Thứ Năm, 24 tháng 4, 2014

Đừng đe dọa Biển Đông

DCVOnline

Jim Steinberg, Mike O’Hanlon – Trà Mi lược dịch

pivotMỹ sẽ phản ứng ra sao nếu Trung Quốc đơn phương xâm lấn lãnh thổ ở sân sau?
… và các chiến lược khác để giữ mối quan hệ song phương quan trọng nhất thế giới
Xe bọ thép của Trung Quốc. Nguồn: Foreign Policy.
Xe bọc thép của Trung Quốc. Nguồn: Foreign Policy.

Chuẩn bị cho chuyến đi châu Á tuần này, Tổng thống Barack Obama hẳn không chỉ suy nghĩ đến những câu hỏi về chính sách tái cân bằng hay đóng chốt ở châu Á, mà còn về cuộc khủng hoảng hiện nay tại Ukraine.

Các nhà lãnh đạo mà Obama sẽ gặp tại Nam Hàn, Nhật Bản, Malaysia, và Philippines sẽ bận tâm với những gì có thể xẩy ra ở châu Á hiện đang là vấn đề đang thách thức châu Âu: Hoa Kỳ và các nước đồng minh sẽ làm gì để có thể đối phó với một nước lớn trong khu vực ngày càng quyết đoán? Nói thẳng ra – như các nhà lãnh đạo ở châu Á chắc chắn sẽ nói trong những cuộc trao đổi riêng của họ với Obama – Mỹ sẽ phản ứng ra sao nếu Trung Quốc đơn phương xâm lấn lãnh thổ ở sân sau?
Chiến lược của chính quyền Mỹ thay đổi tại Đông Á trong năm 2011 được xây dựng trên hai cột trụ. Đầu tiên, Hoa Kỳ sẽ theo đuổi lợi ích lâu dài trong hòa bình và ổn định ở Đông Á bằng sự cam kết bền vững với các đồng minh của Mỹ; thứ hai, Mỹ sẽ xây dựng một mối quan hệ mang tính hợp tác xây dựng với một Trung Quốc đang lên, cùng lúc tôn trọng sự khác biệt.
Về lý thuyết, chiến lược này đã tính đến ảnh hưởng tất nhiên của một Trung Quốc đang lớn mạnh tại Đông Á đồng thời giảm thiểu những nguy hiểm mà những quan hệ đó sẽ đưa đến sự mất ổn định hoặc ngay cả xung đột có thể có trong khu vực. Nhưng trong những tháng gần đây, Trung Quốc đã tiếp tục tuyên bố chủ quyền lãnh thổ ở biển Đông và biển Nam Trung Quốc, thì tính khả thi của chiến lược này đang được đưa vào thử thách. Hành động đơn phương của Trung Quốc – kể cả tuyên bố hồi tháng 11 về một khu vực xác định phòng không ở Biển Đông Trung Quốc trong đó có quần đảo Senkaku đang trong vòng tranh chấp hiện do Nhật Bản quản lý (mà Bắc Kinh tuyên bố là của họ và gọi đó là đảo Điếu Ngư), và việc ngăn chặn thuyền tiếp vận cho Thủy quân lục chiến Philippine ở Bãi Cỏ Mây – đã làm các nước láng giềng của Trung Quốc e sợ và đặt câu hỏi tái cân bằng nghĩa là gì trước những hành động gây hấn kể trên.
Chính quyền Obama đã lặp đi lặp lại quan điểm không thiên về bên nào trong mọi tranh chấp chủ quyền, nhưng phản đối việc sử dụng vũ lực hoặc cưỡng chế để giải quyết vấn đề. Và Hoa Kỳ đã khẳng định sẽ giữ những cam kết hiệp ước với Nhật Bản và Philippines. Nhưng điều đó không dẫn đến tiến bộ nào đáng kể. Nguy cơ xung đột vẫn còn cao.
Tình hình ở châu Á phức tạp hơn ở Ukraine, nơi mà Hoa Kỳ không có hiệp ước an ninh song phương nhưng đã tuyên bố rõ ràng rằng Nga đã vi phạm chủ quyền của Ukraine. Ngược lại, trong khi Mỹ có trách nhiệm rõ rệt về hiệp ước với đồng minh ở Đông Á, họ cũng công nhận các quốc gia trong vùng khác nhau về chủ quyền lãnh thổ. Và bằng cách không thiên vị Mỹ thừa nhận một tình trạng không rõ ràng.
Hoa Kỳ có thể từ bỏ thế trung lập và nghiêng về phía Nhật Bản và Philippines trong những tranh chấp lãnh thổ, ngăn chận sự phiêu lưu của Trung Quốc. Nhưng hành động như vậy chỉ làm tăng thêm thêm sự căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc và không nhất thiết có thể khiên Bắc Kinh sẽ có ứng xử ngoại giao hơn với các nước láng giềng. Chọn lựa đó có nguy cơ lập lại lịch sử như thời Chiến tranh Lạnh – một kết quả mà không một quốc gia đối tác nào của Hoa Kỳ trong khu vực hoan nghênh, vì nền kinh tế tương sinh của họ với Trung Quốc hiện nay.
Thay vào đó, một chính sách toàn diện hơn cho những kiến tạo thay đổi của Đông Á là điều cần thiết: phải xem những tranh chấp lãnh thổ không là một vấn đề riêng rẽ, mà cần giải quyết vấn đề cơ bản hầu đối phó với một cường quốc đang lên.
Đã bốn mươi năm kể từ chuyến đi lịch sử của Tổng thống Nixon năm 1972, mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc phần lớn là quan hệ hợp tác. Một Trung Quốc yếu ít gây ra những mối đe dọa cho Hoa Kỳ và đồng minh cùng lúc cung cấp một thị trường ngày càng lớn cho hàng hóa của Mỹ, một nguồn hàng nhập khẩu rẻ tiền cho người tiêu dùng ở Mỹ, và một đối tác trong cuộc đấu tranh để kiềm chế Liên Xô.
Nhưng khi liên kết chiến lược dựa trên mối quan tâm chung về Liên Xô đã hết, cùng với khả năng quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc nhờ nền kinh tế phát triển ngoạn mục, cả hai bên ngày càng phải suy nghĩ nhiều hơn về tính bền vững của hợp tác Mỹ-Trung. Nhiều người ở Trung Quốc xem chiến lược tái cân bằng của Mỹ là chính sách kiềm chế ngụy trang, trong khi nhiều người ở Hoa Kỳ coi sự hiện đại hóa quân đội Trung Quốc và sự quyết đoán đòi chủ quyền lãnh thổ là những dấu hiệu rõ ràng Bắc Kinh đang tìm cách làm suy yếu liên minh của Hoa Kỳ và muốn đuổi Mỹ ra khỏi vùng Tây Thái Bình Dương. Kết quả hứa hẹn là một bi kịch quen thuộc: sự căng thẳng ngày càng tăng sẽ dẫn đến xung đột không có lợi cho ai. Và với tiềm năng lớn về kinh tế của Trung Quốc và xung lượng đang có, Trung Quốc hiện có thể là một đối thủ ghê gớm hơn Nga, dù Nga có vũ khí hạt nhân.
Lích trình chuyến đi châu Á của Tông thống Mỹ Barack Obama (4/2014), Nguồn: Nhà Trắng.
Lích trình chuyến đi châu Á của Tông thống Mỹ Barack Obama (4/2014), Nguồn: Nhà Trắng.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đề nghị giải quyết vấn đề bằng cách xây dựng “lòng tin chiến lược”, và “một hình thức mới của mối quan hệ giữa các cường quốc”. Nhưng vấn đề này lại dẫn đến câu hỏi quan trọng nhất: làm thế nào để xây dựng lòng tin, và loại quan hệ nào mà Hoa Kỳ và Trung Quốc mong muốn có? Thách thức này trở nên bí hiểm hơn khi không ai biết ý định lâu dài của cả hai bên. Chuẩn bị để đối phó với một tương lai bấp bênh và thường sẽ đi đến tồi tệ là điều tốt nhất.
Để giải quyết tình trạng khó xử này, Mỹ cần một chiến lược rõ ràng. Chúng tôi đề nghị chiến lược có tên là “Kiên quyết và tái cam ddoan”.
Chiến tranh thường xẩy ra vì những đánh giá sai lầm về về quyết tâm của nước khác. Ở Đông Á, và giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, Chiến tranh Triều Tiên đã chứng minh những gì có thể xẩy ra khi một bên tính sai quyết tâm của đối phương. Hoa Kỳ cần phải biểu dương một cách rõ ràng về quyết tâm để bảo vệ lợi ích sống còn của Mỹ. Và trong bối cảnh hiện tại của khu vực Đông Á, không còn gì quan trọng hơn là các cam kết với đồng minh. Để tránh những đánh giá sai lầm, Hoa Kỳ phải giữ vững uy tín trước trách nhiệm hiệp ước với đồng minh, bằng cả lời nói – như chính quyền đã tuyên bố rõ ràng rằng quần đảo Senkaku thuộc trách nhiệm hỗ trợ đồng minh Nhật Bản của Mỹ dựa trên hiệp ước an ninh Mỹ- Nhật Bản – và trong cả hành động.
Điều này không có nghĩa là Washington phải rút kiếm ra khỏi vỏ ngay lập tức nếu căng thẳng leo thang vì những hành động của Trung Quốc gần quần đảo Senkaku hay vùng đảo đang tranh chấp ở Biển Đông, nhưng Hoa Kỳ phải cho mọi bên hiểu rõ rằng Mỹ sẵng sàng áp đặt một giá đáng kể nếu lằn đỏ bị vượt qua – đó là lý do tại sao phản ứng trước hành động gây hấn của Nga ở Ukraine rất nổi bật với tình hình ở Đông Á.
Đồng minh của Mỹ ở châu Á lo ngại rằng khả năng của Trung Quốc áp đặt cái giá kinh tế mà Hoa Kỳ phải trả có thể làm Washington thoái chí – mối quan tâm trở nên trầm trọng hơn vì Mỹ và châu Âu đang quá thận trọng trong việc áp đặt giá mà Nga phải trả cho việc xâm lấn Ukraine. Đợt cấm vận cuối tháng Ba để trừng phạt Nga phần nào trấn an các đồng minh là Mỹ sẵn sàng chấp nhận những rủi ro khi bị trả đũa kinh tế để áp đặt giá phải trả cho ai vượt qua lằn đỏ. Đồng minh của Mỹ tiếp tục theo dõi khít khao xem liệu các mối đe dọa cấm vận rộng lớn có trở thành hiện thực hơn trong trường hợp Nga tiếp tục lấn chiếm.
Nhưng bày tỏ quyết tâm chỉ là một phần của một chiến lược để ổn định quan hệ Mỹ-Trung Quốc. Mỹ và đồng minh đều muốn tái cam đoan với Trung Quốc là nếu Bắc Kinh ứng xử có trách nhiệm thì họ sẽ không ngăn cản tương lai thịnh vượng và an ninh của Trung Quốc. Sự quyết tâm phải được cân bằng bằng cách xây dựng lòng tin thích hợp, gồm cả việc sẵn sàng để tham gia vào những thỏa ước giúp cho mọi bên đều đáng tin cậy hơn vì những thiện ý. Đây có thể là thỏa ước “Bầu trời mở”, một thỏa thuận về trinh sát, cho phép cả hai bên được phép bay qua lãnh thổ của nhau để giảm bớt những nghi ngại về những điều còn bí mật; có những thỏa thuận để giải quyết các sự kiện trên biển để giảm bớt nguy hiểm trong những cuộc đụng độ tình cờ nhưng bị có thể hiểu là những hành động cố tình khiêu khích, cho dù có hay không; và hạn chế các hoạt động gây mất ổn định trên không, chẳng hạn như sự cố tình phá hủy những phi thuyền.
Cũng quan trọng như thỏa ước chính thức là sự tự kiềm chế của hai bên trong những hành động tự vệ có thể được xem là hành động đe dọa; tăng cường tính minh bạch để xóa tan những hiểu lầm; và đáp lại những ứng xử tích cực để dựng một vòng tròn đạo đức phát triển tự tin. Điều này có thể có nghĩa là Trung Quốc cần sẵn sàng giảm tốc độ tăng cường quân sự thay vì tiếp tục chạy đua vũ trang. Và với Hoa Kỳ có nghĩa là Mỹ có thể cần thay đổi khái niệm Trận chiến Không-Hải của mình, với một tên lành tính hơn vis dụ như Hoạt động Không-Hải và một chính sách toàn diện hơn khi phải áp dụng, nhấn mạnh các mục tiêu phòng thủ thay vì những chiến dịch tấn công – mà một số ở Trung Quốc coi là khả năng để đánh phủ đầu, để ra đòn hạ thủ. Cả hai bên cần phải sửa đổi và phối hợp lại kế hoạch dự phòng ở những nơi như bán đảo Đại Hàn, để giảm thiểu sự nguy hiểm của việc leo thang không cần thiết.
Đây là một nhật ký công tác đầy tham vọng. Nhưng nếu Trung Quốc và Hoa Kỳ hy vọng tránh được sự cạnh tranh ngày càng tăng, thường thấy trong tương tác giữa một cường quốc và một nước đang lên, thì nỗ lực này là điều cần thiết. Một sự kết hợp đúng đắn của chiến lược tái cam kết và sự quyết tâm có thể cứu được mối quan hệ Mỹ-Trung Quốc ra khỏi con xoáy mất lòng tin, như mối quan hệ Mỹ-Nga hiện nay, và giữ cho quan hệ đó không đi vào những hiểm họa lớn hơn nữa.
(Việt Nam không phải là một đồng minh trong vùng Đông Nam châu Á, và cũng không có hiệp ước an ninh nào với Mỹ. – TM)
© 2014 DCVOnline

Nguồn: Don’t Be a Menace to South (China Sea). By Jim Steinberg, Mike O’hanlon. Foreign Policy. April 21, 2014.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét