Thứ Ba, 6 tháng 1, 2015

Làm gì với Viện Khổng Tử ở Hà Nội?

BBC

Ngô nhân Dụng

Cuối năm 2014, ngày 27 tháng 12 một Viện Khổng Tử đã chính thức được đặt trong đại học Hà Nội. Mục đích được nêu ra là “thúc đẩy việc nghiên cứu, giảng dạy tiếng Trung Quốc, góp phần củng cố và phát triển quan hệ Việt-Trung …”

Nhưng giới trí thức Việt Nam không ai tin.


Người Việt và người Trung Hoa đều nghi ngờ vai trò của Viện Khổng Tử.
Thí dụ, ông Ngô Đức Thọ, thuộc Viện Hán Nôm Hà Nội, lo rằng Trung Cộng đang “mang ngay tư tưởng bành trướng Đại Hán cắm giữa thủ đô Hà Nội!”
Bên Trung Quốc, nhà tranh đấu Lưu Hiểu Ba, giải Nobel Hòa Bình, cho rằng hàng động này nằm trong kế hoạch thúc đẩy đầu óc dân tộc cực đoan trong nước Tàu; để dân quên cảnh chính quyền độc tài đàn áp; và cũng vì đầu óc muốn làm bá chủ thiên hạ của đám lãnh đạo Bắc Kinh.
Có thể nói ở nước ta từ đời Lý, Trần đã lập các Viện Khổng Tử, mà các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc cũng vậy. Bởi vì từ thế kỷ 19 về trước các dân tộc Á Đông này đều học kinh điển Khổng, Mạnh, dùng làm nền tảng giáo dục.

Vì sao lo ngại?

Nhưng tại sao bây giờ người Việt phải lo ngại về một Viện Khổng Tử?
Hơn nữa, hiện nay nhiều nước chung quanh vẫn chấp nhận các Viện Khổng Tử do Trung Cộng đài thọ, như tại Nam Hàn đã lập 17 viện, tại Nhật Bản có 13, Thái Lan 12, Indonesia có 7 viện.
Tại sao người Việt Nam chúng ta lại chống? Lý do chính là vì không người Việt nào tin Cộng Sản Trung Quốc. Chính tuần báo Anh quốc The Economist cũng nhận xét rằng Viện Khổng Tử là một “cơ quan nhà nước” cho nên nó sẽ đóng vai thi hành các chủ trương của Cộng Sản Trung Quốc.
Từ năm 1950 đến nay, chủ trương của Trung Cộng vẫn là muốn Việt Nam hoàn toàn lệ thuộc Bắc Kinh; mở đầu bằng viện trợ quân sự, sau là dậy đấu tố, chỉnh huấn, tạo ra một đảng cộng sản người Việt nằm trong tay Trung Cộng.
Cho nên ông Vũ Cao Phan, người từng giữ vai Phó chủ tịch hội Hữu nghị Việt Trung, tỏ ý nghi ngờ mục tiêu của Trung Cộng: “Viện Khổng Tử tại đại học Hà Nội … sẽ tuyên truyền những cái khác ngoài văn hóa!”
Ông Nguyễn Văn Tuấn nhìn ra, “Viện Khổng Tử … mở thêm một cánh cửa để Việt Nam lọt vào quĩ đạo [của Trung Quốc] lệ thuộc hơn nữa vào Tàu.”
Những phản ứng hoài nghi và chống đối của giới trí thức thủ đô Hà Nội và trên toàn quốc chắc sẽ không ngăn cản được quyết định thành lập Viện Khổng Tử. Đảng Cộng Sản Việt Nam cũng không dám ngăn cản nếu hoạt động của viện này là tuyên truyền cho “tư tưởng bành trướng Đại Hán.”
Nếu Trung Cộng đem sang những bản đồ vẽ cả vùng Hoàng Sa, Trường Sa thuộc Đường Chín Đoạn của Trung Quốc lưu giữ trong cái viện này, thì chắc các ông lãnh đạo đại học Hà Nội cũng đành chịu! Giả thử có cán bộ Trung Cộng sang dậy học tại Viện Khổng Tử giảng rằng đời xưa ông Mã Viện đã sang Giao Chỉ tiêu diệt bọn địa chủ Trưng Trắc, Thi Sách, để “giải phóng” dân Lạc Việt.
Nếu các bloggers trong nước lên tiếng phản đối thì họ có bị các ông Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Tấn Dũng bắt giam hay không? Chắc phải bắt hết, bởi vì trong thế kỷ 20 Việt Cộng đã học tập Trung Cộng theo đúng bài bản đấu tranh giai cấp đó.

Vậy chúng ta phải làm gì để ngăn chặn âm mưu tuyên truyền chủ trương Đại Hán?

Tự bàn về Khổng tử

Có một cách, là dùng gậy ông đập lưng ông.
Giới trí thức Hà Nội, như quý ông Ngô Đức Thọ, Vũ Cao Phan, Nguyễn Văn Tuấn nên phản công bằng cách mở ra những cuộc hội thảo, nghiên cứu khoa học về Khổng Tử, Mạnh Tử, theo tinh thần phê phán khách quan, phương pháp sử học và xã hội học.
Chúng ta có thể đề nghị tổ chức các cuộc thảo luận đó ngay trong Viện Khổng Tử! Nếu họ từ chối thì cứ tổ chức tại địa điểm khác, trong các đại học tư, các trường trung học, mượn các khách sạn, hay ngay tại tư gia. Mời mọi người tới tham dự, miễn phí, và bảo đảm được phát biểu tự do!
Nếu đại học Hà Nội sợ không dám cho giới trí thức Việt Nam công khai nghiên cứu Khổng Tử, Mạnh Tử trong viện, thì chúng ta cứ lập một Hội Nghiên cứu Khổng Mạnh, một hội tư, ai cũng được tự do tham dự.
Nên nghiên cứu cả Mạnh Tử, vì sách Luận Ngữ thuật lời Khổng Tử chú trọng đến tu thân nhiều hơn, còn sách Mạnh Tử đặc biệt bàn nhiều vấn đề chính trị học.
Ở nước ta, trước đây đã nhiều nhà nghiên cứu viết về Khổng Tử, Mạnh Tử. Như Phan Bội Châu (Khổng Học Đăng), hay Trần Trọng Kim (Nho Giáo). Nhưng các học giả trên nhìn Khổng Mạnh từ bên trong, với tư cách là những người học theo Khổng, Mạnh.
Nhìn từ bên ngoài, thì chỉ có các học giả Trung Hoa phê bình Khổng, Mạnh, phần lớn là đả kích hệ thống chính trị cổ truyền của nước họ, trong đó các vua quan nhân danh hai ông Khổng, Mạnh thiết lập những chế độ tập trung quyền hành và khinh thường dân chúng. Nhưng thực sự hai ông Khổng, Mạnh có chủ trương như vậy hay không?
Trong cuốn Đứng Vững Ngàn Năm, chúng tôi đã trình bày đường lối bóp méo Khổng giáo của các vua chúa bên Tàu nhằm phục vụ chế độ chuyên chế của họ, mà chế độ đó theo mô hình Pháp gia chứ không phải Nho gia. Từ thế kỷ 15 vua quan nước ta mới bắt chước mô hình cai trị đó.
Các hoàng đế Trung Hoa đã xuyên tạc Nho Giáo vì nhu cầu chính trị vua, vua quan nước ta cứ thế đi lạc theo.
Nếu hiểu đúng hai ông Khổng, Mạnh thì chúng ta biết rằng họ không hề chủ trương tôn quân tuyệt đối như các ông vua đời Tống, đời Thanh bên Tàu, hay vua Gia Long, Minh Mạng ở nước ta. Hội Nghiên cứu Khổng Mạnh có thể mời Viện Khổng Tử hợp tác tham gia một cuộc hội thảo về Khổng Tử hay Mạnh Tử.

Thí dụ, một đề tài đáng thảo luận là: Ai có quyền cai trị dân? Xin trích dẫn một đoạn trong Lương Huệ Vương, Thượng, chương 6, như sau:
Mạnh Tử kể chuyện lúc gặp vua Lương, ông vua hỏi, “Khi nào thiên hạ định?” (Thiên hạ ô hồ định?) Mạnh Tử đáp rằng, “Khi có một người nắm quyền thì định” (Định vu nhất). “Ai có khả năng gom vào làm một?” (Thục năng nhất chi?) Trả lời, “Kẻ không thích giết người thì có thể thống nhất thiên hạ” (Bất thị sát nhân giả, năng nhất chi). Ông vua lại hỏi, “Ai ban quyền (thống nhất) cho người đó?” (Thục năng dữ chi?) Trả lời, “Tất cả thiên hạ không ai là không có cái quyền (ban cho) này” (Thiên hạ mạc bất dữ dã).
Qua đoạn văn trên chúng ta biết Mạnh Tử quan niệm chính quyền là do sự ủy nhiệm của mọi người dân. Ta còn thấy Mạnh Tử coi tất cả mọi người dân đều bình đẳng trong quyền ủy nhiệm cho vua cai trị, không ai không có quyền đó (Thiên hạ mạc bất dữ dã).
Tất cả mọi người dân có quyền chỉ định ai là kẻ đáng nắm quyền trong thiên hạ, trong một nước hay trong một tỉnh, một quận cũng vậy. Thời ông Mạnh Tử, trước đây hơn 24 thế kỷ, nước Trung Hoa chưa biết tổ chức bỏ phiếu, nhưng ngày nay ai cũng biết. Có nên bỏ phiếu để thực hành việc ủy quyền hay không?
Một đề tài khác đáng đem ra hội thảo, là: Nếu người cầm quyền không hợp lòng dân thì dân có thể làm gì? Chúng ta cũng có thể trích Lương Huệ Vương, Hạ, chương 8, sách Mạnh Tử.
Khi Tề Tuyên Vương hỏi về chuyện Thành Thang đánh vua Kiệt, Vũ đuổi vua Trụ; Mạnh Tử đáp, “Sử chép đúng thế.” Tuyên Vương lại hỏi, “Như vậy thì bầy tôi có thể thí vua sao?” (Thần thí kỳ quân khả hồ?) Mạnh Tử trả lời, “Kẻ làm hại điều Nhân, gọi là Tặc; làm hại điều Nghĩa, gọi là Tàn. Kẻ Tàn, Tặc, nó cũng chỉ là một thằng người mà thôi. Tôi nghe nói chém đầu một thằng tên là Trụ chứ không nghe chuyện thí vua.” (Tặc nhân giả, vị chi Tặc, tặc nghĩa giả, vị chi Tàn; Tàn, Tặc chi nhân, vị chi nhất phu. Văn trù nhất phu Trụ hĩ, vị văn thí quân da…
Trước đây 25 thế kỷ, Nhân và Nghĩa là hai giá trị nền tảng trong bản “hợp đồng xã hội” giữa vua và dân. Tề Tuyên Vương vẫn coi Kiệt, Trụ là vua, nên dùng chữ “thí quân,” động từ “thí” chỉ việc giết vua. Mạnh Tử thấy các bạo chúa phạm nhân nghĩa, không xứng đáng làm vua, cho nên không dùng động từ “thí” mà dùng chữ “trù,” nghĩa là chặt đầu. Tóm lại, Mạnh Tử công nhận: Người dân có quyền lật đổ những chính quyền khi chính quyền đó vi phạm hợp đồng xã hội, làm hại Nhân và Nghĩa. Khi đó người dân có quyền lật đổ chính quyền, như trong hình ảnh giết vua.
Hội Nghiên Cứu Khổng Mạnh sẽ in thành sách các bài nghiên cứu về hai đề tài trên, cho đồng bào Việt Nam ta cùng tham gia ý kiến về hai câu hỏi. Thứ nhất: Lấy gì làm căn bản cho quyền cai trị của một đảng?
Thứ hai: Nếu chính quyền không làm đúng bổn phận thì dân có quyền lật đổ hay không? Ngoài ra, có thể mời các luật gia thuyết trình về câu hỏi: Nếu Mạnh Tử sống vào năm 2015, ở nước Việt Nam, thì khi ông nói những ý kiến như trên, ông sẽ bị bắt hay không? Ông Mạnh Tử sẽ bị truy tố theo điều 79 hay Điều 88 bộ luật hình sự?
Nghiên cứu tư tưởng tôn trọng quyền dân của Khổng, Mạnh để đóng góp cho Viện Khổng Tử, đó là một cách ngăn chặn âm mưu tuyên truyền chủ trương Đại Hán của các vị hoàng đế Trung Hoa thời nay.
Bài thể hiện quan điểm của nhà báo Ngô Nhân Dụng từ California, Hoa Kỳ và đã đăng trên trang Người Việt hôm 02/01, 2015.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét