TS Đoàn Xuân Lộc
Tổng thống Mỹ Barack Obama đã bắt đầu chuyến thăm châu Á và bốn điểm dừng chân của ông trong chuyến đi kéo dài tám ngày này là Nhật Bản, Nam Hàn, Malaysia và Philippines.
Với Việt Nam, việc ông Obama vẫn chưa quyết định tới thăm dù đây là lần thứ sáu ông tới châu Á ít hay nhiều cho thấy giữa Washington và Hà Nội vẫn còn có nhiều bất đồng.
Trấn an đồng minh
Một trong những mục đích quan trọng của chuyến đi là để tái khẳng định chính sách ‘xoay trục’ sang châu Á của Mỹ mà ông Obama đã khởi xướng cách đây ba năm.Trong thời gian vừa qua, vì những khủng hoảng tại Mỹ cũng như nhiều nơi khác trên thế giới, chính quyền của ông không có nhiều thời gian, tâm trí và điều kiện để thực hiện chính sách này.
Điều đó đã làm một số nước trong vùng – đặc biệt những quốc gia đang có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc và lo lắng về những động thái mạnh bạo của Bắc Kinh gần đây – đặt nghi vấn về cam kết gia tăng hiện diện của Mỹ trong khu vực.
Việc Nga dùng sức mạnh sáp nhập Crimea và chuyện Washington không thể ngăn cản Moscow thôn tính lãnh thổ của Ukraine cũng làm một số nước trong vùng quan ngại và đặt câu hỏi liệu Mỹ có can thiệp nếu Bắc Kinh có hành động giống như Nga đã làm với Ukraine.
Chuyến công du này có thể được coi là dịp để ông Obama giải tỏa, xua tan những nghi ngại ấy.
Cụ thể, qua chuyến đi cũng như các hoạt động của mình tại bốn nước đó, ông Obama muốn nhắn gửi rằng Mỹ rất coi trọng sự hợp tác với các nước châu Á và luôn tìm cách gia tăng vai trò, ảnh hưởng của mình trong khu vực.
Đây là lần thứ tư ông Obama tới Nam Hàn và lần thứ ba ông sang thăm Nhật. Chuyến đi Nhật của ông là một chuyến thăm cấp nhà nước và đây là lần đầu tiên kể từ khi ông Bill Clinton sang Tokyo vào năm 1996, Tổng thống Mỹ có một chuyến thăm như vậy tại Nhật.
Trong thời gian ở Nhật, có thể ông Obama sẽ công khai lên tiếng ủng hộ việc chính phủ nước này quyết định thay đổi chính sách quốc phòng.
Ông Obama cũng là Tổng thống Mỹ đầu tiên đến thăm Malaysia kể từ khi ông Lyndon Johnson đến thăm nước này vào năm 1966.
Đến Philippines, ông sẽ bàn thảo với giới lãnh đạo tại Manila về một thỏa thuận hợp tác quân sự mới, trong đó cho phép Mỹ được mở lại các căn cứ quân sự (bị đóng vào năm 1992) tại quốc gia này.
Nhưng an ninh không phải là lý do duy nhất khiến chính quyền ông Obama đổi hướng sang châu Á. Kinh tế cũng đóng một vai trò quan trọng trong chính sách xoay trục này. Hiện tại, có đến khoảng 60% hàng hóa của Mỹ được xuất khẩu sang các nước châu Á.
Đó cũng lý do tại sao, ông Obama quyết tâm theo đuổi Hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình dương (TPP) và một mục đích quan trọng khác của chuyến đi này là nhằm loại bỏ những khác biệt, bất đồng còn lại – đặc biệt giữa Mỹ và Nhật – để tiến tới việc ký kết TPP.
Một yếu tố khác, dù không phải là chính yếu, nhưng không kém phần quan trọng trong các chuyến đi nước ngoài của ông Obama nói chung và chuyến thăm châu Á lần này nói riêng là cổ võ những giá trị mà Mỹ luôn coi trọng.
Chẳng hạn, trong thời gian ở Malaysia – một quốc gia đang trong quá trình dân chủ hóa – Tổng thống Obama sẽ tiếp xúc với sinh viên và chủ trì cuộc họp Sáng kiến Lãnh đạo trẻ Đông Nam Á do ông khởi xướng. Tại những cuộc gặp gỡ, nói chuyện đó chắc chắn ông sẽ nhấn mạnh đến tầm quan trọng của tự do, nhân quyền, dân chủ.
Đây là những giá trị căn bản mà nhiều nước trong khu vực – trong đó có Trung Quốc – vẫn không coi trọng.
Trung Quốc lo ngại
Với những mục đích như vậy, Trung Quốc sẽ theo dõi sít sao từng cử chỉ, ngôn từ, hành động của Tổng thống Obama cũng như lãnh đạo của bốn nước chủ nhà trong chuyến thăm này.Dù ông Obama muốn né tránh, không dám nói thẳng vì sợ Bắc Kinh bất bình và làm căng thẳng quan hệ giữa hai nước, lý do sâu xa của chuyến đi của ông vẫn là nhằm canh chừng và khống chế Trung Quốc.
Mỹ muốn mở lại căn cứ quân sự tại Philippines phần lớn chỉ vì sự lớn mạnh của Trung Quốc và những động thái mạnh bạo của Bắc Kinh trong vấn đề tranh chấp biển đảo gần đây.
Ông Obama khởi xướng, theo đuổi TPP một phần cũng muốn cô lập Trung Quốc.
"Việc ông nhiều lần tới thăm hai nước đồng minh của mình tại Đông Á – trong khi đến giờ chỉ mới tới Bắc Kinh một lần vào năm 2009 – cũng là một ví dụ nữa cho thấy Washington đang tìm cách giới hạn ảnh hưởng của Bắc Kinh."
Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia và Philippines và một số quốc gia khác trong khu vực muốn tăng cường quan hệ, hợp tác quân sự, kinh tế với Mỹ cũng vì lo ngại về các hành động khá hung hăng của Bắc Kinh trong thời gian qua.
Về phần mình, giới lãnh đạo Trung Quốc chắc chắn cảm thấy khó chịu – thậm chí tức giận –khi biết Mỹ muốn hạn chế, kìm kẹp họ và nhiều nước trong khu vực cũng nghiêng về Mỹ nhằm đối phó với họ.
Chẳng hạn, cũng giống như khi ông Obama hứa sẽ gia tăng sự hiện diện quân sự tại Úc khi ông tới đây cách đây gần ba năm, một thỏa thuận hợp tác quân sự giữa Washington và Manila chắc chắn làm Trung Quốc tức giận.
Việc nhiều nước tại châu Á tìm cách tăng cường quan hệ, hợp tác với Washington nhằm đối phó với Trung Quốc cũng cho thấy uy tín, vị thế và tầm ảnh hưởng của Mỹ tại đây vẫn còn mạnh và Bắc Kinh không nhận được nhiều sự tin tưởng, ủng hộ từ các quốc gia trong vùng.
Coi nhẹ Việt Nam?
Và một trong những bất đồng ấy – nếu không muốn nói trở ngại lớn nhất cho quan hệ giữa hai nước – là hồ sơ nhân quyền của Việt Nam.
Được biết, trong chuyến thăm Mỹ vào tháng Bảy năm 2013, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã mời Tổng thống Obama sang thăm Việt Nam và ông Obama đã hứa sẽ ‘cố gắng’ đến Việt Nam trước khi kết thúc nhiệm kỳ (vào năm 2016).
Chưa biết ông Obama có ‘cố gắng’ thăm Việt Nam trước khi rời chức vụ hay không chuyện ông vẫn chưa sang thăm Việt Nam cho thấy chính quyền của ông vẫn chưa coi trọng quan hệ với Hà Nội.
Và điều đó có thể gây nên những bất lợi cho Việt Nam cả về cả đối nội và đối ngoại.
"Trong 10 thành viên của ASEAN, hiện chỉ có Brunei, Lào và Việt Nam là ba quốc gia ông Obama chưa tới thăm."
Riêng Brunei đã được vào lịch trình của chuyến công du bốn nước Đông Nam Á (Indonesia, Brunei, Malaysia và Philippines) của ông Obama vào tháng 10 năm 2013 nhưng cuộc khủng hoảng về ngân sách tại Mỹ lúc đó đã ông buộc phải hủy bỏ chuyến đi.
Nếu Tổng thống Mỹ sang thăm Hà Nội lúc này chắc chắn mối quan hệ giữa hai nước được cải thiện rất nhiều về nhiều mặt.
Dù quan hệ Việt-Mỹ đã được cải thiện nhiều và được nâng thành ‘quan hệ đối tác toàn diện’, Mỹ vẫn chưa trở thành đối tác chiến lược của Việt Nam.
Trong khi đó, Hà Nội đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với nhiều quốc gia khác – trong đó có những nước xa xôi và ít hay chẳng có vai trò ‘chiến lược’ gì đối Việt Nam như Tây Ban Nha.
Nếu cuối cùng ông Obama có ‘cố gắng’ đến Việt Nam trước khi ông kết thúc nhiệm kỳ, một chuyến đi như vậy chẳng có tác động gì nhiều đến quan hệ tương lai giữa hai nước.
Bài viết phản ánh quan điểm riêng và lối hành văn của tác giả, một cây bút bình luận đang sinh sống ở Anh quốc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét