Boxitvn
Tô Văn Trường
TS Vũ Ngọc Hoàng, ủy viên Trung ương Đảng, phó ban thường trực Ban
tuyên giáo Trung ương, ngay từ khi còn làm giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu
tư , rồi Chủ tịch, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam nổi tiếng là người thông
minh, tâm huyết, chịu khó nghiên cứu và thẳng thắn.
Tuy nhiên, khi mới được đọc bài viết gần đây của ông tiêu đề : ”Lợi ích nhóm” và “Chủ nghĩa tư bản thân hữu” – cảnh báo nguy cơ” đang trên Tạp chí cộng sản, tôi thấy cần phải trao đổi lại với tác giả xung quanh nội dung bài viết nói trên.
Xin nói rõ hơn trong bối cảnh “đãi cát tìm vàng” hiện nay, người
lãnh đạo đương chức dám viết và dám nói thẳng những suy nghĩ của mình
trên báo “lề phải” như ông Vũ Ngọc Hoàng vẫn là của hiếm, rất đáng trân
trọng cho nên mục đích bài viết này không phải là “mổ xẻ” phê phán mà là
góp ý, mạn đàm với ông Vũ Ngọc Hoàng cho rõ hơn những vấn đề mà chúng
ta cùng quan tâm.
Nhắc đến ông Vũ Ngọc Hoàng, tôi lại nhớ đến ông Nguyễn Sự, Bí thư
Hội An (thuộc tỉnh Quảng Nam) vừa mới chủ động cáo quan về hưu sớm trước
2 năm, được người dân quý trọng gọi là ông quan tử tế. Quả thật, ít lâu
nay mỗi khi mở ti vi mà thấy mục “việc tử tế” là tự nhiên tôi thấy khó
thở. Bởi lẽ, việc tử tế (tiếng Nam là “đàng hoàng”) – hàm cái nghĩa là
lẽ đương nhiên trong lẽ đời, sự sống như hơi thở, nhịp tim vv… mà bây
giờ người ta phải gom nhặt từng mẩu để đưa ra tấm tắc như là những nghĩa
cử của các hiền nhân, quân tử. Điều đó, nghĩa là những lẽ phải thông
thường xưa nay đang ngày càng trở nên hiếm hoi đồng nghĩa là cái xấu
đang trở thành mặc nhiên, mặc định trong xã hội ta.
Tôi cũng là người làm công tác khoa học và thường xuyên viết báo
(bạn hữu gọi là nhà báo công dân) nên thấu hiểu rằng viết báo dùng những
từ ngữ kiểu chính luận thì dễ đường vòng vo – còn dùng cách nói dân
gian thì thường có vẻ uỵch toẹt, ít uyên bác (ít “chất xám” nhưng nhiều
chất thật), ở góc độ chân lý thì chẳng hề sai.
Bài viết của ông Vũ Ngọc Hoàng đã thẳng thắn thừa nhận thực trạng
tình hình thiếu kiểm soát của xã hội ta hiện nay, thấy được nguy cơ đáng
sợ của nhóm lợi ích, đe doạ sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ và sự phát
triển của Dân tộc. Đồng thời, tác giả thấy đươc sự mong manh của thể chế
chính trị “Định hướng XHCN…”.
Điều đáng tiếc nhất, không hiểu vì lý do nào đó, ông Vũ Ngọc Hoàng
không lý giải được nguyên nhân cội nguồn dẫn đến tình trạng xã hội hiện
nay (chế độ toàn trị), lại đổ vấy cho một thứ gọi là “Chủ nghĩa tư bản
thân hữu”, một khái niệm rất mơ hồ. Tác giả cũng không đưa ra được giải
pháp khắc phục và thể hiện sự bế tắc trong cách giải quyết, v.v…
Tôi nghĩ mãi chưa nhớ ra được ai, ở đâu đã đưa ra khái niệm “Chủ
nghĩa tư bản thân hữu”. Tôi cũng không biết cụ Lenin dùng chữ gì để chỉ
“chủ nghĩa tư bản thân hữu” trong tiếng Nga?.
Ngẫm suy, chắc chắn chữ “thân hữu” không phải là đối nghịch với
“thân tả” mà có nghĩa là thân thiện, thân tình (quan hệ thân thiết giữa
giới có quyền & giới có tiền cấu kết với nhau để cùng trục lợi chia
chác). Nếu được minh bạch, công khai, được pháp luật thừa nhận thì mối
quan hệ này sẽ được xã hội giám sát, không phải bao giờ cũng có ý nghĩa
tiêu cực. Chỉ ở những thể chế mất dân chủ, không minh bạch công khai thì
“lợi ích nhóm” mới có hiệu quả rất tệ hại đối với đất nước.
Theo tôi hiểu, cứ cho là có “Chủ nghĩa tư bản thân hữu” thì nó
là một thuộc tính, không nên chia tách ra thành một thực thể. Nếu quan
tâm đề cập “Lợi ích nhóm” và “chủ nghĩa tư bản thân hữu” thì chỉ là hệ
quả của thể chế chính trị – kinh tế hiện nay. Vì vậy, phải đặt trong
bối cảnh chung ấy mới thấy được thực chất vấn đề đáng nêu và từ đó tìm
được giải pháp loại trừ nó.
Cần hiểu đúng khái niệm về lợi ích nhóm
Trong bài viết của ông Vũ Ngọc Hoàng đề cập chuyện Tổng bí thư
Nguyễn Phú Trọng đưa ra tên gọi “Lợi ích nhóm” ở Hội nghị TƯ 3, tôi nghĩ
không có gì mới. Chúng ta có thể xem định nghĩa về nhóm lợi ích theo
đường link ở đây:
http://www.britannica.com/topic/interest-group.
Nói một cách đơn giản, chúng là nhóm có tổ chức đăng ký, hoặc không, để
nhằm gây ảnh hưởng chính trị hay dư luận bảo vệ quyền lợi của nhóm.
Ngay ở nước phát triển như Mỹ, nếu là có tổ chức, họ có thể đăng ký
dưới danh nghĩa các tổ chức vô vị lợi, thu tiền đóng góp (những người
đóng góp còn được trừ thuế đối với tiền đóng góp). Các tổ chức vô vị lợi
không được quyền kêu gọi ủng hộ một cá nhân hay một đảng phái nào ra
ứng cử. Họ chỉ được phép tạo dư luận để ủng hộ quyền lợi của nhóm. Thí
dụ nhóm lợi ích có thể là nông dân cần được hỗ trợ về vay vốn, được trả
tiền giảm đưa đất đai vào sản xuất, giảm sản lượng, nhằm giữ giá tối
thiểu. Có thể là tổ chức các đại học, là công đoàn, là hội lực lượng
cảnh sát, hội cựu chiến binh v.v…
Nếu không có danh nghĩa tổ chức vô vị lợi thì họ tha hồ tự do ủng
hộ các chính trị gia, ứng cử viên. Nếu là nhằm ủng hộ quan điểm của một
quốc gia khác họ phải đăng ký là agent của nước ngoài. Điển hình là
trường hợp của Henry Kissinger, Cựu chủ tịch Hội đồng Cố vấn An Ninh
Quốc gia thời Tổng thống Nixon, vận động hoặc làm tham mưu cho ý kiến
cho Trung Quốc. Nhìn chung, các nhóm lợi ích ở Mỹ là minh bạch.
Vấn đề của Việt Nam thì minh bạch là mọi tổ chức đều là do Đảng
dựng lên, có thể cho ý kiến, nhưng chủ yếu có nhiệm vụ vận động để mọi
người ủng hộ đường lối của Đảng và phải hoạt động dưới sự chỉ đạo của
Đảng. Có thể gọi mọi tổ chức được công nhận ở Việt Nam đều là các nhóm
lợi ích vì lợi ích của Đảng.
Tuy nhiên hiện nay, Đảng chỉ có một lợi ích duy nhất là duy trì sự
lãnh đạo và tồn tại của Đảng, trong khi đó nền kinh tế thì tư bản chủ
nghĩa, tức là mọi lợi ích là nhằm phục vụ cá nhân. Ở đây, nhóm lợi ích
ra đời, có ý nghĩa khác hẳn nhóm lợi ích ở các nước phát triển. Họ vây
quanh các lãnh đạo Đảng để có thể hưởng các ân huệ như việc được cấp
quyền sử dụng đất, quyền khai thác, được cấp tín dụng v.v… tức là làm
sao biến được công hữu thành tư hữu một cách hợp pháp. Tất cả mọi cái
được này đều không minh bạch vì họ chẳng phải đăng ký với ai. (khác hẳn
với thể chế ở các nước phát triển như Mỹ)
Theo tôi hiểu, tư bản thân hữu là từ dùng trong các nước tư bản
kiểu Indonesia, Thái Lan, Mã Lai, theo nghĩa có quan hệ với gia đình
lãnh đạo (như Suharto chẳng hạn), có nghĩa là “cánh hẩu” với nhau. Nhưng
ở nước Xã hội chủ nghĩa kiểu như Việt Nam thì diện công hữu rất rộng,
có thể nói là có tính toàn diện chứ không như ở Indonesia, hay Mã Lai
cho nên quyền biến công hữu thành tư hữu của nhóm lãnh đạo Đảng ở Việt
Nam cũng rộng hơn nhiều vì có quyền quản lý toàn bộ các công ty quốc
doanh, đất đai và tài nguyên nói chung. Các vị lãnh đạo ở tỉnh cũng có
quyền rất lớn vì họ có quyền đối với đất đai nằm trong địa phận của
tỉnh.
Tôi tin rằng ông Vũ Ngọc Hoàng cũng thấu hiểu những điều phân tích
nói trên nhưng vì lý do “tế nhị” nào đó, không tiện viết thẳng ra mà
thôi.
Các khuyết tật mang tính hệ thống ở ta hiện nay
Có ý kiến đặt vấn đề tại sao người Việt Nam ta thích “Ra đường gặp đóa hoa rơi/ Hai tay nâng nhẹ cũ người mới ta”.
Những tư tưởng, học thuyết tiến bộ một thời cách đây hàng ngàn năm (khi
loài người còn mông muội) hoặc hàng trăm năm, thậm chí chưa xa, mà nay
không còn phù hợp, người ta đưa vào bảo tàng hoặc chỉ còn trong giáo
trình “lịch sử triết” nhưng lại được suy tôn ở Việt Nam .
Ngược lại, mô hình phát triển của nhiều nước tiên tiến trên thế
giới đã được thực tế chứng minh nhưng vẫn chưa lọt vào “mắt xanh” của
những người có thẩm quyền ở nước ta.
Nhìn vào thực trạng xã hội, người dân nhận thấy sai lầm về định
hướng phát triển xã hội (xây dựng thể chế), nói rõ hơn, là “mô hình” xã
hội trên nền tảng cơ chế thị trường định hướng XHCN mà chúng ta theo
đuổi còn rất mơ hồ, thiếu lý luận khoa học, không thấy đâu là nhân tố
cốt lõi, đâu là động lực phát triển, mâu thuẫn nào là đối kháng, phương
thức giải quyết các vấn đề xã hội ra sao, và tính tất yếu của các quá
trình là gì ?
Sai lầm về cơ cấu tổ chức xã hội, đặc biệt là cơ cấu tổ chức của
các cơ quan quyền lưc Nhà nước. Mô hình “3 trong 1”, tức là các cơ quan:
lập pháp, hành pháp và tư pháp như ở ta hiện nay về thực chất chỉ là
một tổ chức đặc quyền “vừa đá bóng vừa thổi còi”. Nói cho khách quan, mô
hình này đã phát huy tốt trong giai đoạn đất nước bị chia cắt, độc lập
dân tộc bị de dọa, nhưng đã quá lỗi thời ở nền kinh tế thị trường mà ta
đang theo đuổi. Và đây là “lỗ hổng” chết người, một “ mảnh đất mầu mỡ”
để các “nhóm lợi ích” hình thành, phát triển, cạnh tranh, thậm chí liên
kết cùng nhau vì quyền lợi ích kỷ của họ.
Sự hình thành nhóm lợi ích là quá trình tự nhiên như hạt giống tự
nẩy mầm trong đất ẩm, đúng theo quy luật của cơ chế thị trường lấy lợi
ích cá nhân là mục tiêu phấn đấu, theo bản năng vốn có của tạo hóa.
Sai lầm tiếp theo là sự bảo thủ của nhiều vị lãnh đạo, chậm về nhận
thức, thiếu năng lực hành động, sợ mất quyền và tự mình đánh mất tính
tiên phong, dẫn đến mất niềm tin của quần chúng. Cuối cùng là sợ luôn cả
dân chủ dẫn đến độc quyền về nhân sự, và độc quyền về đường lối chủ
thuyết phát triển đất nước. Xin đừng quên rằng dân chủ là thứ mà bất kỳ
một xã hội văn minh nào cũng đều cần và rất cần.
Với quan niệm tù mù về sở hữu toàn dân, quyền sở hữu tư nhân bị
chèn ép, lép vế trên thực tế, khiến kinh tế thị trường lành mạnh bị bóp
nghẹt. Ở nông thôn, đất đai cũng do Nhà nước làm chủ, đại diện là những
vị chức sắc mà trong nhiệm kỳ của họ, việc thu hồi đất đai, ruộng vườn,
ao truông, mọi thành quả lao động của người nông dân, nằm trong quyền
hạn của họ. Hậu quả tất yếu là những hiện tượng như vụ Đoàn Văn Vươn và
những đoàn người dân đi từ nhiều địa phương trong cả nước tới các cơ
quan công quyền bầy tỏ sự uất ức của họ khi bị mất trắng thành quả lao
động vào tay các quan cai trị mới ở địa phương, để các vị này lại bán đi
cho các đại gia đã móc ngoặc, biến thành các nơi vui chơi giải trí, các
resort với giá đắt nhiều lần hơn, mà người lao động trung bình không
thể nghĩ tới.
Chính là trên cái nền tổng hợp của các khuyết tật ấy mà “lợi ích
nhóm” hay nói đúng hơn là các nhóm trục lợi đã và đang tồn tại, phát
triển và không thể nào ngăn chặn được (y như đã và đang không thể ngăn
chặn được nạn tham nhũng, quan liêu).
Giải pháp
Đã tới lúc chúng ta phải nhìn thẳng vào sự thật. Tại sao Nhật Bản,
Hàn Quốc, chưa nói tới một số nước công nghiệp đã phát triển mạnh như
Đức, Anh, Pháp… lại bứt phá nhanh như vậy? Chắc chắn vì họ đã kịp có một
cơ chế quản lý xã hội được học từ các nước tiên tiến, và đã biết rút ra
được nhiều kinh nghiệm từ sự thất bại của mình, và mạnh dạn khắc phục
những yếu kém đó.
Trước khi bàn về giải pháp ở tầm chiến lược, cũng giống như trước
cuộc đại phẫu cắt bỏ một khối u ác tính trong cơ thể, đang de dọa tính
mạng của người bệnh, chúng ta cần hội chuẩn cho thật kỹ, tìm ra giải
pháp tối ưu và triển khai thực hiện, đồng bộ với một lộ trình khoa học,
khả thi càng sớm càng tốt.
Điều kiện cần cho các giải pháp là rất quan trọng, nhưng quan trọng
nhất là giữ được ổn định xã hội, đoàn kết dân tộc, giữ vững nhịp độ
phát triển kinh tế, tạo sự ủng hộ của quần chúng nhân dân và của cộng
đồng quốc tế.
Dưới đây là một số đề xuất về giải pháp để chúng ta cùng bàn:
Một là, Đảng phải tự đổi mới về nhận thức, khôi phuc lòng tin của
nhân dân, đấu tranh phê bình và tự phê bình nghiêm túc, thực hiên dân
chủ hóa các hoạt động trong và ngoài Đảng. Loại ra khỏi Đảng những phần
tử biến chất, tham nhũng, bè phái (nhóm lợi ích)….
Hai là, từng bước cải cách hệ thống tổ chức xã hội từ trung ương
đến địa phương trên cơ sở “tam quyền phân lập”, nhà nước pháp quyền, xã
hội dân sự.
Ba là, Dân chủ hóa hệ thống bầu cử, lựa chọn người tài tham gia
việc nước; taọ cơ chế hoạt động thuận lợi, bình đẳng giữa các tổ chức xã
hội, chính trị, kinh tế trên nền tảng hệ thống pháp quyền minh bạch.
Bốn là, tôn trọng các quyền cơ bản của người dân, tạo điều kiện
pháp lý phù hợp với văn hóa của ta để người dân tham gia tích cực vào
các hoạt động xã hội, kinh tế, phát huy năng lực của toàn xã hội.
Năm là, duy trì sự lãnh đạo của Đảng bằng trí tuệ của Đảng, với
thuộc tính: khoa học, dân chủ, công bằng vì lợi ích của toàn xã hội và
dân tộc.
Lời kết
Đất nước chỉ có thể chấn hưng khi khoa học công nghệ phát triển và
dân trí được nâng cao. Cần nhìn thẳng vào sự thật, lĩnh hội các giá trị
phổ quát của toàn nhân loại, con đường đi chung, phong quang của cả thế
giới văn minh. Dân chủ hóa, minh bạch hóa xã hội đòi hỏi phải bắt đầu từ
cấp cao nhất của Đảng .
T.V.T
Tác giả gửi BVN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét