Thứ Tư, 11 tháng 3, 2015

Fukushima: sự ngu dốt của mình là sức mạnh của kẻ khác.

 Boxitvn

Thục Quyên
Giáng sinh 2014.
Nhiều người bạn Việt Nam của tôi, kẻ sống trong nước, người ở nước ngoài về thăm quê hương, gửi cho tôi những tấm hình chụp Hà Nội, Sài Gòn, ban đêm đèn hoa muôn sắc. Hàng trăm, hàng ngàn, hàng chục ngàn những ngọn đèn đủ màu , chảy dài như những con suối lung linh, hay rực rỡ những đóa hoa muôn màu.
Các bạn tôi gửi cho tôi, cho nhau, để hưởng lại niềm vui trẻ thơ với những cảm giác lâng lâng khi đọc truyện thần tiên, và trầm trồ với đôi chút hãnh diện : ban đêm Sài Gòn đẹp hơn Singapore!

“Ban đêm” vì ban đêm không nhìn thấy những sự thật trần truồng khác, và “hơn”có lẽ vì bản tính người Việt chưa “bằng” nhưng lúc nào cũng muốn “hơn”?

Tuần trước, giật mình thấy một tấm hình đèn hoa Sài Gòn đăng trên tờ báo Nhật Asahi Shimbun
clip_image002
Illuminations in Ho Chi Minh City (Tho Mai)
và một bài viết của giáo sư Michiko Yoshii thuộc ngành Truyền thông Quốc tế đại học Okinawa, một người đã từng sống 12 năm tại thành phố Saì Gòn. Từ năm 2005 tới nay bà mới trở lại nơi này trong dịp lễ Giáng sinh-Tết Tây vừa qua, và như các bạn tôi, bà cũng đã chứng kiến Saì Gòn hoa lệ về đêm.
Nhưng có lẽ như lời triết gia Pháp Henri Bergson: Les yeux voient seulement ce que l’esprit est préparé à comprendre(Đôi mắt chỉ thấy những gì tâm trí được chuẩn bị để hiểu).
nên khi nhìn đèn đuốc rực rỡ tại một đất nước mà bà đã từng nghiên cứu và biết rõ hiện trạng, GS Michiko Yoshii lo lắng Hồ Chí Minh chói sáng nhưng dự án hạt nhân đe dọa nơi chân trời.
Một người đàn bà Nhật có học cao, chẳng khác những bạn tôi và hàng chục hàng trăm ngàn người Việt giáo sư đại học, bác sĩ, kỹ sư khắp nơi trên thế giới, chẳng chuyên khoa về năng lượng nguyên tử, nhưng người đàn bà này đã nhìn thấy và quan tâm đến sự sống còn của những con người Việt Nam.
GS Michiko Yoshii viết:
Là một người Nhật, tôi cảm thấy có trách nhiệm rất lớn, vì Nhật Bản là một quốc gia xuất khẩu công nghệ hạt nhân. Trong khi thành phố (Hồ Chí Minh) đang đếm ngược tới thời khắc giao thừa qua năm mới, tôi cảm thấy ngột ngạt và cuối cùng vào giường ngủ, không xem đốt pháo bông.
Tôi lấy quyết định trong năm nay phải làm gì đó để ngăn chận Nhật Bản xuất khẩu lò phản ứng hạt nhân qua  Việt Nam.
Bốn năm trước, ngày 11/03/2011 lúc 14:47, cả thế giới đã nín thở theo dõi thảm họa hạt nhân tại nhà máy điện Fukushima Daiichi, xảy ra sau trận động đất và sóng thần Sendai tại thị trấn Okuma, ven biển miền đông nước Nhật. Sau khi Ủy ban điều tra của quốc hội Nhật khẳng định sự cố này là một  “thảm họa nhân tạo” và không chỉ do động đất/sóng thần gây ra, thái độ của người dân Nhật và dân chúng các cường quốc tự do trên thế giới đối với Năng lượng hạt nhân đã tới một khúc quanh quan trọng: sự chú ý và hiểu biết của đám đông đã lột trần những che đậy dối trá của ngành công nghệ này và sự bất lực của con người khi tai nạn xảy ra trong khi xử dụng nó.
Không những nếu thành thật tính cả những phí tổn tháo gỡ các nhà máy hạt nhân sau qúa trình sử dụng và phí tổn quản lý chất thải, thì điện hạt nhân sẽ là một năng lượng rất đắt, ngoài ra còn một sự thật mà toàn thế giới không ai dám phủ nhận là cho đến ngày nay, không có nơi lưu trữ thực sự an toàn cho chất thải phóng xạ, mà một phần sẽ là mối nguy hiểm thường trực kéo dài hơn nhiều trăm ngàn năm nữa.(1)
Bốn năm sau thảm họa Fukushima,tất cả những quốc gia tự do, dưới áp lực của người dân, đã ít nhiều thành công thay đổi chính sách năng lượng của họ, triệt để tiết kiệm, sử dụng có hiệu lực để giảm thiểu năng lượng cần thiết, và đồng thời khai thác các nguồn năng lượng tái tạo.
Trong khi cho tới giờ phút này bài tóan Fukushima chưa được giải quyết và sự nguy hiểm nhiễm xạ cũng như  tốn kém không lường được, thì Nga là cường quốc vẫn khẳng định quyết tâm phát triển năng lượng hạt nhân. Và nền kinh tế Nga hiện nay lệ thuộc nhiều vào việc xuất khẩu những nhà máy điện hạt nhân, bên cạnh xuất khẩu vũ khí.(2)
Đáng quan tâm là Nga không bao giờ bán chịu vũ khí nhưng sẵn sàng bán chịu những nhà máy điện hạt nhân, đồng thời lớn tiếng bảo đảm an toàn (3) cho những quốc gia mua của họ, như Việt Nam.
Sau Nga, Nhật cũng đã thầu xây nhà máy điện hạt nhân tại vùng Ninh Thuận, và Mỹ cũng đang trong vòng thương lượng với nhà nước Việt Nam.
Bài viết của GS Michiko Yoshii kể lại những câu nói rất tiêu biểu cuả hai người trẻ Việt Nam khi bà hỏi ý kiến họ : Anh Đức , người có gia đình sống cách nơi Nhật sẽ xây nhà máy, cho biết có nghe tên Fukushima nhưng không biết là cái gì. Anh chỉ chú ý coi đá banh trên truyền hình.
Cô Mai, công nhân nhà máy may, có gia đình sống trong phạm vi 20 cây số quanh nơi sắp xây nhà máy Thái An cho biết, cô có thấy thảm họa động đất và sóng thần năm 2011 tại Nhật trên truyền hình, nhưng chưa hề nghe tới Fukushima. Cô thường chỉ dùng truyền hình để coi phim kịch . Nghe GS M.Yoshii nhắc tới vấn đề nước nhiễm xạ tiếp tục tuôn ra từ nhà máy Fukushima Daiichi, cô Mai nhớ tới trung tâm chứa nước gần Thái An và lúc đó mới tỏ ý lo sợ rò rỉ phóng xạ ô nhiễm nguồn nước sạch của dân quanh vùng.
T.Q.
_________________________________________________________________
(1) Kỹ nghệ hạt nhân trong ngõ cụt
(2) Rosatom là gì?
(3) Chết vì phóng xạ
Tác giả gửi BVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét