GS Nguyễn văn Tuấn FB
Tiếp tục đề nghị những biện pháp cải cách giáo dục, bài này bàn về việc sắp xếp lại hệ thống trường đào tạo, chấn chỉnh đào tạo tiến sĩ, và biện pháp nâng cao chất lượng đào tạo.5. Sắp xếp lại hệ thống giáo dục cao đẳng và dạy nghề
Trong điều kiện kinh tế hiện nay, tôi tin rằng VN cần phát triển hệ thống cao đẳng và dạy nghề hơn là đại học. Nói nôm na, VN cần nhiều thợ hơn là nhiều thầy. Mới đây có thông tin cho thấy năng suất lao động của VN thấp nhất trong vùng, chỉ bằng 1/18 của Singapore (31). Một trong những lí do năng suất lao động của công nhân VN thấp là do tay nghề còn kém và kém trình độ kĩ thuật và công nghệ.
VN đã có 207 trường đại học và 1.4 triệu sinh viên, con số có thể nói là quá cao trong điều kiện và trình độ phát triển hiện hành. Tính đến năm 2013, VN có 214 trường cao đẳng với 724 ngàn sinh viên. Theo tôi nghĩ, con số sinh viên cao đẳng còn quá thấp. Mấy năm qua, người ta chỉ quan tâm đến chất lượng giáo dục đại học, nhưng ít ai quan tâm đến giáo dục cao đẳng và dạy nghề. Theo tôi, hệ thống trường dạy nghề hiện nay còn rất nhiều chồng chéo về cơ quan chủ quản. Một số trường do bộ quản lí, một số khác thì do địa phương quản lí.
Do đó, tôi đề nghị sắp xếp lại hệ thống trường. Tôi nghĩ có 2 mô hình VN có thể tham khảo: mô hình TAFE của Úc, và mô hình cao đẳng cộng đồng của Mĩ. Thật ra, hai mô hình này về mục tiêu và triết lí rất giống nhau. Mục tiêu là cung cấp cơ hội cho học sinh sau trung học được trang bị một nghề vững vàng. Triết lí là bình đẳng cơ hội trong giáo dục. Tôi thì nghiêng về hệ thống của Úc, vì họ đào tạo cả những học sinh chưa tốt nghiệp trung học. Thật ra, theo tôi hiểu, VN cũng có hệ thống đào tạo nghề, nhưng đầu vào có vẻ khó khăn hơn so với Úc. Cần phải để cho các trung tâm dạy nghề tư nhân tham gia đào tạo nghề, nhưng phải được giám sát về chất lượng.
Hiện nay, chất lượng đào tạo cao đẳng và nghề cũng không đồng đều. Cũng như bậc đại học, nhiều học sinh sau khi tốt nghiệp các trường học nghề không xin được việc làm (32). VN thiếu thợ lành nghề vì những người thợ chưa được các thầy lành nghề, có kinh nghiệm nghề nghiệp đào tạo. Do đó, cần phải nghiên cứu và đề ra bộ chuẩn về đào tạo cấp cao đẳng và dạy nghề. Dĩ nhiên, bộ chuẩn đào tạo phải được thường xuyên thẩm định và thay đổi để cập nhật tình hình phát triển kinh tế trong nước và trên thế giới.
6. Sắp xếp và phân tầng đại học
Hiện nay, VN có 207 trường đại học, và con số này vẫn còn gia tăng hàng năm. Trong thực tế, dù mang danh là “đại học”, nhưng phần lớn các trường này được nâng cấp từ các trường cao đẳng, do đó chất lượng chưa thực sự là đại học mà chỉ cỡ dạy nghề. Không có lí do gì tồn tại đại học như “phòng cháy chữa cháy”, đại học “kĩ thuật bưu điện”, đại học “kĩ thuật hậu cần công an”, v.v. Cũng chẳng có lí do gì để đại học nha hay đại học dược tồn tại độc lập với trường y, và quả thật tại sao trường y lại tồn tại độc lập với một trường đa ngành. Có thể nói hệ thống đại học VN chẳng giống ai trên thế giới. Nhìn từ xa, đó là một phiên chợ giáo dục rất hỗ lốn.
Do đó, theo tôi, ngoài một số đại học chuyên ngành có lí do tồn tại, phần lớn các đại học khác đều nên sắp xếp lại thành những đại học đa ngành. Một đại học đa ngành có nhiều khoa hay trường, trong đó có trường y, nha, dược, kĩ thuật, kinh tế, luật, v.v. Đó là mô hình đại học mà phần lớn các nước trên thế giới sử dụng, và VN chẳng có lí do gì để “chẳng giống ai”.
Chưa có một đại học VN nào đứng trong danh sách các bảng xếp hạng quốc tế. Do đó, không thể đánh đồng theo kiểu trung bình hoá các trường đại học là như nhau. Theo tôi, phải phân chia các đại học thành 3 nhóm:
• Nhóm 1 gồm các trường ở hạng elite, có những chương trình nghiên cứu khoa học, với chứng cứ công bố quốc tế rõ ràng qua nhiều năm. Nhóm này được xem là có cơ may cạnh tranh với các đại học trong vùng và quốc tế.
• Nhóm 2 gồm các trường ở hạng có sứ mệnh chủ yếu là đào tạo và không có nhiều nghiên cứu. Nhóm này chủ yếu đáp ứng nhu cầu giáo dục đại học cấp quốc gia, họ không nhất thiết phải cạnh tranh với các đại học trong vùng.
• Nhóm 3 gồm những trường địa phương, với sứ mệnh chính là phục vụ nhu cầu đào tạo và giáo dục đại học cấp địa phương hay vùng.
7. Chấn chỉnh chương trình đào tạo tiến sĩ
Theo thống kê, hiện nay, VN đã có 24 ngàn tiến sĩ, nhưng số làm việc trong các đại học chỉ khoảng 9 ngàn, phần lớn còn lại là các quan chức. Thật vậy, 50% số quan chức cấp bộ trưởng của VN có bằng tiến sĩ, và tỉ lệ này được xem là cao nhất thế giới (33-34). Sở dĩ có tình trạng lạ thường này là do triết lí và mục tiêu đào tạo tiến sĩ đã bị hiểu sai hay muốn hiểu sai.
Chương trình đào tạo tiến sĩ của VN đã trở thành một trò đùa của công chúng. Người ta nhạo báng (và có lí do) về “tiến sĩ giấy”, những người có bằng tiến sĩ nhưng khả năng thì không xứng đáng với văn bằng đó. Có rất nhiều vấn đề trong chương trình đào tạo tiến sĩ ở VN (35). Những vấn đề đó là môi trường đào tạo quá kém, giáo sư có tư cách hướng dẫn luận án cũng còn kém về trình độ khoa học và nghiên cứu khoa học, thời gian ngắn, và những qui định lạ lùng chẳng giống ai trên thế giới, v.v. (36). Nếu ai còn nghi ngờ thì chỉ cần đọc qua các bài báo nghiên cứu y học ở trong nước sẽ thấy rất nhiều thiếu sót và sai sót (37). Rất nhiều nghiên cứu mà ý tưởng thì không mới, phương pháp nghiên cứu quá nhiều sai sót, báo cáo quá sơ sài, và giá trị khoa học chỉ có thể nói là dưới trung bình. Ấy thế mà cũng có nhiều người tốt nghiệp với học vị tiến sĩ từ những bài báo khoa học như thế! Điều đáng ngại hơn là những “tiến sĩ” này sẽ là những người thầy cô tương lai hướng dẫn các nghiên cứu sinh khác.
Có lẽ vì những bất cập mang tính dây chuyền trong thời gian qua mà ngày nay chúng ta có một nhóm [không ít] nhà nghiên cứu chưa có kiến thức chuyên sâu về lĩnh vực nghiên cứu mình theo đuổi, chưa am hiểu các tài liệu nghiên cứu cần thiết về lĩnh vực chuyên môn, thiếu kĩ năng phát hiện vấn đề hay đặt câu hỏi có ý nghĩa cho nghiên cứu. Chính vì thế mà biết bao nhiêu tiến sĩ ở nước ta không thảo nổi một đề án nghiên cứu (chứ chưa nói đến nghiên cứu). Tôi đề nghị tiến hành những việc sau đây:
Thứ nhất là rà soát lại xem trường đại học hay trung tâm nào hội đủ điều kiện đào tạo tiến sĩ. Hiện nay, rất nhiều trường đại học và viện ở trong nước đều có chương trình đào tạo tiến sĩ, nhưng có nhiều nơi cơ sở vật chất còn quá nghèo nàn, và thậm chí chưa có kinh nghiệm nghiên cứu khoa học tầm quốc tế. Cho nên, có lẽ chính phủ nên đề ra những tiêu chuẩn cụ thể và dựa vào những tiêu chuẩn đó để trao chức năng đào tạo tiến sĩ. Tôi đoán nếu làm theo các chuẩn mực quốc tế, thì con số trung tâm đào tạo tiến sĩ không quá 20. Tuy nhiên, chúng ta cần chất hơn là cần lượng. Cần phải mạnh dạn ngưng ngay các chương trình đào tạo tại các trung tâm nào không đủ tiêu chuẩn. Cũng có thể hợp tác với các trung tâm nước ngoài, đặc biệt là ở các nước Âu Mĩ, để đào tạo và nghiên cứu.
Thứ hai là nên phát triển hay xem xét các tiêu chuẩn mà các trung tâm đào tạo nước ngoài đã áp dụng để trao quyền cho các giáo sư hay nhà nghiên cứu nào có thể làm hướng dẫn nghiên cứu sinh tiến sĩ. Cần nhấn mạnh đến tiêu chuẩn quốc tế, bởi vì nói cho cùng, học vị tiến sĩ là một “giấy thông hành” làm nghiên cứu khoa học chuyên nghiệp. Nói đến nghiên cứu khoa học là nói đến tính quốc tế của nó, do giá trị của nghiên cứu khoa học không giới hạn trong một quốc gia nào. Nói đến “giấy thông hành” cũng là nói đến gia trị pháp lí quốc tế của học vị tiến sĩ. Người hướng dẫn phải được công nhận trên trường quốc tế, để cho nghiên cứu sinh của họ có thể tìm cơ hội thực tập hậu tiến sĩ ở bất cứ nước nào, chứ không chỉ tại Việt Nam.
Thứ ba là nên xem xét và đề ra những tiêu chuẩn chung cho một học vị tiến sĩ. Hiện nay, hình như chưa có đại học nào đề ra những tiêu chuẩn cho một học vị tiến sĩ, và do đó, chất lượng nghiên cứu sinh rất khác nhau giữa các trung tâm đào tạo. Thật ra, cũng rất khó mà đề ra những tiêu chuẩn cụ thể, vì tùy thuộc vào ngành nghề chuyên môn, nhưng có thể dựa vào một số tiêu chuẩn ở nước ngoài mà tôi đã trình bày trong một tạp chí khác mới đây để phát triển cho trường hợp ở Việt Nam.
Thứ tư là nên xem xét lại qui trình phản biện. Như phản ảnh của vài đại biểu về tình trạng thiên vị trong việc thẩm định luận án, vấn đề thiên vị ở đâu cũng có, nhưng khác nhau là ở chỗ minh bạch. Ở Australia và Mĩ, người hướng dẫn có trách nhiệm phải đề cử ít nhất là 4 chuyên gia thẩm định luận cho Hội đồng khoa bảng của trường đại học. Nhưng bốn người này phải được sự chấp nhận của nghiên cứu sinh, tức trước khi đề cử người hướng dẫn phải bàn thảo với nghiên cứu sinh. Tuy nhiên, Hội đồng khoa bảng chọn ai cụ thể thì cả người hướng dẫn và nghiên cứu sinh đều không có quyền biết. Việc làm này đảm bảo tính công bằng cho nghiên cứu sinh. Tôi đề nghị ngoài các giáo sư trong nước, cần mời một hay hai giáo sư hay nhà khoa học nước ngoài tham gia vào hội đồng thẩm định luận án. Sự có mặt của đồng nghiệp nước ngoài còn là một cách phát biểu về sự khách quan của quá trình chấm luận án.
Học vị tiến sĩ là một học vị cao nhất trong hệ thống giáo dục đại học. Ở các nước phương Tây, xã hội kính trọng những người có học vị tiến sĩ và gọi họ bằng danh xưng “Doctor”. Chương trình huấn luyện tiến sĩ là nhằm mục đích đào tạo một đội ngũ nhà khoa học có trình độ chuyên môn cao cần thiết cho việc phát triển khoa học và công nghệ của một nước. Những người này đóng vai trò then chốt trong nền khoa học, và là nguồn cung cấp nhân lực khoa bảng cho các trường đại học của nước nhà. Do đó, có một chương trình đào tạo và huấn luyện có chất lượng cao là một bước đầu cực kì quan trọng trong việc chấn chỉnh và phát triển giáo dục đại học ở trong nước. Hi vọng những chia sẻ kinh nghiệm và đề nghị trên đây sẽ góp một phần vào định hướng nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam.
Nước ta đang trên đà hội nhập và gia tăng giao dịch, kể cả quan hệ hợp tác khoa học, với thế giới bên ngoài, nhất là thế giới Tây phương. Các nhà khoa học tương lai của ta cần phải được đào tạo và huấn luyện qua một chương trình có qui củ quốc tế, mà trong đó họ được trang bị bằng những tri thức và kĩ năng chuyên môn không những mới nhất, mà còn phải sâu nhất, để sao cho họ không cảm thấy mặc cảm, mà còn tự hào cầm trong tay một học vị tiến sĩ từ Việt Nam.
8. Nâng cao chất lượng giáo dục đại học
Giáo dục sau trung học ở VN là một câu chuyện dài và buồn. Sinh viên ra trường kém về phẩm chất học thuật, còn trường đại học thì chẳng có “tên tuổi” gì trên trường quốc tế. Sự tụt hậu về kiến thức của sinh viên ta so với các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế còn khá lớn. Sinh viên ra trường chưa đảm nhận được công việc mà đáng lẽ những người được đào tạo như thế phải làm được, vì thiếu ý thức chủ động trong làm việc, thiếu khả năng ứng xử trong làm việc, thiếu năng khiếu về ngoại ngữ và quản lí, v.v. Một viên chức người Việt thuộc Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) nhận xét: “Hệ thống GD-ĐT [giáo dục và đào tạo] lâu nay của Việt Nam còn bất cập. Tỉ lệ người được đào tạo ra đạt tiêu chuẩn quốc tế là rất ít. Mọi việc cứ diễn ra một cách bình thường. Chỉ khi nào những tiêu chuẩn quốc tế được ‘soi’ vào, chúng ta mới giật mình. Thực tế là khi soi vào tiêu chuẩn của UNDP, hàng loạt cán bộ chuyên viên của Việt Nam đã không đáp ứng được điều kiện cần và đủ.”
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo ở trong nước, hàng năm có khoảng 20.000 sinh viên tốt nghiệp đại học và cao đẳng. Trong số này, chỉ có 50% sinh viên tốt nghiệp kiếm được việc làm sau khi tốt nghiệp; và trong số tìm được việc, chỉ có 30% tìm được việc đúng ngành nghề. Ngay cả những sinh viên đã tìm được việc làm, họ đều phải được huấn luyện lại, nhất là ở các công ti ngoại quốc. Theo nghiên cứu của bà Maureen Chao thuộc Trường Đại học Seattle (Mĩ), trong nhiều công ti liên doanh với Việt Nam, hầu hết sinh viên Việt Nam đều phải được đào tạo lại cả về chuyên môn lẫn kĩ năng giao tiếp!
Trải qua nhiều đợt cải cách và chỉnh sửa, các đại học VN vẫn chưa có dấu hiệu phát triển ở đẳng cấp quốc tế. Thật ra, chưa có một đại học hàng đầu nào của VN có thể sánh ngang hàng với các đại học hàng đầu trong vùng Đông Nam Á như Mahidol, Chulalongkorn, Malaya, Đại học Indonesia, Đại học Philippines, chưa nói đến ĐH Quốc gia Singapore. Ngược lại, với quá nhiều đại học mới được thành lập, vì thiếu cơ sở vật chất và thầy cô, nên chất lượng giáo dục là một câu hỏi lớn. Do đó, cải cách để nâng cao chất lượng giáo dục đại học phải là ưu tiên số 1. Tôi xin có vài đề nghị cụ thể như sau:
Thứ nhất, nên thành lập ủy ban nghiên cứu và giám định chất lượng giáo dục. Tôi vẫn nghĩ sự buông lỏng trong kiểm tra chất lượng là một lí do lớn dẫn tới tình trạng trên đây kém chất lượng đào tạo. Cố nhiên, mỗi đại học cũng phải có trách nhiệm về chất lượng đào tạo, nhưng dường như có một số trường chưa nhận trách nhiệm này một cách nghiêm túc. Để tìm hiểu nguyên nhân và từ đó nâng cao chất lượng đào tạo cho tương đương với các tiêu chuẩn quốc tế, ngay bây giờ, cần có một ủy ban có nhiệm vụ chính là nghiên cứu phương pháp giảng dạy, đề ra tiêu chuẩn đồng nhất về đào tạo (kể cả sách giáo khoa) và thẩm tra chất lượng đào tạo cho tất cả các trường đại học và cơ sở đào tạo cấp đại học hay sau đại học. Ủy ban này nên độc lập với Bộ Giáo Dục và Đào Tạo, nhưng phải có đại diện của Bộ, của các trường đại học, của chính quyền địa phương, các nhà doanh nhân, cơ sở nghiên cứu, và các nhà khoa bảng ở nước ngoài. Ở Nam Phi trong các thập niên 70s và 80s, ủy ban kiểm tra chất lượng đào tạo đại học này đã rất thành công trong việc nâng cao chất lượng sinh viên của họ.
Thứ hai, đào tạo và nâng cao giảng viên. Vấn đề đào tạo giảng viên trong các đại học chiếm một vị thế cực kì quan trọng trong việc nuôi dưỡng nhân tài. Trong khi các trường đại học ta đang thiếu thốn giảng viên một cách nghiêm trọng, số lượng được đào tạo trong nước chẳng là bao. Theo như một thống kê gần đây, trong vòng 30 năm qua, kể từ khi có quyết định chương trình đào tạo hậu đại học trong nước, trung bình mỗi năm cả nước chỉ đào tạo trên dưới 650 thạc sĩ và tiến sĩ, (con số năm nay có thể đã cao hơn nhiều). Rõ ràng, một số lớn này phải được đào tạo từ nước ngoài. Do đó, Việt Nam cần mạnh dạn gửi học sinh và giảng viên ra nước ngoài học hậu đại học nhiều hơn nữa. Nhưng đơn thuần gửi sinh viên ra ngoài học là một phương án tương đối đắc giá. Tôi nghĩ một phương án khác đỡ tốn kém hơn là qua đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu với các đại học nước ngoài, để qua đó tạo điều kiện cho cộng tác viên phiá Việt Nam có cơ hội làm luận án và đào tạo được thêm chuyên viên nghiên cứu và giảng viên cho Việt Nam với kinh phí vừa phải.
Thứ ba, đặt chất lượng nghiên cứu khoa học thành một tiêu chuẩn số một trong việc tuyển chọn và đề bạt các chức vụ khoa bảng. Các hàm như “giáo sư” không nên được xem là một danh hiệu vinh quang hay huân chương khoa bảng, mà chỉ là những chức vụ khoa bảng, dùng để ghi nhận sự cống hiến, và ở một khía cạnh nào đó, trình độ chuyên môn, của người được đề bạt. Một sự thật mà những ai hoạt động trong khoa học đều phải công nhận là sự hiện diện của các nhà khoa học ở trong nước trên trường quốc tế còn quá khiêm tốn. Để nâng cao chất lượng người được đề bạt và khuyến khích nghiên cứu khoa học, tôi đề nghị tiêu chuẩn được đề bạt không nên được căn cứ hay đặt nặng vào số lượng bài báo công bố, mà nên đặt nặng vào chất lượng của những bài báo đó. Ở Mĩ, có nhiều giáo sư thực thụ chỉ có 30 hay 40 bài báo (tất nhiên là có chất lượng, được đồng nghiệp trên thế giới ghi nhận), không cần đến con số 100 như các nước khác. Ở các nước phương Tây ngày nay, chất lượng các bài báo đã được công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế, thường được xem là những thước đo chuẩn về khả năng làm khoa học của người giữ các chức vụ khoa bảng trong đại học hay các viện nghiên cứu. Một người mang hàm “giáo sư” mà “vô danh” trên trường quốc tế trong lĩnh vực hoạt động của mình là một điều không thể chấp nhận được.
Thứ tư, thư viện và mở rộng truy nhập mạng internet. Thế giới ngày nay đang ở trong một thời kì cách mạng vĩ đại về thông tin, mà trong đó internet là một công cụ cực kì quan trọng. Công nghệ thông tin được công nhận là một bộ phận không thể thiếu được trong giáo dục. Internet không những là một kho tàng thông tin, một thư viện bách khoa vĩ đại của nhân loại, mà còn là một trường đại học của cộng đồng trên thế giới. Mạng internet đã và đang làm thay đổi hầu như trong mọi vận hành, kể cả cách thức giảng dạy và nghiên cứu, trong tất cả các trường đại học ở phương Tây. Internet, điện thư (e-mail), và hội đàm viễn liên (teleconference) đang nhanh chóng thay đổi lề lối làm việc và nghiên cứu của các đại học phương Tây. Ngày nay, ở các nước như Mĩ và Âu châu, nếu không có hệ thống internet chắc có lẽ trường đại học sẽ ngưng hoạt động! Do đó, giúp đỡ và tạo điều kiện cho các nhà nghiên cứu, sinh viên, học sinh tham gia vào cuộc cách mạng về công nghệ thông tin này cần phải được đưa lên một trong những quốc sách hàng đầu trong nền giáo dục. Tôi đề nghị Nhà nước nên dành một ngân khoản xứng đáng cho tất cả các trường đại học được nối vào một mạng chung. Trong khi việc nâng cấp các thư viện là một mục tiêu lâu dài, Nhà nước cần dành ra một ngân khoản giúp đỡ giảng viên và sinh viên ở các trường đại học hay viện nghiên cứu được truy nhập mạng internet miễn phí hay với chi phí tối thiểu, để cho họ có được những thông tin khoa học mới nhất hay có cơ hội trao đổi ý kiến với đồng nghiệp trên thế giới.
Đại học là nơi tập trung những thành phần trí thức ưu tú, và là cái nôi phát triển và nuôi dưỡng nhân tài. Nhưng điều đáng buồn ở Việt Nam ngày nay là đại học không có sức thu hút nhân tài, vì tình trạng lương bổng quá nghèo nàn, không đủ nuôi sống những nhà khoa học có tài thực sự. Vì thế, cần phải ổn định một số nhỏ nhà nghiên cứu làm nghiên cứu cơ bản qua tăng lương một cách xứng đáng cho họ có thể sinh sống trong một nền kinh tế thị trường. Một nhà khoa học không thể nào nghiên cứu trong khi cái tâm cứ nơm nớp lo nghĩ đến miếng ăn hàng ngày. Cần phải có chính sách cụ thể khuyến khích các nhà khoa học làm nghiên cứu ứng dụng và qua đó tăng khả năng thu nhập riêng cho họ và cho trường đại học. Cần phải khuyến khích (bằng các phần thưởng xứng đáng về vật chất và danh dự cho các) sinh viên tham gia thành công vào nghiên cứu khoa học.
Thứ năm, tranh thủ hợp tác và hỗ trợ của các nhà khoa học gốc Việt đang làm ở nước ngoài. Hiện nay, số lượng người Việt đang định cư hay làm việc ở nước ngoài đã lên đến con số hai triệu; trong số này, có ít nhất là 10% có trình độ đại học trở lên. Trong hầu như tất cả các nghành khoa học và trong nhiều đại học trên thế giới, đều có sự hiện diện của người Việt; trong số này, có nhiều người giữ chức vụ khoa bảng quan trọng, có khả năng khoa học kĩ thuật cao, có kinh nghiệm lâu năm trong nghiên cứu khoa học, có uy tín lớn với các cơ quan cung cấp tài chính cho nghiên cứu, và quan trọng hơn nữa, làhọ có tâm huyết với nền giáo dục trong nước. Thế nhưng cho tới nay, mặc dù có sự cộng tác cá nhân giữa vài nhà khoa học ở ngoài và các trường, viện nghiên cứu trong nước, việc huy động và sử dụng nguồn nhân lực khoa học này vẫn chưa được tiến hành một cách có hệ thống. Tôi đề nghị Bộ Giáo Dục và Đào Tạo nên xúc tiến một ngân hàng dữ liệu về các nhà khoa học gốc Việt đang làm việc ở nước ngoài trong các lĩnh vực khoa học. Và từ đó, nhà nước nên có chính sách cụ thể và tích cực nhằm tạo điều kiện cho các nhà khoa học gốc Việt ở nước ngoài có cơ hội giảng dạy, tham gia vào việc thẩm định các luận án sau đại học, và nghiên cứu ở trong nước.
Thứ sáu, nên mở ra những chương trình “visiting fellowship”, tức là chương trình thỉnh giảng. Tại các đại học và trung tâm nghiên cứu Tây phương, người ta đều có những chương trình “visiting fellowship” mà trong đó các giáo sư và nhà nghiên cứu ngoại quốc đến giảng dạy hay nghiên cứu trong một thời gian 3 hay 6 tháng. Đây là một hình thức “mở cửa” để trao đổi kinh nghiệm, để tìm cơ hội hợp tác với các đồng nghiệp nước ngoài, và qua đó tranh thủ sự tài trợ của họ.
****
Ngân hàng Thế giới xem “Giáo dục là trung tâm của phát triển. Giáo dục thăng hoa và nâng cao quyền lực cho công dân. Giáo dục là một trong những công cụ hữu hiệu nhất để giảm nghèo, và giảm tình trạng bất bình đẳng trong xã hội. Giáo dục giúp duy trì phát triển kinh tế.”
Ở nước ta, năm 2020 thường được đề cập đến như một cái mốc thời điểm để hoàn thành công cuộc kĩ nghệ hóa và hiện đại hóa đất nước. Thời gian 20 năm không phải là dài, nếu không muốn nói là quá ngắn, cho một mục tiêu đầy thử thách và tham vọng này. Những ai quan tâm tới nền giáo dục trong nước đều nhận ra rằng việc cải cách nền giáo dục là cần thiết, nhưng dường như ít người nhận ra sự khẩn trương của cải cách. Nếu ta vẫn chưa thoát ra khỏi lối suy nghĩ ao tù, nơi mà thế giới không bao giờ thay đổi, hay kiểu không làm được hôm nay thì có thể làm ngày mai, thì ta lại càng bị tụt hậu và thua kém các nước khác trong vùng. Vấn đề cải cách giáo dục và chất lượng giáo dục cần phải được giải quyết ngay từ bây giờ, không thể dần dà để 5 hay 10 năm nữa, nếu ta không muốn bị thế hệ sau phê phán là đã thụ động.
Loạt bài bàn về giáo dục và cải cách giáo dục đến đây là tạm kết thúc. Chỉ tạm thôi, vì khi nào có thêm sự kiện và thông tin, vấn đề này sẽ được bàn tiếp. Trong quá khứ đã có vài nhóm trong và ngoài nước đề ra những chương trình cải cách giáo dục, nhưng tất cả đều rơi vào quên lãng. Tôi không đến nỗi lãng mạn để nghĩ rằng “người ta” sẽ lắng nghe những nguyên lí tôi đề nghị hay làm theo những gì tôi đề xướng. Như vậy là tôi phí thì giờ? Cũng có thể là tôi đã phí thì giờ, nhưng chẳng hiểu sao tôi không nghĩ thế mà vẫn nói lên quan điểm của mình. Nói lên một cách có hệ thống cũng là một cách giải toả tinh thần và tự “giải phóng” mình vậy.
Tôi đã tập hợp 7 bài trong một bài trên trang blog cá nhân:
http://tuanvannguyen.blogspot.com.au/…/giao-duc-nhan-dang-b…
====
(31) http://kinhdoanh.vnexpress.net/…/tong-cuc-thong-ke-nang-sua…
(32) http://tuoitre.vn/…/truong-nghe-nguy-khon-phai-…/696069.html
(33) http://tuanvietnam.net/2010-08-08-trinh-do-hoc-van-bo-truong-
(34) http://tuanvannguyen.blogspot.com.au/…/bang-cap-cua-cac-bo-…
(35) http://dantri.com.vn/…/dao-tao-tien-si-o-viet-nam-nhung-chu…
(36) http://tuoitre.vn/…/dung-de-lam-phat-tien-si-tr…/590859.html
(37) http://www.ykhoanet.com/…/nguyenvantu…/nghiencuu_vietnam.htm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét