Mặc dù có hơn 4.5 triệu
người Việt trải dài khắp địa cầu, nhưng tựu chung đa phần người Việt chỉ
quan tâm đến một số sự kiện đáng chú ý trên thế giới, bao gồm Hoa kỳ,
Trung Quốc, Đông Âu và Việt Nam.
Là nơi có đa số người Việt sinh sống nhất bên ngoài Việt Nam, người Việt tại đây quan tâm nhất là các vấn đề đối nội, đối ngoại của chính phủ tổng thống Obama. Về đối nội, điều mà người Việt Hải Ngoại quan tâm bao gồm việc thúc đẩy mạnh chính sách hỗ trợ tiểu thương (SBA) của chính phủ, một điều được xem là “xương sống” của nền kinh tế cộng đồng.
Chương trình Obama Care dành cho những người có lợi tức thấp, giới hạn toa thuốc hay chọn lọc bác sĩ trong các chương trình hỗ trợ y tế (medical hay medicare). Sự thăng tiến của cộng đồng người Mỹ gốc Việt về sinh hoạt dòng chính (đặt biệt là mảng chính trị). Cuối cùng là chương trình di trú theo đó bao gồm gia tăng số lượng du học sinh từ Việt Nam và chương trình định cư bằng đầu tư từ Việt Nam (thường được gọi là EB-5) đang được xem là “hot” nhất hiện nay.
Về đối ngoại, có vẻ người Việt ít quan tâm đến những điểm nóng ở Trung Đông và Ukraine, họ quan tâm nhiều hơn đến quan hệ giữa Hoa Kỳ – Việt Nam hoặc Hoa Kỳ – Trung Quốc. Quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam cho đến thời điểm này được xem là không còn mặn mà như dưới thời nhiệm kỳ của Tổng thống Bush và Clinton. Cộng đồng Việt Nam vẫn quan tâm nhiều nhất là hồ sơ nhân quyền và quyền tự do ngôn luận ở Việt Nam càng lúc càng tệ hơn, sự bất công trong chính sách giao thương giữa Hoa Kỳ và Việt Nam theo đó cộng đồng Việt Nam cho rằng Hoa Kỳ đã nhượng bộ quá nhiều với chính phủ Việt Nam.
Bên cạnh đó là mối quan tâm về mức độ phức tạp giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, đặc biệt là lập trường của Hoa Kỳ tại khu vực Biển Đông và vùng Bắc Á. Cộng đồng Việt Nam cũng giống như cộng đồng bản xứ, dường như đang có chiến dịch “thoát Trung” đồng loạt ở khắp nơi trên toàn quốc, nhiều gia đình Việt Nam đã không còn mua dùng hàng rẻ ‘Made in China’, các khu shopping lớn bán hàng hiệu dường như đã “cất bớt” những mặc hàng Made in China.
Họ quan tâm vì sinh viên từ Trung Quốc đã chiếm nhiều ghế hơn trong các trường đại học ở Hoa kỳ, và nhiều khu phố cổ truyền thống của người gốc Á ở nhiều thành phố lớn, đã bắt đầu bị thu mua bởi các “đại gia” đến từ Thượng Hải, Bắc Kinh hay Thẩm Quyến.
Trung Quốc
Sự kiện giàn khoan Hải Dương 981 thăm dò dầu khí trong khu vực tranh chấp ở Biển Đông, nơi Việt Nam khẳng định chủ quyền vào đầu mùa hè 2014, đã khiến cho cộng đồng Việt Nam quan tâm hơn về nội tình của Trung Quốc, nơi mà Tập Cận Bình đang thực hiện chiến dịch “đả hổ” đánh tham nhũng, nhưng trên thực tế đều bị người Việt Hải ngoại nhìn dưới góc độ là “thanh trừng” thống nhất quyền lực.
Nếu đầu thập niên 2000, nhiều người gốc Việt đua nhau sang Trung Quốc đầu tư kiếm nguồn làm ăn thì nay tình thế có vẻ xoay chiều, hiện nhiều đại gia Trung Quốc đã mò mẫm vào các khu vực của cộng đồng Việt Nam để kiếm cách đầu tư và sinh lợi theo kiểu R.O.I (Return Of Investment). Thị trường địa ốc thời gan gần đây đã xuất hiện những “ngân hàng đen”, sẵn sàng cho vay với phân lời cao hơn dành cho những người mua nhà nhưng không đủ điều kiện vay ở các ngân hàng lớn (mức lãi suất từ 10% đến 12% một năm, so với các ngân hàng lớn hiện nay là dưới 4% một năm cho món nợ 30 năm). Những “ngân hàng đen” này đều được ghi nhận là do các “đại gia” người Trung Quốc đứng phía sau.
Cộng đồng Việt Nam ở nhiều nơi trên toàn nước Mỹ hầu như không có thiện cảm với chính quyền Bắc Kinh, đặc biệt là thời gian cuối mùa hè vừa qua, họ ủng hộ hoàn toàn cho cuộc xuống đường của sinh viên Hong Kong, thậm chí còn có nhiều tổ chức chính trị trong cộng đồng bay qua tận Hong Kong để ủng hộ và để học hỏi. Tóm lại cộng đồng Việt Nam luôn theo dõi sát những gì Hoa kỳ thương thảo với Trung Quốc, vì cho rằng mọi việc đều ảnh hưởng tới quê hương gốc của họ bên kia bờ đại dương.
Đông Âu
Khu vực mà lượng kiều hối chiếm nhiều nhất trong những năm sau này (mặc dù theo thống kê toàn cảnh ở Hoa kỳ vẫn chiếm 57%). Tình hình căn thẳng giữa Hoa Kỳ và Nga liên quan đến Ukraine cũng là mối quan tâm nhiều nhất tại đây, đơn giản là vì nhiều “đại gia” ngân hàng và bất động sản ở Việt Nam hiện nay, có một số nhân vật nổi trội đều xuất thân từ Đông Âu, đặc biệt là từ Nga và Ukraine.
Cộng đồng Việt Nam ở khu vực này khá phức tạp, gồm nhiều thành phần khác nhau, được chia làm hai nhóm, một nhóm sang làm việc theo dạng “lao động xuất khẩu” và một nhóm có truyền thống định cư lâu đời kể từ khi chủ nghĩa Cộng Sản sụp đổ tại Nga. Nếu những năm giữa thập niên 90, dưới thời của Tổng thống Yeltsin, người Việt tại Nga và Đông Âu kiếm tiền như nước, thì nay dưới thời ông Putin, họ phải đương đầu với nhiều thách thức, nhiều “đại gia” Việt ở Nga hiện đang tìm cách chuyển dời tài sản của họ sang các quốc gia tây phương an toàn hơn, chính họ cũng không dám chuyển tài sản về Việt Nam vì những biến động “đấm đá” chính trị đang diễn ra.
Lượng kiều hối tại khu vực này năm nay có vẻ sụt giảm mạnh do nhiều yếu tố khác nhau, dường như vùng đất Đông Âu đã không còn là mảnh đất màu mỡ cho người Việt tìm đến nữa.
Việt Nam
Là hồ sơ mà người Việt hải ngoại quan tâm nhiều nhất, vì đây là quê hương gốc của họ. Tuy nhiên sự quan tâm được đánh giá là theo chiều hướng tiêu cực nhiều hơn, những sự kiện xảy ra trong năm 2014, càng lúc họ càng bất tín nhiệm chính phủ trong nước. Bên cạnh đó là những thái độ làm việc của quan chức Việt Nam đan xen lẫn những vụ tham nhũng càng gây bất mãn hơn cho người Việt ởi hải ngoại khi nhìn về quê hương gốc của họ. Từ căn biệt thự ‘khủng” của Trần Văn Truyền chỉ bị phạt cảnh cáo, cho đến những lạm quyền quá mức của công an, những dự án xây dựng bị bỏ hoang, những con đường mới xây bị sập, sự bất lực của bộ y tế hay guồng máy hành chánh bị xem là “hành” dân, khiến nhiều người Việt Hải Ngoại tin rằng Việt Nam đang bị băng hoại toàn diện.
Họ có vẽ không còn háo hức như thời kỳ đầu Việt Nam mở cửa với câu hỏi thường thấy “chừng nào về bển?”
Cuối cùng là việc bắt bớ, đàn áp và sử dụng côn đồ đánh đập, gây khó khăn cho những nhà bất đồng chính kiến của an ninh Việt Nam. Theo cái nhìn của người Việt Hải Ngoại, chính phủ Việt Nam trả tự do cho một số người để đổi trác quyền lợi với Hoa kỳ, thì họ cũng bắt lại một số khác để “lấp kho”, họ cho rằng chính phủ Việt Nam dùng con dân của mình làm “con tin” đổi trác quyền lợi. Những tiêu cực trên đã đem đến cho người Việt hải ngoại cái nhìn đầy “thất vọng” về sự điều hành đất nước của đảng Cộng Sản Việt Nam, tổ chức “tự” khẳng định họ về quyền lãnh đạo duy nhất.
Năm 2014 dưới nhận định chủ quan của người Việt hải hgoại, xã hội Việt Nam đã không còn an toàn về nhiều lãnh vực, từ những vụ “làm tiền” ở các cửa khẩu hải quan, cướp bóc, tệ nạn xã hội gia tăng, thực phẩm thiếu an toàn cho đến những tiêu cực trong cơ cấu chính phủ, tệ nạn “con ông cháu cha” được cân nhắc lên các vị trí quan trọng, khiến cho người Việt hải ngoại càng không tin tưởng vào cơ chế hiện nay.
Kết luận
Bước qua năm 2015 người Việt Hải Ngoại có vẽ sẽ tập trung vào khu vực địa phương của họ nhiều hơn, quan tâm hơn về tương lai của chính họ ở quê hương thứ hai. Họ có vẽ không còn háo hức như thời kỳ đầu Việt Nam mở cửa với câu hỏi thường thấy “chừng nào về bển?”, bất kể chính phủ Việt Nam ra nhiều nghị định tạo thuận lợi cho họ nhiều hơn về làm ăn, đầu tư buôn bán ở Việt Nam.
Riêng cộng đồng Việt Nam tại Hoa kỳ năm 2015 sẽ đánh dấu đúng 40 năm họ định cư, tị nạn ở Hoa Kỳ. Có lẽ họ sẽ càng thấy khác biệt nhiều hơn với chính quyền trong nước Việt Nam, nhất là dịp tháng Tư nhà nước Việt Nam sẽ tổ chức rình rang việc họ làm chủ đất nước 40 năm qua, do đó phía cộng đồng Việt Nam tại Hoa kỳ tựu chung sẽ có hai khuynh hướng rõ rệt. Một là họ sẽ bỏ mặc không quan tâm nhiều đến những biến chuyển tại Việt Nam dù tốt hay xấu. Hai họ sẽ tiếp tục thúc đẩy việc áp lực Việt Nam thay đổi cơ chế để phù hợp với yêu cầu của cộng đồng quốc tế, để Việt Nam có thể “thoát Trung” một cách hoàn toàn.
Tuy nhiên cũng có thể sẽ có những biến chuyển ngoạn mục ở Việt Nam trước cuộc “thay triều đổi đại” về quyền lực trong Bộ Chính Trị Đảng Cộng Sản Việt Nam trước năm 2016. Người Việt hải ngoại vẫn đang hy vọng.
Bài viết thể hiện quan điểm và lối hành văn của tác giả, nhà báo tự do ở Nam California.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét