Thứ Tư, 25 tháng 3, 2015

“Cây vẽ”, hội chứng lừa tới đỉnh.

Canhco -RFA

Nhìn những hàng cây bị cắt khúc, nhựa đỏ tươm ra như máu nằm lăn lóc trên đường Nguyễn Chí Thanh ai có chút lòng với Hà Nội mà không khỏi cay đắng. Chỉ cay đắng thôi bởi mọi phản ứng hình như đã tê liệt, chai cứng. Người Hà Nội hay bất cứ ai trên phần đất này chắc chắn đã và đang có cùng một thái độ: không phải việc của mình.


Có bao nhiêu người uất ức? chắc là nhiều. Dù sao thì những thân cây kia đã lớn lên, sống cùng với người dân thủ đô. Chúng là kỷ niệm lúc nhỏ, che nắng lúc vào hè và chắn gió lúc trời đông. Bao nhiêu trẻ con lớn lên theo cây và mỗi khi đi xa điều nhớ tới đầu tiên là thân cây quen thuộc im lặng đứng phơi mình trước cửa. Cây đã trở thành bạn, thành người thân, thành một phần trong đời sống của người Hà Nội và bây giờ họ đang chứng kiến chúng bị bức tử, như một quần thể nối liền sự sống và văn hóa của con người. Họ nhìn. Có người lên tiếng than thở, có người tới ôm cây, gắn lên chúng những tờ giấy than vãn. Hơn chục người ra trước nhà hát lớn cầm giấy biểu tình. Tổng cộng hết tất cả những người có phản ứng: chừng trăm!
Ôi, Hà Nội. Sự tích bắt đầu từ rùa. Chấm dứt bởi những trái bom từ B52. Và thách thức lương tri cư dân thành phố bởi những đường cưa bén ngót.
Đâu đó vang lên bài hát chế của giáo sư hài Cù Trọng Xoay. Bài hát vui hơn buồn vì nỗi buồn thật bén hơn nhiều, nó đủ sức đốn hạ những thân cây xà cừ to cao. Cù là nghệ sĩ, dù hài, nhưng anh đã lên tiếng. Còn bao nhiêu Cù khác, bao nhiêu nghệ sĩ chuyên chính khác đang trầm ngâm, tìm kiếm cách nào tuyệt vời nhất để ghi lại hình ảnh những thân cây đổ gục. Sự kiện này lớn và vì vậy không thể làm chiếu lệ. Phải nghiên cứu và tìm ra góc sáng tạo nào hiệu quả nhất. Hả Nội theo họ và… chờ.
Mà không thể trách gì văn nghệ sĩ. Họ có đời sống riêng, có cái nhìn riêng và trong những điều rất riêng ấy họ cũng có vài cái chung đáng quý. Chẳng hạn vài ngày trước họ đã cùng nhau gửi thỉnh nguyện thư cho Tổng thống Barak Obama đòi nhanh nhóng bang giao với Cuba để người anh em này không còn cô độc trên hành tinh. Việc làm đầy nhân văn ấy rủi thay lại bị mấy cái cây Hà Nội khi đổ đã kéo theo làm không còn ai chú ý.
Thỉnh thoảng trên những thân cây may mắn còn đang đứng, người Hà Nội thấy chúng được gắn lên những chiếc nơ vàng, những vòng ruy băng màu vàng quấn chung quanh như che chắn các thợ cưa đang hăm he muốn cắt chúng. Họ là sinh viên, phản ứng yếu ớt và thụ động như từ nhiều chục năm nay. Phản ứng của họ đã được biết trước từ chính quyền bao nhiêu lần trước và lần này cũng vậy: Chỉ được phép xin, và nếu bức xúc lắm thì bạn có thể khóc. Những giọt nước mắt của các bạn có thể lây lan và kết quả cuối cùng thì nước mắt cũng chỉ là nước mắt.
Sinh viên khóc, sinh viên lặng lẽ ôm cây, sinh viên cầm giấy biểu tình…cộng hết lại chưa tới hai mươi người.
Hai mươi niềm đau ấy chia ra cho 2.000 cây đã bị đốn sự khác nhau thảm hại đến đau lòng.
Họ trẻ. Họ còn phải tới trường trả nợ sách vở. Họ còn lệ thuộc vào cha mẹ và trường lớp. Hai mươi người dù ít nhưng vẫn là con số.
Cùng lúc ấy có hai vị giáo sư lên tiếng trên hệ thống truyển thông đại chúng. Một chống, một bênh. Chống thì đưa ra luận cứ mà bất cứ ai cũng đều dễ dàng nhìn thấy. Ông bênh thì dĩ nhiên phải tìm lý do có sức thuyết phục. Hai giáo sư nói xong người ta thấy đó là hai anh em ruột: Chuyện lạ. Hai anh em trên một cỗ xe tăng. Cỗ xe chỉ còn cái vỏ bằng sắt mà không có bất cứ viên đạn nào. Cỗ xe chạy băng băng trên lòng phố Hà Nội khi hai bên đường không một công dân đứng đón hay vẫy tay. Lại thêm chuyện lạ trong muôn vàn cái lạ của dân Tràng An thuở trước.
Nhưng cũng phải nhìn nhận một điều phản ứng trên mạng xã hội nhiều hơn chính quyền thành phố tự tin. Mở bất cứ một mạng xã hội nào ra thì hình ảnh thê thảm của cây cối bị đốn ngập mắt người xem, đến nỗi có thể nói người ta chỉ chăm chăm nhìn vào cây, nhìn vào cách ứng xử của vài khuôn mặt lem luốc. Nhìn và comment, những lời châm chọc, lên án đôi khi muốn vỡ tung màn ảnh computer. Nhưng tiếc thay comment vẫn là comment, người ngồi trong phòng lạnh của UBND thành phố không có thói quen chơi mạng xã hội, vì nghe đâu nó đã bị cấm từ khuya!
Người Hà Nội có chết không nếu 6.700 thân cây ấy bị đốn?
Biết tỏng là “không” nên hầu hết những tay trách nhiệm đều vô tư ăn nhậu. Biết tỏng là không nên Nguyễn Thế Thảo tự tin trả lời bức thư của Trần Đăng Tuấn một cách nhanh chóng và …quyết liệt: Làm gì có chuyện kiếm chác trong vụ đốn cây? Chúng tôi đang thay máu cho thành phố anh hùng bởi 6.700 cái cây ấy toàn là lũ bại liệt, không ruỗng bên trong thì cũng gãy gập bên ngoài. Cứ tin và xem chúng tôi làm việc.
Ông nói thế mà bảo dân nó tin thì khác gì xem dân chỉ là một lũ phu đồn điền cao su thời Tây thuộc. Những gã cặp rằng thời nay dù có dữ dằn cách nào cũng không dám công khai quất vào phu cạo mủ những nhát roi thù hận như xưa. Cùng lắm là chúng len lén kéo nhau đi gở những chiếc nơ vàng, những tờ giấy vô hại gắn trên thân cây như một lời nguyền rủa. Bấy nhiêu cũng đủ cho dân Hà Nội khinh bỉ cả chế độ nói chi tới việc tin cậy lời tuyên bố của một cộng sản chúa có khuôn mặt lừa lọc không cần son phấn.
Ông kẹt nên ông ra lệnh ngưng đốn cây. Mấy đứa khác không kẹt nên vẫn cứ đốn sau khi lệnh của ông đưa ra.
Hay có khi ông chơi bẩn: vừa ngưng trên miệng nhưng dưới trôn vẫn đốn thì sao?
Hình ảnh dân Hà Nội cung cấp cho thấy những hàng cây tiếp tục bị cưa khắp nơi trong thành phố. Hình ảnh cũng cho thấy khắp nơi trong thành phố những chuyến xe chở gỗ chạy ra ngoại thành kìn kìn. Người Hà Nội ngơ ngác nhìn nhau: Chúng chở đi đâu vậy?
Chừng như để an lòng họ, những tấm poster có in hình một thân cây cổ thụ được máng lên những cây vừa được trồng xuống. Người thì nói vàng tâm kẻ lại cho là vàng mả. Tâm hay mả gì thì cũng còi cọc, xương xẩu đứng run rẩy dưới trời Hà Nội nay lại đeo thêm tấm bảng cây xanh trên cổ. Ôi hài hước đến mức đáng nhận một giải thưởng cấp quốc tế vể ý tưởng “Cây vẽ” này.
Các ông các bà muốn cây xanh thì đây mặc sức mà xanh nhé. Bao năm ăn bánh vẽ của một chủ nghĩa không tưởng bây giờ ráng mà nuốt “cây vẽ” cho trọn gói.
Mấy tờ báo nước ngoài không biết có thấy hình ảnh này không. Lạy trời đừng cho chúng biết. Lũ phản động này mà chụp hình đăng báo kèm theo lời bình thì có mà chết anh Phạm Quang Nghị, anh ấy đang tranh chức tổng, món cây vẽ này khó mà nuốt cho trôi.
Chung quy, chỉ vì chúng tôi khinh dân, muốn cho ăn gì thì ăn nấy, đừng bao giờ nghĩ rằng tiếng nói của anh chị ông bà làm chúng tôi chùn bước. Chúng tôi được sinh ra trong bạo động, chúng tôi lớn lên và chiến thắng kẻ thù cũng trên chính cái nền ấy và chúng tôi sẽ không khoan nhượng những nài nỉ ỉ ôi hay khóc lóc của ông bà anh chị đâu, nói thế cho nó vuông nhé.
May. Sáng hôm nay sau khi viết bài này, trên mạng loan đầy tin người Hà Nội tập trung chống lại chính sách thảm sát cây xanh. Pha bình trà, ngồi thở phào với chút niềm vui của một buổi sáng Chúa nhật đầy nắng Sài Gòn. Không biết niềm tin này có phải là thứ niềm tin bị “vẽ” hay không nữa?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét