Thứ Ba, 3 tháng 3, 2015

Hồi ký Nguyễn Trọng Vĩnh – Chương I – II – III

Tễu

Hồi ký Nguyễn Trọng Vĩnh – CHƯƠNG 1: THỜI NIÊN THIẾU

Lời dẫn của Lâm Khang: 

Xuân này, Lão tướng Nguyễn Trọng Vĩnh vừa bước vào tuổi 100. Cụ là lão thành cách mạng, trải các chức vụ Bí thư tỉnh ủy (3 tỉnh), Phó Ban thường trực Ban Tổ chức TW, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền VN tại Trung Quốc (12 năm) kiêm Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Hồi giáo Pakixtan, Phó Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh Việt Nam. Cụ là một trong 3 ủy viên trung ương đảng Cộng sản Việt Nam khóa III hiện còn sống. Và hiện nay chỉ còn duy nhất cụ là tướng do cố Chủ tịch Hồ Chí Minh phong.


Tướng Vĩnh thông hiểu chữ Hán cổ, rành Trung văn, Pháp văn và có thể giao tiếp bằng Tiếng Anh (cụ là học viên tiếng Anh của Hội đồng Anh tại HN, khi cụ đã ở tuổi ngoài 80). Cụ cũng thông hiểu y học cổ truyền do tự học, tự chữa bệnh cho mình và người thân trong gia đình bằng Đông y.
Mỗi ngày Cụ vẫn đi bộ 2 km và ăn uống điều độ (giờ ăn cơm đều chính xác, dinh dưỡng vừa đủ), nghỉ ngơi có chế độ. Đặc biệt cụ theo dõi hầu hết các trận bóng đá châu Âu và quốc tế phát trên truyền hình, trừ những trận quá khuya. 

Kính chúc Lão tướng Trăm tuổi an khang, trường thọ, làm chỗ dựa cho đàn con, đàn cháu hôm nay. 
Nhân dịp mừng đại thọ 100 tuổi (kỳ di thọ khảo) Lão tướng, được phép của Lão tướng, chúng tôi đăng tải Hồi ký “Kể lại cuộc đời” của cụ, do chính tay cụ viết và để lại cho con cháu. 
Chương I: 
THỜI NIÊN THIẾU
Quê tôi ở làng Thổ Phụ tổng Cao Mật, nay là xã Vĩnh Tiến huyện Vĩnh Lộc tỉnh Thanh Hoá. Làng ở gần bờ sông Mã, bên cửa Tây Thành nhà Hồ. Quê tôi có núi, có sông, có thành, kể ra thì cũng thật là đẹp. Nhưng từ khi sinh ra đến khi rời khỏi làng đi “tha phương cầu thực”, tôi đâu có thì giờ để ngắm núi ngắm sông, để thưởng thức vẻ đẹp quê hương mình.
Nhà tôi nghèo lắm, có ít ruộng công làng vừa chia cho đã vội phải đem cầm cố để lấy tiền ăn. Mẹ tôi mất khi tôi chưa đầy một tuổi, bà ngoại và các dì phải đưa tôi đi bú rình, hoặc cho ăn nước cháo loãng. Vì ăn uống thiếu chất như thế nên đã có lần tôi bị chết lả, may mà còn cứu lại được. Mẹ đẻ tôi tên húy là Trịnh Thị Hận, bà có người em gái tên là Trịnh Thị Đởm, lúc đó chưa lấy chồng. Vì thương tôi còn măng sữa mà đã mất mẹ nên bà đồng ý lấy bố tôi và trở thành mẹ kế của tôi. Bố tôi là Nguyễn Lôi Xuân, vốn là con nhà nho, có được học hành, nhưng vào cái thời đó chữ nho không còn được trọng vọng nữa nên cái nghề ông đồ dạy học của bố tôi chẳng còn kiếm được mấy tí cơm cháo để nuôi đủ vợ con…
Vào khoảng năm 1917 hay 1918 gì đó, bố tôi bị thi trượt kỳ thi Hương (lúc đó gọi là thi Tam trường) nên vẫn chỉ là ông đồ, ngồi dạy học hết nhà này sang nhà khác mà vợ vẫn phải đi cuốc cỏ thuê lấy tiền đi chợ. Rồi bố tôi lại ra tận Kiến An tìm chỗ dạy học (việc đi Kiến An là do ông Lý ở làng Lộ Đông – bạn đồng khoa với bố tôi – giới thiệu giúp). Lúc đó nhà mới có anh cả tôi là Nguyễn Bá Thọ (anh Thọ hơn tôi 3 tuổi) với tôi. Hai anh em ở lại quê cùng với dì Đởm. Anh Thọ lên sáu đã biết đi mót lúa, đào chuột ngoài đồng. Khi tôi lên sáu thì được ông bác là Nguyễn Văn Quí (ở quê thường gọi là ông Qưới) đón sang nhà cho học chữ nho. Bác Qưới đỗ Cử nhân và có lúc đã được thụ chức Hàn lâm Kiểm thảo nên còn gọi là ông Hàn Nguyễn. Tôi học được một quyển Tam tự kinh và một quyển Tam thiên tự. Khi tôi lên tám thì ông bố từ Kiến An trở về đón cả nhà ra Hà Nội. Ông thu xếp cho gia đình ở nhờ một người trong làng Vĩnh Phúc (giáp đường Hoàng Hoa Thám ngày nay). Bố tôi vẫn đi dạy học ở Kiến An, mấy mẹ con tôi thì đi xe đất thuê cho nhà máy gạch gần đền Quán Thánh, hồ Trúc Bạch. Sau không còn việc đi xe đất nữa thì hai anh em tôi đi bán bánh tây (bánh mì). Bánh đựng trong bao tải, anh em khoác lên vai, vừa đi vừa rao, một xu một cái. Hôm nào bán được kha khá thì bàn nhau ăn đi một cái (để tự thưởng cho mình). Dì Đởm thì mua mía bó về để ở cửa nhà chia ra bán lẻ từng cây.
Năm tôi lên chín, đến vụ đóng thuế thân (thuế thân mỗi năm phải đóng một lần còn gọi là suất sưu) của bố tôi; chỉ một suất 2 đồng rưỡi tiền Đông Dương thôi nhưng gia đình tôi cũng không kiếm đủ tiền. Do không đóng được thuế nên bố tôi bị giắt đũa vào kẽ tay rồi buộc dây thít lại rất đau. Chẳng riêng gì bố tôi, ai không đóng nổi thuế cũng bị “tra tấn” kiểu như vậy nên khó mấy cũng phải cố mà “chạy” tiền để đóng cho xong cái khoản sưu đó. Thuế này thu vào độ tháng năm hàng năm, thu tại quê gốc. Chính quyền họ quản rất chặt nên người dân dù có đi làm ở đâu, cứ đến vụ thuế là vẫn phải tìm đường mà về. Bố tôi không còn cách nào xoay ra tiền thuế nên quyết định phải bán một đứa con. Tôi là con thứ nên bị bán (vì phải để anh Thọ là anh trưởng ở lại nhà gánh việc hương khói). Tôi bị bán cho một ông tên là Đỗ Văn Đòng ở làng Hữu Tiệp Hà Nội. (Bên trong là việc mua bán hẳn hoi nhưng bên ngoài gọi là “cho làm con nuôi”). Tiền bán được sáu đồng Đông Dương, bố tôi đem nộp thuế xong lại đi Kiến An dạy học ngay.
Tôi ở với ông Đòng, mang tiếng là “con nuôi” nhưng thực ra quá con ở, khổ cực lắm. Ông Đòng bà Đòng không có con, ở trên còn có cha mẹ, dưới có cô em tên là Đỗ Thị Mây. Ông bố của ông Đòng lúc đó khoảng độ ngoài 50 tuổi, tính rất ác. Bà vợ ông ấy thì ưa đồng bóng, lại nghiện rượu nặng, cứ uống vào là chửi vung lên, tất nhiên những câu chửi của bà ấy có cả tôi cũng phải hứng chịu. Ông Đòng thì bị điếc và tương đối hiền. Ông ấy làm thợ sắt ở nhà máy xe lửa Gia Lâm, ít trông nom đến việc ở nhà. “Việc nhà” thực chất đổ hết lên vai một thằng bé chín tuổi là tôi. Sáng bảnh mắt mới bốn giờ đã phải dậy, đi từ làng Hữu Tiệp (gần nhà máy bia Hà Nội) đến Nghi Tàm (bên bờ bắc Hồ Tây) mua hoa đem xuống Bờ Hồ cho bà Mây bán. sau đó về giặt giũ cho cả nhà, thổi cơm, quét dọn, rửa bát v.v… Chiều đến lại đi cắt hoa ở vườn các làng Đống Nước, Ngọc Hà. Có hôm, phải đi cắt lá cúc tần để bó hoa sang mãi làng Vạn Bảo cắt lá ở hàng rào nhà người ta, hoặc cắt ở cây mọc hoang hai bên đường Đội Cấn (ngày xưa khu ấy gọi là Vườn Bông), đi xa, cắt được đầy rổ sảo, nặng quá, phải nhờ người đi đường cất giúp lên đầu mới đội đi được. Tôi ăn cơm xong lại phải ngồi bó hoa. Việc làm rất tỉ mỉ, ví như phải lấy những cái que nhỏ như que tăm, dài độ gang tay, buộc mấy cuống hoa vi-ô-lét cho nó dài ra rồi mới cắm được vào lọ (chú thích thêm: hoa vi-ô-lét là loài mọc lan dưới đất như loài rau dấp cá, hoa tím có mùi thơm, không phải loài hoa tím không thơm có cành dài, lá như lá thì là có tên là a-lo-ét mà bây giờ người ta vẫn gọi nhầm là “vi-ô-lét” đâu.)… Dịp Tết thường phải làm đến nửa đêm. Công việc ngày nào cũng ngập đầu ngập cổ như thế, một thằng bé mới chín mười tuổi như tôi, cái tuổi còn ham chơi mà chẳng bao giờ được ngơi tay ngơi chân để chơi lấy một lúc. Có hôm thèm chơi quá, khi đi lấy hoa tôi đã để rổ hoa đấy nhảy ra chơi với lũ trẻ con nên về muộn. Thế là bị ông cụ Đòng, bà vợ và người con dâu trưởng (mẹ nuôi) đồng thanh chửi bới vuốt mặt không kịp. Có lúc còn phải đòn. Lắm lúc cảm thấy tủi nhục quá, tôi phải khấn gọi mẹ để than thân trách phận với mẹ và mong mẹ phù hộ.
Do phải thường xuyên đi vào những nơi tha ma, bờ rậm, bụi hoang, ao chuôm để hái lá, hái hoa mò (hoa bấn đỏ), nhổ hoa súng đem về làm hoa bán (rét cũng phải lội). Chân tay tôi nhiều khi bị sứt sát; chẳng thuốc men băng bó gì rồi cũng tự khỏi. Nhưng một lần bị một vết rách ở bắp chân khá sâu, sau thành sâu quảng, to bằng đồng xu, suốt hai năm, ai mách lá gì thì đắp lá ấy đều không khỏi. Vết sâu quảng ngày càng ăn sâu và rộng ra, rất đau nhức. May sao biết được ông Cả Bích cùng ở làng Hữu Tiệp đang là y tá, mới nhờ ông ấy chữa. Ông lấy bông và nước vô trùng rửa ngoáy sâu vào chỗ sâu quảng, đau điếng cả người nhưng phải cắn răng mà chịu, rồi ông bôi “canh-ki-dốt” (thực ra là tanh-tuya-đi-ốt), xót cứng người, rồi ông lại rắc phèn xanh đầy lên vết sâu… Thế rồi nó khô miệng, co lại và khỏi. Có lần tôi bị thối tai, cũng chẳng ai chăm chữa, mình chẳng biết thuốc gì, chỉ biết hàng ngày lấy bông ngoáy cho mủ ra, dần tự khỏi lúc nào không biết. (Ấy vậy mà đến giờ trên chín mươi rồi mà tai tôi vẫn còn nghe rõ).
Trong nhà may chỉ có “cô Mây” là người có bụng rộng rãi, không đến nỗi coi khinh coi rẻ người ăn kẻ ở. Bà Mây lúc đó chưa lấy chồng, hàng ngày ngồi bán hoa ở bờ Hồ Hoàn Kiếm đối diện nhà Godart. (Siêu thị Hanoi plaza bây giờ). Buổi tối bà thích nghe đọc tiểu thuyết Tàu. Tuy con nhà khá giả nhưng bà cũng không được học chữ, bà nghĩ ra cách cho tôi tiền đi học mấy tháng chữ quốc ngữ, học xong về đọc tiểu thuyết cho bà nghe. Những là “Tam quốc”, “Ngũ hổ bình Liêu”, “Phấn trang lâu” v.v… Khi tôi đọc sách thì bà bó hoa đổi công cho tôi, thỉnh thoảng bà còn mua quà cho ăn và cho ít tiền tiêu vặt nữa. Tuy bà Mây có thương tôi thực, nhưng bà cũng không thể bớt cho tôi những quãng đường chân đất, đi bộ ngày ngày từ làng Hữu Tiệp đến Nghi Tàm rồi xuống Bờ Hồ để mua hoa đem xuống “bờ hồ” cho bà bán. (Tính ra mỗi ngày tôi đều phải đi vài chục cây số). Bà Mây cũng không thể thay tôi lội xuống hồ những sáng tinh sương giá buốt để bứt những bông hoa súng hiếm hoi. Bà Mây còn muốn cho tôi đi học thêm ít nữa nhưng bố, mẹ ông Đòng bắt tôi thôi để làm việc nhà. Khoảng mười một mười hai tuổi, tôi phải kiêm thêm việc đi chợ mua sắm những ngày giỗ, tết. Tôi khoác thúng lên chợ Đồng Xuân, len lỏi vào chỗ các bà đi chợ nghe các bà khảo giá, mặc cả rồi mua theo họ. Dần dần tôi cũng thông thạo cách chọn hàng hoá, cách trả giá và cả cách nấu nướng của “người kẻ chợ” (vì quan sát và phục dịch việc nấu cỗ cho bà Đòng, bà Mây). Tôi ở làm con nuôi suốt năm sáu năm trời mà chẳng có ai ra thăm được một lần, vì nhà nghèo đường xá xa xôi, người nhà không có tiền đi tàu đi xe… Mãi đến khi tôi mười lăn tuổi (năm 1929), bố tôi mới kiếm được đủ tiền (sáu đồng bạc) để chuộc tôi về. Khi đó, nhà ông bà Đòng có ý tiếc, muốn giữ tôi ở lại, bố tôi phải nói mãi họ mới chịu nhận tiền chuộc để cho tôi theo bố về quê. (Lúc đó sáu đồng bạc là rất to, vì một tạ gạo có hai đồng rưỡi, một mét vải hai hào rưỡi, một bát phở ba xu, bánh tây một xu v.v…). Cha con dắt nhau về quê đúng vào dịp Tết. Ăn tết xong bố tôi đưa tôi xuống Phủ Quảng xin vào học trường công, gọi là Trường Cao đẳng tiểu học, trường có sáu lớp, thứ tự là Năm – Tư – Ba – Nhì dưới – Nhì trên và Nhất. Lớp Năm là lớp Bét. Lúc đó cả ba huyện Yên Định, Thọ Xuân, Vĩnh Lộc mới có được cái trường như vậy. Muốn vào được lớp Bét, tôi phải khai rút đi mấy tuổi (vì mười lăm tuổi là không được vào học lớp bét đó nữa). Đưa tôi về quê xin học xong, bố tôi lại ra Hà Nội cùng với dì và anh Thọ tiếp tục làm việc kiếm tiền. Tôi ở nhờ nhà bác Cử – anh ruột bố – để đi học. Thời gian đầu, bố gửi cho tôi mỗi tháng một đồng rưỡi để ăn và mua sách vở. Tiền học không phải đóng. Hàng ngày đi học về tôi tự nấu nướng cơm nước ăn một mình. Cơm chủ yếu ăn với muối rang mỡ, có lúc phải với cả cái váng trên mặt vại cà muối chưng lên để ăn với cơm. Lúc nào bí quá thì qua nhà bà dì ở làng Phương Giai xin được quả cà muối, quả dưa chuột về ăn, thậm chí còn phải xin cả vài bơ gạo về nấu cháo dần nữa. Ngày nghỉ, tranh thủ ra sông Mã bắt con vờ làm mồi câu cá cải thiện bữa ăn hoặc lên rừng kiếm củi về đun. Rừng cách nhà 12 cây số, một mình đi kiếm gánh về, không có người cùng đi để thay nhau gánh nên mỗi lần chẳng được bao nhiêu; khi hết củi phải vơ lá để thổi cơm và đốt lấy ánh sáng để học. Cũng có lúc qua nhà dì xin được gánh củi bằng thân cây cà phơi khô.
Nhà bác Cử tôi có anh Chí là con trai, cùng tuổi với tôi nhưng học trên tôi hai lớp. Tối tối tôi thường ngủ cùng anh Chí cho khỏi rét. Bác Cử (tức bác Qưới, tức ông Hàn Nguyễn) rất thương tôi, nhà cũng rất nghèo nên không giúp đỡ được gì nhiều. Thỉnh thoảng nhà có giỗ tết, bác không quên gọi sang ăn, khi đánh đòn tôi bác cũng đánh y như đánh anh Chí vậy. Bác cử tôi vẫn đi dậy chữ Hán ở trường Pháp – Việt mỗi tuần một buổi, tháng được bốn, năm đồng; bác gái thì ốm yếu, nhà có mấy người con nhưng chỉ mới có một chị biết làm ruộng. Bác cử cũng hay phải đi vay tiền và thường cho tôi đi theo làm “tiểu đồng”. Có nhà nào nể mặt bác là quan Hàn mà sắp cơm ra đãi thì tôi cũng được ăn ghé. Từ nhà bác tôi đến trường học xa 3 km đi hết gần một tiếng đồng hồ, thời gian đi từ nhà đến trường cũng là thời gian tôi tranh thủ học bài, bởi thì giờ của tôi rất hiếm (vì học ngày 2 buổi).
Học được một thời gian thì hoàn cảnh gia đình càng sa sút hơn, có lúc ông bố chỉ gửi cho được một đồng một tháng, rất thiếu tiền tiêu. Tôi đã phải đến cửa hàng Mộng Long nhà ông Cò Tước ở phố Giáng mua chịu sách vở; bút mực. Ông Cò Tước có hai con trai là Hồ Thanh Giản và Hồ Sĩ Phấn cùng học một trường với tôi. Có lần phải xuống tỉnh thi tốt nghiệp tiểu học, cũng phải mua chịu vải nhà ông Cò Tước để may quần áo đi thi. Món nợ đó mãi sau ngày hoà bình lập lại tôi mới đem đến trả được, nhưng ông Tước lại không chịu lấy.
Tôi học từ tháng giêng năm 1930 cho đến hết tháng năm và thêm một tháng học hè ở nhà hết được lớp Bét và đủ điểm lên lớp Tư. mới học lớp Tư được hai tháng thì cô giáo Tâm phụ trách dạy lớp tôi đã đề nghị với ông đốc học xin cho tôi nhảy lên lớp Ba, vì cô bảo: “thằng bé này học nhanh qua, nó thừa sức ra…”. Khi lên lớp Ba, chỉ hai tháng đầu là tôi phải chịu đứng thứ 5 trong lớp, còn sau đó tôi lại vươn lên đứng đầu cho đến cuối năm học. Cuối năm 1930 đầu năm 1931 khi tôi học xong lớp Ba thì học sinh phải thi để lên lớp Nhì, ai thi đạt loại xuất sắc thì được lên thẳng lớp Nhì trên, không phải học một năm ở lớp Nhì dưới nữa. Tôi được lên thẳng lớp Nhì trên, tại lớp này, cả năm học tôi đều đứng thứ nhất. Trong lớp tôi hăng hái phát biểu ý kiến, khi được gọi kiểm tra miệng, tôi cũng trả lời gọn ghẽ, chính xác nên thường được ghi “nốt” tốt. Sang năm học 1932 – 1933, Trong thời gian học lớp Nhất, tôi lại được xếp đầu lớp trong cả năm. Trường Cao đẳng tiểu học Phủ Quảng gồm sáu lớp mà tôi chỉ học hết ba năm là tốt nghiệp, nên nổi tiếng trong toàn huyện, nhiều nhà bảo con: “học như cậu cháu cụ Hàn Nguyễn mới nên học”.
Tôi phải xét một cách khách quan rằng, ở ngôi trường Cao đẳng tiểu học mà tôi được học thời đó, các thày cô giáo dạy rất giỏi, lại tận tụy với nghề nghiệp, đối xử với học trò rất công tâm. Nhờ vậy mà tôi được động viên, vui vẻ học tập, nắm chắc được kiến thức. Mặc dù chỉ học hết tiểu học nhưng những thứ học được đó đã có ích cho tôi lâu dài trong cuộc sống, nhất là môn ngoại ngữ, (tiếng Pháp bắt đầu “học” từ lớp Ba là đã phải “hành” tức là dùng tiếng pháp trong lúc học và thi) sau này đã sử dụng đến rất nhiều.
Được dạy dỗ cẩn thận cộng với tính ham học sẵn có, có thể nói tôi đã dễ dàng vượt qua được chương trình Cao đẳng tiểu học, đi thi ở “tỉnh” lấy được bằng cấp hẳn hoi mà còn tiết kiệm được hai năm cơm áo của cha mẹ. Tôi nói dễ dàng là về công học hành thôi, chứ bốn năm học là bốn năm vược qua trùng trùng khó khăn trong đời sống, vượt bao vất vả về thể lực… Cuộc thi tốt nghiệp trên tỉnh chẳng hạn: từ nhà lên tỉnh lị Thanh Hóa cách 44 km, một mo cơm nắm đi bộ từ sáng đến chiều tối mới tới, sáng hôm sau là thi ngay các môn Toán, Cách trí (tức môn Khoa học), Luận, Sử… (trong hai ngày).
Tốt nghiệp được trường Cao đẳng tiểu học, tôi cũng không thể quên được công ơn cha mẹ, ông bác, bà dì, và cả những người như ông Cò Tước, chẳng phải họ hàng mà cũng đã khẳng khái giúp tôi.
Cũng có vài kỷ niệm vui vui trong thời gian học tiểu học: Trong kỳ nghỉ hè từ lớp Nhì lên lớp Nhất, tôi được ông Phó Căn người cùng làng đón về dạy con trai ông cùng mấy em bé con nhà hàng xóm (vậy là có học có hơn, “nhất tự vi sư” đúng như người xưa nói). Tiền công thì chưa có nhưng tôi đã được nhà ông Phó Căn sắp xếp cơm nước tử tế, ông bà rất thương tôi đã đánh tiếng muốn gả con gái cho nữa! Cũng vui là sau này con trai ông Phó Căn, cậu “học trò” đã từng bị tôi đánh đòn lại trở thành con rể bác Cử tôi. Đó là bác Lai, tôi lại phải gọi là anh rể, là bố của các cháu Quang, Minh, Cảnh bây giờ.
Thời gian tôi ngồi dạy học ở nhà ông Phó Căn, cô con gái út của ông bà tên là cô Vạn, mới 13 tuổi đã “phải lòng” tôi, tôi cũng thầm yêu cô ấy, hai người chưa dám chuyện trò gì với nhau, chỉ tỏ cảm tình với nhau qua ánh mắt, nụ cười thôi. Sau, bố tôi gọi ra Hà Nội thì mối tình đầu đó trở thành vô vọng.
Một chuyện khác là, khi tôi 18 tuổi, đang học năm cuối, vì hoàn cảnh ngặt quá, bác Cử mới đưa đến làng Hồ Nam định gán cho con gái đã mang thai nhà ông chánh tổng Hồ Nam giàu có, với ý định để cho tôi có chỗ dựa, có điều kiện để tiếp tục học lên cao nữa. May sao cô ta không đồng ý. (Chứ nếu không thì cuộc đời tôi chẳng biết đã rẽ sang ngả nào?).
Sau khi tốt nghiệp, tôi được mời lên làng Mỹ Xuyên (cách nhà chừng 3 cây số) để dạy học. Lớp học ở nhà tư, học trò chỉ độ mười lăm em nhưng ở đó tôi cũng đã được tôn trọng, được ngồi cùng bàn với lý trưởng khi có việc làng. Dạy học ở Mỹ Xuyên được gần một năm thì tôi được gọi ra Hà Nội để kiếm việc làm.
Thời gian học ở quê nhà, còn có một việc không thể không nhắc tới, một việc quan trọng đã tác động đến cả cuộc đời sau này của tôi. Đó là sự nhen nhóm của ý tưởng cách mạng, của tinh thần yêu nước thương nòi. Khi học lớp Nhì, lớp Nhất là lúc tôi bước vào tuổi thanh niên, đã bắt đầu biết suy nghĩ về nhân tình thế thái, về thời cuộc. Tôi nghe trong nhà trường, trong làng xóm có nhiều người xì xầm về những người tham gia “hội kín” yêu nước, những người làm cộng sản… Trong học sinh nhiều người truyền tay nhau những bài thơ của Á Nam Trần Tuấn Khải, như bài:
“Gánh nước đêm”
“Đêm khuya canh đã hầu tàn
Anh ơi ngồi dậy để em than mấy lời
Sự tình cực lắm anh ơi
Nước non gánh nặng cuộc đời có biết không?” v.v..
.
Hay bài: “Lời Phi Khanh dặn Nguyễn Trãi”
Chốn ải Bắc mây sầu ảm đạm
Cõi trời Nam gió thảm đìu hiu
Bốn bể vượn hót chim kêu
Nhìn về cố quốc như khêu tấc sầu. 

“Con đang độ đầu son tuổi trẻ
Bước gian lao há để nhường ai
Phải nên thương lấy giống nòi
Đừng ham phú quý mà nguôi tấc lòng 

Thời thế có anh hùng là thế
Chữ vinh hoa xá kể làm chi
Mấy trang hào kiệt xưa kia
Hi sinh thân thế cũng vì nước non 

Con nay cũng là người trong nước
Phải nhắc câu “gia quốc” đôi đường
Làm trai “hồ thỉ tứ phương”
Sao cho khỏi thẹn với gương Lạc Hồng 

Kiếp luồn cúi đỉnh chung cũng nhục
Thân tự do chiếu trúc mà vinh
Con ơi nhớ đức sinh thành
Sao cho khỏi để ô danh với đời…”
Nhưng câu thơ đã khiến tâm hồn của người thanh niên đang độ hăng say nhịp sống như tôi đó không thể không chấn động, không thể không thấy máu huyết sôi lên vì “gánh nặng nước non”, vì một “thời thế anh hùng”, vì lòng mong ước được hy sinh phấn đấu như những “trang hào kiệt” để khỏi hổ thẹn với “gương Lạc Hồng”.
Hết chương 1
*******************************************

Hồi ký Nguyễn Trọng Vĩnh – CHƯƠNG 2: HOẠT ĐỘNG VÀ TÙ ĐÀY

Lời dẫn của Lâm Khang:
Xuân này, Lão tướng Nguyễn Trọng Vĩnh vừa bước vào tuổi 100. Cụ là lão thành cách mạng, trải các chức vụ Bí thư tỉnh ủy (3 tỉnh), Phó Ban thường trực Ban Tổ chức TW, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền VN tại Trung Quốc (12 năm) kiêm Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Hồi giáo Pakixtan, Phó Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh Việt Nam. Cụ là một trong 3 ủy viên trung ương đảng Cộng sản Việt Nam khóa III hiện còn sống. Và hiện nay chỉ còn duy nhất cụ là tướng do cố Chủ tịch Hồ Chí Minh phong.
Tướng Vĩnh thông hiểu chữ Hán cổ, rành Trung văn, Pháp văn và có thể giao tiếp bằng Tiếng Anh (cụ là học viên tiếng Anh của Hội đồng Anh tại HN, khi cụ đã ở tuổi ngoài 80). Cụ cũng thông hiểu y học cổ truyền do tự học, tự chữa bệnh cho mình và người thân trong gia đình bằng Đông y.
Mỗi ngày Cụ vẫn đi bộ 2 km và ăn uống điều độ (giờ ăn cơm đều chính xác, dinh dưỡng vừa đủ), nghỉ ngơi có chế độ. Đặc biệt cụ theo dõi hầu hết các trận bóng đá châu Âu và quốc tế phát trên truyền hình, trừ những trận quá khuya.
Kính chúc Lão tướng Trăm tuổi an khang, trường thọ, làm chỗ dựa cho đàn con, đàn cháu hôm nay.
Nhân dịp mừng đại thọ 100 tuổi (kỳ di thọ khảo) Lão tướng, được phép của Lão tướng, chúng tôi đăng tải Hồi ký “Kể lại cuộc đời” của cụ, do chính tay cụ viết và để lại cho con cháu.
Chương II
HOẠT ĐỘNG CÁCH MẠNG VÀ TÙ ĐẦY
Nghĩ đến non sông đất nước và trách nhiệm làm trai thì như vậy, nhưng cuộc sống thường nhật không phải lúc nào cũng thực hiện ngay được những điều mình mong ước, để thực hiện ý tưởng hi sinh cho đất nước. Miếng cơm manh áo đang hối thúc tôi phải đi tìm công ăn việc làm ở đất Hà Nội. Bố tôi có quen một ông đốc-tờ tên là Pát-xcan, định xin cho tôi vào chỗ ông phụ việc làm thuốc, nhưng không được. Sau bố đưa tôi xuống Hải Phòng để xin đội xi măng cho nhà máy, cũng không xin được. Lúc đó anh Thọ tôi đang làm ở mỏ than Mạo Khê, bố đưa tôi xuống, nhưng vẫn không xin được việc. Đành phải quay về Hà Nội, đến nhà ông Đòng “bố mẹ nuôi” ở làng Hữu Tiệp để ăn đỡ làm giúp. Lần này ở nhà ông Đòng có khác lần trước, tôi không còn là đứa con nuôi làm đủ các việc hầm bà làng nữa, hàng ngày tôi chỉ việc đạp xe đi các vườn cắt hoa rồi chở đến cửa hàng cho bà Mây bán. Việc chính của tôi là đi giao dịch và đặt hoa vòng. Việc cơm nước giặt giũ đã có một cô con nuôi khác là cô Thơm làm, vì cùng chung cảnh ngộ nên tôi với cô Thơm thân nhau coi nhau như anh em. (Mãi sau này khi tôi đã trở thành một cán bộ của Cách mạng, Pháp chiếm Hà Nội, cơ quan rút lên Việt Bắc, một bộ phận dân cũng tản cư lên trong đó có gia đình bà Mây và cô Thơm, bà Mây một dạo làm cấp dưỡng cho Cục Tổ chức và cô Thơm lại giúp nuôi Minh Phương, con gái thứ hai của tôi). Dạo đó, bà Mây đưa tôi vào Huế để trông nom việc buôn bán ở cửa hàng mới mở và khu vườn nơi bà thuê để trồng hoa. Vào khoảng năm 1936, ở quê viết thư ra cho biết tình hình nhà quá túng quẫn; không đừng được, tôi phải lén lấy bớt của bà Mây mấy đồng gửi cho bố để gỡ bớt khó khăn. Chẳng may ông bố lại gửi thư ra Hà Nội cho tôi (thư từ vẫn gửi về Hà Nội là địa chỉ chính), nói rằng đã nhận được tiền gửi về cho nhà, bà cụ Đòng già xem được lá thư đó, làm ầm ỹ lên. Thế là tôi bị buộc thôi việc trong Huế, phải trở ra Hà Nội đi xin việc khác. Nhờ bố quen ông chủ nhà in Lê Văn Tân (ở 136 Hàng Bông) cùng quê Thanh Hoá, nên tôi được vào học việc sắp chữ với điều kiện phải làm ba tháng không có lương. Sau ba tháng, được phát lương một hào một ngày, tạm đủ tiền ăn (lúc đó mỗi tháng ăn hết khoảng hai đồng). Độ ba bốn tháng sau, bố tôi tìm được việc dịch kinh phật cho nhà in Vạn Tường nên gọi tôi sang đó làm, cả anh Thọ cũng xin được vào. Ba bố con người dịch sách, người đóng sách, người sắp chữ. Sau đó tôi còn học được nghề đạp máy “Miner”, nghề đóng sách bìa da mạ chữ vàng ở gáy sách. Sau đó tôi được ra cửa hàng bán sách và giao dịch với khách. Lợi dụng cơ hội làm ở cửa hàng sách, tôi mượn sách tự học để nâng cao kiến thức. Tôi chịu khó tìm hiểu và học hỏi nên đã biết nhiều việc trong nghề in. Bố tôi làm được độ sáu bảy tháng thì nhà in hết việc dịch nên chỉ còn hai anh em tôi làm.
Tôi ở nhờ một nhà quen ở Nhật Tân, hàng ngày đi bộ xuống nhà in Vạn Tường ở phố Hàng Giấy, mang cơm trưa đựng trong một chiếc hộp gỗ, tối vê ăn cơm nhà. Làm việc ở nhà sách nên có điều kiện đọc nhiều sách, tôi đã học được khá nhiều kiến thức bổ ích. Lúc đó lương tôi được chín đồng một tháng, tuy không phải là thấp quá nhưng tôi vẫn hưởng ứng phong trào đình công đòi tăng lương của công nhân Hà Nội. Chủ nhà in Vạn Tường không chịu tăng lương, tôi thôi việc. Tôi trở lại xin việc ở nhà in Lê Văn Tân, xin vào sửa mo-rát, được nửa năm thì mất việc (vì có lúc sửa bản in bị sót lỗi). Tôi đi xin việc ở nhiều nhà in khác; tuy thử việc đạt yêu cầu, nhưng khi trình sổ lao động, chủ thấy ghi đã tham gia đình công, nên họ không nhận cho làm. Thất nghiệp, tôi phải đi ở nhờ một ông ở đảo giữa hồ Thiền Quang (hồ Ha-le) và phải nhận lại việc khoán của anh em ở nhà in Tô-panh của Pháp về làm, thu nhập cũng khoảng được chín, mười đồng một tháng, ăn tiêu thuê nhà rồi còn giành được chút ít gửi về quê cho bố. Anh Thọ tôi lúc đó đã xuống Kiến An làm việc quanh quẩn với vốn chữ Nho, chữ Quốc ngữ và nghề may.
Thời gian tôi làm thợ in ở Hà Nội (từ cuối năm 1936), ở Pháp có phong trào Mặt trận Bình dân mạnh nên ảnh hướng đến thuộc địa. Các Hội Ái hữu ngành, nghề được phép thành lập, tôi tham gia Hội Ái hữu nghề in, gọi là “Bắc Kỳ ấn công ái hữu hội”. Được gặp những người công sản như các anh Nguyễn Văn Trân, Trần Quốc Hoàn, Trần Đăng Ninh…, được các anh dìu dắt đi làm cách mạng, tham gia các việc rải truyền đơn, mít-tinh, biểu tình, làm liên lạc, đọc tài liệu, tham dự lớp huấn luyện v.v… (Tôi nhớ có một “lớp” huấn luyện có ông Đào Duy Kỳ giảng; và còn nhớ rất rõ kỷ niệm về anh Trần Đăng Ninh: khi gặp gỡ để tuyên truyền giác ngộ cách mạng cho tôi, anh thường nói thủ thỉ, gợi ý nhẹ nhàng, gợi ý cho tôi đi từ giác ngộ dân tộc đến giác ngộ về giai cấp. Anh hướng dẫn đấu tranh từ thấp đến cao, từ tham gia đấu tranh đòi cải thiện đời sống công nhân trong nhà in đến đấu tranh đòi quyền lợi cho giai cấp công nhân, đòi lập nghiệp đoàn v.v… Anh hướng dẫn bằng lời lẽ rất dễ hiểu, vạch ra cách làm rất cụ thể…). Tôi cũng có được đọc sách của ông Hải Triều (tức ông Nguyễn Khoa Văn, cha đẻ Nguyễn Khoa Điềm) về duy vật biện chứng nữa.
Hồi cuối năm 1937, khi còn làm ở nhà in Vạn Tường, tôi thường ăn cơm hàng ở nhà ông Trưởng Cát phố Hàng Bún, do đó quen với anh Lương Khánh Thiện là một người cách mạng đàn anh. Khi mật thám bắt anh Thiện thì chúng bắt luôn cả tôi. Bị chúng tra hỏi ở Sở Mật thám, tôi nói tôi chỉ ăn cơm ở đó thôi, chẳng biết anh Lương Khánh Thiện làm gì. Vì vậy, vài ngày sau chúng đành tha tôi ra.
Năm 1938, có cuộc biểu tình lớn hàng vạn người lao động ở nhà Đấu xảo (sau này là Nhà hát nhân dân, rồi Nhà văn hoá công nhân), tôi cũng tham gia. Sau đó, tôi lại bị bắt lần nữa. Mật thám khám người tôi, bắt được một tờ chép tay bài hát “Cùng nhau đi Hồng binh”. Nó hỏi, tôi nói: Tôi thấy người ta hát hay hay thì tôi chép thôi. Không có chứng cớ gì hơn, chúng lại phải thả tôi.
Thời gian đó, hoạt động tuy chưa có chiều sâu và hiểu biết về cách mạng chưa nhiều nhưng tôi thấy rất phấn chấn và say mê lắm. Sự hiểm nguy và mới mẻ của con đường cách mạng mà tôi mới chập chững bước lên đã kích thích tâm lý tuổi trẻ ham hiểu biết và tính nhiệt tình sôi nổi, cả táo bạo trong tôi. Hồi đó, ở tuổi hai mươi, tôi cũng có vài kỷ niệm vui vui: Khi ăn cơm hàng ở 44 phố Hàng Bún, tôi được một “cô hàng xóm” nhà hàng cơm để mắt và có thể nói là cô ấy say mê tôi, vì mỗi khi thấy tôi đến ăn cơm, cô cũng kiếm cách để sang nhà hỏi thăm, chuyện trò. Lắm khi còn dành dụm hoa quả mang cho tôi nữa. Còn một cô nữa tên là Tâm, rất xinh, hai bên đều cảm tình với nhau. Một lần cô ấy rủ tôi đi chơi suốt đêm, khuya quá phải vào ngủ trong một cái lều trồng hoa của người bạn tôi ở làng Ngọc Hà. Tuy ở với nhau suốt đêm ở trong lều vắng nhưng vẫn chưa “xảy ra” chuyện gì, vì tôi nghĩ mình đang làm thợ, đời sống không ổn định, lúc có việc lúc không, nếu lấy nhau thì lấy gì mà nuôi con. Còn nếu để xảy ra việc gì không mong muốn, rồi không lấy nhau thì lại làm lỡ cả đời con gái của người ta…
Sang năm 1939, chính phủ Mặt trận Bình dân Pháp bị đổ, Chính phủ cánh hữu lên, nó lại bắt đầu xiết chặt những hoạt động của nhân dân, công nhân ở nước ta. Nó giải tán các Hội Ái hữu của các ngành thợ và bắt đầu khám xét, lùng bắt những người mà nó cho là cộng sản. Vậy nên một số đồng chí quan trọng phải rút vào hoạt động bí mật (như các anh Trần Đăng Ninh, Hoàng Quốc Việt, Trần Quốc Hoàn, Nguyễn Văn Trân…). Tuy vậy, thông qua anh Nguyễn Tuấn Đáng (Trần Đăng Ninh), tôi vẫn nhận được các chỉ dẫn để hoạt động cách mạng. Tôi tiếp tục vận động lãnh đạo công nhân các xí nghiệp Diêm (ở khoảng Bạch Mai bây giờ), nhà in Minh Sang (ở phố Quốc Tử Giám ngày nay), nhà in Văn Lâm (ở phố Hàng Bún)… đấu tranh đòi quyền lợi.
Trong thời gian đó, các đồng chí bí mật vẫn tổ chức được những cuộc mít-tinh chớp nhoáng để tuyên truyền cách mạng. Thường thì có đồng chí Đặng Xuân Khu (Trường Chinh) lên diễn thuyết. Trong những lần ấy, các công nhân giác ngộ và tôi thường làm hàng rào bảo vệ đồng chí để khi diễn thuyết xong Mật thám không xông vào bắt được đồng chí. Còn có những hoạt động tập thể như tổ chức cho anh em công nhân đi đưa tang các nhà cách mạng lớn như Phan Thanh, Nguyễn Thế Dục v.v… Để vận động và tổ chức ra các cuộc mít-tinh, hoạt động tập thể lớn đó, cấp trên thường chỉ đạo ra các cuộc họp đại diện liên ngành, tổ chúng tôi có anh Văn Tiến Dũng đại diện thợ dệt, anh Hà Kế Tấn đại diện thợ mộc, tôi đại diện thợ in họp nhau bàn kế hoạch huy động anh em ngành mình tham gia. Trong đám tang đồng chí Phan Thanh, tôi cũng là một người đứng túc trực linh cữu như một số anh em công nhân đã giác ngộ.
Tuy mật thám vẫn truy lùng ráo riết nhưng theo chỉ đạo của các anh, chúng tôi vẫn tìm cách thành lập lại được các tổ chức công nhân bí mật. Tôi được chỉ định làm thư ký Nghiệp đoàn Ấn công Bắc Kỳ. Các anh còn giao cho tôi đi giải truyền đơn, nội dung tuyên truyền vận động của truyền đơn có những thay đổi theo từng mốc thời gian để thích hợp với tình hình. Trước kia, trong các cuộc đình công, công nhân chỉ đấu tranh đòi tăng lương và giảm giờ làm (đòi làm 8 giờ một ngày). Trong các cuộc mít-tinh công khai lớn thì đòi giảm sưu thuế và thực hiện dân chủ. Sau khi Chính phủ Bình dân ở Pháp đổ, Chính phủ cánh hữu ở Pháp lên thì nội dung truyền đơn là vận động thành lập Mặt trận Dân tộc phản đế.
Do tham gia hoạt động cách mạng nên có khi tôi bị đuổi việc, trong túi chỉ còn 2 xu đủ mua khoai lang luộc ngồi vườn hoa ăn trừ bữa, phải ăn cả vỏ cho được nhiều. (Cả nhà thì thuê nhà ở bãi Phúc Xá, đã có thêm một cô em là cô An. Lúc thóc cao gạo kém, năm người lớn bé phải chia nhau mỗi người vài bát cơm mà ăn.)
Qua những hoạt động thực tế trong phong trào công nhân và qua một số thử thách nói trên, tôi được Đảng cho là đối tượng được kết nạp. Lúc đó khi tổ chức Đảng còn hoạt động trong bóng tối nhưng cũng có sự kiểm tra cẩn thận; có lúc cả đồng chí Hạ Bá Cang (Hoàng Quốc Việt) cũng xuống kiểm tra. Một ngày vào tháng 9 năm 1939, đồng chí Trần Quốc Hoàn rủ tôi lên vườn Bách thú để tuyên bố kết nạp Đảng. Vườn Bách thú lúc đó không đóng cổng, người ra vào tự do, vườn cũng có gấu, khỉ, trăn, hổ v.v… và rậm rạp y như trong rừng (vì vậy nên mới gây cảm hứng cho nhà thơ Thế Lữ viết ra bài thơ nhớ rừng chứ!)
Lúc đó tôi chỉ mới biết các đồng chí Hạ Bá Cang, Lương Khánh Thiện, Nguyễn Văn Trân, Trần Quốc Hoàn là những người quan trọng, mà đồng chí Lương Khánh Thiện là người rất quan trọng nên mới bị Pháp truy lùng gắt gao đến thế.
Vào khoảng năm 1940, sau một thời gian thất nghiệp, tôi xin được việc làm ở nhà in Le Progres (Tiến Bộ). Đó là nhà in tư nhân của một viên chức cao cấp của công ty đường sắt Vân Nam. Ông ta không biết nghề in nên thuê tôi làm quản lý và trả lương 18 đồng một tháng. Nhà in này vào cỡ trung bình, có khoảng mười công nhân. Ông chủ có cô con gái vừa tuổi cập kê, khá xinh.
Lúc đó, mật thám vẫn theo dõi tôi vì nó biết tôi là phần tử tích cực, nhưng chưa có chứng cớ để bắt. Mặt khác, nó cũng tiếp tục dò tìm tung tích anh Lương Khánh Thiện, hàng ngày cho người lảng vảng nhòm ngó ở xế cửa chỗ tôi làm. Có hôm tôi ra về, nó chặn lại bảo: “Thế bây giờ có biết Lương Khánh Thiện ở đâu không?” Tôi nói: “Lúc trước chỉ ăn cơm cùng ở nhà Hàng Bún thôi, sau ông ấy đi đâu tôi không biết đâu. Các ông tìm còn chả thấy, làm sao tôi biết được!?” Lần khác, nó lại bảo: “Hễ lúc nào anh gặp thì cho chúng tôi biết, như vậy chúng tôi sẽ để yên cho anh làm việc ở đây. Làm ở đây lương cao, con gái ông chủ lại cảm tình với anh, sướng thế còn gì.” Tôi nói: “Chim trời cá nước, tôi làm sao nhận lời các ông được.”
Cách đó độ hai hôm, đến giờ tan tầm trưa ra về, tôi thấy một tên mật thám đi xe đạp theo sát tôi về đến tận bờ hồ Thiền Quang. Khi tôi đi lên cầu tre ra đảo để về nhà ông Nho nơi tôi ở trọ thì tên mật thám vì vướng xe đạp, không theo được nữa, nó bỏ đi. Tôi nghĩ chắc có chuyện rồi nên lập tức thu vén tất cả sách báo tài liệu cách mạng, đưa ra bờ rào sang nhà chùa Thiền Quang cho anh Nguyễn Văn Trọng cùng trong nghiệp đoàn để kịp thời tẩu tán. Y như rằng, ngay chiều hôm đó, mấy tên mật thám đã ập vào nhà ông Nho khám xét và bắt tôi về Sở Mật thám tra hỏi suốt mấy hôm. Nhưng rất may là chúng không bắt được tài liệu gì và không có ai khai báo gì về tôi, cho nên chúng không kết tội được tôi, đành chỉ đọc lệnh trục xuất về quê Thanh Hoá. Thời gian hoạt động trong phong trào công nhân ở Hà Nội, do cùng dự các cuộc mít-tinh, biểu tình, kỷ niệm 1/5… tôi và An (sau này là vợ tôi, lúc đó là hội viên Hội Ái hữu thợ may) gặp gỡ nhau, từ khi bị trục xuất về Thanh Hoá thì không thể có liên hệ với nhau được nữa và sau khi tôi bị đi “an trí” (tức đi đày) một thời gian thì mất hẳn tin tức về nhau. Vào khoảng tháng 5 năm 1940, cả gia đình tôi đã về quê, tôi có thêm một em trai, nhà đặt tên là Nhàn (ba tuổi), anh Thọ vẫn đi làm ăn xa. Một hôm gần tết Đoan ngọ (mồng năm tháng năm ta), tôi đang quét dọn bàn thờ chuẩn bị cúng thì bị mật thám đến xích tay giải xuống tỉnh lỵ Thanh Hoá. Sau đó, chúng đưa tôi đi “an trí” ở tận Đắc-lây Kom-tum. Chúng gọi đó là trại T.S (Travailleur Special).
Lúc tôi đến Đắc-lây thì ở đó mới lập ra khu trại có lính gác, rào thép gai, có hào cắm chông và nhiều chòi canh. Trong trại đã có 15 anh em bị bắt ở các nơi đưa về. Lúc đó, phát xít Đức đang chuẩn bị đánh Pháp, bọn cầm quyền ở Việt Nam lo sợ cách mạng của ta sẽ nhân cơ hội này mà hoạt động mạnh hơn nên chúng phải bắt cả những người tình nghi và tập trung lại một nơi để rảnh tay đối phó sự nguy hiểm ở chính quốc. Bọn chúng gọi cái việc bắt tập trung chúng tôi đi biệt xứ đó là đi “an trí”. Vì vậy, ở nhà đày này, chúng tôi không đến nỗi bị tra tấn, ngược đãi gì lắm; chỉ phải tội bị đưa đến những nơi nổi tiếng rừng thiêng nước độc, dễ bị chết dần chết mòn vì không quen thung thổ và bệnh sốt rét không đủ thuốc chữa. Lúc đó, trong cả nước, ngoài cái trại tôi bị giam ở Đắc-lây thuộc tỉnh Kom-tum này, còn có các trại tương tự như “căng” Bắc Mê (Hà Giang), “căng” Bá Vân (ở Thái Nguyên), “căng” Li Hi (ở Thừa Thiên – Huế), toàn nơi rừng rậm núi cao.
Tôi được phát ba bộ quần áo ka-ki, ba chiếc chăn chiên (như những anh em bị bắt khác) trên đường giải đi Kom-tum. Đến trại Đắc-lây được một thời gian thì không bị nhốt trong nhà nữa, được ra làm vườn bên ngoài trại, có lính canh đi theo. Chế độ ăn theo quy định, mỗi người mỗi ngày được 1.000g gạo, 300g thịt, 300g rau, mắm muối tiêu khoảng 15g. Có đủ điều kiện trồng thêm rau, nuôi ga, nuôi lợn, nhất là sau khi số người bị đày lên đến con số 90. Chúng tôi tổ chức đời sống khá tươm tất. Mỗi tuần lễ, mỗi mâm sáu người được ăn một con gà quay, mỗi tháng được ăn một con lợn sữa quay.
Ở Đắc-lây khoảng 5 tháng thì trại chuyển đến Đắc-tô cho tiện đường vận chuyển. Tình hình quản lý giam giữ vẫn như ở Đắc-lây, song số người bị giam đã lên đến một trăm vì có một số anh em mãn hạn tù ở nhà tù như Ban-mê-thuột, Côn Đảo… nhưng bọn Pháp không cho về quê mà đưa đến Đắc-tô để giam giữ tiếp. Trong số đó tôi nhớ có các anh Hoàng Anh, Nguyễn Duy Trinh, Huỳnh Ngọc Huệ, Tố Hữu, Lê Văn Hiến, Chu Huy Mân…
Lúc đó, những nơi như Đắc-lây, Đắc-tô còn hoang sơ lắm. Núi rừng thì rậm rạp vô kể, đời sống của người dân địa phương thì cực kỳ lạc hậu. Trên rừng nhiều sản vật quý hầu như chưa ai khai thác. Chúng tôi được nếm khá nhiều loại thịt thú rừng: hươu, nai, lợn lòi… (Tên Tây đồn cho lính vào rừng săn lợn lòi lấy thịt để thế vào số thịt phải mua để cấp cho tù, vậy là nó bỏ túi được số tiền mua thịt). Có lần vào rừng còn thấy cả con hổ bị đánh thuốc độc chết nhưng anh em không dám ăn thịt. Trong rừng gỗ quý như lim, gụ, lát, trắc… anh em tha hồ lấy về làm đồ dùng vặt, thậm chí còn lấy cả gỗ trắc về đẽo guốc nữa. Đồng bào dân tộc ở vùng chúng tôi ở lúc đó còn vắng và cuộc sống mọi người rất đơn sơ mông muội. Nhiều người đi lính cho Tây cũng chỉ cốt để kiếm kế sinh nhai, đa phần chưa giác ngộ gì về đất nước, chưa biết Tây là kẻ thù cướp nước. Lúc đó ngay chúng tôi cũng gọi người dân tộc là “mọi”, binh lính người dân tộc là “lính mọi”. (Còn nhớ một chuyện buồn cười, đó là chuyện đồng chí Chu Huy Mân học viết câu và chính tả do tôi dạy. Anh Mân là cố nông biết chữ qua loa, vào tù học tiếp, khi viết anh chưa phân biệt được “muỗi” và “mọi”, có câu “văn” anh viết: “Ngoài bờ suối có rất nhiều mọi”, anh em bắt bẻ, hỏi “mọi” đâu mà chẳng thấy người nào? Anh phải giải thích: “mọi” ở bờ suối đó, hắn bay vo ve, hắn “đút” cho sốt rét đó. Lúc đó mọi người mới hiểu ra là anh nói về con muỗi!). Có bận (khi còn ở Đắc-lây), Chúng tôi đi xuống một buôn làng tên là Đắc-bla để làm quen với dân (vẫn còn lính đi kèm), tôi thấy một bà già đang làm rượu cần. Bà tãi xôi nếp ra một cái nia trông cáu bẩn lắm, rồi bà bỏ men rượu vào miệng nhai nát và nhổ ra, trộn với xôi… Quả là khiếp, nhưng lần sau lại xuống, bà con đem rượu cần ra mời, vẫn phải cố mà uống.
Còn những người lính mọi, họ ngây thơ vô cùng. Bình thường họ rất hiền lành và dễ thương, chúng tôi cũng đã tranh thủ được cảm tình của họ và giúp đỡ họ nhiều việc, để dễ bề đi lại, để dễ bề che mắt bọn Tây mà chuẩn bị cho anh em trốn trại. Mỗi lần có tù trốn hoặc mỗi lần tổ chức đấu tranh với Tây đồn, bọn Tây cho lính dùng báng súng và gậy đánh chúng tôi như mưa. mấy người lính mà hàng ngày đã “thân” với chúng tôi lại càng đánh chúng tôi nhiều hơn. Khi đi làm, chúng tôi hỏi họ tại sao lại đánh đau thế, đánh nhiều thế? Thì họ nói: “Ông quan cho đánh mà!” Hỏi tại sao ngày thường giúp nhau nhiều, thân nhau thế mà lại đánh nhiều hơn? Trả lời: “Quen thân đánh nó mới không giận” (!?)
Trong trại còn có một anh y tá cũng là “mọi”, tiếng là y tá nhưng quả thật trình độ và tay nghề đều quá kém, anh em phải đề nghị Tây đồn giao thuốc cho tù tự quản lý và chữa trị cho nhau. Có anh Hoàng Tường biết về thuốc, đã nhận làm việc này; tôi được làm phụ cho anh Tường. Sau đó, anh được tha trước, tôi “lên thay” anh. Suốt thời gian ở tù, tôi nhớ đã từng tiêm đến 3.000 mũi cho anh em mà không có tai biến gì. (Khi chính mình ốm sốt rét thì chẳng ai tiêm cho, phải tự tiêm lấy, mà lại tiêm ven mới khó chứ.).
Trong trại tuy ăn uống có dồi dào như đã nói trên kia, nhưng nhiều khi không ăn được vì sốt rét. Có khi cả trại đều sốt nằm rạp cả một lượt, chỉ có anh Lê Văn Hiến là còn ngồi được, vì anh vốn là nhà thể thao và lại có được cái màn gia đình gửi cho tránh muỗi. Anh em có nhiều người bị sốt rét ác tính, như anh Hán, sốt đến đái ra máu mà chết. Tôi và anh Ngô Văn Kiếm cùng bị sốt rét ác tính nặng. Anh Kiếm nổi điên nhảy tứ tung cả lên, nhưng may sao sau đó lại khỏi được. Tôi thì hôn mê sâu, nằm ly bì. Anh em cử người chăm sóc rất cẩn thân, hai người ngồi hai bên canh chừng, thỉnh thoảng giúp trở mình và đổ nước cho uống, cứ hai tiếng đồng hồ lại đổi kíp 2 người khác. Thuốc rất hiếm. Tôi đã có lúc gần tắt hơi, mắt thì trợn ngược lên rồi, anh em đã đóng quan tài bằng ống tre lồ ô, hễ sợi bông ở mũi mà không lung lay nữa là đem chôn. Tôi chợi tỉnh dậy, kêu: “Ối giời ôi, đau quá! Tôi ngủ được mấy tiếng rồi?”. Mọi người nói đã ba ngày ba đêm. Thế nghĩa là tôi đã bị Diêm Vương chê, đuổi về dương gian đấy!
Trong trại tù, anh em sống rất có tổ chức, đã cử ra một Ban Trật tự, có người đại diện đứng ra giao dịch với Tây đồn và mở cả lớp huấn luyện chính trị, văn hoá (như anh Nguyễn Duy Trinh dậy lý luận). Trong nhà giam có ông Tú Hiếu người Quảng Trị (có họ với chị Diệu Muội vợ anh Lê Chưởng) kiếm được một cuốn sách chữ nho, thế là nhiều anh em xúm vào học, tôi cũng học thêm được một ít chữ nho nữa. Còn có Ban Nhà bếp, mỗi phiên cử bốn người nấu cơm làm thức ăn trong một thời gian khá lâu. Có Ban Làm dụng cụ, chúng tôi đã đấu tranh đòi được một cái bễ lò rèn, rèn các công cụ phục vụ cho đời sống; Chúng tôi đóng được cả chiếc máy ép bún bằng gỗ trắc nữa…
Trong trại có rất nhiều anh em có tay nghề, làm được rất nhiều đồ dùng trong sinh hoạt hàng ngày. Có người dạy nghề đan mây, tôi cũng học đan được một chiếc va ly bằng mây để chuẩn bị cho khi ra tù. Anh em còn dạy nhau làm được cả bàn chải đánh răng và các đồ mỹ nghệ bằng sừng trâu, tôi cũng khá khéo tay, làm được quản bút bằng sừng khá bóng đẹp, bán được những một đồng bạc Đông Dương cho Tây đồn. Có anh em biết nghề thợ may, sửa quần áo tù thành quần áo “diện” như ngoài phố. Tôi cũng học may và cũng khâu được đẹp như máy. Những ngày Tết, trong trại đều tổ chức “ăn Tết” rất rôm rả, có liên hoan văn nghệ và cỗ Tết hẳn hỏi. Cỗ Tết nấu rất ngon, giò nem ninh mọc chẳng kém gì ai, lại có món bánh bằng bột hoàng tinh ăn ngon như bánh thánh. Tiết mục diễn kịch mới thật đáng nói. Vở kịch do anh Hà Thế Hạnh sáng tác kiêm đạo diễn, kiêm diễn viên. Tôi được phân công trang trí sân khấu, vải làm phông màn thì gửi tiền cho chính bọn “nhà đồn” mua hộ. Tôi còn được sắm một vai con gái, quần áo mượn của vợ Tây đồn (là người Việt), Lại lấy quả bóng cắt làm đôi độn vào ngực, rất là “ra dáng”. Vợ chồng Tây đồn xuống xem, cũng phải khen giống y như con gái.
Trong trại tù ngoài cái lần xuýt chết vì sốt rét, còn một lần nữa tôi lại sống vì sốt rét. Số là, sáng hôm đó lẽ ra đến phiên tôi đi đổ thùng xia cùng với anh Trần Hải Kế (theo sự phân công của Ban Trật tự nội bộ – do anh em bầu ra – cứ một tuần lễ cắt cử hai người, hàng ngày khiêng thùng xia đi đổ rồi rửa sạch mang về), nhưng tôi lại lên cơn sốt, anh Lê Văn Hiến (là người phụ trách Ban trật tự nội bộ, đồng thời là người đại diện giao dịch với Tây đồn, vì anh giỏi tiếng Pháp) mới cử anh Thái Văn Tam đi khiêng thay tôi. Khoảng chín giờ rưỡi sáng thì nghe thấy có tiếng súng nổ, lính chạy về báo với Tây đồn là có hai tù trốn lúc đi đổ thùng, đã bắn chết. Như vậy là anh Thái Văn Tam đã thế mạng tôi. Ngay lập tức, anh em trong trại tổ chức tuyệt thực để phản đối hành động dã man đó, đòi trừng trị những kẻ chủ mưu. Cuộc tuyệt thực kéo dài khoảng một tuần lễ, mới đầu thì thấy rất khó chịu, đói cồn cào trong ruột, nhưng đến ngày thứ tư thì chỉ thấy mệt, không thấy đói nữa. Chúng tôi tuyệt thực được vài ngày thì Tây đồn xua lính xuống đánh túi bụi, tôi và anh Lê Văn Hiến bị đánh nhiều hơn cả (chỉ vì “thân” với một số lính người dân tộc như đã nói ở trên). Bị đánh nhưng chúng tôi cũng không bỏ cuộc, đến ngày thứ bảy thì có chỉ thị của Khâm sứ Trung Kỳ đưa xuống, hứa với anh em ta là sẽ không để xảy ra những việc như thế nữa, hứa sẽ trừng trị những người gây ra việc đó. Cuộc tuyệt thực coi như đã được thắng lợi và kết thức. Sau bảy ngày nhịn đói, tôi và đồng chí Cương (người Diễn Châu) vẫn còn xung phong ra suối gánh nước về để nấu cháo cho anh em ăn. Về sau mới biết bọn thực dân Pháp có chủ trương bắn đi mỗi nhà tù vài ba người để khủng bố tinh thần anh em. (Ở trại Li Hi, Ban-mê-thuột… cũng đều có hiện tượng như vậy.)
Nhưng việc khủng bố đó của thực dân Pháp vẫn không đe dọa được anh em tù, chúng tôi vẫn tổ chức vượt ngục. Một lần vào đầu năm 1942, chúng tôi bố trí cho mấy anh Nguyễn Duy Trinh, Chu Huy Mân, Tố Hữu, Hà Thế Hạnh, Huỳnh Ngọc Huệ trốn trại. Ngày thường đã có kế hoạch dành bánh khảo cho anh em ăn đường. Khi họ ra khỏi trại, tôi bố trí một số hình nộm người để trên gường đắp chăn trùm đầu giả sốt rét. Lính mọi vào kiểm tra thấy đủ “đầu người” rồi là thôi. Chừng độ mấy hôm sau, ước tính là anh em đã đi được xa rồi, anh Lê Văn Hiến mới “phát giác” việc tù trốn và đi báo cáo với quan đồn. Bọn chúng sức cho dân chúng và lính đi tìm, còn ra lệnh hễ bắt được tù trốn thì chặt một cánh tay. Nhưng thực tế không ai bị chặt tay cả. Chỉ anh Hà Thế Hạnh đã bị bắt ở Quy Nhơn và bị đưa trở lại trại.
Ở trại giam mấy năm trời, tôi chẳng được ai là người thân đến thăm hỏi, thư từ cũng rất hiếm. Chỉ có hồi lên Đắc-tô được một năm, tôi nhận được một lá thư nhà gửi lên, báo tin ông bác Cử mất, rồi bố tôi mất. Trong thư còn nói chuyện chú Nhàn em út tôi lúc đó mới 5 tuổi cứ hay hỏi: “Chứ anh Vĩnh đi mô rồi mẹ?”. Cũng có tin anh Thọ tôi thất nghiệp ở Hà Nội trở về quê đi dạy chữ quốc ngữ cho trẻ con làng Phương. Anh đã lấy một người vợ mới là chị Xếp. (Anh lận đận về đường vợ con, hai người vợ trước đều mất; nay chị Xếp chồng đi lính ngụy chết, chị giả vờ đến xin học và cố tán tỉnh để lấy anh Thọ).
Khoảng cuối tháng 2 – 1945, tự nhiên bọn quan đồn thả ba người tù gồm có tôi, anh Nguyễn Trường Châu và một anh nữa tôi không nhớ tên. Thế là kết thúc 5 năm “an trí” của tôi ở nhà tù Kon-tum. Có thể nói, 5 năm ở tù, tôi thấy mình trưởng thành hơn hẳn, trình độ chính trị được nâng lên, văn hoá nâng lên và biết thêm được nhiều việc, nhiều nghề. Đúng là những người cộng sản đã biến nhà tù đế quốc thành trường học có giá trị như một trường “Bách nghệ” thời bấy giờ.
Tôi không hiểu tại sao khi thả chúng tôi, bọn để quốc lại phải cho lính dẫn đi qua từng nhà tù như ở Kon-tum, Quy Nhơn và các nhà tù địa phương khác, có nơi chúng bắt ở lại vài ngày rồi mới dẫn đi tiếp. Ra đến nhà lao Huế, nghỉ lại một đêm, đêm sau (ngày 9 tháng 3 năm 1945) chợt nghe tiếng súng nổ ầm ầm. Hoá ra Nhật đã đảo chính Pháp, bắn vào đồn Mang Cá. Một ngày sau thấy lính Nhật vào tiếp quản nhà lao Thừa Phủ. Lúc đó tôi giật mình, chợt nghĩ: bọn Nhật rất ghét cộng sản, nếu nó phát hiện ra mình là tù cộng sản thì nguy với nó, liền bàn với mấy anh tìm cách chuồn cho sớm. Mấy anh có gia đình ở Huế thì nhắn người nhà vào bảo lãnh cho về. Tôi sực nhớ có bà Mây vẫn còn kinh doanh hoa ở Huế, mới gửi thư ra nhắn bà Mây vào đón cho về (thư gửi người nhà các anh em bạn tù đến thăm). Bà Mây đã đồng ý đón tôi về, cho ở nhà trồng hoa… Trong khi đó, tôi tranh thủ tìm gặp được mấy anh em mình ở Đắc-tô về bàn nhau tiếp tục hoạt động, Lúc đó Nhật đã lập được nội các Trần Trọng Kim rồi, anh em bàn chia nhau đi tìm anh Tôn Quang Phiệt (anh Phiệt là nhân vật có tiếng tăm ở Huế và là một nhà hoạt động từ thời Thanh niên cách mạng đồng chí hội) để vận động anh đứng ra kêu gọi Chính phủ Trần Trọng Kim thả nốt các anh em đang bị giam ở Đắc-tô. Lấy lý do là: Chính phủ mới nên tha những người đó, vì họ là những người chưa có án, hoặc đã mãn hạn tù. Ít ngày sau, cuộc vận động có kết quả, trại Đắc-tô giải tán, anh em tù được giải phóng hết. Tôi cũng gặp lại anh Huỳnh Ngọc Huệ đã vượt ngục từ trước. Chúng tôi cùng nhau tập hợp tổ chức được cuộc mít-tinh ở chùa Thiên Mụ, tuyên truyền giải thích chủ trương chính sách của Việt Minh, kêu gọi đồng bào tham gia Việt Minh.
Khoảng đầu tháng 7 năm 1945, tôi nói với bà Mây xin về thăm gia đình ở quê. Bà Mây đồng ý, cho ít tiền và quà Huế (kẹo mè xửng, cá mực khô) đem về. Về đến nhà, lúc đó chỉ còn bà dì, vợ chồng anh Thọ và chú em Nhàn. Ở nhà đã làm được một gian nhà tranh vách đất nhỏ trên nền cũ của gia đình. Tôi cũng đã đi thăm hỏi bà con anh em ở quê nữa. Sau đó tôi nghĩ, trước kia mình đã hoạt động ở địa bàn Hà Nội, nay về Hà Nội đi tìm Đảng. Để có chỗ ăn ở, tôi phải tìm về nhà ông Đòng (cha mẹ nuôi cũ), lại xin ăn đỡ làm giúp. Gia đình họ cũng biết tôi đi tù về nhưng vẫn chứa chấp.
Ra đến Hà Nội, việc đầu tiên là tôi tìm đến anh Phạm Ngọc Mậu bạn thợ in cũ hỏi về tin tức của An, mới biết An bị giam ở Hỏa Lò. Tôi mua bánh vào Hỏa Lò thăm. Cuộc gặp nhau ngăn ngủi sao mà xúc động bùi ngùi!
Hết chương II
******************************************

Hồi ký Nguyễn Trọng Vĩnh – CHƯƠNG 3: SAU 1945, LÀM BÍ THƯ HAI TỈNH

Lời dẫn của Lâm Khang: 
Xuân này, Lão tướng Nguyễn Trọng Vĩnh vừa bước vào tuổi 100. Nhân dịp mừng đại thọ Lão tướng 100 tuổi (kỳ di thọ khảo), được phép của Lão tướng, chúng tôi đăng tải Hồi ký “Kể lại cuộc đời” của cụ, do chính tay cụ viết và để lại cho con cháu.
Chương III
SAU CÁCH MẠNG THÁNG 8, LÀM BÍ THƯ HAI TỈNHKhoảng đầu tháng 8 thì tôi gặp được anh Thảo trước cùng làm thợ in nay chuyển sang chữa đồng hồ. Tôi nói ý định tìm lại đoàn thể để tiếp tục hoạt động. Có lẽ lúc đó anh Thảo là cơ sở bí mật của Đảng nên chỉ vài ba hôm sau, đã có người đến đón tôi dẫn qua sông Hồng đến gốc gạo Ba đê. Ở đó có một chị (sau mới biết đó là chị Thanh vợ anh Lê Đình Thiệp) đã đợi sẵn, đội va ly giúp tôi và dẫn vào ATK (an toàn khu) ở làng Xép xã Cổ Loa để tham gia tổ in Báo Cờ giải phóng. Khoảng sáu hôm sau thì Hà Nội khởi nghĩa giành được chính quyền. Sau khởi nghĩa Hà Nội, một số cán bộ ATK được điều động sang Hà Nội (như anh Trần Độ, chị Hằng vợ anh Trần Độ, anh Trần Cư v.v…). Tổ in Báo Cờ giải phóng của chúng tôi thì vẫn hoạt động bí mật. Có lẽ Trung ương còn xem xét tình hình, để phòng bất trắc nên giữ lại một số cán bộ, chưa vội đưa ra công khai hết. Ngày 21 – 8, sau khi cùng quần chúng tiêu diệt xong Tiểu đội Nhật ở Đông Anh giành chính quyền thì chúng tôi được phép ra hoạt động công khai. Đồng chí Tuấn được đi học trường Quân chính, đồng chí Lợi được điều đi công tác khác. Còn lại chỉ có đồng chí Lê Đình Thiệp và tôi. Quân tàu Tưởng lúc đó đã bắt đầu qua biên giới vào nước ta để chuẩn bị tiếp nhận sự đầu hàng của quân Nhật, chúng tôi nghĩ nếu cứ để trụ sở huyện Đông Anh đóng ở ngay bên đường cái như cũ thì sẽ bất tiện, Có thể bị quân Tàu đi qua gây rắc rối, vì vậy đã bàn nhau đem hết các thứ thu được ở huyện đường cũ chở vào làng Cổ Loa. Tôi thì cầm càng xe bò, một số anh chị em tự vệ đẩy đằng sau, đưa vào đình làng Cổ Loa, từ đó lấy đình làng làm trụ sở mới của huyện. Đảng viên cộng sản công khai lúc đó chỉ có anh Lê Đình Thiệp và tôi, nên anh Thiệp “phân công” ngay: “Tớ làm Chủ tịch, cậu làm Bí thư huyện” (chứ có bầu bán gì đâu! Lúc đó đường dây liên lạc chưa được thông suốt, công việc đa phần do các địa phương tự lo liệu.). Với cương vị Bí thư, tôi đi nắm danh sách các Đảng viên ở các chi bộ xã và số Đảng viên lẻ lập thành chi bộ để lập Đảng bộ huyện Đông Anh (Thật trái ngược, có bí thư trước rồi mới lập Đảng bộ sau!!). Sau đó có thêm một chị cán bộ nữa cùng về làm việc, chúng tôi chia nhau mỗi người cùng một số tự vệ đi đến các làng thu triện của Lý trưởng rồi lập ra Chính quyền Việt Minh ở các xã. Chúng tôi được tự vệ mang súng đi trợ oai nên đã làm xong những việc đó tương đối thuận lợi. Súng để trang bị cho tự vệ là thu được trong trận đánh bọn Nhật ở Đông Anh.
Thành lập chính quyền xong, việc cấp bách là phải đào tạo cán bộ, phát triển tổ chức Việt Minh cho rộng khắp. Chúng tôi tổ chức được hai lớp học ngắn ngày cho cán bộ ở ngay đền Cổ Loa để huấn luyện chương trình Việt Minh mà tôi là giảng viên duy nhất. Gần bốn chục học viên của hai lớp đó sau này phần lớn trở thành cán bộ Đảng viên hoạt động lâu dài.
Có một chuyện vui là sau lớp học có một học viên tên là Lã Thị Tuyết Mai con nhà giầu, ở lớp Mai viết thư tỏ tình tha thiết muốn yêu tôi, nhưng lúc đó trong trái tim tôi đã có An rồi.
Trong thời gian mà đồng chí Thiệp làm Chủ tịch, tôi làm Bí thư ở Đông Anh đó, Hồ Chủ Tịch đã phát động phong trào quyên góp “Tuần lễ vàng” và phong trào chống ba thứ giặc (giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm) trên toàn quốc. Chúng tôi cũng đã tổ chức những việc đó tại địa phương, được nhân dân nhiệt liệt hưởng ứng. Tiền vàng thu được đem đóng góp lên trên để chính phủ chi tiêu việc lớn, còn sinh hoạt của cơ quan huyện thì vẫn đơn sơ như trước: lấy thóc trong kho cướp được của Nhật trước đây ra làm gạo thổi cơm, thức ăn thì là cua đồng do anh chị em tự vệ bắt về rang. Chủ tịch, Bí thư và anh chị em tự vệ trải chiếu ra sân quây quần ngồi ăn. Lấy được huyện đường cũ nhưng không thu được đồng tiền nào để chi tiêu. Suốt mấy tháng sau khởi nghĩa cũng chỉ có thế!
Ở Đông Anh được độ bốn tháng, tôi được Xứ ủy điều lên tham gia Tỉnh ủy Phúc Yên (huyện Đông Anh lúc đó thuộc Phúc Yên). Lúc này chị Nguyễn Thị Sinh đang làm quyền Bí thư tỉnh ủy. Gặp tôi, chị hỏi ngay: “Đã gặp Hoa chưa?” (Hoa là bí danh của An khi hoạt động bí mật và cùng ở tù với chị Sinh). Sau chị bảo: “Thôi, bây giờ anh đã lên thì anh làm Bí thư đi”. Tuy nói vậy nhưng thực ra một tháng sau, khi đồng chí Tổng Thịnh xứ ủy viên về triệu tập cán bộ toàn tỉnh Phúc Yên họp, mới bầu tôi chính thức làm Bí thư tỉnh ủy. Chị Sinh ở lại trong thường vụ tỉnh, nhưng rất tiếc, ít ngày sau chị bị nhiễm trùng uốn ván rồi mất. Chị cũng là Đảng viên đã lâu, từng bị bắt vào tù Hỏa Lò từ trước cách mạng tháng 8.
Sau khởi nghĩa thành công, An công tác ở Hải Phòng, còn tôi công tác ở Phúc Yên, mãi đến năm 1946 mới gặp nhau ở Hà Nội, chúng tôi lấy nhau chẳng có cưới xin gì, chỉ viết thư báo cáo với Ban Tổ chức Trung ương thôi và đêm tân hôn là ở biệt thự của Bộ trưởng tài chính Lê Văn Hiến ở góc phố Lê Lai bây giờ. Anh Hiến đã thân với tôi từ khi cùng bị “an trí” ở Đắc-lây, Đắc-tô. Chả có cưới xin gì mà chúng tôi đã sống với nhau đến “đầu bạc răng long” (91 và 94 tuổi).
Từ Phúc Yên, tôi được đi dự lớp huấn luyện hai tháng ở Vạn Phúc – Hà Đông. Giảng viên lúc đó là đồng chí Lê Đức Thọ và đồng chí Nguyễn Khánh Toàn – một cán bộ học ở Nga về có học vấn cao, đã có tiếng là “giáo sư đỏ” – Hai đồng chí lên lớp cứ thao thao bất tuyệt, chẳng rõ ra chương trình giáo án gì cả. Lớp học cũng có cả tổ y tế. Vì đã từng làm y tá trong trại giam ở Đắc-tô nên tôi còn được cử phụ trách tổ y tế đó. Sang năm 1946, Khi Hồ Chủ Tịch tuyên bố giải tán Đảng, đồng chí Lê Đức Thọ bảo tôi viết một bài chỉ đạo công tác tuyên truyền trong điều kiện Đảng giải tán. Ông Thọ đọc bài tôi viết, cho là tốt, đánh giá tôi là có năng lực nên ngay sau lớp học ít lâu, tôi được điều về làm Bí thư tỉnh ủy Thái Bình (lúc đó đương khẩn trương chuẩn bị chiến đấu), thay đồng chí Nguyễn Đức Tâm để đồng chí Tâm đi làm công tác khác.
Hết chương III

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét