(PL)- Doanh nghiệp Việt Nam cần kiểm soát kho gạo xuất khẩu, chủ động ra điều kiện mua bán với thương lái Trung Quốc để có giá cao, lợi cho nông dân.
Ngay sau khi Chính phủ cấp quota nhập khẩu gạo trở lại, các thương
nhân Trung Quốc đã tràn sang Việt Nam thu mua. Tình hình xuất khẩu gạo
nước ta sang thị trường này đang nóng trở lại. Tuy nhiên, nhiều ý kiến
cảnh báo Trung Quốc chủ yếu mua gạo qua đường tiểu ngạch với giá cao hơn
sẽ khiến nông dân lẫn doanh nghiệp (DN) Việt Nam mắc lại cái bẫy của
những năm trước. Đó là các DN ào ạt bán gạo cho Trung Quốc, đến khi giá
gạo thế giới tăng, các thị trường mua vào thì nước ta lại không còn gạo
để xuất khẩu.
Các DN chế biến xuất khẩu gạo ở ĐBSCL cho biết mấy tuần nay thương lái Trung Quốc đã bắt đầu hỏi mua gạo với số lượng lớn. Các tàu hàng đã chờ sẵn ở các cảng để chuẩn bị nhận gạo vận chuyển ra cảng Hải Phòng rồi xuất sang Trung Quốc.
Ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng (Tiền Giang), thông tin công ty vừa ký hợp đồng xuất khẩu gần 30.000 tấn gạo sang Trung Quốc với giá bán cao hơn giá gạo trong nước 100-200 đồng/kg. Giá gạo 5% tấm tại cảng Mỹ Thới là 7.500-7.600 đồng/kg, trong khi giá trong nước chỉ 7.400 đồng/kg. Hợp đồng này sẽ giao trong tháng 4 tới đây.
Tuy nhiên, ông Đôn lưu ý thời điểm này Trung Quốc không mua số lượng lớn, giá cũng không cao lắm mà chỉ là thăm dò thị trường, chờ giá xuống thấp nữa mới mua.
Bốc dỡ gạo xuất khẩu tại cảng Sài Gòn. Ảnh: CTV
Đồng quan điểm, ông Lâm Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Lương thực Thịnh Phát (Bến Tre), cũng cho rằng thương lái Trung Quốc quá rành rẽ về thị trường gạo Việt Nam. Theo số liệu của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), hai tháng đầu năm Việt Nam mới chỉ xuất được khoảng 420.000 tấn gạo, số lượng gạo xuất khẩu đã ký được hợp đồng chờ giao chỉ còn 1,4 triệu tấn gạo, thấp hơn rất nhiều so với mọi năm. Hơn nữa DN chào bán giá thấp vài USD/tấn so với mức giá trần xuất khẩu thì không ai mua. Nếu hạ giá xuống dưới 5 USD/tấn thì DN lỗ.
Theo ông Tuấn, do quá hiểu thị trường gạo Việt Nam, thương lái Trung Quốc có thể thấy giá gạo hiện nay chưa “ngon”, cùng với tình hình bế tắc xuất khẩu, họ không mua vào nhiều. Bế tắc hơn nếu thu hoạch xong vụ đông xuân mà gạo vẫn khó tiêu thụ thì có thể giá gạo sẽ còn giảm nữa, khi đó thương lái Trung Quốc mới nhảy vô mua.
“Thương lái Trung Quốc nhập chính ngạch phải chịu thuế phí khoảng 70-80 USD/tấn, trong khi nhập tiểu ngạch không chịu thuế phí thì họ chỉ cần bỏ ra khoảng 20-30 USD/tấn để “bôi trơn” vẫn có lời 40-50 USD/tấn. Tính ra, thương lái Trung Quốc bỏ ra thêm 20-30 USD trong khoản hưởng lợi 40-50 USD nhờ xuất tiểu ngạch để nâng giá thu mua lên là đã giết chết những DN Việt Nam bán chính ngạch rồi. Chưa kể với mức “tăng ảo” giá thu mua của thương lái Trung Quốc tạo ra khiến mặt bằng giá trong nước tăng, DN xuất khẩu Việt Nam phải bán giá cao nhưng không ai mua. Không ký được hợp đồng với các thị trường khác buộc DN Việt phải quay lại bán cho Trung Quốc để giải phóng tồn kho” – ông Tuấn phân tích.
Ra điều kiện mua bán với Trung Quốc
Một chuyên gia trong lĩnh vực lúa gạo cho biết thị trường xuất khẩu gạo hiện đang rất xấu, rất ảm đạm do bị cạnh tranh từ Thái Lan, Pakistan. Như vậy, kịch bản xấu: Trung Quốc chờ giá thấp nữa, họ nhảy vào mua, thị trường bế tắc buộc DN Việt Nam bán gạo. Khi đó gạo sẽ ào ạt chảy qua đường tiểu ngạch không ai kiểm soát. Đến thời điểm giữa và cuối năm các thị trường mua nhiều, giá tốt thì DN nước ta lại không có gạo để bán.
Theo vị chuyên gia này, khâu yếu của DN xuất khẩu lẫn hiệp hội và bộ, ngành là nhận định, đánh giá thị trường. Trung Quốc dựa vào thế là nước tiêu thụ gạo lớn nhất thế giới, họ đã có những “chiêu” khiến giá gạo xuất khẩu phải giảm theo ý họ. Ngay từ đầu năm 2015, Trung Quốc đã ký một hợp đồng đặc biệt là chương trình mua 2 triệu tấn gạo đổi lấy dự án đường sắt với Thái Lan. Tuy nhiên, việc thực hiện còn là thời gian, quan trọng là “đòn dọa” các nước xuất khẩu gạo khác trong đó có Việt Nam. “Nhưng DN Việt Nam quên rằng Trung Quốc đang phụ thuộc nguồn gạo nhập nước ta vì dân đông. Các nước Pakistan, Thái Lan tuy giá bán có rẻ nhưng chi phí vận chuyển tính vào lại cao hơn. Việt Nam phải chủ động để điều chỉnh không nên bán giá quá thấp, nông dân bị thiệt hại. DN Việt Nam phải ở thế chủ động hơn khi đặt điều kiện mua bán với thương lái Trung Quốc” – vị chuyên gia nói.
Ông Nguyễn Hùng Linh, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), cho rằng trong vài tháng tới đây, không chỉ Trung Quốc mà những nước Philippines, Malaysia, Indonesia vẫn phải mua gạo với số lượng lớn để đáp ứng nhu cầu trong nước. Đáng chú ý, sắp tới Philippines sẽ mở gói thầu nhập khẩu 1 triệu tấn gạo. Đây là cơ hội rất lớn cho Việt Nam. Lượng gạo Việt Nam cũng không nhiều nên không đáng lo. Hơn nữa, đối thủ chính Thái Lan vẫn đang cố bán gạo tồn kho nhưng do gạo cũ khiến người tiêu dùng các thị trường cũng khó chấp nhận.
Theo ông Linh, lúc này DN không nên mua bao nhiêu là bán hết cho Trung Quốc mà cần chuẩn bị tốt kho trữ chờ đợi những hợp đồng ký với thị trường khác giá cao hơn.
QUANG HUY
Doanh nghiệp thu mua tạm trữ gạo phải có năng lực tài chính tốt Thu mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo là giải pháp điều tiết thị trường, giữ ổn định giá lúa trong thời điểm nông dân vào vụ thu hoạch, góp phần giảm áp lực thị trường xuất khẩu gạo. Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) phân bổ chỉ tiêu cho các DN theo tiêu chí là có đăng ký mua tạm trữ, có thành tích mua tạm trữ trong các vụ thu hoạch trước, có năng lực xuất khẩu và tiêu thụ lượng lúa gạo tạm trữ và có tham gia mô hình liên kết cánh đồng mẫu lớn. Tuy nhiên, thực tế lại cho thấy nhiều DN có tình hình tài chính kém, DN bị thua lỗ vẫn được xếp vào danh sách mua lúa gạo tạm trữ, dẫn đến tình trạng không được ngân hàng cho vay nên không thể mua lúa gạo. Vì vậy, VFA cần đưa tiêu chí năng lực tài chính là điều kiện đối với DN thu mua tạm trữ, đẩy nhanh quá trình mua gạo cho nông dân.
Ông LÂM ANH TUẤN, Giám đốc Công ty TNHH Lương thực Thịnh Phát
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét