Thứ Ba, 3 tháng 3, 2015

Nhận thức mới về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa

TTXVN / Tuoitre

http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/20150301/nhan-thuc-moi-ve-kinh-te-thi-truong-dinh-huong-xa-hoi-chu-nghia/714683.html

TT – Ngày 28-2, Hội đồng Lý luận trung ương phối hợp với Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức tọa đàm khoa học với chủ đề “Nhận thức về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”.


VN trở thành quốc gia đứng đầu trong khu vực ASEAN xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Ảnh tư liệu.   


Tọa đàm nhằm góp phần phục vụ trực tiếp việc tiếp tục hoàn thiện báo cáo tổng kết một số vấn đề lý luận – thực tiễn qua 30 năm đổi mới và dự thảo báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI tại Đại hội lần thứ XII của Đảng.
Trong quá trình nghiên cứu tổng kết thực tiễn, kế thừa và tiếp thu những thành quả lý luận của các đại hội Đảng qua sáu kỳ đại hội, dự thảo báo cáo chính trị Đại hội XII đã nêu ra khái niệm mới về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Đó là: “Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nền kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, đồng thời bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước.
Đó là nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế; có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, nhằm mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Dự thảo báo cáo chính trị Đại hội XII đã tiếp tục cụ thể hóa, nêu ra phương hướng mục tiêu và nhiệm vụ phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn 5-10 năm tới.
Đó là: “Đến năm 2020, phấn đấu cơ bản hoàn thiện đồng bộ hệ thống thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa theo các tiêu chuẩn phổ biến của nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế; bảo đảm tính đồng bộ giữa thể chế kinh tế và thể chế chính trị, giữa Nhà nước và thị trường; bảo đảm sự hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, phát triển con người, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, phát triển xã hội bền vững; chủ động, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế gắn với xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ; bảo đảm tính công khai, minh bạch, tính dự báo trong xây dựng và thực thi thể chế kinh tế, tạo điều kiện ổn định, thuận lợi cho phát triển kinh tế – xã hội”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét