Thứ Bảy, 4 tháng 10, 2014

Nhìn Hong Kong và nhớ Miến Điện


Cảnh sát lôi người biểu tình ra khỏi khuôn viên trụ sở củatrưởng quan hành chánh Lương Chấn Anh ở Hong Kong, ngày 3/10/2014.
Cảnh sát lôi người biểu tình ra khỏi khuôn viên trụ sở củatrưởng quan hành chánh Lương Chấn Anh ở Hong Kong, ngày 3/10/2014.

Cao huy Huân  – VOA

Tình hình ở Hong Kong hiện nay hỗn loạn chưa từng thấy từ khi lãnh thổ này được trao trả lại cho Trung Quốc. Sau 17 năm chịu đựng chính quyền mới, giờ đây người dân Hong Kong đang đứng dậy cho cuộc sống đúng nghĩa của mình. Câu chuyện dân chủ ở Hong Kong chưa có hồi kết, bỗng dưng tôi nhớ lại một câu chuyện về dân chủ ở Miến Điện cũng mới diễn ra gần đây. Hong Kong và Miến Điện khác nhau khá nhiều, nhưng điểm chung của họ là người dân đã dám đứng lên đòi dân chủ.
Mặt trời lặn ở Yangon


Một ngày ở Yangon bình yên đến đáng sợ. Giống như Hà Nội từng được mệnh danh là thành phố vì hòa bình, nhưng đó là cái hòa bình  theo những khuôn phép mà có thực sự sống và trải nghiệm, người ta mới cảm nhận được. Miến Điện gánh chịu sự cấm vận về kinh tế và quân sự của Hoa Kỳ và châu Âu kể từ sau cuộc đàn áp dân sự năm 1988 và cả việc từ chối các kết quả bầu cử năm 1990. Cái bình yên đó là kết quả của sự chịu đựng của người dân Miến Điện trước thế lực chính phủ độc đoán và vô nhân đạo.
Thành phố Yangon từng được gọi là “nơi thời gian ngừng lại” khi nhịp sống nơi đây quá đỗi nhẹ nhàng. Nhiều thập kỷ đã trôi qua, nhưng Yangon vẫn không thay đổi. Thành phố với những kiến trúc ảnh hưởng từ thời kỳ thuộc địa của Anh tuyệt đẹp, những ngôi chùa dát vàng óng ánh, cho thấy người dân Miến Điện hiền hòa, yêu chuộng những giá trị cũ và tôn thờ tín ngưỡng.
Đến Miến Điện, người ta sẽ nghe người dân nhỏ to câu chuyện về nữ anh hùng dân tộc Aung San Suu Kyi. Trong mắt các lãnh đạo Miến Điện, Suu Kyi là một cái gai khó gỡ bỏ. Tuy nhiên, với dân tộc Miến Điện, bà là một vầng mặt trời.
Aung San Suu Kyi chính là con gái của vị tướng Aung San anh dũng, người bị ám sát bởi thế lực đối lập năm 1947 khi ông còn đang giữ chức Phó Chủ tịch Ủy ban Hành pháp Miến Điện. Bà Suu Kyi trưởng thành và làm việc cho Liên Hiệp Quốc nhưng lòng yêu dân tộc và dòng máu Miến Điện chảy trong người bà đã thúc đẩy bà phải quay về đất nước để chứng kiến cảnh lầm than của nhân dân dưới chế độ độc tài.
Với dòng máu kiên trung của người cha, bà Suu Kyi không chấp nhận nhìn thấy người dân ngày càng bị tước đi quyền làm chủ và trở thành tôi mọi cho chế độ mới. Tiếng nói đại diện cho dân chủ và nhân quyền của Suu Kyi đã vực dậy một niềm tin cho nhân dân Miến Điện, truyền lửa cho những cuộc nổi dậy. Ngày 8 tháng 8 năm 1988, một cuộc nổi dậy đã diễn ra dọn đường cho một cuộc bầu cử mới dưới sức ép của quần chúng nhân dân. Lần đầu tiên sau 30 năm, một cuộc bầu cử tự do được tiến hành giữa Hội đồng Khôi phục Trật tự và Luật pháp Liên bang của tướng Saw Muang đang tại vì, và Liên minh Toàn quốc vì Dân chủ (LMTQVDC), đảng của bà Aung San Suu Kyi. Kết quả cuộc bầu cử cho thấy thắng lợi về phía Liên minh với 392 ghế trên tổng số 495. Trớ trêu thay, Hội đồng Khôi phục Trật tự và Luật pháp Liên bang của Tướng Saw Muang đã từ hủy bỏ kết quả bầu cử và từ chối bàn giao quyền lực.
Aung San Suu Kyi hiện vẫn đang sống tại Yangon. Bà từ chối rời Miến Điện trong bất cứ hoàn cảnh nào. Khi chồng bà là Michael Aris, một giáo sư tại đại học Oxford, Anh Quốc qua đời vào năm 1999 vì bệnh ung thư, mặc dù vô cùng đau khổ vì lần cuối cùng hai người gặp gỡ là năm 1995, Suu Kyi vẫn kiên định không rời Miến Điện đi Anh Quốc để gặp chồng lần cuối. Trước đó khi ông Aris biết mình bị bệnh, ông đã 30 lần xin visa vào Miến Điện để thăm Suu Kyi nhưng chính quyền Miến Điện đều từ chối mặc dù có sự can thiệp của Liên Hiệp Quốc và Tổng thống Mỹ Bill Clinton. Chính quyền Miến Điện muốn Suu Kyi phải rời Miến Điện đi thăm chồng nhưng Suu Kyi biết, nếu ra đi, bà sẽ không thể quay về. Là một người theo đạo Phật, Suu Kyi cho rằng việc không thể gặp chồng khi ông bệnh tật và qua đời là do số phận và bà phải gánh chịu vì công cuộc lớn hơn cho dân tộc bà. Có thể nói tư tưởng Phật giáo đã ảnh hưởng nhiều đến sự nghiệp đấu tranh vì nhân quyền và dân chủ của Suu Kyi. Bà luôn chủ trương đấu tranh không bạo động, và Suu Kyi biết rằng, càng bạo động, nhân dân càng lầm than.
Mặc dù bị giam lỏng và bị kiểm soát bởi chính quyền Miến Điện, Aung San Suu Kyi vẫn có những hoạt động đấu tranh cho chính nghĩa.
Lý lẽ của kẻ mạnh
Chính quyền Miến Điện đến năm 2010 vẫn nằm trong tay Hội đồng Khôi phục Trật tự và Luật pháp Liên bang, nay đã được đổi tên là Đảng Liên minh vì Đoàn kết và Phát triển Quốc gia. Thực chất đây là một đảng độc tài được xây dựng trên nền tảng quân đội. Với sức mạnh quân sự, Đảng Liên minh vì Đoàn kết và Phát triển Quốc gia (USDP) dùng bạo lực để đàn áp nhân dân, và xây dựng chế độ phản dân chủ.
Một điều đáng nói là chính quyền phản dân chủ Miến Điện vẫn cho phép tồn tại các đảng phái khác, mà trong đó LMTQVDC của bà Aung Sann Suu Kyi là một điển hình đối lập. Tuy nhiên, sự tồn tại của LMTQVD chỉ là một sự che chắn ngụy trang cho cái gọi là tự do dân chủ, khi toàn bộ quyền lực thuộc về tay USDP. Họ nắm mọi quyền lực, và kiểm soát các hoạt động của LMTQVDC. Họ đàn áp và ra tay giết hại các thành viên của LMTQVDC. Điều này diễn ra một cách rõ ràng, và nhân dân Miến Điện có thể nhìn thấy tất cả. Tuy nhiên, lý lẽ thuộc về kẻ mạnh. Như đã nói, USDP có lực lượng quân đội trong tay, họ là kẻ mạnh trong khi nhân dân Miến Điện là những người dân bình thường không một tấc sắt trong tay, một điều tất yếu, sức mạnh thuộc về tay USDP. Sự đàn áp của USDP càng lộ rõ trong các cuộc bầu cử diễn ra trên đất Miến Điện. Mặc dù phần thắng luôn nghiêng về phía LMTQVDC với sự ủng hộ áp đảo của nhân dân, USDP vẫn không công nhận kết quả bầu cử và họ vẫn nắm giữ chính quyền trong nhiều thập kỷ nay. Lý lẽ của kẻ mạnh còn thể hiện qua việc USDP luôn có những hành động bắt giữ, đàn áp và giết hại các thành viên của LMTQVDC, và LĐTQVDC không thể làm điều ngược lại.
Mục tiêu của cuộc trưng cầu hiến pháp Miến Điện năm 2008, được tổ chức vào ngày 10/05/2008  là thiết lập một “nền dân chủ, kỷ luật hưng thịnh”. Là một phần của quá trình trưng cầu dân ý, tên của đất nước được đổi từ “Liên bang Myanmar” thành “Cộng hòa Liên bang Myanmar”, và cuộc tổng tuyển cử được tổ chức theo hiến pháp mới năm 2010. Giới quan sát  trong cuộc bầu cử năm 2010 mô tả sự kiện này diễn ra trong trật tự và hòa bình. Tuy nhiên, những cáo buộc về vi phạm tại các địa điểm bỏ phiếu đã được đưa ra, và Liên Hiệp Quốc và một số nước phương Tây đã lên án cuộc bầu cử là gian lận. Lãnh đạo Đảng USDP, ông Thein Sein chính thức là tổng thống mới của Miến Điện.
Với tác động của phương Tây và Mỹ, ngày nay Miến Điện đã thực hiện những cải cách  dân chủ và nhân quyền, mở cửa kinh tế và đang phát triển với tốc độ nhanh đáng kinh ngạc. Đây là vùng đất mới cho giới đầu tư khắp thế giới, và thậm chí Miến Điện còn được đánh giá sẽ trở thành con rồng mới trong tương lai gần. Mặc dù tình hình dân chủ ở Miến Điện còn phải được bàn cãi thêm nữa nhưng những tiến bộ vừa qua cũng mang đến một luồng ánh sáng mới cho đất nước này. Hong Kong, từng là thuộc địa của Anh và chính người Anh đã biến Hong Kong thành con rồng ở châu Á.
Giờ đây Hong Kong thèm thuồng quá khứ được sống trong dân chủ hơn là trở về với Trung Quốc độc đoán. Hy vọng một ngày không xa, Hong Kong lại sẽ tìm thấy con đường dân chủ như Miến Điện mới đây, hoặc chúng ta cũng sẽ mơ đến một ngày Hong Kong trở thành một Đài Loan thứ hai.
* Blog của Cao Huy Huân là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét