng không còn được toàn quyền quyết định về TPP, mà phải chờ cuộc bầu cử Quốc hội Mỹ diễn ra vào giữa tháng 11/2014 và sau đó đợi cơ quan này thông qua quyền đàm phán nhanh TPP trong sớm nhất vào đầu năm 2015.
Rất có thể, đó là lý do để dù có muốn, ông John Kerry cũng không thể công bố với ông Phạm Bình Minh về một lộ trình nào đó để “hoàn tất TPP”.
Cũng bởi thế, lời hô hào “tăng gấp đôi” của Ngoại trưởng Phạm Bình Minh lẽ ra cần được đặc tả cho phía Việt Nam. Ngay trước mắt và việc làm đầu tiên, họ phải thả gấp đôi và “chất lượng” hơn hẳn số tù nhân lương tâm đang bị dày vò giữa bốn bức tường đen đúa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét