Boxitvn
Mai Thái Lĩnh
Đây chỉ là câu chuyện của một thành phố nhỏ trên
cao nguyên. Nhưng cũng như việc tìm hiểu một tế bào hay một bộ phận có
thể giúp ta hiểu được tình trạng chung của một cơ thể, câu chuyện này có
thể giúp độc giả hình dung được diện mạo của cái gọi là “chủ nghĩa xã
hội” trên đất nước ta trong gần ba thập kỷ vừa qua, nghĩa là trong giai
đoạn được mệnh danh “đổi mới”.
Sân golf Đà Lạt trong các đồ án thời Pháp thuộc:
Mặc dù người Pháp đã có ý định xây dựng một sân golf
tại Đà Lạt từ rất sớm, mãi đến đầu thập niên 1920 công việc này vẫn chưa
được tiến hành. Trong đồ án đầu tiên của Đà Lạt do kiến trúc sư Ernest
Hébrard thiết kế vào năm 1923, địa điểm xây dựng sân golf nằm ở phía
đông-bắc của hồ nước lớn nhất (tức hồ Xuân Hương ngày nay). Địa điểm này
không nằm sát bờ hồ, như chúng ta thấy trong hình sau đây:
Hình 1 : Trích đồ án Hébrard 1923
Nhìn vào bản đồ, chúng ta thấy địa điểm xây dựng sân
golf (Golf Links) nằm trong Khu đất dành cho thể thao (Terrain de
sports), giữa Câu lạc bộ Thể thao (Club sportif) và khu dành cho Bơi lội
(Natation) – Chạy bộ (Courses). Đối diện phía bên kia suối là Trường
trung học dành cho nam sinh (Collège de garçons). So sánh với các bản đồ
sau này, chúng ta thấy vị trí này hầu như không thay đổi; nhưng do hồ
lớn ở trung tâm thành phố (tức hồ Xuân Hương ngày nay) được mở rộng hơn
so với ban đầu cho nên dòng suối chảy giữa sân golf và trường Trung học
Yersin (Grand Lycée) không còn là một dòng nước hẹp mà đã trở thành một
phần của hồ trung tâm.
Điều đáng nói là nếu dựa theo đồ án Hébrard, trên khu
đất phía bắc của hồ (hướng tây-nam của sân golf) sẽ chỉ có một công
viên (jardin public) nhỏ, phần còn lại được dành để chia lô làm nhà
(lotissements). Nói cách khác, nếu thực hiện đúng đồ án của Hébrard,
phần lớn khu vực Đồi Cù hiện nay đều là biệt thự hay nhà dân, và Đà Lạt
sẽ không có một thắng cảnh được gọi tên là Đồi Cù.
Trái với ý kiến của nhiều người (kể cả một số chuyên
gia trong ngành kiến trúc – xây dựng ở nước ta), đồ án Hébrard không
phải là đồ án duy nhất định hình cho Đà Lạt trong nửa đầu của thế kỷ 20.
Trong thực tế, công tác quy hoạch của Đà Lạt trong giai đoạn này đã
chịu ảnh hưởng của hai đồ án quan trọng: đồ án Hébrard 1923 và đồ án Pineau 1932-33 (tên gọi đầy đủ là Đồ án chỉnh trang và mở rộng Đà Lạt 1932-33).
Louis Georges Pineau (1898-1987) tốt nghiệp bằng
thiết kế đô thị (urbanisme) năm 1927, tốt nghiệp bằng kiến trúc sư vào
năm 1928. Ông đến Đông Dương vào năm 1930, là kiến trúc sư hạng nhất của
Nha Công chánh Đông Dương (Travaux publics de l’Indochine) từ 1930 đến
1945, và từ 1941 đến 1944 là Phó giám đốc của Trung tâm Kiến trúc và
Thiết kế đô thị Hà Nội (Service central d’architecture et d’urbanisme de
Hanoï). Vào lúc được giao trách nhiệm quy hoạch lại đô thị Đà Lạt, ông
cho biết “chỉ có một phần nhỏ của đồ án (Hébrard) được thực hiện – bao
gồm cả việc phân lô và con đường tản bộ xung quanh hồ.”
Trong đồ án mới, Pineau đặc biệt phê phán việc phân
lô để làm nhà ở phía bắc hồ lớn. Ông viết: “Đồ án Hébrard – được dự kiến
cho một thành phố lớn, đã có một khuyết điểm là chuyển đổi nhiều địa
điểm thuận lợi cho việc cư trú thành các lô đất làm nhà khá dày. Thắng
cảnh biến mất giữa các công trình kiến trúc; những khu đất phân lô đó
bao quanh toàn bộ hồ; nếu sử dụng một cách diễn đạt của kiến trúc sư, có
thể nói hồ đã đánh mất kích thước (perdait son échelle) của mình do nằm cạnh các công trình kiến trúc và trở thành một vũng nước hẹp và bị thu nhỏ.”
Ông đề ra giải pháp như sau : “Để chống lại nguy cơ
đó, phần đất dành cho sân golf hiện nay được gia tăng và nối liền với hồ
bởi một công viên. Tất cả phần còn lại của vùng đất phía bắc hồ (rất
may là bao gồm các khu đất công của thị xã, lại gặp khó khăn trong việc
xây dựng) được bao gồm trong một vùng bất kiến tạo rộng lớn (une vaste zone non œdificandi).
Vùng đó tạo thành một góc lớn hơn 90 độ – có đỉnh là trung tâm của trạm
nghỉ dưỡng và kéo dài đến tận các đỉnh của dãy Langbian – nghĩa là đến
chân trời. Đó là khởi đầu của một công viên quốc gia – nơi bảo vệ hàng
loạt các loài phong lan đa dạng đang biến mất nhanh chóng nếu chúng ta
không chú ý giữ gìn, cũng như các loài thú như Nai cà-tông[1] và gấu – đang chịu cùng chung số phận.”[2]
Ý tưởng độc đáo của Pineau về một công viên quốc gia ở
phía Bắc Đà Lạt về sau đã không thể trở thành hiện thực. Nhưng chính
giải pháp “nối liền sân golf với hồ bằng một công viên” đã tạo ra khu
vực Đồi Cù nổi tiếng về sau này.
Trong đồ án cuối cùng của người Pháp tại Đà Lạt (tức đồ án Lagisquet năm 1943),
phần đất phía bắc Hồ Lớn (Grand Lac – tức hồ Xuân Hương hiện nay) được
ghi chú số 24 (espaces libres, khoáng địa) và 19 (sports-stades, thể
thao-sân vận động). Viễn cảnh nhìn về phía núi Lang-Bian vẫn được bảo
tồn như dự kiến của Pineau. Tuy đồ án này không nói rõ về sân golf nhưng
chúng ta có thể hiểu phần đất dành cho sân golf không có gì thay đổi so
với đồ án Pineau, vì phía bắc của Hồ Lớn vẫn là một công viên tự nhiên.
Cần lưu ý là vào thời điểm này (1943), sân golf đã được xây dựng xong
và đã trải qua 10 năm hoạt động.
Hình 2 : Trích đồ án Lagisquet 1943
Việc xây dựng gân golf trong thực tế đã thể hiện đúng
ý tưởng của Pineau: khu vực phía bắc Hồ Lớn bao gồm một sân golf và một
công viên nằm sát cạnh bờ hồ, như chúng ta thấy trên tờ bản đồ dưới đây
– được vẽ vào cuối thời Pháp thuộc:
Hình 3 : Trích bản đồ Đà Lạt (khoảng cuối thập niên 1940)
Quá trình xây dựng sân golf Đà Lạt:
Trong một cuốn sách hướng dẫn du lịch Đà Lạt viết
bằng tiếng Pháp – xuất bản vào năm 1930, có đoạn ghi: “Sân golf đang
được xây dựng sẽ có 18 lỗ (…). Khai trương vào tháng 2 năm 1931.”[3]
Trong thực tế, sân golf Đà Lạt không hoàn thành đúng
kỳ hạn nói trên, bởi lẽ trong các tháng 4 và 5 năm 1931, một số báo ở Hà
Nội và Sài Gòn vẫn còn bàn cãi xung quanh kinh phí dành cho việc xây
dựng sân golf này. Vd: báo L’Éveil économique de l’Indochine chỉ
trích Toàn quyền Pasquier về việc lãng phí một số tiền quá lớn (750 ngàn
francs) để xây dựng một sân golf chỉ dành cho những “vị khách quý tộc”
(nguyên văn: “les nobles visiteurs”).[4]
Mặt khác, chi tiết “sân golf gồm có 18 lỗ” là không chính xác, vì trong
thực tế sân golf Đà Lạt dưới thời Pháp thuộc chỉ là “sân golf với 9 lỗ”
(golf à neuf trous), như đã được nói rõ trong bài viết về Đà Lạt của
Munier đăng trên tạp chí Indochine [5].
“Sân golf 9 lỗ” này tồn tại mãi cho đến tháng 4 năm 1975 và chỉ trở
thành “sân golf 18 lỗ” khi bắt đầu được “thương mại hóa” vào đầu thập
niên 1990.
Sân golf Đà Lạt hoàn thành vào năm nào?
Trong Tập san hành chính Trung kỳ (Bulletin administratif de l’Annam) số
2 năm 1933 (ngày 21 tháng 2 năm 1933) có ghi trích đoạn từ một quyết
định ngày 20-1-1933 cho phép thành lập một hội có tên là “Câu lạc bộ
Golf Đà Lạt” (Golf Club de Dalat).
Hình 4 : Trích đoạn từ quyết định cho phép thành lập Câu lạc bộ golf Đà Lạt 20-1-1933
Như vậy, chúng ta có thể ước đoán sân golf Đà Lạt
hoàn thành trong năm 1932. Và mặc dù chưa tìm ra bản điều lệ kèm theo
quyết định nói trên, với nội dung của đoạn trích (giấy phép có thể bị
thu hồi, mọi sửa đổi về điều lệ về sau buộc hội phải xin giấy phép mới),
chúng ta cũng có thể hiểu : sân golf Đà Lạt không phải là tài sản của
tư nhân hay của một hiệp hội mà là một tài sản công được giao cho một
hiệp hội (Câu lạc bộ Golf Đà Lạt) để sử dụng, nhưng hoạt động của hội
này phải dựa trên một bản điều lệ do chính quyền phê duyệt.
Tóm lại, khu vực về sau được người dân gọi tên là
“Đồi Cù” thật ra bao gồm hai bộ phận: một sân golf 9 lỗ được giao cho
Câu lạc bộ Golf Đà Lạt sử dụng (mà người dân thường gọi là “sân cù”) và
một công viên (jardin public) dành cho toàn thể nhân dân thành phố và
khách du lịch. Vì công viên này không được đặt tên, lại gắn liền với sân
cù (sân golf), cho nên người dân gọi tên là “Đồi Cù”. Như vậy, “Đồi Cù”
có thể được hiểu bằng hai nghĩa: toàn bộ khu vực Đồi Cù – bao gồm cả
công viên và sân golf (nghĩa rộng) hoặc chỉ bao gồm công viên “Đồi Cù”
(nghĩa hẹp).
Sự sống chung giữa một sân golf (một tài sản công
được giao cho một tập thể sử dụng) và một công viên (tài sản công phục
vụ lợi ích chung) đã được tuân thủ suốt thời Pháp thuộc. Những người
tham gia Câu lạc bộ Golf Đà Lạt có quyền chơi golf – một môn thể thao
của giới thượng lưu, nhưng không gây trở ngại gì cho người dân Đà Lạt
cũng như khách du lịch trong việc sử dụng công viên “Đồi Cù”. Đồi Cù
không hề bị rào lại để dành cho những người có tiền, toàn bộ hai tài sản
quý giá ấy cũng không trở thành tài sản để kinh doanh của bất cứ “đại
gia” hay tập đoàn tư bản nào cả.
Hình 5 : Trích bản đồ Đà Lạt tỷ lệ 1 : 10.000 phát hành năm 1960
Từ khi Đà Lạt được giao trả lại cho nhà Nguyễn với
quy chế “Hoàng triều cương thổ” (Domaine de la Couronne) – vào năm 1950,
cho mãi đến tháng 4 năm 1975, không có một đồ án thiết kế nào của Đà
Lạt được chính thức phê duyệt – do biến động về chính trị và do tình
trạng chiến tranh. Quy chế của khu vực Đồi Cù được coi như kế thừa từ
các đồ án thiết kế thời Pháp thuộc, như chúng ta có thể nhìn thấy trên
tấm bản đồ của Nha Địa dư Quốc gia Đà Lạt phát hành năm 1960 (hình 5).
Trên tấm bản đồ này, sân golf Đà Lạt (được ghi là Sân Cù) nằm ở
phía bắc con lạch nhỏ chảy theo hướng tây-bắc – đông-nam, đổ nước vào hồ
Xuân Hương tại địa điểm được đặt tên là “Vườn Bích Câu”. Sân Cù không hề bao gồm khu đồi phía bắc hồ Xuân Hương.
Tuy nhiên, vì ranh giới giữa sân golf và công viên
Đồi Cù không được xác định rõ ràng cho nên trong một số tấm bản đồ khác,
đã có sự nhầm lẫn về phần đất dành cho sân golf. Vd: trên tấm bản đồ Đà
Lạt tỷ lệ 1:12,500 do Quân đội Hoa Kỳ phát hành năm 1963, chữ Golf course (Sân Cù) được ghi hai lần – cả trên phần đất của sân golf lẫn trên phần đất của công viên.[6]
Sự nhầm lẫn này có lẽ là do những người lập bản đồ đã không hiểu rõ
cách thức quy hoạch của các kiến trúc sư người Pháp. Mặt khác, cũng có
thể sự nhầm lẫn bắt nguồn từ chỗ người dân gọi cả hai phần đất là “Đồi
Cù”.
Dẫu sao thì sự nhầm lẫn này vẫn chưa gây phương hại
một khi cả hai còn là tài sản công của “thị xã Đà Lạt”. Sự nhầm lẫn chỉ
trở nên tai hại khi toàn bộ khu vực Đồi Cù bị “thương mại hóa” vào đầu
thập niên 1990, như chúng ta sẽ thấy ở phần sau.
Khi toàn bộ Đồi Cù biến thành sân golf:
Sau tháng 4 năm 1975, tất cả những tài sản quan trọng
(nhất là đất đai) đều lọt vào tay “Nhà nước xã hội chủ nghĩa”. Cả sân
golf lẫn công viên “Đồi Cù” đương nhiên cũng thuộc quyền quản lý của
“Nhà nước xã hội chủ nghĩa”. Nhưng trong giai đoạn thường được mệnh danh
là “tập trung quan liêu-bao cấp”, chỉ có những nhu cầu căn bản như “ăn,
mặc, ở, đi lại” mới được coi là nhu cầu thiết thân, còn môn đánh golf
dành cho người có tiền đương nhiên bị xếp vào loại xa xỉ. Hơn thế nữa,
vào lúc đó kinh tế thị trường còn bị xếp vào phạm trù “kinh tế tư bản
chủ nghĩa”, khái niệm ”tấc đất tấc vàng” chưa phát huy tác dụng; do đó
khu vực Đồi Cù chưa trở thành miếng mồi béo bở của các nhà đầu tư, và
cũng chưa trở thành tâm điểm chú ý của những người có thẩm quyền.
Trong giai đoạn đó, sân golf trở thành hoang vắng,
còn cái công viên “trời cho” ấy tuy không được chăm sóc nhưng vẫn còn là
tài sản công, chưa trở thành sở hữu của riêng ai. Người dân Đà Lạt và
du khách vẫn có thể đến Đồi Cù để ngoạn cảnh, chụp ảnh; thanh thiếu niên
có thể đến đó để cắm trại, những cặp trai gái yêu nhau vẫn còn có chỗ
để tự tình, trẻ con có thể đến đó để chạy nhảy, thả diều, v.v…
Chỉ đến đầu thập niên 1990, nghĩa là sau khi Đảng
Cộng sản Việt Nam đã thực sự bước vào giai đoạn “đổi mới kinh tế”, thì
Đồi Cù mới bắt đầu trở thành một miếng mồi ngon để thu hút vốn đầu tư
của nước ngoài.
Vào hạ tuần tháng 4 năm 1992, một cách hết sức đột
ngột, toàn bộ khu vực Đồi Cù bị rào lại và sau đó các xe cơ giới rầm rộ
san ủi mặt bằng, đào đắp để biến toàn bộ khu vực này (bao gồm cả sân
golf cũ và công viên Đồi Cù) thành một sân golf hiện đại. Hành động vội
vã và thiếu minh bạch này đã gây ra một làn sóng phản đối thể hiện trên
báo chí – nhất là các báo phát hành ở miền Nam. Một bài viết đăng trên
báo Phụ nữ TP.HCM có nhận xét như sau : “Như vậy, có thể nhận
thấy việc khởi công xây dựng tại Đồi Cù không những đã tỏ ra vội vàng,
thiếu cân nhắc trước dư luận khá tập trung và rất chính đáng của quần
chúng mà còn được thực hiện trước khi có các thủ tục pháp lý cần thiết.
Dư luận tại Lâm Đồng cho rằng, việc thực hiện cập rập công trình này có
liên quan đến chuyến đi thăm Thái Lan của 6 vị chức sắc của tỉnh Lâm
Đồng vào tháng 12/1991, mọi chi phí do Công ty DANAO LTD đài thọ. Trong
số đó có những vị là chủ tịch tỉnh và phó chủ tịch tỉnh… ”[7]
Trong một bài báo đăng trên báo Lao động Chủ nhật
ngày 6-9-1992, nhà báo Phạm Thái đã phỏng vấn một số nhân vật như : Chủ
tịch Hội đồng Nhân dân TP. Đà Lạt Trần Trọng Bình, Phó Chủ tịch Ủy ban
Nhân dân TP. Đà Lạt Hoàng Đức Long, bà Đặng Việt Nga – Chủ tịch Hội kiến
trúc sư tỉnh; v.v… Tất cả đều cho biết họ không nắm được thông tin gì
về công trình “nâng cấp sân golf” trước khi công trình này được khởi
công.[8]
Việc thi công hấp tấp đó lại càng tỏ ra thiếu minh
bạch khi về sau, người ta được biết giấy phép đầu tư đã được Ủy ban Nhà
nước về Hợp tác Đầu tư ký từ ngày 8-8-1991 và giấy phép rào Đồi Cù đã
được Ủy ban Nhân dân Tỉnh ký từ ngày 31-1-1992. Hơn thế nữa, chủ trương
tiến hành thương mại hóa toàn bộ khu vực Đồi Cù hoàn toàn không thông
qua Hội đồng Nhân dân Thành phố Đà Lạt – cơ quan được mệnh danh là “đại
biểu của nhân dân” tại địa phương. Trong một kỳ họp của Hội đồng Nhân
dân TP. Đà Lạt diễn ra vào hạ tuần tháng 5 năm 1992, nhiều đại biểu đã
phát biểu ý kiến bày tỏ sự phản đối trước việc triển khai dự án xây dựng
sân golf 18 lỗ mà không thông qua cơ quan đại biểu của nhân dân thành
phố, và những người có thẩm quyền của cấp Tỉnh đã tỏ ra hết sức lúng
túng trước các câu chất vấn này. Mặc dù vậy, bất chấp sự phản đối từ
phía quần chúng địa phương, từ các đại biểu dân cử cũng như từ phía báo
chí, dự án “sân golf 18 lỗ” vẫn được tiến hành; bởi lẽ dưới chế độ cộng
sản, một khi dự án đã được lãnh đạo Đảng quyết định – lại được sự hỗ trợ
của đồng đô-la từ nước ngoài, thì không ai có thể ngăn cản, cho dù dự
án đó mang tính phiêu lưu hay điên rồ.
Vào lúc đó, khái niệm “sân golf hiện đại” vẫn còn khá
xa lạ đối với người Việt trong nước. Người dân chưa hình dung được sự
khác nhau giữa một sân golf tự nhiên với một sân golf “nhân tạo” kiểu
hiện đại, cũng như sự khác biệt giữa một sân golf hoạt động theo kiểu
“câu lạc bộ” thời Pháp thuộc với một sân golf “thương mại hóa”. Do đó,
khi Đồi Cù bị xới lên để đào đắp thành một sân golf tuy đẹp đẽ hơn nhưng
không giấu được vẻ “giả tạo”, nhất là khi toàn bộ khu vực này bị rào
lại như một lãnh địa riêng, mọi người dân Đà Lạt “chính cống” đều cảm
thấy như chính mình bị xúc phạm. (Nói người dân Đà Lạt “chính cống” là
để phân biệt với những người tuy sống ở Đà Lạt nhưng không hề có tâm hồn
của người Đà Lạt, hoàn toàn thờ ơ, vô cảm trước sự tàn phá những nét
đẹp thiên nhiên hay những giá trị văn hóa.)
Để che giấu việc “chiếm công viên để mở rộng sân
golf”, biến toàn bộ 65 hecta của khu vực Đồi Cù thành một cơ sở làm ăn
về kinh tế, công trình này được mệnh danh là “công trình nâng cấp sân cù
Đà Lạt”. Theo thông tin do nhà cầm quyền địa phương cung cấp cho báo
chí, công trình này nằm trong một kế hoạch “liên doanh” (joint venture)
giữa chính quyền tỉnh Lâm Đồng với một công ty có tên gọi là Công ty
Danao Ltd. British Virgin Islands có trụ sở tại Hong Kong. Phạm vi liên
kết kinh doanh bao gồm sân golf rộng 65 hecta, và hai khách sạn nổi
tiếng nhất của Đà Lạt trước năm 1975 – khách sạn Dalat Palace và khách
sạn Du Parc; ngoài ra còn có biệt điện số 1 (Dinh I) và một số biệt thự ở
đường Trần Hưng Đạo. Về sau, phạm vi liên doanh bị thu hẹp lại, chủ yếu
chỉ bao gồm sân golf Đà Lạt và hai khách sạn: Dalat Palace (được đặt
tên lại là Sofitel) và Hotel Du Parc (đặt tên lại là Novotel).
Vào tháng 9 năm 1992, giải thích với báo chí để phủ
nhận luồng dư luận cho rằng “Đồi Cù đã bị bán”, ông V.L. – Giám đốc Công
ty Du lịch Lâm Đồng (một trong hai thành viên của Liên doanh DRI) cho
biết : “Về dự án đầu tư theo hình thức góp vốn, mỗi bên 50%. Tổng giá
trị công trình là 40 triệu USD, trong đó Công ty Du lịch Lâm Đồng góp
vốn bằng nhà, đất hiện có trị giá 20 triệu USD và đầu tư nước ngoài 20
triệu USD bằng tiền mặt và nguyên vật liệu. Trong 10 năm đầu chúng ta
thu lợi nhuận qua tỷ lệ doanh thu từ 5-7%, và số thấp nhất bên đối tác
bảo kê là 400.000 USD/năm. Mười năm sau, ăn chia theo thực lãi, mỗi bên
năm mươi phần trăm. Sau 20 năm, bên đối tác phải bàn giao toàn bộ tài
sản cho phía Việt Nam. Sau mỗi năm giá trị thương mại của cơ sở du lịch
sẽ tăng lên. Nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã có ý kiến:
“Tham gia dự án liên doanh này, chúng ta không có gì để mất!”.
Vị giám đốc này (đồng thời cũng là một tỉnh ủy viên)
còn long trọng hứa: “Riêng về sân Golf Đà Lạt chúng tôi sẽ chịu trách
nhiệm trong việc gìn giữ cảnh quan thiên nhiên, khí hậu và môi trường.
Cũng cần nói thêm : khi sân Golf hoạt động, mọi du khách và nhân dân Đà
Lạt được quyền vào tham quan, xem đánh golf hoặc đi dạo chơi ngắm cảnh
thoải mái. Dĩ nhiên, du khách phải tuân theo nền nếp văn minh, lịch sự
hơn. Chúng tôi luôn mong muốn mang lợi ích đến cho nhiều người chứ chúng
tôi không biến Đồi Cù trở thành một biệt khu – chỉ dành riêng phục vụ
cho một giới thượng lưu.” [9]
Thân phận trôi nổi của Đồi Cù:
Đồi Cù với tư cách là một công viên tự nhiên đã tồn
tại trong phần lớn thế kỷ 20. Thế nhưng kể từ khi bị “thương mại hóa”,
thân phận trôi nổi của nó chẳng khác gì số phận của nàng Kiều.
Người chủ đầu tiên của sân golf Đà Lạt từ năm 1992 là
công ty DRI (Dalat Resort Incorporation) – một hình thức liên doanh
giữa Công ty Du lịch Lâm Đồng (một công ty quốc doanh) và công ty Danao
Ltd. British Virgin Islands có trụ sở tại Hong Kong. Nhưng Danao thực ra
chỉ là một tấm bình phong để “lách” lệnh cấm vận của Hoa Kỳ . Người chủ
thực tế của Danao là một nhà tỷ phú người Mỹ tên là Larry L. Hillblom
(1943-1995) – người đồng sáng lập công ty vận chuyển bưu kiện nổi tiếng
DHL. Sân golf Đà Lạt khánh thành chưa được bao lâu thì Hillblom mất tích
trong một tai nạn máy bay ngoài khơi Thái Bình Dương – gần đảo Saipan[10],
nơi ông ta cư trú từ thập niên 1980. Trong thời gian sau đó, báo chí
đăng vô số những bản tin và bài báo xung quanh việc chia gia tài của
Hillblom. Vấn đề gây tranh cãi là vì lúc còn sống, ông tỷ phú không có ý
định giao gia tài cho bất cứ ai trong gia đình, nhưng lại có di chúc
hiến tặng tài sản cho một viện đại học nhằm mục đích nghiên cứu về y tế –
đặc biệt là các nghiên cứu do Viện Đại học California (University of
California, UC) tiến hành. Mặc dù không có vợ con chính thức, ông tỷ phú
này lại có sở thích “mua dâm” đối với các cô gái còn trinh của vùng
Đông Nam Á – nhất là gái vị thành niên. Vì thế sau khi ông ta qua đời,
đã xảy ra một vụ kiện tụng kéo dài khoảng hai năm tại Tòa án Saipan,
trong đó 8 người phụ nữ thuộc nhiều nước ở Đông Nam Á đòi quyền thừa kế
cho 8 đứa trẻ được “khẳng định” là con của Larry Hillblom trong lúc ăn
nằm với họ.
Theo một bài báo trên tờ Chicago Tribune vào
cuối tháng 5 năm 1999, vụ kiện kết thúc vào cuối năm 1997 bằng một sự
dàn xếp, qua đó 60% tài sản được giao cho bốn đứa con được công nhận qua
xét nghiệm DNA (trong đó có một đứa bé là con của một cô hầu phòng
người Việt ở Phan Thiết), còn 40% được giao cho Quỹ Larry L. Hillblom
(Larry L. Hillblom Foundation) – quỹ từ thiện được thành lập năm 1996
dựa theo di chúc của Hillblom. Điều đó có nghĩa là bốn đứa con rơi của
Hillblom được nhận tổng cộng 300 triệu đô-la – nghĩa là 180 triệu đô-la
sau khi trừ thuế. Quỹ Hillblom được nhận 200 triệu đô-la miễn thuế. Số
tiền còn lại thu được do bán các tài sản của Hillblom – bao gồm các sân
golf và các khách sạn ở Đông Nam Á, sẽ được tiếp tục phân chia giữa
những đứa con rơi và Quỹ Hillblom.[11]
Những tin tức rất ít ỏi cho chúng ta biết Công ty
Danao Ltd. British Virgin Islands (tức công ty sở hữu 50% vốn trong Công
ty liên doanh DRI) vẫn tiếp tục hoạt động tại Việt Nam dưới cái tên
Danao International Holdings, Ltd. Do kinh doanh thua lỗ, phía Việt Nam
đã bán toàn bộ cổ phần trong DRI cho Danao; do đó số tài sản mà Công ty
du lịch Lâm Đồng góp vốn (bao gồm sân golf Đà Lạt, khách sạn Dalat
Palace và khách sạn Du Parc) trở thành tài sản riêng của Danao. Theo một
số nguồn tin thông thạo, để tạo điều kiện cho việc sang nhượng tài sản
cho nước ngoài, phía Việt Nam đã ký giấy phép nâng thời hạn sử dụng sân
golf Đà Lạt từ 20 năm lên 40 năm!
Hình 6 : Sân golf hiện nay – một cảnh đẹp nằm ngoài tầm tay của người dân Đà Lạt (nguồn: Dalat Palace Golf Club)
Vào năm 2007, báo chí đưa tin Indochina Land
Holdings– một chi nhánh của tập đoàn Indochina Capital (Hoa Kỳ) đã nắm
được đa số cổ phần của công ty Danao. Và đến tháng 6 năm 2010, một bản
tin của báo Tuổi Trẻ cho biết : sau cùng thì sân golf Đà Lạt cùng
với hai khách sạn Sofitel (tức Dalat Palace) và Mercure (tức Hotel du
Parc) đã được Indochina Capital bán lại cho một tập đoàn kinh doanh bất
động sản của người Việt có tên là Vina Properties Development
Group (VPD) – chủ tịch là Phạm Trịnh Phương. Người ta không rõ sân golf
18 lỗ được định giá bao nhiêu, chỉ biết trị giá của toàn bộ tài sản
nhượng lại cho Công ty VPD (bao gồm sân golf và hai khách sạn) là 47
triệu USD.[12]
Như vậy là một chu trình chuyển đổi quyền sở hữu đã
hoàn tất : từ chỗ là một tài sản công, Đồi Cù Đà Lạt biến thành một loại
tài sản “hỗn hợp” dưới danh nghĩa “liên doanh” (nửa công – nửa tư, nửa
quốc nội – nửa ngoại quốc), sau đó biến thành tài sản 100% của các nhà
tư bản ngoại quốc và cuối cùng lại được “Việt Nam hóa” để trở thành tài
sản riêng của các “đại gia” Việt Nam. Khi nói đến “đại gia”, chúng ta
phải hiểu đây là các nhà “tư bản đỏ” hoặc ít nhất cũng là các nhà “tư
bản thân hữu”, vì dưới sự chi phối của chủ nghĩa tư bản thân hữu (crony
capitalism), các nhà đầu tư bình thường không có mối quan hệ gắn bó với
các quan chức trong Đảng rất khó lòng chiếm hữu các tài sản quan trọng
này. Điều đáng nói là : toàn bộ quy trình chuyển đổi hình thức sở hữu
này đều diễn ra dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, và đều nhân
danh “chủ nghĩa xã hội”, “vì lợi ích của nhân dân”.
Điều mà các nhà lãnh đạo cộng sản đã hứa trước đây
hai mươi năm (tức là: toàn bộ khối tài sản sẽ được bên đối tác bàn giao
lại cho phía Việt Nam) đã trở thành một lời hứa rỗng tuếch, bởi vì khối
tài sản đó đã được “bán lại” cho tư nhân người Việt chứ không phải “bàn
giao” cho phía chính quyền Việt Nam để trở lại thành một công viên như
xưa.
Hình 7 : Hàng rào bao quanh Đồi Cù biến công viên thành tài sản của tư nhân (ảnh NVP)
Thay lời kết:
Ngày nay, sau hơn 20 năm kể từ khi Đồi Cù bị thương
mại hóa, du khách đến Đà Lạt khi đi trên con đường vòng quanh hồ Xuân
Hương có thể nhìn thấy một hàng giậu bao quanh sân golf, biến toàn bộ
khu vực này thành môt lãnh địa riêng biệt. Các thế hệ người Đà Lạt sinh
ra từ thập niên 1990 trở về sau không hề biết Đồi Cù như một công viên,
nơi đã từng chất chứa những kỷ niệm của các thế hệ người Đà Lạt trước
đó. Đồi Cù ngày nay – cho dù mượt mà hơn vì được phủ một lớp cỏ nhân tạo
xanh mướt để thay cho lớp cỏ tự nhiên ngày xưa, đã không còn là tài sản
chung của nhân dân thành phố. Hàng rào bao quanh thắng cảnh này trở
thành một niềm đau, một nỗi ô nhục mà người dân Đà Lạt phải gánh chịu
trong suốt hai thập niên và còn kéo dài không biết đến bao giờ…
Cuối cùng là một câu hỏi được đặt ra cho tất cả những người dân Đà Lạt và cả những người yêu Đà Lạt trên khắp thế giới : Đến lúc nào thì Đồi Cù được hoàn trả về cho người dân Đà Lạt, nghĩa là trở lại thành một công viên?
Câu hỏi nhức nhối này còn có liên quan đến một câu hỏi khác – còn nhức nhối hơn nữa: Đến khi nào người Đà Lạt mới trở thành người chủ thật sự ngay trên quê hương mình?
Đà Lạt, những ngày cuối năm Quý Tỵ chờ đón Xuân Giáp Ngọ 2014,
MAI THÁI LĨNH (tức HOÀNG THÁI LĨNH, THĐ 1964)
(Bài viết dành riêng cho đặc san Thông Reo, Đại hội Cựu học sinh Bùi Thị Xuân – Trần Hưng Đạo, San Jose, California, tháng 6 năm 2014)
[1] Nai Cà-tông (Cerf d’Eld, tên khoa học là Cervus eldii hay Panolia eldii) là một động vật của vùng Đông Nam Á, ngày nay trở thành quý hiếm và có nguy cơ tuyệt chủng.
[2] Louis-Georges Pineau, “Le plan d’aménagement et d’extension de Dalat”, La vie urbaine, Numéro 49 (Nouvelle série), Janvier-Février 1939, Paris, p.42.
[3] Petit Guide illustré de Dalat – Indochine française, Hanoi 1930, p. 33
[4] “Chez nos confrères”, L’éveil économique de l’Indochine, n° 684, 3 Mai 1931.
[5] P. Munier, “Dalat”, Indochine Jeudi
13 Mars 1941, page 8. Nguyên văn: “(A Dalat on a prévu le besoin de
sport des hivernants: grenouillère, cercle sportif, cercle nautique,
tennis, golf à neuf trous, etc…”)
[6] Map of Dalat 1:12,500, Edition 1-AMS, Series L909, U.S. Army Map Service, 1963 (12MB): http://www.lib.utexas.edu/maps/world_cities/txu-pclmaps-da_lat-1963.jpg
[7] Nguyễn Hùng, “Đồi Cù sẽ trở thành sân golf?”, Phụ nữ TP.HCM số 59, ngày 8-8-1992.
[8] Phạm Thái, “Đà Lạt hôm nay”, Lao động Chủ Nhật, ngày 6-9-92.
[9] Tích Lộc, “Phải chăng Đồi Cù đã bị bán?”, Đại Đoàn Kết số 17 (tháng 9-1992).
[10] Saipan là hòn đảo lớn nhất và là thủ đô của Quần đảo Northern Mariana (Northern Mariana Islands),
nằm trong vùng biển Tây Thái Bình Dương, cách căn cứ hải quân Guam 190
km về phía bắc. Là lãnh thổ ủy trị của Liên Hiệp Quốc (United Nations
trust territories) giao cho Hoa Kỳ quản lý, từ năm 1976 quần đảo này
từng bước trở thành một lãnh thổ tự trị nằm trong một “liên hiệp chính
trị” (political union) với Hoa Kỳ.
[11] Vincent J. Schodolski, “Estate Of Courier Tycoon Finally Delivers For 4 Heirs”, Chicago Tribune May 31, 1999:
[12] “Đà Lạt: Sân golf Đồi Cù thuộc về một công ty trong nước”, Tuổi Trẻ 1-6-2010:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét