Thứ Bảy, 28 tháng 3, 2015

Nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân: “Tài liệu lịch sử biển Đông- chúng ta vẫn còn thua xa các nước”

Nguoidothi


Phạm Hoàng Quân
“Điều băn khoăn khó nói mà tôi cũng muốn chia sẻ là khi nhìn kỹ lại hoạt động học thuật sử học trong bối cảnh hiện nay, trình độ nghiên cứu lịch sử nói chung hoặc nghiên cứu chuyên sâu các đề tài lịch sử liên quan đến biển Đông nói riêng, chúng ta còn thua khá xa các nước, mà trong đó đáng ngại đáng lo nhất là chưa theo kịp trình độ của người Trung Quốc”, bộc bạch của nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân trong diễn từ nhân dịp nhận giải nghiên cứu của Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh lần thứ IX – 2015. Lễ trao giải vừa được tổ chức tối 24.3 tại TP.HCM.


Tôi có hơi bất ngờ khi những bài nghiên cứu lịch sử thuộc một chuyên đề rất khó đọc của một người có chuyên môn hẹp như tôi lại nhận được sự đánh giá tốt, được tiếp nhận rộng rãi thông qua giải thưởng này.
Được và mất của nhà nghiên cứu độc lập
Tôi được sinh ra trong một gia đình không có truyền thống nghiên cứu, bản thân lại không được may mắn học hành chính quy, chữ Hán và phương pháp nghiên cứu đều mài mò tự học. Ước nguyện của tôi lúc vào đời lại thiên về bộ môn mỹ thuật, một dịp tình cờ, tôi nhận viết một khảo cứu về lịch sử hội họa và thư pháp của Hoa kiều ở Sài Gòn- Chợ Lớn, những tưởng vì sự yêu thích nhất thời viết lách cho vui, không ngờ đó là điểm khởi đầu để tôi gắn với nghiệp nghiên cứu cho đến nay.
Có lẽ một phần do cá tính, một phần do ảnh hưởng bởi đặc thù của bộ môn mỹ thuật, tôi đã chọn nghiên cứu độc lập làm hướng đi cho mình. Nhân đây tôi xin chia sẻ với quý vị đôi điều về những thuận lợi và trở ngại của một người nghiên cứu đơn độc.

Bà Nguyễn Thị Bình, chủ tịch Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh trao giải cho nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân. Ảnh: Trâm Anh
Có 3 điều rất hay. Đầu tiên là tôi không phải dự các buổi họp, không phải giao tiếp lễ lạt, có nghĩa là dành được hết thì giờ cho việc đọc sách, giữ được mạch suy nghĩ không bị gián đoạn. Kế đến là luôn được làm việc trong trạng thái không bị áp lực, không bị khống chế bởi thời gian, tôi được chủ động điều độ thời gian trong việc làm của mình. Điều hay thứ ba là tôi được chọn lĩnh vực hoặc đề tài mà mình thích nhất, và trong đề tài ấy tôi lại được tự xác định việc nào cần phải làm trước. Ba điều đơn giản vậy thôi nhưng tôi cảm thấy thật là hạnh phúc khi giữ được chúng.
“Trở ngại vừa lớn vừa khó là việc tìm tài liệu ở thư viện công, nước ta trước giờ nói chung là khắt khe đối với những người không thuộc cơ quan nghiên cứu công, nên đã một thời gian dài tôi không được tham khảo nguồn này, gần đây tuy có được vài ngoại lệ, nhưng tiếc là những ngoại lệ này đến chậm”
Cũng có nhiều trở ngại. Nghiên cứu độc lập phải đương đầu với không ít khó khăn, thứ nhất là chuyện giải quyết nhu cầu cuộc sống cơ bản, giải quyết được vấn đề này thì kế đến là tài liệu sách vở, tư liệu không phong phú dồi dào thì kiến thức hạn hẹp, làm sao nghiên cứu sâu. Mua sách thì tốn kém vô biên, hoàn cảnh của tôi nhiều lúc khát sách tợ như doanh nghiệp khát vốn, tuy nhiên lần hồi tích góp, bè bạn yểm trợ và cộng thêm sự hào phóng của nhiều thư viện điện tử quốc tế, vụ này cũng tạm ổn. Trở ngại vừa lớn vừa khó là việc tìm tài liệu ở thư viện công, nước ta trước giờ nói chung là khắt khe đối với những người không thuộc cơ quan nghiên cứu công, nên đã một thời gian dài tôi không được tham khảo nguồn này, gần đây tuy có được vài ngoại lệ, nhưng tiếc là những ngoại lệ này đến chậm. Những trở ngại ấy tuy không thể làm nản lòng, nhưng có điều đáng tiếc là một số công trình phải chịu mất nhiều thời gian hơn dự tính.
Từ hoàn cảnh của mình, tôi thấy rằng dù cá nhân hay tập thể, muốn có thành tựu nghiên cứu tốt phải hội đủ 3 yếu tố là: sách, khả năng, và tinh thần khoa học, hay nói cách khác, sáchcùng với tài liệu là vốn liếng cơ bản, khả năng là tay nghề là trình độ và tinh thần khách quan khoa học là không thiên về cảm tính hoặc bị chi phối bởi tinh thần dân tộc.
Lo ngại nền học thuật thua khá xa các nước
Trong lúc nghiên cứu về lịch sử biển Đông, tôi chỉ đơn thuần vì mục đích muốn biết rõ sự thật, vì tò mò, tôi tìm hiểu, kê cứu, hệ thống và đối chiếu so sánh nguồn sử liệu Trung Hoa chỉ để thỏa mãn ham muốn riêng, muốn hiểu biết cặn kẽ và tường tận những ghi chép trong sử liệu thực. Lúc đọc hiểu tư liệu cũng như lúc phân tích chuỗi sự kiện, tôi không nghĩ mình là người dân của một quốc gia nào, lúc này chỉ có tính khách quan của khoa học dẫn dắt.

Nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân và công trình tập hợp các bài nghiên cứu của ông: Hoàng Sa – Trường Sa nghiên cứu từ sử liệu Trung Quốc. Ảnh: TL
Điều băn khoăn khó nói mà tôi cũng muốn chia sẻ là khi nhìn kỹ lại hoạt động học thuật sử học trong bối cảnh hiện nay, trình độ nghiên cứu lịch sử nói chung hoặc nghiên cứu chuyên sâu các đề tài lịch sử liên quan đến biển Đông nói riêng, chúng ta còn thua khá xa các nước, mà trong đó đáng ngại đáng lo nhất là chưa theo kịp trình độ của người Trung Quốc.
Mấy mươi năm qua, nền sử học nước ta đã để quá nhiều khoảng trống trong nghiên cứu cơ bản, riêng ở lĩnh vực nghiên cứu biển Đông, giới sử học trong nước hầu như chưa làm tròn trách nhiệm ở nhiều mặt, chỉ lướt qua công việc dịch thuật, mà sản phẩm của nó là nguồn căn cứ thiết yếu trong nghiên cứu đối sánh, đã thấy còn quá nhiều điểm đáng lo ngại.
“Sự thiếu hụt kiến thức bên ngoài đã dẫn đến tình trạng giới sử học cứ mãi nói chuyện trong nhà. Trong khi ở Trung Quốc hiện nay, học giới đã tiến đến hình thành nhóm chuyên gia “dịch bình”, quy tụ những người vừa có nghiệp vụ nghiên cứu vừa rất giỏi ngoại ngữ, chuyên lo chuyện đọc và phê bình các bản dịch sách nghiên cứu sau xuất bản”
Chúng ta chưa có một tổng tập bản dịch và chú giải tư liệu lịch sử Trung Quốc, nhằm để nắm rõ thực hư ý nghĩa của sử liệu;
Chưa dịch công trình nghiên cứu tiêu biểu nào của học giới Trung Quốc hiện nay, nhằm để coi họ sử dụng, dẫn dụng tư liệu sử có đúng hay không, tài năng khả năng của họ đã tới chừng mức nào,phương pháp nghiên cứu của họ mới hay cũ, họ tiếp thu nghiên cứu bên ngoài tới đâu, họ đánh giá và nhận định ra sao về nguồn sử liệu Việt Nam, cách thức và lập luận của họ trong phản biện các nghiên cứu mới ở Việt Nam; Lại cũng chưa dịch hoặc dịch quá ít ỏi các bài viết, các sách nghiên cứu về quan hệ Trung Quốc với Việt Nam, Trung Quốc với Đông Nam Á và phương Tây của các tác giả bên ngoài, kể từ thời Học viện Viễn Đông bác cổ đến nay, trong khi các nghiên cứu này chứa đựng rất nhiều chi tiết liên quan đã được phân tích,v.v;
Chưa dịch các sách công cụ cơ bản phục vụ cho nghiên cứu, cụ thể là các sách thư mục, từ điển địa danh, từ điển lịch sử, từ điển địa lý, v.v.. do người Trung Quốc soạn, và mặt khác, cũng chưa thấy dịch hoặc giới thiệu, phổ biến những sách công cụ đồng dạng nói trên bằng Anh ngữ do học giới phương Tây biên soạn.
Sự thiếu hụt kiến thức bên ngoài đã dẫn đến tình trạng giới sử học cứ mãi nói chuyện trong nhà. Trong khi ở Trung Quốc hiện nay, học giới đã tiến đến hình thành nhóm chuyên gia “dịch bình”, quy tụ những người vừa có nghiệp vụ nghiên cứu vừa rất giỏi ngoại ngữ, chuyên lo chuyện đọc và phê bình các bản dịch sách nghiên cứu sau xuất bản. Họ muốn những công trình nghiên cứu tầm cỡ bên ngoài phải đến tay học giới trong nước bằng một bản dịch thật chuẩn xác thật hoàn hảo. Trong khi ở Campuchia hiện nay, ở nhà sách ngoại văn số 1 đường Norodom tại Phnom Penh, sách nghiên cứu sử nổi bật trong nhiều loại sách nghiên cứu khác, nhẩm tính số lượng nhiều hơn ở Sài Gòn gấp 7 hoặc 8 lần.
Lịch sử học thuật sử học Việt Nam thật sự đã để lại nhiều khiếm khuyết, đã để xảy ra tình trạng thiếu hụt kiến thức nền trầm trọng đến mức báo động như hiện nay,mlỡ lầm này buộc những người nghiên cứu sử phải nhận trách nhiệm. Trách nhiệm này là trách nhiệm đối với học thuật.Chừng nào mỗi người tâm huyết cùng nỗ lực chung tay khắc phục khiếm khuyết của quá khứ, thì nềnsử học mới cóthểlấy lại thăng bằng, chừng nào người nghiên cứu sử – bất kể công hay tư- ngoài sự miệt mài dốc sức còn nghĩ thêm một điều lấy cạnh tranh học thuật với bên ngoài làm thú vui, thì lúc ấy học thuật sử học mới có đà phấn phát.
Theo kịp mặt bằng học thuật trong khu vực và thế giới có lẽ là mục tiêu không ngoài lý tưởng và ý nguyện của bậc tiền bối mà giải thưởng này vinh dự mang tên.Nên tôi nghĩ rằng, giải thưởng này đối với riêng tôi và học giới nói chung, ngoài sự biểu hiện mối cảm thông và sẻ chia trong tinh thần trách nhiệm của một bộ phận xã hội, nó còn là động lực thúc đẩy mỗi người đã chọn nghề nghiên cứu phải dốc tâm tận lực, nương theo khoa học để gặt hái tri thức cho mình và cho cộng đồng, để mỗi công trình được viết ra càng về sau càng có giá trị học thuật cao hơn và càng có tầm ảnh hưởng sâu rộng hơn.
Phạm Hoàng Quân
» Sử liệu Trung Quốc không có Trường Sa, Hoàng Sa
» Khẳng định sự thật lịch sử về Hoàng Sa – Trường Sa
» Sách giáo khoa Hoàng Sa vào trường học
» GS. Trần Ngọc Vương: “Trung Quốc mộng” và căn tính sói

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét