Thứ Bảy, 4 tháng 10, 2014

XIN ĐƯỢC TRANH LUẬN CÔNG KHAI SÒNG PHẲNG VỀ TÍNH ĐÚNG SAI CỦA CN MARX LENIN

Basam

Phản hồi cho bài viết “TẢN MẠN VỀ DÂN CHỦ” [1] của tác giả Nguyễn Thế Duyên.

Trường Sơn
03-10-2014

Trước hết, đây là một bài viết của một tác giả tự xưng “Tôi! Tác giả của bài viết này không phải là đảng viên cộng sản và chưa bao giờ nắm giữ một chức vụ gì dù là nhỏ nhất của chế độ” đang sống tại Hà Nội. Trong một hoàn cảnh hết sức nhạy cảm, tác giả có thể không công khai tên thật và địa chỉ. Tuy nhiên độ tin cậy cũng còn tùy thuộc vào nhận định của độc giả. Cứ tạm xem những thông tin trên là tin cậy để chúng ta sòng phẳng tranh luận.


Tôi, tác giả bài viết phản hồi này từng là một đảng viên đảng cộng sản, đại gia đình tôi có nhiều đảng viên, nhiều liệt sỹ từ thời chống Pháp và Mỹ, nhiều vô số kể huân/huy chương kháng chiến, nhiều người từng nắm chức vụ của chính quyền và cao nhất là chức Phó chủ tịch tỉnh của một tỉnh tại Miền Trung. Nghe có vẻ hơi buồn cười. Tuy nhiên tôi cũng xin nói thêm với tác giả Nguyễn Thế Duyên rằng, nhận thức là một quá trình, không ai hiểu cộng sản hơn những người cộng sản và tù nhân Vi Đức Hồi từng là giám đốc trường Đảng của tỉnh Lạng Sơn tức là người đã từng đọc/hiểu/giảng bài cho hàng nghìn người về triết học Marx, về CNXH, về nhà nước CS Việt Nam; và cũng chính là người bị chính quyền CSVN kết tội “tuyên truyền chống nhà nước” với một bản án 5 năm tù [2].

Tôi sẽ bàn về những vấn đề tôi cho là mâu thuẫn và sai lệch trong bài viết của tác giả Nguyễn Thế Duyên.
Thứ nhất:
Tác giả nêu ra một ví dụ về việc xây/sửa nhà của gia đình mình để dẫn chứng cho dân chủ. Trong quản trị kinh doanh có một môn học là lập chiến lược quản trị kinh doanh, nó buộc người quản trị phải đưa ra khả năng có thể để thực thi một kế hoạch. Anh không thể muốn và xây căn nhà 300 triệu đồng trong khi anh chỉ có thể có hoặc vay mượn thêm là 100 triệu. Chỉ có kẻ ngu dốt mới xây dựng một kế hoạch như thế. Kế hoạch quản trị càng hợp lý càng khả thi, tức là cùng một số tiền như nhau nhưng nếu tôi cần xây một căn nhà rộng rãi nhiều phòng ngủ cho một gia đình lớn thì tôi sẽ ưu tiên tiêu chí này hơn là tiêu chí trang trí nội thất sao cho căn nhà đẹp và lộng lẫy, chứ không phải bàn về hai mức kinh phí khác nhau để thực hiện một công việc. Kết quả là tác giả Duyên cũng phải chờ hai con của ông ta đem thêm tiền về mới xây được căn nhà. Tôi cho đây là một ví dụ sai lệch về bản chất của vấn đề dân chủ.
Thứ hai:
Trích: “Một chính sách đúng, Thậm chí là rất hay nữa, cũng không thể thay đổi được xã hội nếu như cái tiềm lực tài chính của đảng ấy quá nhỏ bé. Các cụ nhà ta có một câu rất hay để nói rõ điều này “Buôn tài không bằng dài vốn”.
Theo tác giả Thế Duyên thế nào là một chính sách đúng? Một chính sách đúng đắn phải được xây dựng dựa vào những điều có thật. Một chính sách đúng không bao giờ viễn vông Đã không có vốn hay vốn quá bé mà lại tính chuyện đao to búa lớn, dự tính kết quả tận trên trời thì đó có là một chính sách đúng nữa không? Điều này tác giả nêu ra ví dụ và chính tác giả phơi bày suy diễn sai lệch của mình.
Liên hệ với Việt Nam: một quốc gia nghèo, vừa thoát khỏi chiến tranh, dân số hơn 80% là nông dân và hàng xuất khẩu chủ đạo cũng là hàng nông lâm thủy hải sản. Vậy mà có kẻ đã ngu dốt và ấu trĩ tới mức quyết xây dựng VN tới năm 2020 thành nước công nghiệp, rồi dùng một lô “quả đấm thép” để đất nước thất thoát hàng chục tỉ đô la, quyết chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp sang công nghiệp bằng cách quy hoạch đất đai lung tung, dân chưa kịp được đào tạo nghề nghiệp đã mất đất. Thử hỏi, chính sách đó là đúng hay sai? Hãy nhìn sang Thái Lan mà xem, họ cũng là một nước nông nghiệp và họ phát triển theo hướng nông nghiệp tiên tiến. Hàng nông nghiệp của Thái Lan luôn có giá cao ngất ngưỡng, chen chân vào tất cả những thị trường khó tính nhất như Mỹ, Nhật, liên minh châu Âu. Gạo của Thái Lan luôn đắt hơn hai lần gạo của Việt Nam, trái cây của họ có những thứ đã bị VN lên tiếng là chôm giống của VN đem về lai tạo, cấy mô như Sầu Riêng, bưởi Năm Roi,…thế mà chúng ta không thể cạnh tranh lại họ. Thậm chí ngay cả những thứ cây trái ở VN mà gần như trời cho như chuối, vứt đâu sống đó chúng ta cũng không qua mặt được Thái Lan. Hoa tươi và cây cảnh của Thái Lan thì vừa đẹp, vừa bền. Trước năm 1975 Thái Lan hơn gì chúng ta? Bây giờ thu nhập của VN tụt hậu so với Thái Lan là 95 năm [3] .
Theo ông Nguyễn Thế Duyên “chiến lược phát triển VN thành một nước công nghiệp tới năm 2020” là đúng đắn hay không đúng đắn? Ai phải chịu trách nhiệm về quyết định sai trái này?
Thứ ba
tác giả Nguyễn Thế Duyên trích dẫn lời của Linh Mục Nguyễn Văn Lý rằng “Nhưng tôi nghĩ quan trọng là phải nghiêm túc suy nghĩ, công việc hiện nay phải được hướng dẫn bởi một lãnh tụ tài đức vẹn toàn. Phải có một học thuyết đủ sức thay thế chủ nghĩa Marx – Lenin, có đường hướng sát thực tế để người ta nhìn vào mà hy vọng rằng con đường ấy, tổ chức ấy sẽ làm cho Việt Nam ổn định hơn Indonesia, Thái Lan, Philippines.” Và cho đó là nhận thức đúng đắn.
Với tôi, tôi tôn trọng quan điểm của mỗi người nhưng tôi không cho rằng lãnh đạo phong trao dân chủ phải được hướng dẫn bởi một lãnh tụ tài đức vẹn toàn. Người Việt có câu “thời thế sinh anh hùng”, cuộc biểu tình đang diễn ra tại Hồng Kông với một lãnh tụ sinh viên tuổi 17 non nớt nhưng bản lĩnh đã là một minh chứng hùng hồn cho câu trả lời. Hãy cứ hành động đi trong khả năng của mình có thể, đừng quá trông đợi vào lãnh tụ vì không ai dám nhận mình là người tài đức vẹn toàn cả. Ông Hồ Chí Minh cũng đâu phải là một người tài đức vẹn toàn nhưng ông ta vẫn thành công trong việc tuyên truyền cho chủ nghĩa CS phát triển tại VN trong một giai đoạn lịch sử đặc biệt là người dân quá khát khao tự do, thoát khỏi chế độ Thực Dân Pháp. CNTB không có một học thuyết nào hết, nó được hình thành và phát triển từ thực tiễn, từ sự phát triển tất yếu của lịch sử nhân loại và nó vẫn đang thể hiện những ưu điểm của nó dù vẫn còn tồn tại khuyết điểm. Vì vậy đừng hy vọng “phải có một chủ thuyết nào khác thay thế CN Marx-Lenin thì mới mong con đường dân chủ cho VN” là một sự hoang tưởng. Đừng mơ ổn định hơn Indonesia, Thái Lan, Philippines mà hãy được như họ thôi, hoặc thậm chí cởi mở như Myamar kia cũng đáng quý lắm rồi ông Thế Duyên ạ.
Thứ tư
Trích “Hiện nay chưa thể có một đảng nào đủ mạnh để có thể đòi chia sẻ quyền lãnh đạo với đảng cộng sản. Biết là không thể được nhưng chúng ta vẫn cứ lao đầu vào cái điều kị nhất của chế độ độc đảng để rồi bị bắt bớ, bị tù đầy trong khi lực lượng dân chủ còn đang rất yếu ớt, đầy nghi kị và chia rẽ liệu đấy có phải là một điều khôn ngoan?
Sao ông Nguyễn Thế Duyên không hỏi những người cộng sản trong những ngày mới được thành lập, tại sao họ vẫn lao vào cái điều cấm kị chấp nhận cả những cái chết thảm khốc khi họ tin vào lý tưởng cộng sản? Tự do dân chủ chưa bao giờ được cho không biếu không, chúng ta phải tranh đấu mà giành lấy. Khi người dân nhận ra những chân l thông qua những nhân vật tranh đấu, chấp nhận hy sinh thiệt thòi của bản thân thì nó sẽ làm nhân dân mở mắt, sự hy sinh của những nhà dân chủ không hẳn là vô nghĩa. Đừng đòi hỏi một đám cháy lớn khi không được bắt đầu từ một ngọn lửa nhỏ.
Tác giả lấy dẫn chứng về cái quyền im lặng và nhấn mạnh “Tất nhiên đây là một quyền rất chính đáng không ai có thể phủ nhận” thế tại sao quốc hội không thông qua? Hay nói rõ hơn, nếu quyền im lặng là quyền con người thì không một luật phát nào được đặt cao hơn nó, đương nhiên nó tồn tại không cần phải xin phép ai. Vậy có phải chính quyền CSVN đang vi phạm quyền con người khi tự cho mình có quyền hạn chế nó? Rồi Tác giả đưa ra một lý do hết sức buồn cười “Thử hỏi chúng ta đào đâu ra luật sư để thực thi cái “Quyền im lặng” này?”. Đã là quyền thì chính những kẻ thực thi pháp luật như công an, toà án, viện kiểm sát phải thực thi trước tiên không cần sự có mặt luật sư.
Thứ năm
Khi quan điểm “quân đội chỉ trung thành với nhân dân và tổ quốc”, tác giả Thế Duyên cho rằng : “Điều đòi hỏi này là vô ích nhưng nó lại dính đến điều đại kị của chế độ nên chế độ sẽ lập tức phản ứng thế là vô hình dung cái đòi hỏi vô nghĩa ấy lại biến thành một vật cản trở tiến trình dân chủ”. Đây là một quan điểm vô cùng phản động.
Quân đội là do nhân dân mà ra, tiền thuế cuả nhân dân đóng góp để nuôi quân đội hoạt động, không trung thành với nhân dân thì trung thành với ai? Nếu theo quan điểm của tác giả Thế Duyên, tại Mỹ có hai đảng chính thay nhau lãnh đạo nhân dân Mỹ là đảng Dân Chủ và Đảng Cộng Hòa, vậy quân đội của họ phải trung thành với đảng nào? Giả sử nếu chế độ công sản này tại VN sụp đổ, một chế độ khác lên thay thì lúc đó quân đội sẽ phải trung thành với ai? Chỉ có dân tộc mới là trường tồn. Đòi hỏi quân đội phải trung thành với Đảng cộng sản VN là một sự tước đoạt, cướp công lao của nhân dân. Nếu bắt quân đội phải trung thành với đảng thì không được bắt dân đi nghĩa vụ, chỉ tuyển những kẻ là đảng viên thôi, không được mượn máu của dân để bảo vệ đảng, không được dùng tiền thuế của dân nuôi quân đội nữa.
Thứ sáu
Trích: “các vị đòi những người cộng sản từ bỏ chủ nghĩa Mác. Thật hết sức vô lý” và được tác giả Thế Duyên diễn giải như sau
Thứ nhất—Các vị hiểu gì về chủ nghĩa Mác? Tôi đã đọc những bài kêu gào của các vị nhưng chưa thấy một vị nào chỉ ra nổi chủ nghĩa Mác sai ở đâu. Các vị chỉ lấy duy nhất sự sụp đổ của hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa làm bằng chứng cho sự sai lầm của chủ nghĩa Mác. Điều đó là hết sức phiến diện”.
Tôi mạn phép hỏi ông bà Thế Duyên hiểu gì về chủ nghĩa Marx? Ông/bà đọc được bao nhiêu quyển sách về Marx và những quyển sách chỉ trích chủ nghĩa Marx? Xin đọc lại bài viết tôi đã đăng vào ngày 17/09/2014 [] để xem ông/bà có nhận thức được sự đúng sai hay không. Nếu chủ nghĩa Marx đúng đắn tại sao nó lại sụp đổ? Hãy nằm lòng trong đầu thực tiễn là thước đo của mọi chân lý.
‘Tác giả Thế Duyên viện dẫn tới nực cười “Mác sai hay các học trò của Mác sai?”. Nếu học trò của Marx sai thì phải kéo cổ cái lũ học trò ngu si dốt nát này xuống, tại sao chúng nó sai mà vẫn đòi lãnh đạo nhân dân trải qua biết bao đau thương chết chóc, nợ nần?
Trích “Thứ hai: Các vị khoác cho mình cái áo “Dân chủ” nhưng khi các vị đòi những người cộng sản phải từ bỏ chủ nghĩa Mác là lúc các vị trở thành những người phản dân chủ”.
Không ai đòi những người cộng sản từ bỏ lý tưởng hay tà giáo của họ cả, một thứ giả thuyết mà Ngày 25 tháng 1 năm 2006, tại thành phố Strasburg (Pháp), Hội đồng châu Âu (Parliamentary Assembly of the Council of Europe) một cơ quan dân cử của 46 quốc gia Châu Âu, đã có cuộc họp thường niên (bốn lần trong một năm) bỏ phiếu và thông qua (99 phiếu thuận, 42 phiếu chống) Nghị quyết 1481 (2006) với các điều khoản (14 điều) lên án chủ nghĩa cộng sản và coi chủ nghĩa này đã phạm tội ác chống lại loài người [5].
Trong đó điều 2 của nghị quyết 1481 chỉ rất rõ: “…Những chế độ độc tài toàn trị cộng sản gồm khối Liên xô, Đông Âu trong thế kỷ 20 và một số chế độ cộng sản hiện vẫn còn cầm quyền ở 4 nước trên thế giới (TQ, VN, Cuba, Bắc Hàn), đều là những quốc gia vi phạm nhân quyền. Những vi phạm này tuy khác nhau về cấp độ văn hoá, về ranh giới quốc gia, cũng như tùy giai đoạn lịch sử nhưng đều có chung những cuộc giết người tập thể, ám sát, thủ tiêu cá nhân không cần xét xử, biến đất nước thành trại tập trung với sự đầy đọa con người về thể xác cũng như tinh thần: tra tấn, nô lệ hoá, lao động khổ sai, tù đầy, khủng bố tập thể, ngược đãi, ám sát vì lý do chủng tộc, tôn giáo, chính kiến; vi phạm quyền tự do tư tưởng, xúc phạm lương tâm con người, cấm tự do báo chí, tự do chính trị, độc tôn, độc quyền, độc đảng…”
Các vị tôn thờ chủ nghĩa cộng sản do ông Marx xướng lập là quyền của các vị nhưng nó không phải là niềm tin của dân tộc, không phải là lựa chọn của người dân chúng tôi nên đừng áp đặt và bắt cả một dân tộc này phải đi theo học thuyết hoang tưởng đó. Người dân VN không mấy người theo học thuyết Marx và CNCS, có những người không biết gì về CN Marx. Hãy làm một cuộc trưng cầu dân ý xem rồi hãy tuyên bố, ông bà Thế Duyên ạ.
Đọc toàn bài của tác giả Nguyễn Thế Duyên, nó phơi bày nhiều quan điểm lệch lạc, biện dẫn vô lý để đưa ra một nhận định hay một kết luận cá nhân của ông/bà Duyên. Tôi tin rằng, tác giả này nếu không phải là một cây bút chuyên về mảng tuyên truyền cho CNCS và học thuyết Marx (phải khoác một chiếc áo khóac, đeo một chiếc mặt nạ khác) thì chắc chắn phải là một người chưa đọc kỹ về Marx, chưa từng đọc những quyển sách chỉ trích gay gắt chủ nghĩa Marx đã từng được xuất bản và được đông đảo người dân khắp năm châu đón đọc.
Trộm nghĩ, việc phân tích, phơi bày, tranh luận rộng rãi tính đúng sai của học thuyết Marx sẽ là tiền đề cho việc lấy ý kiến của dân chúng VN rằng chúng ta sẽ trưng cầu dân ý xem “ai tin tưởng chủ nghĩa Marx là đúng đắn” hay “Dân tộc VN có nên xóa bỏ chủ nghĩa Marx hay không” là vô cùng cần thiết. Vì vậy, tôi xin mượn diễn đàn Anhbasam để xin tranh luận song phẳng với tác giả Nguyễn Thế Duyên và mong đơị một sự quan tâm theo dõi sát sao của qúy vị đọc giả. Đồng thời, mỗi người chúng ta hãy phổ biến rộng rãi cuộc tranh luận này thông qua các trang mạng xã hội nhằm lôi kéo sự quan tâm của dư luận.
Mong một bài viết tiếp theo của tác giả Nguyễn Thế Duyên
TS
TÀI LIỆU THAM KHẢO
  1. http://anhbasam.wordpress.com/2014/10/03/3022-nguyen-the-duyen-tan-man-ve-dan-chu/
  2. http://en.wikipedia.org/wiki/Vi_Đức_Hồi
  3. http://nld.com.vn/cong-doan/giat-minh-voi-thu-nhap-cua-nguoi-viet-nam-so-voi-khu-vuc-2012033107222749.htm
  4. http://anhbasam.wordpress.com/2014/09/17/2970-viet-ve-mot-con-ga-mai-de-pgs-ts-nguyen-manh-huong/
  5. http://vi.wikipedia.org/wiki/Nghị_quyết_1481_của_Hội_đồng_châu_Âu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét