Thứ Tư, 29 tháng 10, 2014

Trung Quốc lộ kế hoạch thâm độc xây đảo ở Trường Sa

http://vtc.vn/trung-quoc-lo-ke-hoach-tham-doc-xay-dao-o-truong-sa.311.513722.htm
29/10/2014 16:28
(VTC News) – Tờ Hoàn Cầu thời báo dẫn nguồn tạp chí Quốc phòng Jane’s của Anh hôm 27/10 loan báo, Trung Quốc đang phát triển các ụ tàu nổi để phục vụ cho kế hoạch xây đảo nhân tạo trái phép ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
» Mọi hoạt động của Trung Quốc tại Trường Sa là bất hợp pháp
» Trung Quốc đang mở rộng gấp đôi diện tích đảo ở Trường Sa
» Trung Quốc xây dựng sân bay trái phép ở Trường Sa

Trả lời phỏng vấn tạp chí Quốc phòng Jane’s, quan chức thuộc trung tâm nghiên cứu khoa học tàu thuyền Trung Quốc cho hay, hiện Bắc Kinh đang nghiên cứu phát triển nhiều ụ tàu đa năng, và những ụ tàu này sẽ được xây dựng trái phép trong quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Trung Quốc lộ kế hoạch thâm độc xây đảo ở Trường Sa
Trung tâm nghiên cứu phát triển khoa học tàu thuyền Trung Quốc công bố sơ đồ thiết kế của ụ tàu tại cuộc triển lãm biển quốc tế 2014 ở Đại Liên

Tại cuộc triển lãm biển Quốc tế 2014 diễn ra ở thành phố Đại Liên, đại diện trung tâm nghiên cứu này đã công bố sơ đồ kiến trúc của các ụ tàu mới.
Theo đó, những ụ tàu này sẽ được xây dựng ở đất liền Trung Quốc, sau đó được chuyển lên đảo và lắp đặt hoàn thiện. Hệ thống hoàn chỉnh của ụ tàu được tạo bởi một sàn hình chữ nhật cỡ lớn với một cây cầu nối với đảo.
Trước tiên, Trung Quốc sẽ xây dựng thử nghiệm các ụ tàu ở quần đảo Hoàng Sa. Sau khi hoàn thành giai đoạn này, các ụ tàu tiếp theo sẽ được xây dựng ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Trung Quốc đang nghiên cứu phát triển hai loại ụ tàu. Ụ tàu cơ bản bao gồm sàn thi công đa năng và một cây cầu nối vào đảo.
Theo đại diện trung tâm nghiên cứu khoa học tàu thuyền Trung Quốc, loại sàn thi công đa năng có thể đủ chỗ cho tàu thuyền cỡ 1.000 tấn neo đậu, ngoài ra nó còn là nơi bảo dưỡng hay sửa chữa các tàu cá, làm trạm phát điện, dự trữ hay cung ứng nước ngọt, làm giảm nồng độ muối trong nước biển, là nơi tích trữ nước mưa hay cung cấp các trang thiết bị.

Loại ụ tàu phức tạp hơn cần phải sử dụng giàn khoan nửa nổi nửa chìm, loại này có ưu điểm là tự nó có thể di động nhưng nhược điểm là khoảng cách di chuyển không dài. Loại giàn khoan này chỉ thích hợp cho việc xây dựng các đảo nhỏ như bãi nổi hay các rặng san hô bỏ hoang.

Cũng theo nguồn tin này, các ụ tàu có thể trở thành nơi sinh hoạt tạm thời của các công nhân thi công cũng như là nơi xử lý nước thải. Cây cầu nối sàn ụ tàu vào đảo được cho là có thể chịu được trọng lượng của xe tải 10 tấn.

Tờ Hoàn Cầu thời báo nói các ụ tàu này sẽ trở thành khu cư trú nhỏ trên những đảo xa, đáp ứng các nhu cầu cơ bản của người dân trên đảo, hơn nữa loại ụ tàu phức tạp này có thể mở rộng và cải thiện các đảo sau khi đã qua cải tạo.

Tuy nhiên, các ụ tàu nổi này lại phụ thuộc hoàn toàn vào các nhiên liệu từ bên ngoài, điều này sẽ làm giảm hiệu suất của ụ tàu.

Video: Phóng viên BBC vạch trần việc Trung Quốc xây dựng trái phép ở Trường Sa

Để giải quyết vấn đề này, Trung tâm nghiên cứu khoa học tàu thuyền Trung Quốc đang nghiên cứu phát triển ụ tàu phức tạp mới có khả năng biến sức gió thành điện. Khi đó, dễ dàng sử dụng tua bin hút gió trên sàn ụ tàu.

Hiện chưa rõ âm mưu thâm độc này đã được tiến hành đến đâu, tờ Hoàn Cầu thời báo cũng không tiết lộ số ụ tàu mà Trung Quốc toan tính xây dựng ở Hoàng Sa, Trường Sa.

Trung Quốc lâu nay luôn bộc lộ mưu đồ độc chiếm Biển Đông, tuyên bố chủ quyền trái phép với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam.

Việt Nam đã nhiều lần lên tiếng phản đối và khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Mọi việc làm của nước khác tại hai quần đảo này mà không có sự đồng ý của Việt Nam đều phi pháp và vô giá trị. 

Trang tin Người quan sát của Trung Quốc hôm 20/10 nói từ cuối năm 2013, Trung Quốc đã không ngừng ‘cải tạo, bồi đắp các bãi đá ngầm’ thành đảo nhân tạo.
Trong đó, có việc không ngừng mở rộng diện tích đảo Đá Chữ Thập (Trung Quốc gọi là đảo Vĩnh Thử) thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Đỗ Hường (theo Hoàn Cầu thời báo)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét