Thụy My -RFI
Lương Chấn Anh trong lễ chào cờ mừng Quốc khánh Trung Quốc 01/10/2014.
(Florence De Changy, thông tín viên Le Monde tại Hồng Kông, 04/10/2014) Ít lâu sau khi được bầu lên nắm chức vụ cao nhất tại Hồng Kông năm 2012, ông Lương Chấn Anh (C.Y. Leung), Trưởng đặc khu thứ ba của Hồng Kông từ khi thuộc địa cũ được trả về cho Trung Quốc năm 1997, đã tuyên bố rằng ông muốn « phục vụ người Hồng Kông ». Ông ta còn lâu mới thực hiện được tham vọng này.
Trong khi Hồng Kông đang chịu đựng một cuộc khủng hoảng bất tuân dân sự chưa từng thấy, Trưởng đặc khu vẫn tỏ ra không lay chuyển. Hôm thứ Năm 2/10, ông ta bác bỏ việc từ chức, dù vẫn mở cửa cho đối thoại. Tuy nhiên quyền lực của ông ngay từ lúc này đã bị sa sút rất nhiều.
Cuộc khủng hoảng lòng tin giữa người dân Hồng Kông và Lương Chấn Anh, cũng như sự phản đối phương thức bầu ra Trưởng đặc khu lần tới, không chỉ mới xảy ra vài tháng gần đây. Người Hồng Kông cảm thấy bị phản bội bởi con người mà dưới mắt họ, thay vì đại diện cho lợi ích của dân Hồng Kông với Bắc Kinh, chủ yếu lại bảo vệ các lợi ích của Bắc Kinh ở Hồng Kông.
Tuy vậy, xuất thân khiêm tốn của « người nhân viên kế toán bình thường trở thành tỉ phú » lẽ ra đã khiến Lương Chấn Anh trở thành người hùng của giới lao động. Nhất là trong kỳ bầu cử năm 2012, khi đó ông là đối thủ của Đường Anh Niên (Henry Tang), đại diện của giai cấp thượng lưu Hồng Kông.
Hai vợ chồng Lương Chấn Anh hát quốc ca trong lễ Quốc khánh Trung Quốc.
Trái ngược với đối thủ, Lương Chấn Anh không sinh ra trong một dòng họ danh giá kinh doanh ngành dệt may, không có những ngày cuối tuần thưởng thức các loại rượu vang quý hiếm trên những chiếc du thuyền dài 50 mét. Ông « tự mình » làm giàu, thậm chí còn mua được cả một ngôi nhà ở khu Peak trên đỉnh núi Thái Bình cao nhất của hòn đảo – dấu hiệu không thể chối cãi của sự thành đạt, tại một vùng đất mà không gian sống bình quân trên đầu người chỉ có 11 mét vuông.
Thời trẻ, ông là sinh viên được học bổng của ngôi trường rất Ăng-lê của Hồng Kông là King’s College. Tại đây Lương Chấn Anh luyện được một giọng Anh chuẩn như vừa mới tốt nghiệp đại học Oxford, sau đó theo học đại học ngành trắc địa tại Hồng Kông và quản trị địa ốc ở Bristol. Tiếp theo ông được giao nhiều chức vụ trong các tập đoàn bất động sản lớn. Lương Chấn Anh khá nhanh chóng thành công trong việc kết hợp các vị trí nghề nghiệp với hoạt động chính trị.
Năm 1985, lúc đó 31 tuổi, ông trở thành Tổng thư ký ủy ban tư vấn về Basic Law (Luật cơ bản), văn bản được coi như một Hiến pháp mini của Hồng Kông. Sự thăng tiến sớm sủa một cách đáng ngạc nhiên này, khi được ngồi vào một chiếc ghế nhạy cảm như thế, đã khiến nảy sinh những nghi ngờ về xu hướng chính trị của ông ta.
Lương Chấn Anh và Đổng Kiến Hoa, 01/10/2014.
Năm 1998, Trưởng đặc khu đầu tiên khi Hồng Kông vừa được chuyển giao cho Trung Quốc là Đổng Kiến Hoa (Tung Chee Hwa) bổ nhiệm Lương Chấn Anh đứng đầu Hội nghị Hành chính, cơ quan chủ chốt của chính quyền Hồng Kông. Và cũng Đổng Kiến Hoa hồi năm 2012 đã thuyết phục Bắc Kinh bỏ rơi ứng viên « ruột » là Đường Anh Niên, bị dính vào một xì-căng-đan, để ủng hộ Lương Chấn Anh.
Vào thời đó cả hai ứng cử viên bị dư luận châm biếm – dù công chúng không có tiếng nói nào trong cuộc bầu cử khép kín này – họ dùng hình ảnh một con heo để đại diện cho Đường Anh Niên và một con chó sói cho Lương Chấn Anh. « Đó là một cách để chỉ một tên ngốc và một kẻ nguy hiểm » – Dư Nhược Vi (Audrey Eu), luật sư và là người sáng lập đảng Công dân (Civic Party) giải thích. Từ đó đến nay, hình ảnh con sói đã quay trở lại nhiều lần. Cuối năm 2013, một người biểu tình đã quăng một con thú nhồi bông chó sói vào đầu Lương Chấn Anh, trong một buổi tham vấn công khai. Món đồ chơi này có bán ở các cửa hàng Ikea, và ngay lập tức số lượng bán đã tăng lên kỷ lục.
Người ta cũng ví von ông ta với nhân vật Pinocchio (cậu bé người gỗ luôn nói dối trong truyện cổ thiếu nhi – ND), sau rất nhiều vụ mà lời phát biểu của ông bị nghi ngờ, kể cả phía tư pháp cũng vậy. Nhưng gần đây, khi tên Lương Chấn Anh được xướng lên tại các địa điểm bị chiếm đóng của thành phố, ông thường được mệnh danh là « 689 », và mỗi lần như vậy, đám đông lại đồng loạt hô : « Từ chức ! ». Con số 689 là số phiếu ông đạt được từ một ủy ban bầu cử gồm 1.200 người. Một « chiến thắng » quá sức nhỏ nhoi, vì ủy ban đã nhận được chỉ thị bầu cho Lương Chấn Anh.
Sinh viên biểu tình Hồng Kông và chân dung Lương Chấn Anh, 29/09/2014.
Con số ấy cũng biểu thị mối quan hệ gần như xung khắc của Lương Chấn Anh với các đại gia Hồng Kông, vốn công khai ủng hộ Đường Anh Niên. « Ông ta không bao giờ có bạn bè, và ngày nay lại còn có ít hơn ! » – Lư Cương (Alex Lo), cây bút xã luận ở Hồng Kông nhận xét. Nhà bình luận ngạc nhiên trước việc một con người tinh tế như thế lại không bao giờ hiểu được tầm quan trọng của việc xây dựng một mạng lưới đồng minh và thân tín, để cầu viện đến « trong những ngày mưa bão ».
Mặc cho một số lời đính chánh chính thức, phe nhóm chính trị thực sự của Lương Chấn Anh là chủ đề của rất nhiều lời đồn đãi. Lý Trụ Minh (Martin Lee), người sáng lập đảng Dân chủ và là một trong những chính khách được tôn trọng nhất tại Hồng Kông, tin « chắc chắn » rằng Lương Chấn Anh là thành viên bí mật của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Hà Tuấn Nhân (Albert Ho), ứng viên Dân chủ cho chức Trưởng đại diện Hồng Kông năm 2017 khẳng định : « Các đảng viên bí mật của Đảng Cộng sản được phép công khai lên tiếng chối cãi tổ chức của mình ».
Người ta mô tả Lương Chấn Anh là một con người lạnh lùng, bướng bỉnh, không có khả năng lắng nghe người khác. Trịnh Vũ Thạc (Joseph Cheng), giáo sư môn khoa học chính trị của City University nhận định: « Để biết ai là bạn bè ông ta, chỉ cần quan sát xem những ai là người mới vào Hội nghị Hành chính, và các khuôn mặt mới. Bạn cứ việc xem danh sách, chỉ đơn giản thế thôi ».
Lương Chấn Anh nhận lãnh thất bại cay đắng đầu tiên vào tháng 10/2012, khi ông ta phải hủy bỏ việc áp đặt chương trình giáo dục ái quốc, do sức mạnh phản kháng của một phong trào được cậu học sinh Hoàng Chi Phong (Joshua Wong) thành lập. Bắc Kinh phải ra lệnh cho Lương Chấn Anh nhượng bộ, nhưng nói rõ rằng « đây là lần cuối ».
Hoàng Chi Phong, lãnh tụ học sinh đã từng khiến Lương Chấn Anh phải nếm thất bại chua cay năm 2012.
Tuy nhiên, nếu Lương Chấn Anh chưa bao giờ được người Hồng Kông tin tưởng, thì thậm chí chính ông ta cũng không chắc chắn có được lòng tin nơi Bắc Kinh. Ông được chấp nhận là ứng cử viên hồi năm 2012 chỉ là để duy trì tính cách đa phương ngoài mặt.
Bắc Kinh tuy vào hôm xảy ra bạo động – đã gây phẫn nộ cho người dân địa phương – buổi tối thứ Hai 29/9 đã nhắc lại « sự tin tưởng hoàn toàn » và « sự ủng hộ không hề lay chuyển » đối với Lương Chấn Anh, nhưng không một ai bị đánh lừa trước cử chỉ « ôm hôn thắm thiết » này. Theo nhiều nhà quan sát, trong suy nghĩ của Bắc Kinh thì Lương Chấn Anh từ lâu đã chết hẳn về mặt chính trị. Nhưng ông ta có thể tại vị trong một thời gian nữa, ít nhất vì hai lý do.
Trước tiên, do Trưởng đặc khu đầu tiên là Đổng Kiến Hoa đã từng phải từ chức vào năm 2005, sau những cuộc biểu tình khổng lồ. Không thể mang lại ấn tượng là chỉ cần ồ ạt xuống đường là Bắc Kinh sẽ phải trảm tướng.
Thứ đến, đó là vì Trung Quốc còn cần đến Lương Chấn Anh như một loại cầu chì, tùy theo diễn biến của cuộc khủng hoảng. Nhất là nếu cần dùng đến vũ lực, thì Bắc Kinh sẽ bật đèn xanh cho Lương Chấn Anh sử dụng đến bàn tay sắt, sau đó lên án ông ta, rồi cho con rối Lương Chấn Anh rơi đài.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét