Thứ Bảy, 28 tháng 3, 2015

BỐN BÀI LIÊN QUAN ĐẾN PHI TRƯỜNG TÂN SƠN NHẤT.

Basam

NẾU GIẢI TỎA TOÀN BỘ TÂN SƠN NHẤT, CÓ THỂ THU VỀ 375 TẤN VÀNG (16,4 TỶ USD)

TS Nguyễn Bách PhúcTrần Đức Thịnh (*)
26-03-2015
Hiện nay có nhiều con số khác nhau về diện tích đất của sân bay Tân Sơn Nhất (TSN), những con số này có trong báo chí truyền thông, trong các báo cáo của các cơ quan nhà nước, của các Doanh nghiệp liên quan, thay đổi từ 650 ha (6,5 Km2) đến 1.500 ha (15 Km2).


Chúng tôi đã căn cứ vào lịch sử phát triển của vùng đất mà người Pháp gọi là Khu căn cứ quân sự phía Bắc Sài Gòn, và Căn cứ quân sự Tân Sơn Nhất, tham khảo và đo đạc theo ảnh vệ tinh, xin đưa ra những con số tương đối chính xác như sau:
Nửa đầu thế kỉ XX. Người Pháp xây dựng Khu căn cứ quân sự phía Bắc Sài Gòn rộng 20 Km2 (2.000 ha), thiết lập sân bay Tân Sơn Nhất ở trung tâm Khu căn cứ.
Phần phía Nam của Khu căn cứ này là Căn cứ quân sự TSN, rộng 15 Km2 (1.500 ha) bao gồm vùng đất với biên giới ngày nay là các đường Quang Trung, Nguyễn Kiệm, Hoàng Văn Thụ, Ngã tư Bảy Hiền, Trường Chinh, Tân Sơn. Sân bay TSN nằm ở phía Bắc của Căn cứ quân sự TSN, trên vùng đất cao nhất của TP.HCM.
Sân bay TSN, được bao bọc bởi vòng tường sân bay, với diện tích tổng cộng khoảng 900 ha (9 km2). Sân bay này dùng chung cho cả quân sự và dân sự. Trong 900 ha này, tuy không phân biệt hai phần dân sự và quân sự nhưng có thể thấy phần đất dùng cho các hoạt động bay là 600 ha, và dùng cho các đơn vị quân đội là 300 ha (gần đây, Quân đội đã quyết định 157 ha làm sân golf).
Khu căn cứ quân sự phía Bắc Sài Gòn được chính quyền Pháp, chính quyền SG trước năm 1975, duy trì như một căn cứ quân sự rất mạnh, đặc biệt trong Căn cứ quân sự TSN còn có cả Bộ Quốc phòng, Bộ tổng tham mưu quân đội.
Sau năm 1975 chúng ta vẫn duy trì nguyên vẹn Khu căn cứ quân sự phía Bắc này. Nhưng từ năm 1986 Nhà nước ta quyết định thu hẹp các căn cứ quân sự bằng cách cấp đất quân sự cho sĩ quan Quân đội Nhân dân VN. Đất của Căn cứ quân sự TSN được tách ra khoảng 500 ha (5 Km2) để Cấp cho sĩ quan, bao gồm vùng đất hiện nay là Phường 13, phường 9, phường 2 và một phần phường 12, phường 4, phường 3 của Quận Tân Bình.
Đất của Căn cứ quân sự TSN hiện nay chỉ còn lại 15 Km2 – 5 Km2 = 10 Km2, gồm 9 Km2 trong vòng tường sân bay và khoảng 1 Km2 (100 ha) nằm ngoài tường sân bay (dải đất phiá Bắc đường Cộng Hòa) vẫn do các đơn vị quân đội quản lý. Thực tế trên diện tích 100 ha của quân đội cho đến nay vẫn chưa có công trình xây dựng nào đáng kể.
Rất nhiều chuyên gia đã kiến nghị di chuyển các đơn vị quân đội, để dành trọn 10 Km2 (1000 ha) cho việc nâng cấp TSN lên 70 triệu – 80 triệu hành khách/ năm, mà không cần di dời, đền bù, giải tỏa 500.000 dân như Bộ GTVT nói.
Mọi người đều thấy xu hướng đề xuất hiện nay của Bộ GTVT và Bộ Quốc phòng là sẽ thu hẹp dần hoạt động của TSN. Trước mắt Bộ Quốc phòng đã giành 157 ha trong khuôn viên sân bay để làm sân golf, còn Bộ GTVT thì khẳng định không thể nâng cấp lên quá 25 triệu hành khách/ năm. Chúng tôi cho rằng xu hướng giải quyết này của hai Bộ cũng có phần đúng ở chỗ, nếu giải tỏa TSN thì sẽ thu về một khoản tiền đất rất lớn.
Giá đất ở khu vực TSN hiện nay khoảng 1 cây vàng/m2. Nếu giải tỏa 10 Km2 thì sẽ thu được: 10 Km2 = 10 triệu m2
Số vàng sẽ thu được: 10 triệu m2 x 1 cây vàng/m2 = 10 triệu cây vàng
Mỗi cây vàng nặng 37,5 gr
10 triệu cây vàng sẽ là: 10 triệu cây x 37,5gr/cây = 375 triệu gr vàng = 375 Tấn vàng
Tóm lại phương án giải tỏa TSN cũng mang lại một nguồn tài chính rất lớn.
Hiện nay, giá vàng khoảng 35,2 triệu đồng/cây, vậy 10 triệu cây vàng tương đương:
35,2 triệu đồng/cây x 10 triệu cây = 352 triệu triệu đồng = 352 ngàn tỷ đồng
Tỷ giá USD hiện nay là 21.500 đồng/USD
352 ngàn tỷ đồng tương đương: 352 ngàn tỷ đồng / 21.500 đồng/USD = 16,4 tỷ USD.
_____
(*) Tác giả: TS Nguyễn Bách Phúc là Chủ tịch Hội Tư vấn Khoa học công nghệ & Quản lý TP.HCM HASCON, Viện trưởng Viện Điện – Điện tử – Tin học EEI. Trần Đức Thịnh: Phó Chủ tịch thường trực, kiêm Tổng thư ký Hội Tư vấn HASCON.
****************************************************

189 TẤN CHẤT ĐỘC – THUỐC TRỪ SÂU ĐỔ XUỐNG SÂN GOLF TÂN SƠN NHẤT MỖI NĂM

TS Nguyễn Bách PhúcTS Nguyễn Đăng Diệp (*)
26-03-2015
Đã có rất nhiều người lên tiếng, phân tích tác hại của việc xây dựng sân golf trong khu dân cư. Trong bài này chúng tôi chỉ tính toán số lượng thuốc trừ sâu sẽ đổ vào sân golf Tân Sơn Nhất (TSN) hàng năm.
Cỏ sân Golf là linh hồn và là chuẩn mực để đánh giá sân Golf, có 2 loại cỏ thường sử dụng: Cỏ Green là loại cỏ nhỏ, trồng gần lỗ golf và cỏ Fareway, được trồng phía ngoài.
1, Về cỏ Green, Cỏ nhỏ trồng phía trong:
Loại cỏ này rất nhỏ, trồng phía trong, xung quanh lỗ golf, đòi hỏi chăm sóc đặc biệt giúp rễ cỏ phát triển rất sâu và chắc, lá cỏ luôn luôn phải non và mềm mại, phải thường xuyên cắt bằng, giúp cho trái golf chạy thẳng không bị lệch hướng. Mặt khác sân golf còn đòi hỏi cỏ green không phát triển nhiều lá.
Để thỏa mãn các yêu cầu này, thuốc Delta-Coated (Controlled Release Fertilizer) là lựa chọn tối ưu và phù hợp nhất cho cỏ green vì hạt rất nhỏ và đều, phân giải chậm trong vòng 3 tháng.
Số lượng thuốc: bón 1-2kg/100m2 chu kì 2-3 tháng 1 lần.
2, Về cỏ Fareway, Cỏ lớn trồng xung quanh cỏ Green.
Là loại cỏ chăm sóc đơn giản hơn rất nhiều so với cỏ Green.
Thuốc Delta-Top là lựa chọn tối ưu và phù hợp nhất cho cỏ Fareway.
Số lượng thuốc :Bón 1-2 kg /100m2 chu kì một tháng 1 lần.
Tổng diện tích Sân golf TSN 157,29 ha, trong đó diện tích sân golf trồng cỏ là 111,59 ha. Còn lại là diện tích Nhà hàng, khách sạn 5 sao, nhà ở cho thuê, đường giao thông…
Tính lượng thuốc trừ sâu cho cỏ Green:
  • Diện tích trồng cỏ Green chiếm khoảng 10 % là 111,59 ha x 10% = 11,159 ha = 11,159 ha x 10.000 m2/ha = 111.590 m2
  • Số lượng thuốc Delta-Coated: bón 1-2kg/100m2 chu kì 2-3 tháng một lần, trung bình là 2,5 tháng một lần
  • Số lần bón trong 1 năm: 12 tháng/2,5 tháng = gần 5 lần
  • Số lượng thuốc cho một lần bón: theo định mức là 1-2kg/100m2, lấy trung bình là 1,5kg/100m2
  • Số lượng thuốc trừ sâu cho cỏ Green cho toàn sân golf trong một năm là:
1,5kg/100m2 x 111.590 m2 x 5 lần/năm = 8692,5 kg/năm = 8,692 Tấn/năm.
Tính lượng thuốc trừ sâu cho cỏ Fareway:
  • Diện tích trồng cỏ Fareway chiếm khoảng 90 % là 111,59 ha x 90% = 100,431 ha = 1.004.310 m2
  • Số lượng thuốc Delta-Top: Bón 1-2 kg /100m2chu kì một tháng 1 lần.
  • Số lần bón trong 1 năm: 12 tháng/1 tháng = 12 lần
  • Số lượng thuốc cho một lần bón: theo định mức là 1-2kg/100m2, lấy trung bình là 1,5kg/100m2
  • Số lượng thuốc trừ sâu cho cỏ Fareway cho toàn sân golf trong một năm là:
1,5kg/100m2 x 1.004.310 m2x 12 lần/năm = 180.776 kg/năm = 180,776 Tấn/năm
Như vậy mới chỉ tính loại thuốc trừ sâu bón gốc cỏ, chưa tính loại thuốc trừ sâu phun, xịt thì mỗi năm mặt đất sân golf TSN tiếp nhận: 8,692 Tấn/năm + 180,776 Tấn/năm = 189,468 Tấn/năm.
Tính đến đây chúng tôi giật mình kinh hãi, không ngờ lượng thuốc trừ sâu ngang với thuốc độc của sân golf TSN lại nhiều đến thế.
Lượng thuốc trừ sâu này sẽ ngấm xuống đất, xuống mạch nước ngầm, làm ô nhiễm nước ngầm thành phố, nguy hại nhất trước hết là dân chúng sống xung quanh sân golf TSN phải hứng chịu gần 200 Tấn chất độc hàng năm này.
Xin nhắc lại câu chuyện người dân thuộc xóm Gốc Đa, nơi liền kề với sân golf Tam Đảo không ít lần kiến nghị vì mỗi lần sân golf phun thuốc trừ sâu và thuốc giữ ẩm cho cỏ là bầu không khí nồng nặc mùi hóa chất gây ngột ngạt, khó thở. Nước thải của sân golf được chảy trực tiếp ra mương thủy lợi. Một lượng lớn hóa chất từ sân golf ngày càng ngấm sâu vào nguồn nước đe dọa sức khỏe của người dân. Nguồn nước sinh hoạt ở đây đang có biểu hiện nhiễm hóa chất. Nước xuất hiện mùi khét khó chịu, dù được đun sôi nhưng ít ai dám uống.
Mọi người cũng chưa quên cá Hồ Xuân Hương ở Đà Lạt đã chết hàng loạt, truy tìm nguyên nhân đã phát hiện ra chất độc sân golf ở cạnh hồ. Chủ sân golf đã tìm mọi cách để xử lý nhưng cuối cùng vẫn không xử lý được, buộc phải nhờ chính quyền dẹp bỏ sân golf cao cấp bên bờ hồ Xuân Hương thơ mộng.
Trên thế giới đã có rất nhiều sân golf, nhưng hầu hết nằm ở vùng đất xa dân cư, và đòi hỏi chủ sân golf phải đầu tư rất tốn kém cho việc bảo vệ môi trường. Hầu như không có ai đặt sân golf giữa vùng dân cư, vì một lẽ đơn giản là cho dù lợi siêu lợi nhuận của sân golf là vô cùng lớn nhưng cũng không đáp ứng được đồi hỏi của các biện pháp xử lý.
Theo luật Việt Nam, trong báo cáo đầu tư xây dựng công trình buộc phải kèm theo báo cáo tác động môi trường, cơ quan phê duyệt đầu tư phải xem xét nghiêm túc tác động môi trường. Xin hỏi báo cáo đầu tư xây dựng sân golf TSN có báo cáo tác động môi trường không? Cơ quan phê duyệt đầu tư có xét tới tác động môi trường không? Cơ quan nào phê duyệt?
Chúng tôi nghĩ rằng vì tính mạng và sức khỏe của nhân dân Hồ Chí Minh trước hết là Nhân dân quận Tân Bình, đặc biệt là của cư dân xung quanh sân golf Tân Sơn Nhất.
Nên chăng các cơ quan quản lý môi trường của các cấp chính quyền thành phố kiểm tra lại tác động môi trường của sân golf TSN và có kết luận thích đáng.
____
(*) Tác giả: TS Nguyễn Bách Phúc là Chủ tịch Hội Tư vấn Khoa học công nghệ & Quản lý TP.HCM HASCON, Viện trưởng Viện Điện – Điện tử – Tin học EEI. TS Sinh học Nguyễn Đăng Diệp là Phó Giám đốc Trung tâm công nghệ sinh học nông nghiệp.
***************************************************

SÂN BAY TÂN SƠN NHẤT: SỰ THẬT VỀ CÂU CHUYỆN “TẮC NGHẼN BẦU TRỜI”, “CHỒNG LẤN VÙNG TRỜI”, VÀ “KHU VỰC CẤM BAY CỦA THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH”

TS Nguyễn Bách Phúc (*)

26-03-2015
Một lý do “nặng ký” mà Bộ giao thông vận tải đưa ra cho Dự án xây dựng sân bay Long Thành là “lỗi” của sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất, việc mở rộng nâng công suất cảng hàng không này để đáp ứng nhu cầu 40-50 triệu hành khách/năm trong giai đoạn 2025-2030 là không khả thi”. Minh chứng điều này, Bộ đã đưa ra 4 cái lỗi.
Bài này xin bình luận lỗi thứ 2.
Về lỗi thứ 2, Bộ nói: “Hạn chế về khai thác vùng trời: Khu vực vùng trời tiếp cận dành cho tàu bay cất hạ cánh của Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất hiện tại chồng lấn với vùng trời tiếp cận của căn cứ không quân Biên Hòa ở phía Bắc. Mặt khác, khu vực cấm bay của thành phố Hồ Chí Minh nằm ngay phía Nam của Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất nên đã hạn chế rất nhiều không gian sử dụng cho tàu bay cất hạ cất cánh, đặc biệt khi có hoạt động bay quân sự tại khu vực Tân Sơn Nhất và Biên Hòa.
Thứ trưởng GTVT Phạm Quý Tiêu phát biểu tại tọa đàm về dự án đầu tư sân bay Long Thành, do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 17/10. Thứ trưởng Phạm Quý Tiêu khẳng định lại việc cần thiết phải đầu tư xây dựng sân bay Long Thành, bởi Tân Sơn Nhất đã quá tải: “Sân bay Tân Sơn Nhất tắc nghẽn bầu trời, trong nhiều năm không quản lý được tĩnh không sân bay”.
Câu chuyện “TSN bị tắc nghẽn bầu trời”:
Nghe Bộ GTVT nói TSN “tắc nghẽn bầu trời”, chắc mọi người hình dung ra cảnh tượng cả đàn máy bay ùn tắc chen lấn nhau trước lối vào TSN, giống như xe Honda chen chúc trước đèn đỏ, giành nhau từng centimet đường!
Hàng trăm sân bay trên thế giới, số lượng hành khách nhiều hơn TSN, 80-100 triệu HK/năm, tần suất cất hạ cánh lên đến 60 chuyến/giờ hoặc hơn, đều không hề có khái niệm tắc nghẽn bầu trời, tại sao chỉ có bầu trời TSN bị tắc nghẽn khi tăng hơn 20 triệu HK/năm?
Thử tính xem mức độ tắc nghẽn của TSN như thế nào, liệu có bao nhiêu máy bay chen lấn nhau, chúng giành nhau bao nhiêu centimet không gian:
+ Tần suất lớn nhất hiện nay của TSN, theo Cục trưởng Cục Hàng không VN là 29 chuyến/giờ.
Với tần suất này, TSN có thể đưa đón tới 80 triệu hành khách/năm, chứ không phải chỉ hơn 20 triệu. (tham khảo bài “Có thể nâng Tân Sơn Nhất lên 80 triệu hành khách/năm, không cần giải phóng mặt bằng di dời dân cư, với tổng vốn đầu tư chỉ khoảng 3 tỷ USD)
+ Với tần suất 29 chuyến/giờ này thì số chuyến máy bay xếp hàng để cất cánh hoặc hạ cánh trong 1 giờ là: 29/2 = 14,5 chuyến.
+ Thời gian dãn cách giữa hai chuyến máy bay kế tiếp nhau là 1/14,5 = 0,07 giờ
+Máy bay dân dụng hiện nay khi cất cánh hoặc hạ cánh thường bay với tốc độ 250 Km/giờ.
+ Tính ra cự li xếp hàng dọc giữa hai máy bay kế tiếp nhau là (250 Km/giờ) x (0,07 giờ) = 17,5 Km.
Hóa ra máy bay xếp hàng dọc trước cửa TSN, khi lên xuống cấp tập nhất, 2 chiếc liên tiếp nhau vẫn cách nhau hơn 17 Km, chứ không phải mấy centimet như honda trước đèn đỏ, sao lại gọi là tắc nghẽn bầu trời?
Câu chuyện “chồng lấn vùng trời với sân bay Quân sự Biên Hòa”:

  • TSN và Biên Hòa nằm cạnh nhau hơn nửa thế kỷ nay, chưa nghe ai nói “chồng lấn vùng trời”, kể cả những năm chiến tranh ác liệt, máy bay lên xuống “nhiều như chuồn chuồn”, cớ sao hôm nay lại đẻ ra việc “chồng lấn vùng trời”?
  • TSN cách Biên Hòa 25 Km, trong khi sân bay Changi của Singapore chỉ cách sân bay quân sự Paya Lebar 8 Km, nhưng không ai nói sân bay Changi của Singapore chồng lấn với sân bay quân sự Paya Lebar, cớ sao lại nói TSN chồng lấn với Biên Hòa?
  • Vùng trời tiếp cận cất hạ cánh, là vùng trời tiếp giáp với đường băng sân bay, với chiều dài 40 dặm (khoảng 72 Km), chiều rộng khoảng 9 Km, chiều cao dưới 3000 mét, là vùng trời được quốc tế quy định giao cho Trạm kiểm soát APP điều khiển không lưu, tức là APP hoàn toàn chịu trách nhiệm điều khiển các máy bay chuẩn bị hạ cánh hoặc sau khi cất cánh. Như vậy “Vùng trời tiếp cận cất hạ cánh” thực chất chỉ là một vùng quy ước, là vùng được kiểm soát chặt chẽ bởi APP chứ không phải là vùng cấm máy bay qua lại.
Ở Việt Nam có 3 Trạm APP, trong đó Trạm APP ở miền Nam, kiểm soát vùng trời tiếp cận của tất cả sân bay ở miền Nam. Hai sân bay ở gần nhau đều được một Trạm APP kiểm soát, nếu vùng tiếp cận có chồng lấn lên nhau đi nữa thì vẫn do cùng một Trạm APP kiểm soát, nên sẽ không có bất cứ phiền toái nào.
Ngoài ra, vùng trời tiếp cận của TSN nằm giữa 2 vùng trời tiếp cận của sân bay Biên Hòa và của sân bay Long Thành, khoảng cách từ vùng trời tiếp cận của TSN đến vùng trời tiếp cận của Long Thành gần hơn của Biên Hòa, cớ sao Bộ GTVT chỉ nói TSN và Biên Hòa chồng lấn, mà bỏ qua chồng lấn giữa TSN hiện hữu và Long Thành tương lai? Nếu sự chồng lấn này là thực sự nguy hiểm thì cớ sao Bộ lại chấp nhận sự nguy hiểm đó khi quyết định xây dựng sân bay Long Thành.
Câu chuyện “khu vực cấm bay của thành phố Hồ Chí Minh”
Khi nghe Bộ GTVT nói như vậy, ai cũng ngỡ ngàng không biết khu vực cấm bay của TP.HCM là khu vực nào, rộng hẹp bao nhiêu, cấp nào ra quyết định cấm bay, cấm bay vì mục đích gì?
Chúng tôi may mắn được Cụ Lê Trọng Sành, Nguyên trưởng phòng Quản lý bay sân bay TSN giải thích cho như sau: Khi hạ cánh, những máy bay cỡ nhỏ với sức tự hãm trên đường băng tương đối kém nên Trạm APP phải “lựa theo chiều gió” để chọn cho những máy bay này hướng hạ cánh sao cho ngược với chiều gió. Chẳng hạn ở TSN máy bay thường xuyên hạ cánh theo chiều từ Đông sang Tây, nhưng đôi khi các máy bay nhỏ phải bay vòng vượt qua sân bay TSN rồi quay ngược lại để hạ cánh theo hướng từ Tây sang Đông. Với những máy bay nhỏ, vòng lượn này thường nhỏ,đoạn song song với đường băng thường cách đường băng 5 đến 7 km, sau khi máy bay vượt quá đường băng chừng 10 km thì sẽ quay vòng lại để hạ cánh. VÙng mặt đất được giới hạn bởi đường quay vòng hạ cánh tạm gọi là Vùng quay vòng hạ cánh.
Thông thường Vùng quay vòng hạ cánh nằm hai phía của sân bay. Với sân bay TSN là vùng phía Bắc và phía Nam, hiện tại vùng đất kế cận đường băng ở phía Nam là khu vực có rất nhiều nguy cơ cháy nổ, như kho chứa xăng máy bay, bãi đậu của hầu hết các loại máy bay, bãi đậu của máy bay trực thăng, đều là vùng nguy hiểm cháy nổ, nếu máy bay khi quay vòng bay trên vùng này có thể xuất hiện nguy cơ cháy nổ khi không may gặp sự cố. Vì vậy cơ quan Quản lý Hàng không VN quy định Vùng quay vòng hạ cánh phía Nam TSN là vùng cấm bay.
Như vậy, Bộ GTVT gọi vùng cấm bay này là “Vùng cấm bay của TP.HCM” là hoàn toàn không đúng, bởi vì TP.HCM không có vùng cấm bay nào cả.
Nhưng điều quan trọng nhất là, vùng cấm bay này không ảnh hưởng gì đến mật độ và lưu lượng lên xuống của máy bay ở sân bay TSN, không ảnh hưởng gì đến công suất của TSN, bởi một lẽ đơn giản rằng TSN vẫn còn vùng quay vòng ở phía Bắc không bị cấm, và giả sử một lúc nào đó, vùng quay vòng ở phía Bắc quá chật chội thì APP vẫn có thể cho phép máy bay quay vòng về phía Nam, chỉ cần nằm ngoài phạm vi cấm bay, tức là cách xa đường băng trên 7 Km.
Thật tình chúng tôi không thể nào hiểu nổi, tại sao Bộ GTVT lại trình Quốc hội rằng “khu vực cấm bay của thành phố Hồ Chí Minh nằm ngay phía Nam của Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất nên đã hạn chế rất nhiều không gian sử dụng cho tàu bay cất hạ cất cánh”?
____
(*) Tác giả: TS Nguyễn Bách Phúc là Chủ tịch Hội Tư vấn Khoa học công nghệ & Quản lý TP.HCM HASCON và là Viện trưởng Viện Điện – Điện tử – Tin học EEI
*****************************************************

SỰ THẬT VỀ KHOẢNG CÁCH GIỮA HAI ĐƯỜNG BĂNG SONG SONG

TS Nguyễn Bách Phúc (*)

26-03-2015
Một lý do quan trọng để biện minh cho việc không thể nâng cấp SB Tân Sơn Nhất mà Bộ GTVT đưa ra là: khoảng cách giữa hai đường băng của Tân Sơn Nhất chỉ có 365m, không đạt tiêu chuẩn của ICAO. Từ đó khi nói về việc nâng cấp Tân Sơn Nhất, Bộ bảo phải làm thêm một đường băng mới cách đường băng cũ khoảng 1.400m cho phù hợp với tiêu chuẩn của ICAO, tương ứng phải giải phóng một vùng đất rộng tới 1.500ha và buộc phải di dời 140.000 hộ gia đình với khoảng 500.000 ngàn dân, chi phí di dời tới 9,1 tỷ đô la.
ICAO, Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế của Liên Hợp Quốc không hề đưa ra “tiêu chuẩn” cho khoảng cách giữa hai đường băng”, mà ICAO chỉ đưa ra khuyến nghị. Tại phụ lục 14 về cảng hàng không, trong chương 3, là phần khuyến nghị cho khoảng cách giữa hai đường băng song song. Khuyến nghị này rất chi tiết, liên quan đến mức độ lớn nhỏ của sân bay, chiều dài chiều rộng và đặc tính của đường băng, các chế độ cất hạ cánh độc lập hỗn hợp, vv.
Áp dụng khuyến nghị này vào trường hợp cụ thể của Tân Sơn Nhất, có hai đường băng song song cấp 4D, dài 3200m và 3800m, hoạt động không độc lập, cất hạ cánh hỗn hợp (cả hai đường băng cho phép cất và hạ cánh), sẽ thấy rằng khoảng cách tối thiểu giữa hai đường băng phù hợp với khuyến nghị là 300m. Trong khi khoảng cách ở Tân Sơn Nhất là 365 mét.
Đối với trường hợp hai đường băng song song hoạt động đồng thời và độc lập, và chỉ cất hoặc hạ cánh, thì ICAO khuyến nghị khoảng cách lớn hơn, từ 760 mét đến 1400 mét.
Vì chỉ là “khuyến nghị”, chứ không phải là “tiêu chuẩn” có tính bắt buộc, nên trên thế giới có nhiều sân bay quốc tế, công suất hàng chục triệu hành khách năm, nhưng khoảng cách giữa 2 đường băng song song còn nhỏ hơn 300 mét.
Ở nước Mỹ có nhiều sân bay như thế. Ví dụ Sân bay quốc tế San Francisco ở thành phố San Francisco, California, có các chuyến bay đến khắp châu Mỹ và là một cửa ngõ chính đến châu Âu, châu Á và châu Đại Dương, là Sân bay quốc tế lớn nhất trong khu vực vịnh San Francisco. Năm 2007, sân bay này phục vụ 36 triệu hành khách, xếp hạng thứ 23 trong các sân bay bận rộn nhất thế giới. Nhưng hai đường băng song song của Sân bay này chỉ cách nhau có 228 mét!
Sân bay quốc tế Thành phố Mexico là sân bay thương mại phục vụ thành phố Mexico, thủ đô Mexico Đây là sân bay quan trọng nhất, bận rộn nhất và lớn nhất nước Mexico, kết nối với hơn 100 điểm trên thế giới, phục vụ 32 triệu lượt khách mỗi năm. Hai đường băng song song của Sân bay này chỉ cách nhau có 310 mét!
Sự thật là như thế! Tại sao Bộ GTVT và Cục Hàng không VN cứ nói ngược lại ?
_____
(*) Tác giả: TS Nguyễn Bách Phúc là Chủ tịch Hội Tư vấn Khoa học công nghệ & Quản lý TP.HCM HASCON và là Viện trưởng Viện Điện – Điện tử – Tin học EEI.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét