Thứ Tư, 24 tháng 6, 2015

Khủng hoảng kinh tế Nga

 Boxitvn

Stefan Demura

Stefan Demura. Ảnh: Internet

Lời giới thiệu
“Năm 2015 kinh tế Nga sẽ phải hồi sức cấp cứu thay vì hắt hơi sổ mũi như chúng ta được cảnh báo”.
Đó là tiên đoán của Stefan Demura nhà tiên tri kinh tế “tận thế” nổi tiếng người Nga phát biểu vào tháng 02/2014. Stefan Demura là một nhân vật rất nổi tiếng trong giới tài chính và truyền thông Nga.

Năm 2006 ở nước Nga tất cả đều phấn khích với tốc độ phát triển kinh tế ấn tượng, bộ mặt các thành phố lớn thay đổi từng ngày. Giá bất động sản (BĐS) Moscow cao ngất ngưởng phá mọi kỷ lục. Tuyệt đại đa số các nhà kinh tế Nga có tên tuổi đều có những dự báo rất lạc quan về một thời kỳ phát triển “thần kỳ của kinh tế Nga nói chung và BĐS Nga nói riêng.
Duy nhất một mình Stefan Demura trên kênh TV Nga RBK (năm 2006 Demura đang là MC của kênh này phụ trách chương trình “Thị trường online” – ND) đã đưa ra dự báo về việc sập thị trường BĐS Mỹ vào năm 2008 dẫn đến Khủng hoảng kinh tế toàn cầu và Khủng hoảng kinh tế Nga kéo theo việc thị trường BĐS Nga suy thoái.
Vào 03/2008 nửa năm trước khi Khủng hoàng kinh tế Mỹ diễn ra cũng trên kênh TV RKB ông đã dự đoán chính xác gần như đến tận ngày bắt đầu cuộc Khủng hoảng và phác thảo kịch bản Khủng hoảng kinh tế Mỹ dẫn đến Khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Mọi sự xảy ra sau 09/2008 đã diễn ra đúng như kịch bản do ông phác thảo.
Từ đó Demura trở thành nổi tiếng ở Nga (và không chỉ ở Nga) như một nhà tiên tri kinh tế. Các dự báo của ông thường rất “chối tai” nhưng được nhiều người Nga lắng nghe vì rất ít khi sai.
Từ cuối 2013 ông Demura đã đưa ra dự báo về khủng hoảng kinh tế toàn diện ở Nga năm 2015. Theo ông Demura khủng hoảng kinh tế Nga thực ra đã bắ đầu diễn ra từ cuối 2012. Từ khi đó mức độ tiêu thụ điện năng và khối lượng vận chuyển hàng hóa bằng tàu hỏa ở Nga bắt đầu giảm.
Nghĩa là kinh tế Nga đã chững lại từ khá lâu trước khi xảy ra sự kiện chính quyền Yanukovich ở Ucraina sụp đổ và Nga bắt đầu can thiệp trực tiếp vào Ucraina. Rất lâu trước khi Phương Tây bắt đầu thi hành các biện pháp trừng phạt Nga và giá dầu hỏa trên thị trường thế giới tụt dốc.
Theo ông Demura, khủng hoảng kinh tế Nga có nguyên nhân sâu xa từ mô hình kinh tế méo mó ở Nga hiện nay. Các biện pháp trừng phạt của Phương Tây và việc giá dầu hỏa tụt dốc chỉ làm bộc lộ rõ những nhược điểm cốt tử và thúc đẩy nhanh quá trình khủng hoảng tất yếu của mô hình này.
Ông Demura cũng dự báo việc sắp tới ở Nga tầng lớp trung lưu sẽ tàn lụi và khuyên giới kinh doanh nên chuyển hướng sang phục vụ người thu nhập thấp. Ông cũng phân tích việc xã hội Nga có thể có biến động bùng nổ vì thông thường xã hội có tiềm năng bùng nổ khi chênh lệch thu nhập giàu nghèo là 40 lần trong khi ở nước Nga chênh lệch này hiện nay đã là 83 lần.
Ông Demura cũng dự báo khả năng khủng hoảng kinh tế toàn cầu sắp tới vì nền kinh tế của xã hôi hậu công nghiệp trên thế giới hiện nay về nguyên tắc rất mong manh. Một xã hội mà 70% GDP là thu nhập từ tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ thì khó mà bền vững.
Chúng tôi xin giới thiệu hai bài phỏng vấn Stefan Demura vào 02/2014 và 06/2015. Thứ nhất là bài Stefan Demura trả lời các phóng viên Svetlana Bronnikova và Iuri Epanchitsev trong cuộc phỏng vấn của tạp chí Doanh nghiệp Omsk ngày 25/02/2014 (ND).

GDP của Nga 2015. Ảnh: Internet
NĂM 2015 KINH TẾ NGA SẼ PHẢI CẤP CỨU HỒI SỨC THAY VÌ HẮT HƠI SỔ MŨI NHƯ CHÚNG TA ĐƯỢC CẢNH BÁO
Nước Nga: một thuộc địa cung ứng nguyên liệu thô
PV: Điều gì đang diễn ra với kinh tế thế giới thưa ông Demura?
Stefan Demura: Đã đến lúc giá trị thặng dư do nền sản xuất sản phẩm thực tạo ra không đủ để trả lãi nợ ngân hàng và bảo đảm mức độ tiêu dùng của xã hội. Điều này dẫn đến hiện tượng sụp đổ giảm phát (deflation collapse).
Hiện tượng này trước đây đã xảy ra theo chu kỳ như chúng ta thấy vào các năm 1929, 1970, 2000 và 2008. Sắp tới điều này sẽ lại xảy ra.
PV: Điều gì là khác biệt dành riêng cho nước Nga trong cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới sắp tới?
Stefan Demura: Hiện nay nước Nga là một thuộc địa nguyên liệu thô sơ. Chúng ta có thể khẳng định điều này vì trong những nền kinh tế khai thác nguyên liệu khác như Úc và Canada chuỗi kinh doanh bao gồm tất cả các khâu khai thác, chế biến nguyên liệu và sản xuất sản phẩm từ nguyên liệu đã khai thác. Khai thác nguyên liệu không hề đóng vai trò chính trong GDP của các nước này.
Nếu chuẩn mực giá trị gia tăng (GTGT) từ 1 USD nguyên liệu ở Úc là 6, Canada là 8, EU là 11 và Mỹ là 13 USD thì ở Nga chỉ là 1.5-1.6 USD.
Nghĩa là chúng ta hầu như không tạo được GTGT từ chế biến nguyên liệu. Một thí dụ rất điển hình: Máy bay hành khách “Superjet 100” của Hãng chế tạo máy bay Sukhoi được gửi gắm nhiều kỳ vọng bao gồm 90% các linh kiện, phụ kiện nhập khẩu, phần do chúng ta chế tạo chỉ là phần vỏ máy bay, phần kim loại.
Một đất nước không tạo được GTGT đáng kể từ nguyên liệu thì đó vẫn là một nước nghèo. Hiện nay (tháng 02/2014 – ND) nước Nga có GDP đứng thứ 6 thế giới. Nhưng đó là GDP có giá trị “bị thổi phồng” nhờ có thu nhập cao từ giá dầu hỏa chót vót.
So với các quốc gia Châu Phi, cung ứng nguyên liệu có lẽ chúng ta chỉ có một điểm khác: ở Châu Phi các ông chủ da đen thích đi Mercedes trắng còn ở Nga các ông chủ da trắng thích đi Mercedes đen.
Để có nền sản xuất với GTGT cao cần có nhân lực chất lượng cao, công nghệ và đầu tư. Nhân lực chất lượng cao của chúng ta đã kịp nghỉ hưu hầu hết sau gần 30 năm từ khi Liên Xô sụp đổ. Trong gần 30 năm nay trong công nghiệp nước Nga (trừ công nghiệp quốc phòng – ND) chẳng có đổi mới gì về trang thiết bị và công nghệ cả.
Hao mòn tài sản cố định trong công nghiệp đã đạt mức khoảng 70-80%. Điều này đồng nghĩa với việc trong GDP nước Nga ẩn giấu một giá trị tương đương bị thâm hụt đi. Tình trạng này giống hệt như thời kỳ Liên Xô bước ra khỏi Thế chiến thứ II. Hiện nay xin hãy đi ra khỏi Moscow hoặc Omsk khoảng 50 km – người ta sống trong khung cảnh hệt như sau Thế chiến thứ II. Với tình trạng hao mòn tài sản cố định (trang thiết bị) công nghiệp như vậy, lại chẳng có đầu tư mà hy vọng phát triển bền vững thì thật là ngớ ngẩn.
PV: Vậy thì vốn đầu tư loại nào đã xuất hiện ở nước Nga thay vào vốn đầu tư công nghiệp?
Stefan Demura: Tất nhiên là vốn đầu tư thương mại và tài chính. Để cho dễ thấy thực chất mô hình kinh doanh chủ đạo hiện nay ở nước Nga tôi xin dẫn ra một vài số liệu.
Dân số Nga hiện nay là 143 triệu (2014 – ND) bao gồm:
Người hưu trí 67 triệu; lực lượng Quân đội cùng với các viện trường của mình khoảng hơn 1 triệu; lực lượng của các Cơ quan an ninh, bảo vệ, đặc nhiệm – 2.160 ngàn; lực lượng của Bộ Cứu hộ, Bộ Nội vụ, Ủy ban thanh tra quốc gia, Viện kiểm sát,… – 2.541 ngàn; lực lượng Thuế vụ, Hải quan và các cơ quan khác – 1.356 ngàn; lực lượng của các cơ quan cấp giấy phép và giám sát việc cấp phép các loại – 1.321 ngàn; công chức các loại khác – 1.252 ngàn; viên chức phục vụ trong các Quĩ hưu trí, xã hội, bảo hiểm và các quĩ khác của nhà nước – 1.727 ngàn; lực lượng Nghị viên và bộ máy của họ ở các cấp – 1.872 ngàn.
Các nhà hoạt động tôn giáo chuyên nghiệp 530 ngàn; các luật sư, chuyên viên tư vấn pháp lý, công chứng viên và bộ máy cùng với các phạm nhân trong các trại giam – 1.843 ngàn; lực lượng vệ sĩ, bảo vệ, thám tử tư – 1.098 ngàn; lực lượng thất nghiệp có đăng ký – 8.420 ngàn.
Như vậy tổng số người sống bằng ngân sách nhà nước là 93.450 ngàn. Trong khi 90% các công ty, xí nghiệp hàng đầu Nga là các doanh nghiệp đăng ký tại các OFFSHORE (vùng offshore là nơi chính quyền địa phương cho các doanh nghiệp hưởng các ưu đãi về thuế như giảm hoặc miễn hoàn toàn thuế với điều kiện nếu các công ty đó hoạt động kinh doanh ngoài lãnh thổ nơi đăng ký. Trên thế giới có khoảng 50 quốc gia và lãnh thổ có quy chế này. Chẳng hạn như Belize, Panama, Hong Kong, Singapore, Brunei,… Ở nước Nga các doanh nghiệp này chỉ còn phải đóng tiền cho quỹ bảo hiểm và thuế lợi tức. Do có nguồn gốc nước ngoài các doanh nghiệp Nga loại này rất biết cách nâng giá trị đầu vào vật tư, dịch vụ để giảm thiểu thuế lợi tức giống các doanh nghiệp vốn FDI ở Việt Nam hay làm. Vì vậy nên tiền thu cho ngân sách Nga từ các doanh nghiệp này không lớn – ND).
Tất nhiên là nếu không kể đến trẻ em, học sinh, sinh viên và các bà nội trợ thì số người thực tế làm việc và tạo GTGT cho xã hội chỉ khoảng trên dưới 15 triệu cho cả một đất nước rộng lớn.
Rõ ràng là hai yếu tố kể trên đều ảnh hưởng ghê gớm đến cơ cấu ngân sách nước Nga. Ở các nước phát triển các khoản chi cho các chương trình xã hội: y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao, nhà ở xã hội… chiếm 70% ngân sách. Ở Nga chỉ là 15%. Ở các nước phát triển các khoản chi nuôi bộ máy công quyền là 11% ngân sách, ở Nga là 43%.
Nhìn chung, chúng ta có một bức tranh kinh tế xã hội thật buồn với những nét đặc trưng không giống ai:
– Hao mòn tài sản cố định quốc gia là 70-80% (kể cả đường sá, các hệ thống ống dẫn hơi để sưởi mùa đông, ống dẫn nước nóng lạnh, ống dẫn gas và đường dây điện thoại,… – ND).
– Số công dân thực tế tạo ra GTGT chỉ khoảng 15/143 triệu dân.
– Phần lớn cử tri của Đảng Nước Nga thống nhất là những người sống bằng ngân sách quốc gia.
– Ngân sách quốc gia phụ thuộc chính vào đường ống dẫn dầu khí xuất khẩu và một vài khu mỏ khai thác than đá, kim loại màu.
Toàn bộ thực thể xã hội như vậy còn sống, tồn tại và hoạt động chừng nào giá nhiên liệu còn cao. Mà điều này thì không hề có gì đảm bảo (bài viết đăng tháng 02/2014 – ND) bởi vì như chúng ta biết giá kim loại và than đá tại thời điểm này đã sập.
Từ cuối 2012 kinh tế Nga đã có dấu hiệu chững lại. Như chúng ta biết từ khi đó mức độ tiêu thụ điện năng và khối lượng vận chuyển hàng hóa bằng tàu hỏa ở Nga bắt đầu giảm.
Trường hợp giá dầu khí tụt dốc như giá kim loại và than đá hiện nay thì khủng hoảng kinh tế ở Nga sẽ xảy ra trước khủng hoảng kinh tế thế giới và kết thúc sau khi khủng hoảng kinh tế thế giới kết thúc.
Tầng lớp trung lưu tàn lụi, người giàu cũng không phải tất cả sống sót

Giá dầu và kinh tế Nga. Ảnh: Internet
PV: Khủng hoảng kinh tế ảnh hưởng thế nào đến các địa phương thưa ông?
Stepan Demura: Tôi có thông tin như sau về vùng Krasnoyask (vùng Krasnoyask là một vùng ở phía Đông Siberia có cơ cấu kinh tế dân số khá điển hình đối với nước Nga. Vì vậy các nhà nghiên cứu chính trị, kinh tế xã hội thường lấy kết quả khảo sát vùng này để ngoại suy cho toàn nước Nga – ND): dân số 3 triệu, người trực tiếp làm việc 700 ngàn, Krasnoyask có quĩ hưu trí đầy đặn vì phần lớn làm việc có trả lương theo hợp đồng lao động chính thức; lương trung bình 15-16 ngàn rúp; nợ mua sắm hàng tiêu dùng 120 tỷ rúp; lãi suất trả góp mua sắm là 25-30% năm (ở Nga từ sau 2004 chương trình cho vay trả góp mua nhà và hàng hóa tiêu dùng từ các ngân hàng rất phong phú và rầm rộ. Như vâỵ tiền nợ mua sắm tiêu dùng ở Krasnoyask là 171 ngàn rúp/người làm việc và mỗi năm mỗi người phải trả ngân hàng 46 ngàn rúp lãi mua sắm tiêu dùng – ND).
Tôi không hiểu với mức lương như vậy người dân – người tiêu dùng ở Krasnoyask – lấy gì để trả ngân hàng lãi nợ mua sắm sau khi chi tiêu dùng các khoản? Nghĩa là cá nhân sẽ mất khả năng thanh khoản, ngân hàng vỡ nợ, nhu cầu mua sắm tiêu dùng giảm thê thảm. Tầng lớp trung lưu tàn lụi và người giàu cũng không phải tất cả sống sót được.
Điều tương tự cũng sẽ xảy ra trên toàn thế giới. Lý do là tất cả chúng ta sống trong xã hội hậu công nghiệp. Không ai thực sự làm việc không ai sản xuất cái gì cả. Tất cả đều “làm việc” trong Internet. Nhờ Internet năng suất lao động chỉ tăng lên trong ba lĩnh vực: kinh tế khách sạn nhà nghỉ, buôn bán và sản xuất bộ nhớ cho vi xử lý.
Của cải xã hội, đất nước chỉ xuất hiện khi lao động thực sự được gắn kết với công cụ sản xuất và tư bản công nghiệp. Một xã hội mà 70% GDP là tiêu dùng thì không thể tồn tại. Nó sẽ tồn tại chừng nào việc bơm USD chưa kết thúc và kinh tế còn chịu được gánh nặng lãi nợ tiêu dùng. Điều đó hiện nay đã kết thúc.
PV: Trong khủng hoảng những năm 2008-2009 các khoản nợ của các công ty tư nhân của đại tài phiệt (oligarchs) nước Nga đã được “chuyển hóa” sang khu vực nhà nước và chuyn sang vai của người đóng thuế ở Nga để họ gánh. Khe hở này hiện nay còn không thưa ông?
Stepan Demura: Không cái khe này không còn nữa. Ở nước Nga hệ thống ngân hàng sẽ sập đầu tiên vì toàn bộ nền kinh tế và người dân – người tiêu dùng đều ngập đầu vì nợ ngân hàng và không có khả năng trả lãi.
Tôi chưa nói đến tiền vay siêu đắt đến mức “khó hiểu” ở Nga (lãi suất tiền vay ở Nga 02/2014 là 10,5% năm – ND). Chúng ta thực tế đã nhập khẩu lạm phát qua USD. Ngân hàng Trung ương (NHTW) Nga thực chất chỉ đóng vai trò như một “quầy đổi ngoại tệ khổng lồ” – chi nhánh của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ. NHTW không có khả năng chống lạm phát, thậm chí là về nguyên tắc cũng không thể.
Theo luật thì NHTW không có quyền bù đắp thiếu hụt ngân sách của Chính phủ Nga. Không những thế trên mỗi USD nhập vào nó lại chỉ phát hành 0.6 rúp thay vì hủng hoảng 2008-2009 (Kudrin là Bộ trưởng Tài chính Nga lúc đó – ND) GDP nước Nga đã mất đi khoảng 9%. Trong khi GDP của EU và Mỹ chỉ mất khoảng 2-3%.
Chúng ta cũng thử nhìn NHTW lúc đó đã tìm cách giữ giá đồng rúp thế nào: NHTW tất cả các quốc gia ngoại trừ NHTW Hungary và Nga đều đã giảm lãi suất để không “tận diệt” sản xuất. Kết quả là chỉ riêng đồng forint của Hungary và đồng rúp Nga là đã mất giá thê thảm.
Trong cuộc khủng hoảng đang diễn ra hiện nay mọi sự lại sẽ lặp lại y nguyên như lần trước. Lý do là vì trong mọi cơ quan tài chính nước Nga vẫn nguyên những con người cũ tại vị.
Điều đáng sợ nhất là hiện nay NHTW và các ngân hàng khác không có ngoại tệ. Thời kỳ 2008-2009 tổng nợ nước ngoài là 500 tỷ USD và dự trữ vàng ngoại tệ là 600 USD. Nợ quốc gia 2008-2009 chủ yếu là nợ của các công ty nhà nước và các công ty của các đại tài phiệt. Hiện nay tổng nợ nước ngoài đã là 730 tỷ USD trong khi dự trữ vàng ngoại tệ chỉ có 480 tỷ USD.

EU và Putin chia Ukraine. Biếm họa của Novossti.
Nếu 2008-2009 NHTW đã mất 200 tỷ USD và đồng rúp yếu đi rõ rệt (đồng rúp lúc đó mất giá khoảng 30% so với USD – ND) thì lần này NHTW sẽ không có khả năng giữ giá đồng rúp vì nợ nước ngoài đã vượt quá dự trữ vàng ngoại tệ không lấy đâu ra 200 tỷ USD đó. Tất cả những khẳng định về khả năng và việc nhất thiết phải giữ giá đồng rúp đều không có cơ sở, không tưởng. Chúng ta phải chuẩn bị cho việc đồng rúp sẽ bị phá giá thê thảm.
Đây là lần đầu tiên từ 2004 đồng rúp không được bảo đảm bằng quĩ dự trữ. Tất nhiên có thể in tiền nhưng cách đó chỉ trì hoãn được giai đoạn đầu của cuộc khủng hoảng thêm một thời gian mà thôi. Hãy tưởng tượng là chúng ta sống trong khủng hoảng 2008-2009 nhưng không có kết thúc.
Chúng ta đã tiêu xài hết thu nhập của nhiều thế hệ tương lai
PV: Vậy thì đâu là lối thoát thưa ông?
Stepan Demura: Xóa nợ, phá sản, giảm tiêu dùng đáng kể. Chúng ta đã tiêu xài hết thu nhập của nhiều thế hệ tương lai. Chúng ta đã ăn trứng cá hồi no nê và đi chán xe Mercedes. Bây giờ đành phải ăn bánh mỳ và đi xe Zaporojets (loại xe rẻ tiền nhất do Nga sản xuất – ND).
Có thể tôi hơi cường điệu nhưng bức tranh cơ bản là vậy. Điều duy nhất NHTW và chính quyền còn có có thể làm thêm nữa là in tiền nhưng tiếc rằng khác với khủng hoảng 2008-2009 lần này các biện pháp này không hữu hiệu.
S. D.
Bài dịch của TamHmong. Gửi từ Moscow.
Nguồn: http://hieuminh.org/2015/06/13/stefan-demura-khung-hoang-kinh-te-nga/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét