Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng Mỹ, Tướng Martin Dempsey và Tổng
tham mưu trưởng quân độ nhân dân Việt Nam, Trung tướng Đỗ Bá Tỵ duyệt
hàng quân danh dự tại Bộ Quốc phòng Hà Nội vào ngày 14 tháng 8 năm 2014. AFP http://www.rfa.org/vietnamese/manuallyupload/audio-player/player.swf
Một học giả người Nhật bản là ông Yoshiharu Tsuboi có viết một tác
phẩm mang tựa đề Nước Đại Nam giữa Pháp và Trung Hoa để mô tả tình thế
Việt nam kẹt giữa đế quốc kiểu cổ là Trung hoa với thế giới phương Tây
hồi giữa thế kỷ 19. Trong những năm đầu thế kỷ 21 này, Việt nam lại một
lần nữa kẹt giữa phương Tây và nước Trung quốc đang lên. Trong bối cảnh
đó trong những năm gần đây chính phủ Việt nam đề ra một chính sách gọi
là làm bạn với tất cả các nước, mà được gọi nôm na là chính sách đu dây.
Chính trị ngoại giao
Chính sách ngoại giao đu dây của Việt nam thể hiện rõ ràng nhất trong
những tháng gần đây. Giữa tháng tám chủ tịch hội đồng liên quân Hoa Kỳ,
ông Martin Dempsey đến thăm Việt nam, đánh dấu một mốc lịch sử quan
trọng giữa quân đội hai quốc gia. Sau đó phía Mỹ có tuyên bố là sẽ nới
lõng lệnh cấm bán vũ khí cho Việt nam trong dịp Bộ trưởng ngoại giao
Việt nam thăm Hoa kỳ vào đầu tháng 10.
Chỉ vài ngày sau, Bộ trưởng quốc phòng Việt nam, Đại tướng Phùng
Quang Thanh sang thăm Trung quốc. Trong dịp này những lời lẽ ngoại giao
nhẹ nhàng được hai bên đưa ra trong các tuyên bố với báo chí. Hầu như
cùng thời điểm đó, Thủ tướng Việt nam Nguyễn Tấn Dũng, trong chuyến thăm
châu Âu đã ra tuyên bố rằng dân chủ và nhân quyền là xu thế của thời
đại và Việt nam không đi ngoài cái xu thế đó. Lời tuyên bố có vẻ như hợp
với những áp lực thường xuyên của Hoa kỳ và phương Tây về những vấn đề
dân chủ và nhân quyền.
Hầu như các nhà quan sát chính trị Việt nam đều đồng ý với nhau rằng
Việt nam đang đứng giữa một bên là mô hình xã hội tự do mà nhiều người
Việt mong muốn để có một cuộc sống tốt hơn, còn bên kia là mô hình độc
đảng quen thuộc của đảng cầm quyền, tương đồng với Trung quốc, một cường
quốc đang lên và đang mong muốn lan tỏa ảnh hưởng toàn cầu của mình.
Vấn đề là Việt nam đi tìm sự kết hợp
trong mối quan hệ giữa Mỹ và Trung quốc sao cho có lợi nhất cho mục đích
của họ. Mà mục đich lớn nhất của họ là bảo vệ chế độ, bảo vệ đảng, cho
nên họ vẫn nghiêng về Trung quốc nhiều hơn
Tiến sĩ Vũ Hồng Lâm
Đánh giá về mối quan hệ tay ba Việt nam Mỹ Trung quốc, Tiến sĩ Vũ Hồng Lâm từ Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á ở Hawaii cho rằng:
“Tổng thể những ràng buộc về kinh tế, chính trị, quân sự, về ý
thức hệ giữa Trung quốc, Việt nam và Mỹ thì từ xưa tới nay, Việt nam bao
giờ cũng nghiêng về phía Trung quốc chứ chưa bao giờ đứng ở giữa. Người
ta thường nói là Việt nam đi giây giữa Mỹ và Trung quốc nhưng theo tôi
thì cách nói đó không nêu lên thực chất của vấn đề. Vấn đề là Việt nam
đi tìm sự kết hợp trong mối quan hệ giữa Mỹ và Trung quốc sao cho có lợi
nhất cho mục đích của họ. Mà mục đich lớn nhất của họ là bảo vệ chế độ,
bảo vệ đảng, cho nên họ vẫn nghiêng về Trung quốc nhiều hơn.”
Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh thăm Trung Quốc (nguồn mạng Bộ Quốc phòng TQ)
Về chuyến thăm Trung quốc của Đại tướng Phùng Quang Thanh, ông Vũ
Hồng Lâm nói là chuyện đó nằm trong mối quan hệ truyền thống giữa quân
đội hai nước kể từ khi chiến tranh lạnh kết thúc.
Ông Vũ Hồng Lâm nói thêm là quan điểm đó của những nhà lãnh đạo Việt
nam là phần cơ bản, nhưng ngoài ra quan hệ tay ba Việt Mỹ Trung cũng
đang chuyển động, và sự kiện giàn khoan Trung quốc xâm nhập vào thềm lục
địa Việt nam làm cho Việt nam nhích gần với Mỹ hơn.
Vào những ngày cuối tháng 11, người có quyền lực cao nhất của ngành
ngoại giao Trung quốc là ông Dương Khiết Trì thăm Việt nam. Đây là
chuyến thăm Việt nam thứ hai trong vòng năm tháng của ông Dương. Truyền
thông thế giới quan tâm tới việc này như là một cố gắng từ phía Trung
quốc để làm giảm căng thẳng giữa hai quốc gia. Điều này có thể thấy ở
lời lẽ nhẹ nhàng hơn của ông Dương, cũng như vẻ mặt vui vẻ hơn của người
tương nhiệm Việt nam Phạm Bình Minh so với lần viếng thăm trước của ông
Dương Khiết Trì.
Ông Nguyễn Thanh Giang, một nhà bất đồng chính kiến trong nước, nhận
xét về chuyến thăm của ông Dương Khiết Trì, khi được hỏi rằng những biểu
hiện trên liệu có phải cho thấy rằng quan hệ Việt Trung đã trở nên nồng
ấm hơn hay không:
“Tôi không thích dùng chữ nồng ấm, mà tôi nghĩ rằng họ biết điều
hơn nên họ xuống thang một cách bất đắc dĩ. Họ thấy được tin thần phản
kháng của người Việt nam đối với Trung quốc. Lý do thứ hai là họ thấy sự
xích lại của Việt nam với phương Tây, đặc biệt là với Hoa Kỳ. Hoa Kỳ và
phương Tây cũng thấy vai trò cần thiết của Việt nam ở Đông nam Á. Trung
quốc thấy cái nguy cơ một liên minh với Hoa Kỳ đang được hình thành. Họ
phải giả vờ nhún xuống để làm giảm đi cái tình cảm thoát Trung của
người Việt nam đối với chủ nghĩa đại Hán.”
Tôi không thích dùng chữ nồng ấm, mà
tôi nghĩ rằng họ biết điều hơn nên họ xuống thang một cách bất đắc dĩ.
Họ thấy được tin thần phản kháng của người Việt nam đối với Trung quốc.
Lý do thứ hai là họ thấy sự xích lại của Việt nam với phương Tây, đặc
biệt là với Hoa Kỳ.
Ông Nguyễn Thanh Giang
Kinh tế tài chánh
Trong những nổ lực mở rộng quyền lực và ảnh hưởng của mình trên thế
giới, Trung quốc cũng dùng khối dự trữ tài chính khổng lồ của mình. Vào
ngày 24/10/2014, 21 quốc gia châu Á, trong đó có Việt nam cùng nhau ký
một thỏa thuận thành lập Ngân hàng phát triển cơ sở hạ tầng châu Á tại
Bắc Kinh, trong đó Trung quốc là quốc gia sẽ cung cấp tín dụng nhiều
nhất.
Sự ảnh hưởng của kinh tế Trung quốc lên Việt nam đã được nhiều người
nói đến, từ sự nhập siêu của Việt nam, cho đến sự có mặt của hàng ngàn
công nhân người Trung quốc ở Việt nam. Khi được hỏi liệu việc Việt nam
vay mượn tiền từ ngân hàng phát triển cơ sở hạ tầng này sẽ làm cho Việt
nam phụ thuộc hơn nữa vào Trung quốc không, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, một
nhà hoạt động xã hội dân sự thường có những phản biện đối với chính phủ
Việt nam nói rằng ông không bi quan như vậy:
“Đối với một nước lớn như Trung quốc thì ảnh hưởng quốc tế và khu
vực của họ là một điều khó có thể tránh khỏi. Tôi nghĩ là nếu chúng ta
gắn nhiều quá vấn đề chính trị vào kinh tế thì khó có thể hài hòa được
trong vấn đề phát triển. Với Việt nam cũng cần khôn khéo để tận dụng tất
cả những lợi thế của mối quan hệ của Trung quốc với khu vực.”
Có một sự kiện là các quốc gia phát triển ở vùng châu Á Thái Bình
Dương như Nhật bản, Hàn quốc và Úc không tham gia vào sự thành lập ngân
hàng này. Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế từ Hà nội cũng có
nhận xét rằng sự kiện này đáng chú ý vì sự cạnh tranh địa chính trị của
nó, một bên là ngân hàng do Trung quốc chủ xướng thành lập, còn bên kia
là các định chế tài chính phương Tây như ngân hàng thế giới, ngân hàng
phát triển châu Á. Ông Lê Đăng Doanh nói là Việt nam và các quốc gia
Asean khác đang cần vốn để phá triển cơ sở hạ tầng nên tham gia ngân
hàng do Trung quốc thành lập.
Trả lời câu hỏi về sự ảnh hưởng mạnh mẽ hơn nữa trong tương lai của Trung quốc lên kinh tế Việt nam Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nói:
“Việt nam cũng đã ý thức được rất rõ tình hình này nên đã có một
quyết định chiến lược là sẽ tham gia hiệp định hợp tác xuyên Thái Bình
Dương gọi tắt là TPP. Bằng cách đó thì Việt nam có thể đa dạng hóa được
các đối tác về thương mại, bằng cách đó mở cửa ra để thu hút đầu tư nước
ngoài, làm cho Việt nam thực hiện được sự đa dạng hóa về quan hệ kinh
tế, và bớt phụ thuộc vào một nước cụ thể nào, và đặc biệt là Trung quốc.”
Nhận định chung về quan hệ tay ba Việt Mỹ Trung, nhiều nhà quan sát
tình hình Việt nam, trong đó có Tiến sĩ Vũ Hồng Lâm, cho rằng mối quan
hệ đó đang vận động, nó phụ thuộc vào sức ép từ Trung quốc trong mối
quan hệ của hai đảng cộng sản, sức ép từ phương Tây về những điều kiện
dân chủ nhân quyền, và sức ép từ chính nhân dân Việt nam trong cách nhìn
Trung quốc như một đế quốc kiểu đại Hán thời trung cổ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét