TBKTSG
Tư Hoàng
Nợ xấu lên đến 500.000 tỉ đồng. Ảnh TL SGT.
(TBKTSG Online) Lần đầu tiên thừa nhận số nợ xấu lên đến 500.000 tỉ đồng
nhưng Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình cố gắng làm
yên lòng Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nợ xấu tại phiên chất vấn kéo dài
cả ngày 29/9.
Ông Bình tiết lộ, tổng số nợ xấu ước tính lên đến 500.000 tỉ đồng.
Tuy không đề cập đến thời điểm của số nợ này, ông cho biết đã có 240.000
tỉ đồng đã được xử lý đến nay.Về khả năng xử lý nợ xấu còn lại, Thống đốc nói: “Đến hết tháng 7 số trích lập (dự phòng rủi ro) đã đến 78.000 tỉ đồng và cuối năm nay tiếp tục tăng để xử lý nợ xấu. Tài sản đảm bảo cho các khoản nợ xấu này giá trị cũng cao gấp hai lần các khoản nợ xấu”.
Tuy nhiên, ông tỏ vẻ không lạc quan khi thừa nhận năng lực của VAMC là hạn chế.
“Từ 500.000 tỉ đồng so với 86.000 tỉ đồng VAMC đã mua thì thấy năng lực của đơn vị này rất yếu kém. Dù Chính phủ đồng ý tăng thêm 2.000 tỉ đồng (vốn cho VAMC) nhưng so với 200.000 tỉ đồng cần xử lý năm tới thì cũng là con số rất nhỏ bé”, ông nói.
Thống đốc cho biết, có nước sử dụng đến 60% GDP, hay ít nhất cũng 7-8% ngân sách để xử lý nợ xấu, còn Việt Nam không dùng chút ngân sách nào để xử lý nợ xấu. Vì thế, mô hình này (VAMC) là có thể chấp nhận được.
“Bản chất của VAMC Việt Nam khác bên ngoài là ngay từ đầu ta có chủ trương không sử dụng ngân sách để xử lý nợ xấu. Đây là điểm khác biệt cơ bản”, ông Bình nói.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Phúc đặt câu hỏi tại Diễn đàn Kinh tế mùa Thu vừa qua: theo phản ánh của đại diện cộng đồng doanh nghiệp, phải chăng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chuyển nguy cơ đổ vỡ của mình sang hệ thống doanh nghiệp khi lạm phát dự báo chỉ khoảng 4% mà lãi suất cho vay lên đến 7-8%?
Trả lời điểm này, Thống đốc cho biết, khó đưa mức lãi suất xuống 5% từ mức 6% (6 tháng) do lạm phát vẫn còn cao, và chưa chắc chắn được kiểm soát.
“Chính sách không ổn định sẽ tạo ra sự chấp chới và mất lòng tin của người dân”, ông nói.
Phần trả lời của ông được Ủy viên Bộ Chính trị, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao. Bà nói: “Qua phần trả lời Thống đốc cho thấy, Thống đốc đã rất nghiêm túc và có nhiều nỗ lực về thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội và kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện chính sách tiền tệ, tái cơ cấu ngân hàng, xử lý nợ xấu và cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế”.
Nợ xấu vẫn đang là nút thắt nghiêm trọng nhất của nền kinh tế khi nhiều doanh nghiệp phàn nàn vẫn không thể vay vốn được.
Trích dẫn báo cáo mới đây của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Nguyên Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển nói tại Diễn đàn Kinh tế mùa Thu hôm 27-9 cho biết, chỉ có 12% doanh nghiệp được hỏi có thể tiếp cận vốn với lãi dưới 13%, còn lại là tiếp cận vốn dưới 16%.
Ông nói: “Có hai nguyên nhân là tổng cầu yếu nên doanh nghiệp không biết vay tiền làm gi; và doanh nghiệp không dám vay vì lãi suất cao dù có dự án tốt”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét